Khi
người Pháp xây dựng Phủ Toàn Quyền, họ đã có ý định quy hoạch cả vùng
Cửa Tây thành cũ này thành một khu có dinh thự cơ quan văn phòng làm
việc, quảng trường và công viên lớn, và thế là Vườn Bách Thảo được xây
dựng.Thật ra Vườn Bách Thảo đã nằm trong ý định của nhà cầm quyền trước
khi có dự án Phủ Toàn Quyền. Đầu tiên nó nhằm mục đích là một vườn thí
nghiệm trồng cây nhiệt đới. Nghị định chính phủ Đông Dương giao cho
Brousmiche, một dược sĩ hải quân biệt phái về sở Nông Lâm nghiên cứu làm
tờ trình. Lúc đầu dự kiến vườn thí nghiệm này gồm cả một khu vực rộng
khoảng năm mươi héc ta, từ làng Ngọc Hà ra sát bờ Hồ Tây. Khi thực hiện
thì Vườn Bách Thảo chỉ đến Đường Thành ( Digue Parreau -Hoàng Hoa Thám
ngày nay ), chiếm có mười hai héc ta rưỡi . Phía bên kia đường ra đến
tận bờ hồ là vườn ươm cây của thành phố .
Bắt đầu năm 1890 khởi công làm Vườn Bách Thảo, nó bao gồm đất các làng
Ngọc Hà, Hữu Tiệp và đầm ao làng Khán Xuân ( làng Khán Xuân là tên hợp
nhất hai thôn Hậu Khán Sơn và Xuân Sơn ).
Núi Sưa ,tên chữ là Sư Sơn ở giữa Vườn Bách Thảo vẫn bị gọi nhầm là núi Nùng ,sở dĩ gọi vậy vì trên núi có nhiều cây Sưa .
Lưng chừng núi có một ngôi đền nhỏ thờ Huyền Thiên Hắc Đế .Trong đền còn có đôi câu đối sau :
Nhất dạ mộng sinh dương thác Sư Sơn truyền ngọc phả
Cửu thiền phù thốn âm phù Lý Thất thiếp hà ba
Theo truyền thuyết thì thần họ Lý có công giúp nước,phò vua Lý đánh
giặc Phương Nam.Trong một trận thủy chiến gay go, bỗng nhiên mây đen
kéo đến bao phủ nơi chiến địa, dông tố nổi lên làm đắm nhiều thuyền địch
khiến chúng thua to . Ngoài ra Ngài còn được hai làng Ngọc Hà và Hữu
Tiệp thờ làm Thành Hoàng .
Trước mặt Núi Sưa có một cái hồ rộng có hòn đảo nhỏ không biết vì sao lại gọi là đảo Con Nhện .
Cầu dẫn ra đảo
Khi
làm Vườn Bách Thảo ,phát hiện thấy một ngôi mộ ở sát hồ này , có một
tấm bia ghi là mộ của Lê Chất , cựu Tổng Trấn Bắc Hà bị nhà Nguyễn kết
tội ( có thể đây là mộ giả của Lê Chất khi ông thụ hình vì sau khi chết
xác ông được đưa về quê nhà an táng ), mộ này được xây lại như cũ . ở mé
đông bắc sát Phủ Toàn Quyền còn lại ngôi đền Hội Đồng là một di tích
lịch sử có từ đầu thế kỷ XIX .
Công việc sửa sang Vườn Bách Thảo
phải mất mấy năm , chính quyền bảo hộ sử dụng cả nhân công phạm nhân
.Tháng 6 năm 1894 ,một toán mười hai phạm nhân trong nhà lao Hỏa Lò bị
đưa ra đây làm việc , họ vốn là nghĩa quân Bãi Sậy bị bắt , thừa lúc
lính canh sơ ý đã cướp súng rồi bắn chết tám tên lính canh . Họ chạy
trốn theo đường Sơn Tây ,bọn Pháp huy động quân đội đuổi bắt nhưng họ cố
thủ trong một ngôi chùa nhỏ ở cánh đồng Từ Liêm ,hy sinh mười một người
, chỉ duy nhất một người chạy thoát . Bọn Pháp tức điên lên bèn chặt
đầu mười một xác chết đem về bêu ở Hà Nội .
Gọi là Vườn Bách Thảo
vì đó là một vườn cây thí nghiệm , tại đây có tới ba nghìn loại thảo mộc
, hầu hết đều nhập ngoại .Thời gian đầu định mở ở đây một trường nông
nghiệp thực hành đào tạo công nhân và đốc công cho các nhà trồng trọt
đồn điền Pháp , sau đó Vườn chỉ còn là vườn thí nghiệm cây nước ngoài di
thực .Vườn còn có tên thông thường là Trại Hàng Hoa , vì có vườn ươm
này nên lần đầu tiên các giống hoa nước ngoài được phổ biến, phát triển
ra các làng xung quanh thành nghề trồng hoa bán cho người trong phố ,
nhất là dịp lễ tết người Tây dùng nhiều , làng Ngọc Hà ,Hữu Tiệp nổi
tiếng về hoa từ đấy .
Hồ Dài
Vào khoảng năm 1920 , một khu công sở mọc lên ở góc tây nam của Vườn :
Nha Nông Lâm ( bây giờ là bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông Thôn ) . Cơ
quan này trước ở khu trung tâm thành phố chuyển về . Trong nhiều năm
Bách Thảo là một khu công viên giải trí lớn , tránh nắng cho dân Hà Nội
trong mùa hè .
Cây
cao tán rộng lá xanh phủ kín tỏa bóng xuống những con đường rộng rãi
ngang dọc khắp nơi trong Vườn . Các hồ nước đều trồng sen , mùa hè
hương thơm theo gió mát ngào ngạt khắp nơi .Đó đây có những chuồng chim
hoặc thú , có một dãy chuồng nuôi hổ báo, gấu ...
Trên
đảo Con Nhện còn thả Sếu , Giang ...Vì thế người ta còn gọi là Vườn
Bách Thú . Ngày thường người ta hay dẫn trẻ con vào đây chơi , hóng gió
mát và xem thú , trẻ con thích nhất mấy chuồng khỉ .
Bách Thảo làm ra chủ yếu lấy chỗ chơi mát cho Tây đầm Hà Nội nhưng thường đông vào chủ nhật .
Đây cũng là nơi phong cảnh hấp dẫn của Hà Nội , người nông thôn ra chơi
ai cũng ao ước lên chơi Bách Thảo , cũng như vào chợ Đồng Xuân và ra
Hồ Gươm , có đủ bộ như thế mới toại nguyện .
Cũng có người mang
tâm trạng ưu thời mẫn thế lấy cảnh Bách Thú để nói lên tâm sự . Một nhà
Nho hồi đầu thế kỷ có làm bài thơ sau :
Một đám cây xanh một dãy chuồng ,
Mỗi chuồng nhốt một thứ chim muông .
Khù khì vua cọp no nằm ngủ ,
Nhớn nhác dân hươu đói chạy cuồng .
Lũ khỉ được ăn bày lắm chuyện ,
Đàn chim chực miếng hót ra tuồng .
Lại còn gấu dại vài ba chú ,
Hì hục tranh nhau một khúc xương .
Bài thơ khuyết danh , nghe nói là làm ra nhân khi vua Thành Thái ra
Bắc nhân dịp khánh thành cầu Sông Cái năm 1902 (cầu Long Biên ngày nay )
và vào thăm Vườn Bách Thảo .
Thanh niên Hà Nội những năm 30 thì lại có tâm sự khác , đứng trước chuồng cọp Thế Lữ cảm khái làm bài thơ có những câu :
..."Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ ,
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa ...
Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ? "
Nhớ rừng
Vườn
Bách Thảo chỉ có người đi lại vui chơi lúc ban ngày , về đêm ít ai dám
đến , người ta sợ bóng cây tối đen gió rì rào , tiếng cú kêu rờn rợn ,
tiếng hổ đói nhớ rừng gầm rú . Còn sợ hơn nữa những tên cướp đường lợi
dụng đoạn này vắng vẻ . Năm 1929 trong Vườn Bách Thảo đã xảy ra vụ ám
sát Nguyễn Văn Kính , một đảng viên Quốc dân đảng phản bội, người thi
hành bản án là Ký Con .
Sau này , đây trở thành công viên , bọn
thú được đưa về công viên Thủ Lệ gần Đền Voi Phục , Cầu Giấy, Vườn Bách
Thảo trở thành vườn thực vật thuần túy .Thường cuối tuần có chiếu phim ở
bãi trống cạnh hồ Tròn ( ngoài hồ to ở giữa có đảo Con Nhện ,còn hồ
Tròn và hồ Dài được gọi theo hình thể của hồ ). Bọn trẻ con thường trèo
tường vào xem ké thì ít , đi rình bọn người lớn hôn nhau thì nhiều (
ngày đó thanh niên yêu nhau chẳng có chỗ mà đi nên hay rủ nhau vào công
viên để tâm sự yêu đương ),mùa hè thì đi bắt ve -gọi là sờ ve vì thường
phải lần tay quanh gốc cây để bắt chúng ,nhưng về sau bọn trẻ nghĩ ra
cách kiếm cái lốp xe cũ đốt lên đi soi ve nhưng thật ra chúng đi soi bọn
người lớn là chính , muốn đuổi đi chỉ bằng cách cho thuốc lá hoặc ít
tiền .
Trong khoảng mấy năm từ 79 đến 81 , có một vụ tự tử trên
núi Sưa bằng lựu đạn của một thanh niên thất tình , đất lõm như cái rá ,
nội tạng vắt lên tận ngọn cây cao , mấy làng quanh đấy còn nghe thấy
tiếng nổ .
Vườn Bách Thảo bây giờ vẫn là nơi ưa thích của đám yêu
đương vào tâm sự , chụp ảnh cưới ngoại cảnh cũng vậy , chỉ xót xa cho
Vườn vì không được là chính mình , một vườn Thực Vật gồm rất nhiều cây
di thực quý hiếm , các em học sinh không có cơ hội được hiểu biết thêm
ngoài sách vở .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét