Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

TRANH CÁT TƯỜNG: DÒNG TRANH DÂN GIAN ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI HOA

Có thể nói, tranh cát tường (tốt lành) là một trong những dòng tranh dân gian đặc sắc, gắn liền với sự phát triển về lịch sử, văn hóa; góp phần phản ánh, chuyển tải đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cộng đồng người Hoa.

Tranh Phúc - Lộc - Thọ
Đối với mỗi gia đình người Hoa, trong dịp Tết ai cũng muốn có được một bức tranh cát tường để treo trong nhà. Tranh cát tường có nhiều loại, nhiều hình thức vẽ khác nhau. Cái độc đáo của tranh cát tường là hình vẽ ở mỗi bức tranh đều hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc khác nhau, nơi để người ta gửi gắm ước mơ, khát vọng của mình. Một số bức tranh được treo nhiều trong ngày Tết như: Phúc Lộc Thọ; Thiên quan tứ phước; Ngũ phúc lâm môn; Cung hỷ phát tài... Song, được chuộng và treo nhiều nhất là bức Phúc Lộc Thọ và bức Cung hỷ phát tài. Phúc Lộc Thọ là hình vẽ về 3 ông thần, với 3 phong thái thể hiện khác nhau. Theo quan niệm xưa “nhà đông con là nhà có phúc” nên trong 3 “ông” Phúc, Lộc, Thọ, chỉ có “ông” Phúc là người được bồng đứa con trai. Còn “ông” Lộc thì oai vệ hơn, đầu đội mũ cánh chuồn tượng trưng cho quan tước, trên tay cầm một cây ngọc như ý biểu hiện của quyền uy. Riêng “ông” Thọ thì tượng trưng cho sống lâu, nên “ông” được vẽ là một ông lão trán cao, râu tóc bạc phơ, trên tay lúc nào cũng cầm một quả đào tiên. Nằm chung trong bức tranh này, còn có Hươu tượng trưng cho chữ “lộc”; con Dơi tượng trưng cho chữ “phúc”. Đối với bức Cung hỷ phát tài, hình vẽ là hai tiểu đồng trong tư thế cung chúc đón mừng, trên tay của chúng luôn lủng lẳng những thỏi vàng lóng lánh cùng những câu chúc như: Vạn sự như ý; Tấn tài tấn lộc; Cung hạ tân hy... Bức tranh này thường được treo trước cửa nhà hoặc trước sảnh đường, với ý nghĩa chào đón, chúc tụng khách. Trước đây, ngoài hai bức Phúc Lộc Thọ và Cung chúc tân xuân còn có nhiều bức tranh khác như: Phong điền vũ thuận; Bát tiên khánh thọ; Cửu thế đồng cư... Tuy nhiên, những bức tranh như thế hiện còn rất ít, nó tập trung chủ yếu ở các công trình nghệ thuật kiến trúc chùa miếu. Vì vậy, đầu năm đi lễ chùa, bên cạnh việc hái lộc, cầu cho một năm mới được tốt lành, xem tranh cát tường, chụp ảnh với tranh cát tường còn được coi là một trong những cái thú của ngày xuân. Đến đây, người ta có thể gửi gắm khát vọng của mình đến với mỗi bức tranh. Đối với người sản xuất nông nghiệp, nhất định không thể không xem bức “Phong điền, vũ thuận”, đó là cảnh thần mưa, thần gió đang làm phép cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt bội thu; hoặc bức “Qua điệt miên miên” là hình ảnh của dây bí, dây bầu cứ chen nhau đơm hoa, kết trái... Còn đối với người làm thương mại, đánh bắt hải sản lại thích bức tranh vẽ một chiếc buồm căng gió đang lướt nhanh về phía trước, với ước mong mua mai bán đắc, việc gì cũng thuận lợi, như câu: “thuận buồm xuôi gió”; còn có người muốn cầu con thì lại thích xem bức “Lựu khai bách tử”, hình vẽ về những tiểu đồng đang cõng một quả lựu to bung nức vỏ, mang ý nghĩa phúc cao, đức dày, con cái đông đúc. Ngoài những bức tranh được thể hiện trực tiếp, còn có nhiều bức tranh mang ý nghĩa tượng trưng như ước mong được sống thọ; hưởng nhiều phúc, lộc; tránh được những điều không may, được thể hiện ở một số bức tranh như: bức Lộc, Hạc đồng xuân, vẽ hình con Hươu và con chim Hạc đứng gần nhau; hay bức Tùng, Hạc trường xuân, hình vẽ nhiều con Hạc đậu trên cây Tùng già cỗi hoặc bức ám Bát tiên, vẽ về tám bửu bối của Bát tiên dùng để trấn áp điều xấu và mang lại những điều cát tường...
Ngày nay, việc treo tranh cát tường không còn nhiều, nhưng không vì thế mà làm mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Tranh cát tường vẫn giữ được những điểm độc đáo và chứa đựng nhiều bài học giáo dục sâu sắc. Điển hình như bức “Hạ tuế bái niên”, vẽ gia cảnh mừng thọ cho ông bà, cha mẹ trong ngày Tết, mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn; hay để phản ánh về cảnh sum họp của gia đình trong ly rượu, chén trà, để cùng thức đón đêm giao thừa được thể hiện qua bức “Thủ tuế nghênh hỷ”... Đến nay, những bức tranh như thế vẫn giữ nguyên giá trị, nó thật sự là một lời nhắn nhủ, giáo dục con người biết hướng về cội nguồn, biết gìn giữ và trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc; và, biết tôn trọng những giá trị chân-thiện-mỹ. 
                                                                           Bài và ảnh: Lư Dũng
Cuộc Sống Việt _ Theo Cema.gov.vn
  Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét