Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

KIM TỰ THÁP AI CẬP IV

Các Kim Tự Tháp ở Ai Cập (tiếp theo) Biên Khảo : Đức Chính 
B.- Quần thể Kim Tự Tháp ở cao nguyên Giza:
Cao nguyên này nằm ven thủ đô Cairo của Ai Cập, cách khoảng 25 km về hướng Tây Nam. Nguyên xưa nơi này có một thành phố cổ tên là Giza, bên bờ sông Nil. Nơi đây nổi tiếng với Kim Tự Tháp lớn Giza (tức Kim Tự Tháp Cheops)  được coi là một trong 7 kỳ quan cổ đại của thế giới và tượng nhân sư khổng lồ. Điều đáng nói là 6 kỳ quan cổ đại kia không còn nữa và chỉ biết qua lời truyền tụng trong sách vở thì Kim Tự Tháp Giza vẫn sừng sửng như thách đố thời gian.
Cao nguyên thung lũng[1] Giza 11 Kim Tự Tháp, 4 ngôi đền và 3 miếu đường. Đường vào khu vực này có 3 ngã. Ở đây chỉ giới thiệu 3 Kim Tự Tháp nổi tiếng của ba đời vua liên tiếp nhau: Khufu, con trai là Khafre và cháu nội Menkaure.

1.- Kim Tự Tháp Giza, tức Kim Tự Tháp Cheops: Kim Tự Tháp này còn gọi là Kim Tự Tháp Khufu vì được dựng lên để làm nơi an nghỉ cho vị vua này. Đây là Kim Tự Tháp cổ nhất và vĩ đại nhất trong số ba Kim Tự Tháp nổi tiếng ở quần thể này.
Pharaoh Khufu là vị vua triều đại thứ 4. Theo truyền tụng ông đã huy động nhân lực xây dựng Kim Tự Tháp này mất 14-20 năm. Đó là thời gian vào khoảng những năm 2560 trước Công nguyên. Sự to lớn của công trình được thực hiện vào thời đại ấy quả làm chúng ta kinh ngạc.
  Kim Tự Tháp Khufu là công trình cao nhất do nhân loại dựng lên và vững tồn suốt 3800 năm nay. Người ta tin rằng kiến trúc sư của công trình là vị tể tướng (âm tiếng Ai Cập là vizier) tên là Hemon chỉ huy. Thuở ban đầu Kim Tự Tháp này cao 146,6 m, nhưng do bị xói mòn nên nay chỉ còn cao 138,8 m. Đáy của nó ghép 440 khối đá vôi, mỗi khối đá vuông vức 0,524 m. Người ta tính ra công trình này ngốn 5,9 triệu tấn đá vôi, chiếm thể tích 2.500.000 m3. Như vậy nếu thời gian dài 20 năm thì mỗi ngày sử dụng hết 800 tấn đá, chỉ khai thác và di chuyển bằng thủ công và công cụ thô sơ.
  Những khối đá này được đặt chồng lên nhau rất khít tạo thành một công trình rất chuẩn về mặt phương hướng theo tín ngưỡng Ai Cập cổ đại. Công trình nghiên cứu của nhà Ai Cập học Flinders Petrie kéo dài 2 năm liền (1880-82) cho thấy các Kim Tự Tháp và đền thờ ở vùng này dĩ nhiên có cả Kim Tự Tháp Khufu) đều trực chỉ về hướng chính Bắc với độ lệch 4 phút về hướng Tây. Lại nữa, các cạnh của đáy Kim Tự Tháp chỉ sai biệt nhau có 58 mm và lệch góc 1 phút độ. Điều này cho thấy vào thời đó trình độ đo đạc và định phương hướng của Ai Cập đạt trình độ rất cao.
  Mặt ngoài Kim Tự Tháp có lát một lớp đá bao làm nhẵn bề mặt nhưng thời gian đã làm bong tróc nhiều (ở hình 1 chỉ còn một phần trên chóp). Đặc biệt trận động đất lớn năm 1301 sau Công nguyên góp phần làm bong lở thêm rất nhiều.
Các bố trí nội thất theo khuôn phép tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại. Cũng có các hành lang, phòng Pharaoh, phòng Hoàng hậu, phòng ngầm và ống thông chỉa thẳng lên thiên cực bắc của bầu trời.

Tuy nhiên theo truyền thống Kim Tự Tháp Ai Cập, phần lõi bên trong làm bằng đá di chuyển từ nơi khác đến. Phòng Pharaoh làm bằng thứ đá granite đỏ lấy tận vùng Aswan, đầu nguồn sông nil, cách đó trên 900 km. Howard Vyse ước lượng phòng này làm từ 8-9 khối đá granite đỏ có trọng lượng 25-80 tấn mỗi khối. Trong phòng có bệ quàn xác ướp vị Pharaih này. Phòng Hoàng hậu nhỏ hơn làm bằng đá vôi lấy tại chỗ.

2.- Kim Tự Tháp Khafre:

Kim tự Tháp này cao 143,5 m, đáy có cạnh 215,25 m, độ nghiêng 53010’. Sử dụng 1.659.200 m3 đá (trung bình mỗi khối đá nặng 2,5 tấn) và xây dựng vào khoảng năm 2570 trước Công nguyên. Riêng phần đá ốp lát mặt ngoài ước tính đến 7 tấn. Khafre là con nối ngôi của Pharaoh khufu, anh của Djedefre, và ông chỉ trị vì Ai Cập có vài năm.


Kim Tự Tháp này hơi nhỉnh hơn Kim Tự Tháp của tiên vương Khufu. Khi đương vị, Pharaoh này từng mơ ước xây một Kim Tự Tháp cho riêng mình cao lớn hơn cả của phụ vương, nhưng vì sớm băng hà nên không thể tự thân hoàn thành ý nguyện. Sau đó kiến trúc sư Chepren mới thực hiện, vì thế còn gọi là Kim Tự Tháp Khafre – Chepren.

Thực ra đây là một cụm công trình gồm Kim Tự Tháp chính, Kim Tự Tháp phụ và một số công trình nhỏ khác như đền thờ, miếu đường, đường đắp,  …
Đi vào Kim Tự Tháp chính có hai lối làm chồng lên nhau. Lối vào phía trên cách mặt đất 15 m hiện hay dùng để vào tham quan bên trong. Một lối vào khác nằm ngay phía dưới giống như là lối ra vào dự phòng cho lối vào phía bên trên, nhưng con đường này dẫn thẳng đến phòng quàn xác ướp Pharaoh. Các lối vào này được phát hiện vào khoảng thế kỷ 13-17 sau Công nguyên, nhưng vào đến tận các gian phòng phải đợi đến năm 1818, nhờ công của Giovanni Belzoni. Ông đã khám phá ra một chiếc quách làm bằng đá granite hồng (2.62×1.06m) nhưng trống rỗng không có xác ướp, tương tự trường hợp của Kim Tự Tháp Khufu.
Hiện chỉ khám phá ra 2 phòng trong Kim Tự Tháp này. Một phòng ngầm sâu dưới đất, khoét vào tầng đá gốc. Còn phòng kia xây ngay trên tầng đá gốc. Phòng thứ nhất có lẽ dùng để chứa lễ vật cúng kiếng như những Kim Tự Tháp khác; phòng thứ hai có lẽ dùng quàn xác ướp Pharaoh vì trong đó có một chiếc quách bằng đá granite đen[2].

Bên ngoài Kim Tự Tháp ốp đá granite hồng vùng dưới và đá vôi Turah ở phía trên. Tuy nhiên các lớp ốp bị bong nhiều do các trận động đất trong quá khứ. Cấu trúc nội thất tương tự như Kim Tự Tháp Khufu.
Bên cạnh Kim Tự Tháp chính có Kim Tự Tháp nhỏ dành cho việc cúng kiếng. Kim Tự Tháp nhỏ này hầu như đã bị phá hủy toàn bộ, chỉ còn vết tích cho thấy nó từng tồn tại.
3.- Kim Tự Tháp Menkaure: Pharaoh Menkaure quyết định xây dựng Kim Tự Tháp cho mình tại cao nguyên Giza khi thấy vùng an táng Memphite tỏ ra chật hẹp. Lúc đầu Diodorus Siculus mô tả Kim Tự Tháp này và gọi là Kim Tự Tháp Mykerinos; mãi đến sau năm 1837 Vyse, người thăm dò sâu vào lòng kiến trúc này, đặt lại là Kim Tự Tháp Menkaure.

Ban đầu Kim Tự Tháp Menkaure cao khoảng 65-66 m, tức koảng 1/10 khối lượng xây dựng Kim Tự Tháp Khufu thôi. Nhưng cũng như các Kim Tự Tháp khác, nó cũng có ngôi đền riêng và được dẫn vào Kim Tự Tháp bằng một con đường đắp cao lên.

Đặc điểm của công trình này là lớp đá lót móng được chọn lựa kỹ, nhất là ở góc Đông-Bắc Kim Tự Tháp. Lớp nền này dày gấp 2,5 lần Kim Tự Tháp của phụ vương Khafre. Cũng khác với truyền thống xây dựng Kim Tự Tháp, phần lõi dùng đá địa phương thay vì đá từ nơi xa mang đến (chỉ ốp đá mang từ xa về). Duy chỉ lớp đá ốp lát là granite hồng mang từ Aswan về, nhưng lại không mài nhẵn hòan toàn và chỉ ốp cao 15 m.
Bố trí lối vào cũng có hai lối đi trên và dưới; lối đi phía dưới kết thúc ở phòng chứa đồ thờ cúng và lối còn lại vào phòng Pharaoh. Ngoài ra còn phải kể có một lối đi khác không dùng đến nối phía dưới tiền sảnh. Cũng khác với cha và ông nội Khufu, buồng quàn hình chữ nhật theo hướng Bắc Nam, ốp đá granite hồng (thay vì nguyên khối). Vách phía Tây phòng Pharaoh có cái quách bằng đá basalt và trên vách trang trí hình ảnh thần Anubis. Cũng khác với Kim Tự Tháp của ông nội và cha, công trình này không có hố thuyền. Ngược lại làm riêng một Kim Tự Tháp nhỏ cho Hoàng hậu.

Vị Pharaoh này có 3 Hoàng hậu nên xây 3 Kim Tự Tháp. Kim Tự Tháp Hoàng hậu 1 có độ cao ban đầu 28,4 m, độ nghiêng 52015’. Chu vi đáy 44 m. Kim Tự Tháp Hoàng hậu 2 có chu vi đáy 31,24 m và Kim Tự Tháp Hoàng hậu 3 có chu vi đáy 31,24 m. Những Kim Tự Tháp này có hình bậc thang.

(còn tiếp)


[1] Gọi là thung lũng không chính xác nhưng tạm dùng theo thói quen dịch sai của người đi trước. Các tài liệu  nước ngoài hay dùng từ “valley” chỉ vùng này. Thực tế từ “valley” vừa có nghĩa thung lũng vừa có nghĩa là lưu vực một con sông lớn duy nhất. Khi lưu vực đó bao gồm nhiều con sông nhánh tẻ ra từ con sông cái người ta dùng từ “basin” (như trường hợp sông Amazon hay sông Cửu long). Vùng Giza này nằm bên bờ sông Nil nên thuộc lưu vực sông Nil, chứ không phải thung lũng sông Nil (thung lũng theo nghĩa tiếng Việt là vùng thấp giữa các dãy núi) Tương tự như vậy chúng ta sẽ gặp từ Thung Lũng Các Vì Vua (đúng ra là Lưu Vực Các Vì Vua). L‎í do tiếng Anh và tiếng Pháp (vallée) dùng từ này để chỉ thung lũng lẫn lưu vực 1 con sông là vì các thung lũng thường có duy nhất 1 con sông nhỏ chảy qua. Do vậy với vùng đồng bằng có 1 con sông duy nhất tưới tiêu họ dùng từ “valley’ thay cho “basin”.
Để tránh cho bạn đọc khỏi bỡ ngở tôi vẫn tiếp tục dùng sai “thung lũng Giza”.
[2] Nói là có lẽ vì phòng thứ 1 không có các kệ hốc để đồ thờ cúng như các Kim Tự Tháp khác, còn quách phòng thứ 2 không có xác ướp.



Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét