Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BÚN TỪ BẮC VÔ NAM - I

Phanxipăng
Phở và hủ tíu / hủ tiếu hiện quá phổ biến đối với dân ta. 
Hai món ấy dù đã Việt hoá tối đa song bắt nguồn từ Trung Hoa. 
Có ý kiến cho rằng một trong những thức ngon thuần Việt, 
hoàn toàn mang gốc gác bản địa, chính là bún.
Qủa thật, lui tới nhiều tiệm ăn của người Hoa, tôi chưa hề thấy các món bún. Thực phẩm được gọi "bún Tàu" hoặc "bún trong" thực chất là miến dong nhỏ sợi, chứ nào phải bún đúng nghĩa. Hãy cùng tôi ngao du một chuyến từ Bắc vô Nam, bạn sẽ xiết bao thích thú khi khám phá ra rằng bún Việt Nam sao quá phong phú về chủng loại, lại cực kỳ hấp dẫn vì mỗi miền một vẻ, mà vẻ nào cũng tuyệt diệu vô ngần.
Từ phố Hàng Bún ở Hà Nội
Nội thành Hà Nội hiện có phố Hàng Bún dài 484m, chạy từ đường Yên Phụ tới phố Phan Đình Phùng. Ngày nay, phố Hàng Bún thuộc quận Ba Đình; còn xưa nằm trong địa bàn thôn Yên Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Sách Đường phố Hà Nội do Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá hợp soạn đã giải thích: "Sở dĩ có tên là Hàng Bún vì thời xưa thôn Yên Ninh có nghề làm bún nổi tiếng, sợi nhỏ và trắng. Cho tới năm 1945 ở đây vẫn còn có nhà làm bún".(1) Xem lại Hoài Đức phủ toàn đồ, tức bản đồ Hà Nội do Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ, được nhiều nhà nghiên cứu xác định thời điểm ra đời vào niên hiệu Minh Mạng XII tức năm Tân Mão 1831 (2), thấy phố Hàng Bún đấy rồi. Nhiều khả năng tên phố xuất hiện rất lâu trước thời điểm ấy nữa. Điều đó chứng tỏ bún là thức ăn quá đỗi quen thuộc của bà con Kẻ Chợ nói riêng, của nhân dân Bắc Bộ nói chung tự thuở xa xăm. Bao đợt điều tra điền dã folklore học và dân tộc học bấy nay cũng ghi nhận vai trò không thể thiếu của bún trong một số lễ hội dân gian cổ truyền ở khu vực châu thổ sông Hồng.
Do những biến động lịch sử, nền văn hoá ẩm thực Việt Nam đã ít nhiều chịu ảnh hưởng ngoại bang theo cả hai xu hướng hỗn dung: tích cực lẫn tiêu cực. Thập niên 1950, viết Miếng ngon Hà Nội (3), Vũ Bằng nêu nhận xét: "Có thứ thì bắt chước Tàu, có thứ thì bắt chước Tây, có thứ lại quảng cáo ăn ngon như đồ Mỹ, đồ Anh, nhưng rút cục lại Hà Nội có một món quà không theo ai cả, đặc biệt Việt Nam, mà tôi dám chắc không có người Việt Nam nào không ăn, mà tôi lại dám chắc thêm rằng không có người Việt Nam nào không thích: đó là quà bún". Thiển nghĩ nhận xét kia chẳng những đúng với vùng núi Nùng sông Nhị, mà còn phù hợp trên phạm vi toàn quốc tính đến phút giây này. Giống hệt Thạch Lam trước kia viết trong Hà Nội băm sáu phố phường(4), nhắc về quà bún Hà thành thì y như rằng ai nấy đều nhớ ngay thứ "quan trọng và đặc điểm nhất" đồng thời "phổ thông nhất" là món bún chả. Vũ Bằng cũng thế. Cố nhiên, tôi đây chẳng khác. Nghe đồn rằng thuở xưa có ông đồ cuồng chữ ở nhà quê khăn gói lên Đông Đô, mới ngửi mùi bún chả liền khoan khoái ứng khẩu:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long,
Bún chả là đây có phải không?
Hiện tại, hầu như khắp các quận huyện nội ngoại thành Đông Đô - Đông Kinh, đâu cũng có cửa hiệu hoặc gánh bán rong món "bửu vật" này. Cứ ngửi thấy mùi chả nướng bốc thơm phưng phức thì biết ngay. Có hai thứ chả: nướng và băm. Nhà văn kiêm nhà báo Vũ Bằng chứng tỏ sành điệu khi khuyên chúng ta dùng chung cả hai trong một bát nước chấm: "Thứ chả băm mềm đi với thứ chả miếng sậm sựt tạo thành một sự nhịp nhàng cho khẩu cái". Ghé mấy hiệu bún chả nổi tiếng ở ô Quan Chưởng, ở Cửa Nam, ở phố Gia Ngư và phố Hàng Mành, hoặc dãy hàng bún chả trong các chợ khắp thủ đô, hầu như thấy ít khi vắng khách. Ăn với chả, đâu phải bún gì cũng đạt, mà người ta phải chọn loại bún mảnh sợi được cuộn từng lá mỏng. Còn nước chấm là nước mắm pha dấm theo tỉ lệ thế nào để đừng quá mặn, đừng quá chua, lại điểm thêm mấy múi chanh, tí tỏi, tí tiêu, tí ớt, êm lừ cả thần khẩu.
                                                        Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét