Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

NGHỀ LÀM GỐM SỨ Ở CẢNH ĐỨC TRẤN

Sử sách ghi lại, vào đời vua Càn Long, tại Cảnh Đức trấn có 3000 lò chuyên về đồ gốm và đồ sứ. Thợ thầy trên mấy trăn ngàn người, mỗi người mỗi nghề riêng, không ai xâm phạm nghề ai, người lo vận tải đất và vật liệu, người chuyên nắn đúc, người thì trang trí vẽ vời, người khác coi về lò lửa…
I – Chọn và nhồi đất


Cao lanh và Bạch Đôn tử trong bảo tàng gốm sứ Cảnh Đức trấn Việc chọn đất và nhồi đất là một khâu quan trọng trong nghề gốm sứ. Trung Quốc vốn hơn thiên hạ về đồ sứ là nhờ có sẵn hai nguyên liệu không thay thế được, đó là chất Bạch đôn tử (chinastone) và Cao lanh (đất sét trắng).
Cao lanh là đất sét trắng riêng biệt của vùng Giang Tây, các nước khác tuy có nhưng không tốt bằng và không thay thế được. Ngày nay, vùng Giang Tây vẫn lấy đất tại đây để làm đồ sành sứ nhưng không thể đẹp bằng đồ sứ cổ năm xưa. Bạch đôn tử cũng là đất nhưng rắn vô cùng. Khi lấy trong mỏ ra là một khối đá, có bọc một lớp đất đỏ ngoài da. Đem về, cho vào cối đá giã thành bột, xong phải dùng nước để lọc bỏ sạn và tạp chất. Đãi thêm vài lần rồi vớt phần mịn nhất, trộn cùng cao lanh, nhồi kỹ rồi dùng để nắn đồ.
Bạch đôn tử có bán sẵn đúc thành khuôn như viên gạch có đóng dấu nhà và nơi sản xuất. Nhưng loại này có trộn nhiều tạp chất, mua về phải ngâm nước và đãi cho thật kỹ để lấy ra những chất độn, phần tinh vi lọc được sẽ nhồi chung với cao lanh, tuỳ theo số lượng, tốt thì nửa phần thứ này, nửa phần thứ kia, hoặc nhồi theo “tứ lục”, tức 4/10 hoặc 6/10. Sành rẻ tiền thì ít bạch đôn tử hơn sứ ngự dụng.
Vật liệu đầy đủ rồi, còn một việc quan trọng là nhồi bã đất. Cần phải nhồi kỹ và đúng phương pháp. Trước, đảo bằng lưỡi cuốc lưỡi mai, vừa đảo vừa lắng nghe tiếng dội qua lưỡi thép của khí cụ quen tay từ nhiều năm. Khi thấy được thì chuyển sang nhồi bằng chân để dò lại một lần nữa những vật lạ có thể sót lại. Công việc này tuy xem tầm thường nhưng sự thành công sau này tuỳ thuộc vào khâu này rất nhiều. Sau khi nhồi đất công việc chuyển sang cho “e kíp” nắn đồ.
Ngày nay, hầu hết các lò gốm đều trộn đất bằng máy móc, tuy tiết kiệm được nhiều công sức của con người nhưng vì thế mà cũng làm giảm đi vẻ đẹp tinh tế của món đồ.
II – Tạo hình


Đào công Cảnh Đức trấn say mê tạo hình Ngày nay, khi đến thăm các lò gốm như Lái Thiêu hay Biên Hoà…nơi các lò gốm người Tàu làm chủ, ít nhiều vẫn còn giữ cổ truyền, như lò đốt bằng củi, cách nhồi đất và nắn đồ vẫn còn na ná như xưa…Muốn làm một ống tròn, một cái hũ, hay một cái bình…trước tiên người thợ móc một cục đất đã nhồi kỹ, đặt lên bàn quây. Cái bàn này có từ xưa, gồm hai tầng, tầng dưới vừa với chân thợ, đạp vào thì bàn chạy vòng tròn và lôi theo cái mặt trên, làm vừa với hai tay người thợ, mặc tình uốn nắn cục đất tuỳ sở thích. Cục đất lướn bằng cái gối, mềm dẻo, khi bàn quây di chuyển từ cục đất vô hình đã biến thành món vật tuỳ ý người nặn. Khi tạo xong, muốn lấy ra phơi, người thợ dùng dao cắt – đó là chiếc dao làm riêng để cắt đất, gọi là dao cung, cần bằng tre và căng một sợi chỉ thép hoặc thép dùng cắt đất rất tài tình.
Thời Minh, khi món đồ phơi khô se se, tiếp tục đặt lên bàn quây để o bế lại và cạo gọt giồi mài cho thêm láng. Vì vậy ngày nay thường nhìn thấy nơi đáy món đồ khi gặp món nào đáy không tráng men, có dấu vòng cùng một trung tâm, thì đó là khu khoanh măng. Và nếu xung quanh chân bình có dấu nhu lằn dao thì ta có thể nói món đồ có triệu chứng thuộc về thời Minh. Vả lại, đáy vật cổ nào cũng giữ lại dấu vết khi nó ở trên bàn quây hay khi nó vào lò hầm, những dấu vết đó có khi còn quý hơn chữ ký hay chữ hiệu vì chữ ký còn giả được chứ những dấu ấy là dấu tự nhiên mỗi món, người nào có kinh nghiệm thấy một lần là biết liền.
Vào buổi sơ khai, những khuôn làm gốm đều được tạo từ tre trúc (khuôn giỏ tre), sau này chế ra khuôn bằng đá đất, bằng thạch cao hay gốm. Những bình nào có hình thù lạ, khi vuông, khi không đều góc thì làm bằng khúc rời rồi ráp lại, gắn bằng đất sét pha lỏng. Những chỗ ráp này cong thô sơ dễ nhìn thấy, đến thế kỷ XVII thì đã khéo léo hơn, ít người nhận biết được. Những choé thật lớn thì làm thành hai khúc rồi ráp lại, thoa men mất dấu. Những hình tượng nhân vật, cầm thú, các vật nhái trái cây, các quai bình, vòi ấm hay các hình đắp nổi thì được nắn rời bằng tay , cho vào khuôn dọn sẵn theo kiểu thức nhất định.
Khi làm xong xuôi, các món đồ đất sét đều để phơi se ngoài gió dịu cho đến khô thật khô. Các món quý như đồ ngự chế dâng vua, đồ đặt làm riêng cho sứ thần các nước chư hầu mang về đều để cho khô ngót một năm tròn. Sau khi phơi khô đúng thời gian quy định, các món ấy đều được sửa lại, vì bị cứng nên phải ra vóc  bằng cây đục sắt, dao thép. Các chỗ như miệng, hông của cái bình thì dồi lại cho trơn tru, cái chân phải khoét lại cho thật vững, thật sát mặt bàn, những chỗ nào đắp nổi thì đều o bế cho dễ coi.
Hoàn tất các việc ấy thì món đồ đã sẵn sàng cho vào lò nung. Nung lần một, hoặc được lót một nước men làm áo hoặc món ấy là một sứ trắng men lam hay sứ trắng men hồng thì để vậy chưa tráng men, để các hoạ công vẽ lên cốt thai những đồ án sơn thuỷ hay hoa điểu…
III – Lò nung


Mô hình lò gốm cổ – Bảo tàng cổ diêu Cảnh Đức trấn Người Trung Hoa đã chế tạo ra nhiều loại lò nung, tuy nhiên có hai loại lò thông dụng: Kiểu lò miền Bắc Trung Hoa, là loại lò chỉ có một gian phòng và có mui nóc khum khum, chỉ có một lỗ thông hơi sau lò (Lò Màn thầu – NT). Còn có loại lò miền Nam gọn và tiện lợi hơn kiểu trên: Lò xây nằm dài theo chiều dốc và chia thành nhiều ngăn, vừa hẹp bề ngang vừa dài, một nửa nổi lên trên, một nửa lò chôn ngập phía dưới mặt đất, nhờ vậy khói theo chiều gió dễ thông (Lò Giai cấp – NT). Kiểu lò này sau được các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam học theo.
Tại Cảnh Đức trấn, thủ đô ngành gốm sứ Trung Hoa, tạo lập từ đời Tống, người ta quen dùng loại lò một gian độc nhất, rộng lớn, giống hình chai rượu vang đặt nằm dài, nơi sau chót cái chai là lỗ thông khói. Củi thông dụng đốt lò cổ là củi tùng lấy ở các khu rừng lân cận. Trong lò, những món không quý lắm thì đặt nơi miệng lò và gần lỗ thông khói. Hai khoảng này có cái bất lợi là khi lửa quá già làm khét món đồ, khi lại không đủ sức nóng làm sống sượng món đồ cũng không tốt. Nơi trung tâm lò là nơi thuận lợi nhất dành cho những đồ vật quý, ngự dụng hoặc đồ do sứ thần chư hầu đặt làm. Tuỳ theo món lớn nhỏ để nung lâu hay ngày hay ít ngày.
Dưới triều Minh, những chiếc thống dùng nuôi cá lia thia hay chậu to để trồng cây cảnh thường nung trong lò liên tiếp 19 ngày ròng rã: bảy ngày lửa dịu dịu, hai ngày lửa hoả hào, mười ngày lửa đốt liên tiếp và giảm độ lần lần. Nếu nung chén trà và các vật nhỏ thì khoảng năm ngày là đủ.
Người thợ có kinh nghiệm là người biết sắp đặt các món đồ nung trong lò: vật nào chịu được hoả độ cao (gốm da đá, đồ sành, đồ nung hai lần; nơi kím lửa hơn thì đặt các món yếu chịu đựng, còn các loại sử dụng men (é mail é maux), men thường thì nung ở lò nhỏ hơn…
IV – Cách nung


Diêu thần
1 – Cách nung thu bớt thoáng khí (cuisson en réduction): Với phương pháp này thoáng khí (gió) lọt vào lò rất ít và làm cho củi cháy chậm đi. Hễ cháy chậm thì có nhiều khói, theo khoa học cắt nghĩa, chất hoá vật đơn chất (monoxyde de carbone) của thán khí sẽ hoà hợp với dưỡng khí (oxygene) do các dưỡng hoá vật (oxdes) tiết ra của đất sét và của chất màu vẽ. Tự nhiên, các da sành trắng “bạch chảng” vào lửa và gặp khói sẽ trở nên đậm đà và đổi màu duyên dáng hơn; chất bạch kim (cobalt) khắc lửa sẽ trở nên màu xanh biếc trong suốt tinh ba hơn (blue de Hue, blue de China); chất đồng, biến thể hoá màu đỏ (những biến thể này khó tốt tươi và rất tuỳ vào sự khéo léo và may rủi), vì dưỡng khí gặp đồng ưa biến chứng bất thường; chất sắt vào lò sẽ làm ra các loại gốm xanh nước biển celadon…
2 – Cách nung thứ hai là “nung thả cửa”, cứ để thoáng khí tha hồ chung vào lò (cuisson en oxydation) và tha hồ cho các chất đụng chạm nhau mặc tình biến hoá; biến hoá lúc còn trong lò lửa đỏ; biến hoá lúc “khai môn” là khi thợ lấy trong lò ra để các món đồ mau nguội, khi ấy mới là biến hoá một cách tự nhiên. Kết quả của phương pháp này hơi đột ngột: những da men trắng có thể biến ra ngà ngà, da kem, chất bạch kim có thể đổi ra sắc đen hơn (do đó có nhiều khi ta thấy trên đồ sứ Khánh Xuân, Nội Phủ, men xanh mịn màng bỗng có đôi chỗ lốm đốm thâm thâm). Đồng biến ra màu xanh lục. Sắt đổi sắc và biến màu khi vàng, khi vàng sậm, khi lại đen.
(Lược thuật theo “Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa” của Vương Hồng Sển)
Quang cảnh làm việc tại một xưởng gốm sứ phỏng cổ ngày nay ở Cảnh Đức Trấn – Giang Tây



cdt1
cdt2

cdt3
cdt4

cdt5
cdt6

cdt7
cdt8

cdt9
cdt10

cdt11
cdt12

cdt13
cdt14

cdt15
cdt16

cdt17
cdt18

cdt19
cdt20

cdt21
cdt22

cdt23
cdt24

cdt25
cdt26


cdt28

cdt29
cdt30
Lò nung điện
cdt31
cdt32

cdt33
cdt34

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét