Tranh
5
- Chơi với chó, chó lờn mặt ; chơi với con nít, con nít dể ngươi (LC). Ý nói làm thân với kẻ xấu nhiều khi nó hại lại mình (NL). Nhiều người thích ví von, ghép thêm một vế : Chơi chó chó liếm mặt Chơi gà gà mổ mắt (hoặc Chơi cò cò mổ mắt, Chơi chim chim mổ mắt). Quảng tập viêm văn không có câu Chơi chó, chó liếm mặt. Thay vào đó là câu Nuôi cò, cò mổ mắt (EN, LC). Xưa kia nhiều nhà nuôi chó để ban ngày dọn dẹp cứt đái, ban đêm canh trộm. Dân ta coi chó là con vật đáng khinh, không ra gì. Đồ chó là một tiếng chửi. Để cho chó liếm mặt là bị... mất mặt, bị khinh thường ! Dân ta ngày xưa không chơi với chó. Cũng không có ai bế gà hay cò lên chơi để đến nỗi bị mổ mắt. Nuôi cò ( ?), nuôi gà để làm thịt thì có. Nuôi cò, nuôi gà, hay nuôi chó nghe hợp lí hơn là chơi cò, chơi gà, chơi chó. Ý nghĩa cũng sâu sắc hơn. Ngày nay nước ta nhan nhản đại gia chơi chó kiểng. Đưa chó đi mĩ viện mài móng, tỉa lông. Được chó Bắc Kinh liếm mặt thì... Chao ôi, sao mà sướng thế. Đê mê như được bồ nhí xoa bóp, hôn hít. Chơi chó chó liếm mặt được các đại gia của thời kì toàn cầu hoá đánh giá là Tốt với người thì được người đáp lễ lại. b - Đốt nhà táng phủi tay. Vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy (NVN, VNP, LĐ, NL, TL). Nói con cái phá gia tài của cha mẹ để lại (NL). Chi tiêu, sử dụng tiền tài phung phí, bừa bãi, không suy tính (LĐ). Than phiền nạn các quan lãng phí của công. Tiêu tiền (của dân) như nước (lũ). c - Phượng hoàng ăn cứt gà (đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải). Sáo đói thì sáo ăn đa, Phượng hoàng lúc đói cứt gà cũng ăn (NVN, NL, TL). Kẻ quí phái đến lúc sa cơ thì còn khổ hơn người bình thường (NL). Chê bọn lúc túng làm càn. Sa cơ lỡ vận, thất sủng, sẵn sàng làm cả những việc tồi bại, mất danh dự. d - Qua rào vỗ vế (NVN, NL). - Chưa qua dào (rào) đã vỗ vế (EN). Qua đò, khinh sóng (NVN, VNP, LĐ, NL, TL). Qua sông, đấm bòi vào sóng (NVN, NL, TL). Ý nói : Sau khi vượt qua một bước khó khăn, lấy làm vui mừng (NL). Vui mừng thì vỗ tay chứ không vỗ vế (đùi). Vỗ đùi hay vỗ đít là tỏ vẻ coi thường. Câu nói có ý chê kẻ vừa thoát khỏi, thậm chí có khi chưa thoát khỏi bước khó khăn đã tỏ ra kiêu ngạo, khinh thường. e - Chơi chim chim mổ mắt. Cùng nghĩa và thường đi đôi với câu Chơi chó chó liếm mặt (xem câu 5a). |
Tranh 6 |
Rước voi giầy mả tổ (LĐ, NL, TL). Rước voi về rầy (giầy) mồ (EN, LC). Nghĩa giống câu Cõng rắn cắn gà nhà (xem câu 3c). Câu nói ám chỉ bọn rước ngoại bang về sát hại đồng bào. b - Đánh chó đá. Đánh chó đá vãi cứt (NVN, NL). Chê kẻ bất tài mà lại hay khoe khoang (NL). c - Trâu bò húc nhau. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết (EN, LC, NVN, VNP, LĐ, NL, TL). Ý nói: Khi kẻ trên hục hặc nhau thì kẻ dưới bị thiệt lây (NL). Những kẻ mạnh xung đột, đánh nhau, kẻ yếu bị liên luỵ tai vạ (LĐ). Bọn vua quan, quyền thế bên trên đấu đá, tranh giành nhau thì chỉ khổ chỉ chết đám dân đen bên dưới. d - Qua cầu bỏ dịp. Qua cầu cất nhịp (NVN, NL) Qua cầu rút ván (NL, TL). Chê kẻ đã tiến lên rồi không muốn cho người khác tiến lên như mình (NL). |
Tranh 7 |
Khen người không ngại khó khăn, vất vả. b - Nói rắn trong lỗ bò ra (viết sai thành Nói rắn trong bò lỗ ra) (NVN, NL). Nói con kiến trong lỗ cũng phải bò ra (LĐ, TL). Khen người có tài khéo nói, dễ thuyết phục được người khác (NL). c - Cá lớn nuốt cá con (NVN). Cá lớn nuốt cá bé (LĐ, NL, TL). Kẻ mạnh ức hiếp bóp chết kẻ yếu (LĐ). Chê những kẻ có quyền thế bắt nạt, đàn áp người lép vế (NL). d - Chim chích ghẹo bồ nông. - Chim chích mà ghẹo bồ nông, Đến khi (cơn) nó mổ lạy ông xin chừa (EN, LC, NL, TL). Chê người yếu trêu người khỏe (NL). Còn có câu : - Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn Cả hai câu ca dao đều mang ý nghĩa tiêu cực. Trái với câu : - Châu chấu đá ông voi (EN) - Châu chấu chống xe - Nực cười châu chấu đá xe Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng. e - Cắm sào sâu khó nhổ (EN, NVN, NL, TL) Đã quá đi sâu vào một việc gì thì khó gỡ ra (NL) Khuyên người ta làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả, không nên cực đoan, thái quá. Đừng có thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, có khi đánh trúng cả cha mẹ, anh em. g - Cá vàng bụng bọ (EN, NVN, NL, TL) Bên ngoài trông tốt đẹp, nhưng trong lòng xấu xa (NL). |
Tranh 8 |
- Con vua thì lại làm vua, Con nhà thầy chùa (con sãi ở chùa) lại quét lá đa (NVN, NL, TL). Nói lên nỗi bất công trong xã hội phong kiến (NL). Lên án nạn cha truyền con nối. Bọn có chức có quyền, giàu sang sung sướng thì cứ tiếp tục ăn trên ngồi trốc. Thấp cổ bé họng thì tiếp tục chịu cực, chịu khổ. Ngày xưa dân gian gọi bọn Con vua thì lại làm vua là bọn con cha cháu ông (Génibrel). Ngày nay nói sai thành bọn con ông cháu cha. b - Đánh trống qua nhà sấm. Đánh trống qua cửa nhà sấm (EN, NVN, LĐ, NL, TL). Bộc lộ trình độ vụng về, kém cỏi trước người hiểu biết, tinh thông hơn mình (LĐ). Lời nói khiêm tốn tỏ rằng mình phải trình bày hoặc biểu diễn trước một cử toạ mà mình cho là giỏi hơn mình (NL). Chê bọn điếc không sợ súng, huênh hoang độc diễn. Ta tài, ta giỏi, ta nhất... trong xóm ta. Chê bọn coi trời... nhỏ hơn cái vung. c - Nhăn như bà cốt uống thuốc. Bà cốt che mặt (NVN). Bà cốt là người đàn bà làm nghề đồng bóng. Bọn đồng bóng, phù thuỷ lúc nào cũng tự nhận là con thần cháu thánh, có phù phép đuổi tà, trị bịnh... cho người khác. Đến khi chính mình bị bịnh thì chẳng thấy ông đồng bà cốt nào đuổi được tà, chữa được bịnh. Các ông, các bà cũng phải uống thuốc, mặt mày nhăn nhó như mọi người. Vạch mặt bọn kiếm ăn bằng lừa dối, bằng mê tín dị đoan. d - Cầu Thích Ca ngoài đường. Bụt nhà không cầu, cầu Thích Ca ngoài đường (NVN). Bụt chùa nhà không thiêng, đi (lại) cầu Thích Ca ngoài đường (EN, NL). Bụt nhà không thiêng, đi cầu thích ca ngoài đường (TL). Phê phán thái độ tự ti coi nhẹ khả năng của người mình, thích đi cầu cạnh người ngoài (NL). Phê phán bọn sính đồ ngoại, chê đồ nội. Trong nhà có nước mắm Phú Quốc thì không ăn, chạy đi mua nước mắm Thái Lan. Chê trà Bảo Lộc, khoái trà Lipton v.v.
|
Ai cũng biết rằng thành
ngữ, tục ngữ ít khi được nói, được hiểu theo nghĩa đen.
Hầu như câu nói nào cũng phải hiểu theo nghĩa bóng. Làm sao
vẽ được... nghĩa bóng? Chính vì vậy mà tranh minh hoạ tục
ngữ rất... ngây ngô. Thậm chí vô nghĩa.
Tuy vậy, tranh minh hoạ
tục ngữ cũng góp phần làm chứng nhân của một thời kì
lịch sử. Làm chiếc cầu chuyển tiếp chữ nôm sang chữ quốc
ngữ. Ngày nay xem lại, chúng ta thoáng hiểu một vài cách xử
thế, dăm ba lời khuyên của người xưa.
Xưa cũng như nay... Sau luỹ tre xanh hay trước toà nhà cao tầng. Dưới trận mưa tầm tã hay giữa cơn nắng chang chang. Trong sạch nhẹ nhàng hay ô nhiễm bức xúc. Một câu hỏi luôn luôn được đặt ra : Cái gì nên vứt bỏ, cái gì nên trân trọng bảo tồn ?
|
Sách tham khảo
:
- Edmond Nordemann,
Chrestomathie
annamite (Quảng tập viêm văn), 1898, Nguyễn Bá Mão biên
dịch và chú thích, Hội Nhà Văn tái bản, 2006.
- Léopold Cadière, Croyances et Pratiques religieuses des Viêtnamiens, 3 tập (1944, 1955, 1957), École Française d'Extrême-Orient tái bản, 1992. - Nguyễn Văn Ngọc (NVN), Tục ngữ, phong dao, 1928, Mặc Lâm tái bản, 1967. - Vũ Ngọc Phan (VNP), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, in lần thứ 8, Khoa Học Xã Hội, 1978. - Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (LĐ), Thành ngữ tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội, 1978. - Nguyễn Lân (NL), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989. - Thuỳ Linh (TL), Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Lao Động � Xã Hội, 2007. - Trương Vĩnh Ký, Chuyện đời xưa, 1866, Sudasie tái bản, 1994. - Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 1960. Sưu tầm từ: http://chimviet.free.fr/42/nddg106_tucngu.htm |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét