Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

36 CÂU NÓI CỦA NGƯỜI XƯA- I

Nguyễn Dư
Tục ngữ, châm ngôn, thành ngữ, phương ngữ Việt Nam đã được nhiều học giả để ý sưu tầm, giải nghĩa từ khoảng một trăm năm nay. Sách viết bằng chữ hán, chữ nôm vừa hiếm, vừa khó hiểu nên dần dần bị quên lãng. Sách còn được lưu truyền đến ngày nay, hầu như chỉ có sách viết bằng chữ quốc ngữ. Coi như chữ quốc ngữ đã loại được chữ " thánh hiền " và chữ " nôm na ". Đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong số những người đi tiên phong trong việc truyền bá chữ quốc ngữ lại có cả người Pháp. Trong lúc người Việt còn bàn cãi thì một vài người Pháp đã bắt đầu viết sách bằng chữ quốc ngữ về... tục ngữ, thành ngữ Việt Nam. Có thể kể: - Sách Chrestomathie Annamite (Quảng tập viêm văn) của"Dáo (giáo) học Ngô Đê Mân" (Edmond Nordemann, professeur au Collège des Interprètes, Trường Thông Ngôn). Edmond Nordemann (viết tắt EN) cũng là người sáng lập ra Société tonkinoise d'Enseignement mutuel (Hội Trí Tri). Sách Quảng tập viêm văn được xuất bản năm 1898 tại Hà Nội, gồm 180 bài phương ngữ Bắc Kỳ, kèm theo một tập từ vựng giải thích. Thiên thứ chín sưu tầm "Nhời ví mấy câu ví, dọn theo vần A, B, C ". Nhời ví, câu ví là những câu tục ngữ và thành ngữ được phổ biến đến tận ngày nay. Sách còn cho người đọc thấy được tình trạng chữ quốc ngữ tại Bắc Kỳ hồi cuối thế kỉ 19.
- Các bài biên khảo về Croyances et Pratiques Religieuses des Viêtnamiens (Tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo của người Việt Nam) của Léopold Cadière (LC), được viết trong khoảng từ năm 1901 đến 1912. Năm 1957, trường Viễn Đông Bác Cổ tại Paris tập hợp các bài viết và in thành sách. Sách được tái bản năm 1992. Trong mục Philosophie populaire: Cosmologie (Vũ trụ quan ) Léopold Cadière sưu tầm được nhiều câu tục ngữ liên quan đến súc vật.
Về phía các tác giả Việt Nam, có rất nhiều sách. Tuy nhiên, các sách nghiên cứu có hệ thống, chuyên sâu về tục ngữ thì không nhiều. Xin nêu ra một số tiêu biểu :
- Tục ngữ, phong dao (1916) của Nguyễn Văn Ngọc (NVN) sưu tầm được hơn sáu nghìn năm trăm (6500) câu tục ngữ, thành ngữ và nhiều bài phong dao (ca dao).
Nguyễn Văn Ngọc là người đầu tiên làm công việc sắp xếp các câu tục ngữ, các bài phong dao theo thứ tự A, B, C..., và theo số chữ của câu. Rất tiện cho việc tra tìm.
- Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (in lần thứ tám, 1978) của Vũ Ngọc Phan (VNP) sưu tầm và sắp xếp các câu nói, bài ca theo đề tài (Vũ trụ, con người và xã hội, quan hệ thiên nhiên, quan hệ xã hội...). Sách sưu tầm được nhiều bài chống thực dân, đế quốc của nhiều sắc dân. Vì các câu nói, các bài ca được sắp xếp theo nội dung, đề tài nên rất khó tra tìm theo câu chữ cụ thể.
- Thành ngữ-tục ngữ Việt Nam (2007) của Thuỳ Linh (TL) sưu tầm thêm nhiều câu mới, đặc biệt là cả những câu của đầu thế kỉ 21. Thuỳ Linh tiếp tục làm công việc đã được Nguyễn Văn Ngọc bắt đầu gần 100 năm trước.
Tiếc rằng cả năm tác giả tây và ta kể trên chỉ sưu tầm các câu nói. Không giải nghĩa. Sách có giải nghĩa thành ngữ và tục ngữ tương đối còn hiếm. Đáng kể là:
- Thành ngữ tiếng Việt (1978) của Nguyễn Lực và Lương Văn Đang (LĐ).
- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989) của Nguyễn Lân (NL).
Bên cạnh các ghi chép còn phải kể thêm một ít tranh vẽ, minh hoạ các câu nói:
- Bộ tranh Technique du peuple Annamite (Kĩ thuật của dân An Nam) của Henri Oger, xuất bản năm 1909, sưu tầm được 36 câu tục ngữ, thành ngữ.
- Sách Imagerie populaire vietnamienne (1960) (Tranh dân gian Việt Nam) của Maurice Durand sưu tầm thêm được 13 câu.
Bài này giới thiệu 36 câu nói trong bộ tranh Oger.
- Các tranh được đánh số 1, 2, 3...8. Các câu nói của mỗi tranh được ghi a, b, c...
- Chữ nôm đọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Chỗ nào sai sẽ được nêu ra.
- Các chữ viết tắt (NVN, VNP...) là tên tác giả của sách được tham khảo.
Tranh 1
a - Ngỗng ông lễ ông (LC, NVN, LĐ, NL).
(Prendre) l'oie de quelqu'un pour la lui offrir (LC).
Remercier quelqu'un avec ses propres bienfaits (Gustave Hue)
Ý nói: Vật biếu người ta chẳng qua cũng chỉ là của của người ta (NL).
Giải thích của Nguyễn Lân (NL), Léopold Cadière (LC) và Gustave Hue hơi lủng củng, khó hiểu. Đồ biếu của mình là... đồ của người ta? Hoá ra Ngỗng ông lễ ông là ăn trộm mang đồ trả lại cho người bị mất trộm à? Đến cửa quan (công môn) thú tội, lạy ông tôi ở bụi này, để được... vào tù à? Dân đen dại dột, ngu xuẩn như vậy sao? Nhất định là không! Quan không hiểu lòng dân chứ dân thì đứa nào cũng... đi guốc trong bụng quan!
Không hiểu Ngỗng ông lễ ông muốn nói gì để tố cáo nạn quan ăn hối lộ, hà hiếp dân đen? b - Sáng trăng bà về vậy.
Sáng trăng suông bà về vậy (NVN).
Chữ vậy ở cuối câu nói cho thấy sự thất vọng của người đàn bà. Về vậy có nghĩa là đành phải về.
Ngày xưa, ở thôn quê cũng như ở thành thị, sáng trăng là dịp trẻ con rủ nhau vui đùa trong xóm, ngoài ngõ. Nhưng sáng trăng lại bất tiện cho những việc làm lén lút như trộm cướp, hẹn hò bất chính. Dường như người đàn bà trong tranh đang gặp tình cảnh này. Bà muốn " đi đêm" nhưng trăng cứ sáng vằng vặc, rõ như ban ngày thế kia thì... hỏng chuyện! Bỏ về là vừa.
Nghĩa bóng của câu nói : định làm chuyện mờ ám nhưng không thành.
c - Già chơi trống bỏi ( LĐ, NL).
Già còn chơi trống bỏi (NVN, TL).
Ám chỉ người già lấy thêm vợ trẻ (LĐ).
Chê những người già vẫn có những việc làm không đứng đắn, không còn xứng với tuổi của mình nữa (NL).
Ngày nay ám chỉ các cụ động cỡn, đú đởn thích " chơi " tin (teen).
d - Khóc đống bòng bong (có tấm bia khắc chữ Mộ chí)
Mồ cha không khóc, khóc đống mối,
Mồ mẹ không khóc, khóc bối bòng bong (NVN).
Mồ cha chẳng khóc, khóc đống mối (NL).
Chê người tha thiết đến một việc không phải là phận sự của mình (NL).
Chê cười kẻ không thương cha, thương mẹ đẻ của mình mà lại vớ vẩn đi thương ông nọ, ông kia ở mãi tận đâu đâu.
Tranh 2
a - Nuôi ong tay áo (EN, LĐ, NL).
- Nuôi ong tay áo; nuôi khỉ dòm nhà (LC).
Nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu có thể phản bội lại mình (NL-LVĐ).
Giúp đỡ, che chở một kẻ sẽ phản bội mình (NL).
Câu nói Nuôi ong tay áo ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa. Nhưng nhiều người lại muốn kéo dài hơn :
- Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà (NVN).
- Nuôi ong tay áo, ấp rắn vào ngực (NVN, NL).
- Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà (TL). b - Từ bi oản quả, day tay oản quả
Từ bi cũng một phẩm oản, quả chuối, Ra tay mắm miệng cũng một quả chuối phẩm oản (NVN).
Từ bi từ tại cũng phẩm oản quả chuối, day tay mắm lợi cũng quả chuối phẩm oản (TL).
Nghĩa đen của câu nói: Chùa có ông thiện, ông ác. Hai ông đều được khách thập phương mang oản, quả cúng bái.
Nghĩa bóng: Quan lại tốt hay xấu dân đen đều phải đút lót như nhau.
c - Ăn cây nào rào cây ấy (nấy) (EN, NVN, NL, TL).
Nói người có tình nghĩa luôn luôn tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình (NL).
Dường như NL nhầm lẫn với câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Để tỏ lòng biết ơn tục ngữ còn có câu Uống nước nhớ nguồn.
Ăn cây nào rào cây ấy khuyên người ta nên cẩn thận, ăn chắc, được tới đâu hay tới đấy. Làm việc gì thì nên chú ý vào kết quả trước mắt của việc ấy.
d - Rán sành ra mỡ (NVN, LĐ, VNP, NL, TL).
Quá hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn (LĐ).
Giễu kẻ hà tiện quá mức (NL).
Xem thêm câu Vắt chày ra nước ở phần sau (3b).

                                                                            Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét