Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN IV

Tam Thế Phật
Theo Phật, thì nơi ta đang ở là một thế giới. Một ngàn thế giới này hợp thành một Tiểu thiên thế giới; Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp thành một Trung thiên thế giới; Một ngàn trung thiên thế giới hợp thành một Đại thiên thế giới. Con số một ngàn mang tính ước lệ, có thể hiểu là rất nhiều. Tập hợp tất cả gọi là Tam thiên Đại thiên thế giới, tức là vô cùng vô tận thế giới.

Gần như tất cả các chùa ở miền Bắc đều có tượng Phật Tam Thế, và để ở vị trí cao nhất, tầng trên cùng của bàn thờ. Chùa Huế có tượng Tam thế, nhưng miền Nam thì hiếm gặp.

Tam Thế Phật gồm ba pho, tượng trưng cho tất cả các vị Phật trong Tam thiên đại thiên thế giới, của ba thời Quá Khứ - Hiện Tại - Vị Lai. Ba pho có kích thước bằng nhau, thường được để cao ngang nhau, nhưng cũng có trường hợp pho giữa (Hiện Tại) để cao nhất.

Vì là bậc Phật nên Tam Thế đều ngồi tòa sen. Có chùa thì ba pho giống hệt nhau, nhưng cũng có chùa ba pho khác nhau ở cách bắt ấn tay.


Phật Tam Thế chùa Bút Tháp, tác phẩm đời Lê, thế kỉ 17.




Chính điện chùa Hàm Long trong một ngày đại lễ, hoa quả bày kín cả bàn thờ, chả còn thấy tượng nào, ngoại trừ ba pho Tam Thế ở cao nhất. Ba chữ trên bức hoành là "Tam giới đại sư" : bậc Thầy của ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới)

(Chụp ảnh các pho Tam thế thường rất khó, vì ở vị trí quá cao, không dám trèo lên tận nơi, nếu đứng xa zoom vào thì lại khuất vào sau các tượng khác).





Phật A Di Đà
Trong Phật giáo Đại thừa, Phật A Di Đà có vị trí rất quan trọng, là đức Phật tiếp dẫn chúng sinh đến với Giác ngộ. Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tịnh độ, tức là cõi Tây phương Cực lạc, tuy nơi đó chưa phải là cõi giác ngộ (Niết Bàn), nhưng tại đó con đường đến giác ngộ rất gần.

Câu tụng "Nam mô A Di Đà phật" được coi là một thần chú hiệu nghiệm nhất của Tịnh Độ tông, khi tụng câu này tức là đã kêu cầu đến sự cứu độ của Phật A Di Đà. Ở Việt Nam thì dù chả biết mình có theo tông nào hay không, cứ vào chùa là tụng câu này hết, và tương đương với câu "Giê su ma lạy chúa tôi" trong đạo Thiên Chúa, dù bản chất là khác nhau.

Phật A Di Đà có hai tùy giá là Bồ tát Quán Thế Âm đứng bên tay trái và Đại Thế Chí đứng bên tay phải. Bộ ba vị được gọi là Di Đà Tam tôn, hay Tây phương Tam thánh, được tôn sùng rất mực.

Quán Thế Âm nghĩa là thấu được âm thanh của thế gian, Đại Thế Chí nghĩa là hiểu được chí nguyện của thế gian. Nói chung các vị Phật và Bồ tát tại nguyên thủy là phi giới tính, nhưng trong những ứng thân, thì Quán Thế Âm có trường hợp là nữ.

Trong các ngôi chùa miền Bắc, tượng Phật A Di Đà là pho tượng lớn nhất, ngồi uy nghi trên tòa sen. Hai pho Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng (hoặc ngồi) ở hai bên, ba pho tượng được xếp phía trước, thấp hơn tượng Tam Thế.

A Di Đà là Phật, nên trên đầu có tóc xoắn ốc, ngồi theo thế liên hoa bán kiết, hai tay để trong lòng; còn hai Bồ tát đội mũ, hai tay bắt các thủ ấn hoặc nâng pháp khí.

Di Đà Tam tôn chùa Quán Sứ, Hà Nội, tượng Di Đà ở chính giữa đại điện rất lớn, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng ở hai bên, nhỏ hơn rất nhiều. Phía sau, cao hơn là tượng Tam Thế.
 




Tượng Tam Thế ở bên trên và A Di Đà bên dưới tại chùa Tây Phương. Ở đây A Di Đà không có hai Bồ tát tùy giá hai bên, vì bên chùa ngoài đã có tượng rồi. Như vậy chùa này có đến 2 pho A Di Đà, một pho ngồi và một pho đứng.

Bộ ba Tam Thế chùa Tây Phương do chúa Trịnh Giang cho tạc, là một bộ Tam thế rất đẹp.



  
 
Nghiêm trang trước khi vào



Thứ nhất là chùa Đồng Ngọ, hay còn gọi là chùa Cập Nhất, vì nằm ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà. Nhưng dân gian toàn gọi là chùa Cửu Phẩm, bởi chùa có một tháp gỗ Cửu Phẩm liên hoa cổ, tuổi trên 300 năm. Tháp gỗ có 9 tầng, sáu cạnh. Mỗi cạnh của một tầng có để 3 pho tượng gồm 1 tượng Phật và hai tượng Bồ tát, tổng cộng là 3 x 6 x 9 = 162 pho tượng lớn nhỏ.

Ngoài ra chùa còn có một pho tượng Quan Âm nhiều tay cổ nhất Việt Nam, 5 trăm năm tuổi, và cả trăm trục đá dùng để làm lúa thời trước.

Sau đó lên chùa Cao trên đỉnh núi An Phụ, nơi xưa kia là thái ấp của An Sinh vương Trần Liễu. Trên đỉnh núi cũng có đền thờ ông. Từ đó có thể nhìn ra toàn bộ cả vùng Kinh Môn. Tượng đá Trần Hưng Đạo ở thấp hơn đền, cũng khá đẹp, và là tượng được dựng đầu tiên trong hệ thống các tượng lớn về Thánh Trần.

Cùng xã đó có ngôi đình Huề Trì, với kiến trúc hình vuông, duy nhất và độc đáo nhất đồng bằng Bắc bộ. Bên huyện khác có ngôi chùa Gạo với tòa tháp Cửu phẩm bằng đá khối, chạm trổ rất đẹp, là công trình đầu đời Nguyễn, hơn 200 năm trước. Tháp này cũng là di vật quý giá của điêu khắc đá cổ Việt Nam.

Từ Hải Dương về có ghé chùa Giám, là nơi xưa kia Thánh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh tu và chữa bệnh giúp người. Nơi đây cũng có tòa tháp gỗ Cửu phẩm Liên hoa. Trên toàn quốc chỉ còn 3 tòa tháp cổ ở chùa Đồng Ngọ, chùa Giám, và chùa Bút Tháp mà thôi.

Và ghé qua làng Nôm, ngôi làng cổ tỉnh Hưng Yên..


A Di Đà
Tượng phật A Di Đà thường là pho tượng lớn nhất trong chùa. Một số chùa tượng A Di Đà to chiếm toàn bộ chính điện, không còn bày thêm tượng nào nữa.

Pho tượng A Di Đà bằng gỗ lớn nhất ở Hà Nội (và có lẽ là pho tượng gỗ lớn nhất toàn quốc?) ở chùa Hưng Ký, cao gần 4m, đường kính tòa sen cũng khoảng hơn 3m, chiếm trọn gian chính điện. Sự vĩ đại của tượng thể hiện tầm bao trùm của phật A Di Đà với toàn cõi Sa bà, theo pháp môn niệm phật của Tịnh Độ tông.



Pho tượng chùa Hưng Ký có độ lớn hiếm có đối với một pho tượng gỗ. Còn bằng các chất liệu khác thì tượng to ngày càng nhiều. Trong miền Nam, các pho tượng Phật to làm bằng gạch đắp ximăng cao hàng chục mét xuất hiện khắp nơi, từ Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... chỗ nào cũng có.

Ở miền bắc, việc "xây" tượng Phật gần đây cũng bắt đầu xuất hiện. Tiêu biểu là trên núi Phật Tích sắp xây pho tượng A Di Đà theo mẫu của pho tượng đá đời Lý còn ở trong chùa, nhưng to gấp mười mấy lần, cao đến 30 mét.

Chùa Non Nước thì đúc tượng Phật bằng đồng nặng hàng chục tấn, chùa Bái Đính đang làm thì một pho nặng 100 tấn, 3 pho nặng 50 tấn. Khiếp quá !!!


Tượng A Di Đà chùa Phật Tích
Trong các pho tượng phật A Di Đà của tất cả các chùa, pho tượng quý giá nhất là pho tượng đá chùa Phật Tích.

Đây là pho tượng đời Lý còn nguyên vẹn nhất, hoàn thiện nhất còn lại đến nay. Tượng được tạc năm 1057 và dát vàng, còn ghi lại trong Đại Việt Sử ký. Chùa Phật Tích xưa là ngôi chùa lớn nhất thời Lý. Xưa tượng để trong một tháp đá cao, sau tháp bị đổ, mới lộ ra tượng. Triều Lê dựng chùa rất lớn cả một vùng, rồi cũng bị hủy hoại.

Khi Pháp chiếm Việt Nam, chùa đã bị đổ hoàn toàn, tượng phật đá lộ ra giữa trời, quân Pháp lấy làm bia tập bắn, cho nên đến nay trên thân tượng còn vô số vết hỏng, vết nứt phải trám lại. Chùa mới dựng sau này quy mô nhỏ.

Hầu hết các tài liệu đều cho rằng đây là tượng phật A Di Đà, nhưng Trần Trọng Kim cho rằng đây là tượng Thế Tôn, tức phật Thích Ca, còn sư trụ trì hiện nay thì lại cho rằng đây là tượng phật Tỳ Lư Xá Na (Vairocana), tức Đại Nhật Như Lai phật.




Tượng A Di Đà thường là tượng ngồi, tuy nhiên một số trường hợp cũng có tượng đứng, như chùa Tây Phương.

Hai bên phật A Di Đà, hai vị Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tùy giá thường là tượng đứng, và khá giống nhau, chỉ khác nhau ở việc đổi vị trí tay. Trong chùa có thể có nhiều tượng Quán Thế Âm, đây cũng là điều đáng chú ý ở các chùa Đại thừa.

Ba pho Di Đà Tam tôn chùa Tây Phương, ba pho đứng cao quá, chụp phải ngước lên mỏi cổ




Tượng Quán Thế Âm ngồi bên trái A Di Đà thì có lẽ đẹp và độc đáo bậc nhất là pho tượng này của chùa Thầy. Pho tượng khoảng 500 năm tuổi, xưa kia cầm một pháp khí gì đó của Phật giáo, nhưng chắc bị mất nên mới được thay bằng một cái phất trần, vốn là đồ của Đạo giáo.

Tượng này ngồi rất tự nhiên, trong tư thế vương giả ung dung. Tôi chưa gặp ở đâu pho tượng Quán Thế Âm tương tự cả. Đây cũng là pho Quán Thế Âm bồ tát bằng gỗ thuộc loại cổ nhất còn lại.




Trong chùa Đại thừa, tượng phật Thích Ca là không thể thiếu. Tuy vậy, tượng Thích Ca cũng có nhiều trạng thái:

- Thích Ca sơ sinh, đó là mô tả khi Phật ra đời, kết hợp thành tòa Cửu long

- Thích Ca tu khổ hạnh, hay gọi là tượng Tuyết Sơn, mô tả quá trình đi tìm đạo, tu hành xác trong dãy Himalaya

- Thích Ca thành đạo, Phật ngồi xếp bằng tròn, trong thế thiền định dưới gốc Bồ đề, đắc đạo chứng quả.

- Thích Ca thuyết pháp, thường có một bông hoa sen trong tay, gọi là Phật niêm hoa, hoặc không có hoa sen thì giơ hai ngón tay

- Thích Ca nhập Niết Bàn, tức lúc viên tịch, rời bỏ Dư ý Niết Bàn để vào Vô dư ý Niết Bàn. Tượng trong tư thế nằm nghiêng về bên phải.

Trong các chùa miền Bắc, tượng Thích Ca thành đạo hay Thuyết pháp được đặt dưới tượng A Di Đà, đứng giữa hai pho tượng khác.

- Nếu tượng Thích Ca ở giữa Ca Diếp và A Nan, hai đại đệ tử, hai vị Sơ tổ và Nhị tổ (Tổ tiếp nối Phật), thì gọi là tượng "Nhất Phật nhị Tôn giả".
- Nếu tượng Thích Ca ở giữa hai Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền, thì gọi là Hoa Nghiêm Tam thánh, bởi hai vị đại Bồ tát này được viết đến trong kinh Hoa Nghiêm.

                                                                                     Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét