Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

PHỐ CỔ HÀ NỘI - HÀNG BUỒM

Phố Hàng Buồm là một trong những phố cổ của Hà Nội. Hàng Buồm bắ đầu từ phố Đào Duy Từ cắt ngang phố Hàng Giấy rồi đền phố Hàng Ngang tiếp nối phố Lãn Ông. Phố dài khoảng 300m. Đây là phố có người Hoa Kiều sinh sống khá đông, nên trước đây phố tấp trung khá nhiều cao lâu tửu quán, hàng ăn. Từ năm 1954 những quán xá trên giảm dần, cung với đó mật độ dân số ngày càng nhiều lên nên phố cũng chật hẹp hơn trước. Dưới thời pháp phố có tên gọi là Rue de Voiles, sau 1954 có tên chính thức là Hàng Buồm. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm cho thuyền bè, chúng được làm từ chất liệu vải hoặc được may đan bằng cói.

Phố Hàng Buồm xưa thuộc đất phường Giang Khẩu, sau đó đổi tên là Hà Khẩu thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương. Phố thời đó gần sông Tô Lịch và sông Hà Khẩu thông ra với sông Hồng. Cư dân hai bên bờ sông chủ yếu sống bằng nghề sông nước và buôn bán các sản phẩm dùng cho tàu thuyền. người phố Hàng Buồm mua nhiều nguyên liệu cói của thuyền buôn Sơn Nam Hạ, họ có nghề làm và bán các hàng cói đan như bị, giỏ, chiếu, buồm và một thứ mành mành buồm cũng đan bằng cói, có nẹp tre, những nhà có người mắc bệnh đậu mùa mua về che vào cửa.

Khi người Pháp đặt chân lên Bắc Kỳ (năm 1872), tên lái buôn Jean Dupuis đem lính thổ phỉ Cờ Vàng và lính Tàu Vân Nam ngang ngược vào Hà Nội làm việc buôn bán trái phép, thì Hàng Buồm đã đông nhà buôn Hoa Kiều, họ buôn bán lớn, đã có nhà Hội Quản. Nhiều tên lái buôn người Hoa bất chấp luật pháp của triều đình, lén lút cung cấp hàng hoá, lương thực cho Jean Dupuis; rồi từ giao dịch trái phép đến giúp đỡ làm gián điệp tiếp tay cho quân xâm lược. Đã thế quan lại Hà Nội lại dùng đám hoa thương làm chung gian để thương lượng với địch. Hội Quản Hàng Buồm là nơi gặp mặt của đại biểu hai bên

Vì thế mà những năm biến động - 1873 và 1882 - Hà Nội trải mấy phen binh hoả, quân Pháp hai lần hạ thành trì, chúng đánh nhau với quân Cờ đen ngay trong thành phố Hà Nội sau vụ Cầu Giấy tháng 5/1882, các phố của người Việt Nam ít nhiều đều bị đốt phá cướp bóc, riêng chỉ có mấy phố của người Hoa Kiều vẫn được an toàn nguyên vẹn. Hoa kiều được quan Pháp bảo vệ để làm chỗ dựa, Hoa kiều được quân cơ đen nể nang vì cùng giống người Tàu; bọn giặc đứa nào muốn phá nhà cướp của cũng nhằm vào phố xá Việt Nam, ở đó dân chúng đã chạy loạn bỏ nhà về quê. Khu người Tàu ở Hàng Ngang - Hàng Buồm, vẫn giữ được cái cảnh đông vui ồn ào. Họ có cổng dựng chắc chắn ở đầu phố, có người canh gác ban đêm

Những năm đầu thời kỳ tây mới đến Hà Nội, họ chưa xây dựng được gì, thì nhà Hội Quản Hàng Buồm thường được bọn quan chức Pháp mượn làm chỗ hội họp, tiếp tân khi có đại lễ; họ thuê rạp hát Hàng Cót của người Tàu để diễn kịch.

Hoa thương lợi dụng tình hình chính trị và xã hội, làm giàu nhanh chóng; họ ở chật cả Hàng Buồm; họ biến Hàng Buồm thành một “phố khách”. Người Việt Nam gốc trong phố phải dọn nhà dần sang phố khác ở, nhượng lại cho Hoa kiều có nhiều điều kiện kinh tế hơn

Hiện nay trên phố Hàng Buồm còn nhiều di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo cũng như di tích cách mạng. Trên phố Hàng Buồm có ngôi đền Bạch Mã nổi tiếng nằm ở số 76. Đến thờ Long Đỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã đại vương. Truyện xưa kể lại rằng: Vào thế kỷ thứ IX sau (SCN) viên quan đo hộ nhà Đường là Cao Biền đắp thành La Thành, khi ra ngoài Cửa Đông thấy một người lạ trong đám mây ngũ sắc. Biền vốn là một đạo sỹ và có ý muốn trấn áp. Đêm hôm ấy Biền mộng thấy người đã gặp, người đó xưng là Long Đỗ. Biền bèn đem búa bằng đồng chôn yểm. Đêm sau nổi mưa gió, sáng ra thấy búa đồng bị đánh tan như cát bụi. Biền sợ và lập đền thờ. Năm 1010 đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long định đắp thành, nhưng nhiều lần đắp lên lại sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ bản đồ xây thành, thành mới đứng vững. Thần được Lý Thái tổ phong làm thành hoàng của kinh thành Thăng Long. Thần Lông Đỗ, tức thần núi Rốn Rồng cũng gọi là núi Nùng. Tương truyền núi có khe thông sâu xuống dưới đất, tiếp nhận khí thiêng của sông núi. Như vậy có thể thấy rằng di tích được xây dựng với mục đích làm nơi thờ thần Bạch Mã. Bạch Mã cũng chính nơi được coi là vị thần đặc biệt quan trọng trong thần điện của Quốc đô Thăng Long, thuộc một “Thăng Long tứ trấn”. Đền Bạch Mã là công trình kiến trúc khá lớn quy hoạch theo chiều sâu, bắt đầu từ phố Hàng Buồm đến phố Ngõ Gạch, xây dựng theo hướng Đông Nam, sát hè phố Hàng Buồm, mặt bằng tổng thể có các công trình trên trục chính gồm: Nghi môn, phương đình, tiền tế, trung tế và hậu cung.

Đền Bạch Mã
Ở bên cạnh đền Bạch Mã có chợ mà người dân quen gọi là chợ Bạch Mã. Vào đời nhà Lê đây là nơi buôn bán sầm uất và coi như một trong tám cảnh tiêu biểu cho kinh thành Thăng Long. Chợ này cùng với chợ Cầu Đông trên phố Hàng Đường dồn về lập chợ Đồng Xuân từ thời Pháp thuộc năm 1889.
Trên phố Hàng Buồm còn có ngôi đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, dân gian vẫn gọi là đình Hàng thịt vì do phường Hàng thịt gốc ở làng Kim Ngưu huyện Văn Giang, Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên.

Lịch sử Cách mạng: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến. Hàng Buồm nằm ở trung tâm liên khi I. Do Ủy ban kháng chiến liên khu cho phép các cửa hàng buôn bán của Hoa Kiều được tự do mở cửa nên phố này là nơi duy nhất ở Hà Nội có các hoạt động dịch vụ nhộn nhịp. Một trong hai trạm quân y của liên khu I cũng được đặt ở số 26 Hàng Buồm

Phố Hàng Buồm hiện nay đã có nhiều đổi khác, ghi nhận rõ nét sự đô thị hóa của nền văn minh mới bên cạnh truyền thống. Đó cũng là nét đẹp của phố cổ Hà Nội

(Nguồn: Trang tin của Thành phố Hà Nội; Tạp chí văn hóa nghệ thuật ăn uống; Trung tâm chi thức và học tập cộng đồng Việt Nam)
(Nguồn hình ảnh: từ Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét