Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TRÀ THƯ - V

III.- Trà thư
Chẳng phải đến khi Okakura Kakuzo viết cuốn “Book of the Tea“ (Trà đạo – được dịch giới thiệu ở quyển 2 tập sách này) trà mới được viết thành sách; nhưng không thể không nhìn nhận nhờ tác phẩm này mà Phương Tây có cái nhìn khác về nền văn hóa Á Đông. Họ thấy được trong nền văn hóa này có nhiều điều mà họ thiếu sót, ít ra về mặt thư giản tâm hồn trong cuộc sống bề bộn của nền công nghiệp hối hả. Không chỉ có thế! Chính ngay người Á Đông cũng giật mình nhìn lại mình đang lãng quên một kho tàng vô giá của cha ông để lại. Nhiều học giả quay về góc đề tài này và lần tìm trong các thư tịch, họ thấy quả không ít sách vở viết về trà mà từ lâu bị chôn vùi trong lớp bụi thời gian.
Câu chuyện “Quả trứng Kha Luân Bố[1] được lặp lại, nhưng lần này theo hướng tán thuận chứ không phải theo hướng dèm biếm. Mọi người đua nhau bàn về trà, các nước trong vòng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cũng cố chứng minh mình có nền Trà đạo chẳng kém gì. Thậm chí nhiều người còn học theo lối uống trà của Nhật, mở các trà thất, bàn luận nhau về trà, … Nhưng có lẽ hiếm có người thấu đáo về trà một cách sâu sắc. Trong những buổi trà dư tửu hậu nói về trà đó, tôi lượm lặt và suy khảo thêm để hiểu, rồi thử đua đòi viết phiếm câu chuyện đã gần hai thế kỷ có người khởi xướng rồi.
Trà được ghi chép sớm nhất có lẽ là trong các y thư, vì lẽ trước khi trở thành một thức uống thời thượng thì dù gì trà cũng là một vi thuốc, dù không có dược tính nổi bật cho lắm. Khi nó trở thành một thứ không thể thiếu của giới tao nhân mặc khách, trà nghiễm nhiên đi vào văn học như một nguồn cảm hứng. Có lẽ đứng sau tình yêu, sau cảnh vật, sau các dòng tư tưởng chính thống, trà là một đề tài được ưa chuộng trên văn đàn Viễn Đông. Ảnh hưởng này có một sắc thái rất đa dạng và phong phú xin được trình bày riêng ở một cuốn sách khác: “Văn hóa trà”.
Chúng ta thấy, tuy người Trung Hoa tự cho biết từ đời nhà Chu đã biết uống và dùng trà tế lễ, nhưng trong Kinh Thi (诗经), cuốn sách được cho là kinh điển thời đó, có nói nhiều về các loại thức ăn, thức uống nhưng chẳng thấy nhắc đến trà. Rồi sách Chu Lễ (周礼) của Chu Công Đán (周公旦) nói rất chi tiết về các chức quan lo việc ẩm thực và kể ra rất nhiều loại thức ăn và phân chia thành từng bậc như: Lục thực (六食), Lục ẩm (六饮), Lục thiện (六膳), Bách tu (百馐), Bách tương (百酱), Bát trân (八珍), … cũng chẳng thấy bóng dáng trà.
Thời Tần-Hán Vương Bao viết cuốn Đổng Ước (憧约) có nói đến thuật ngữ phanh đồ (烹荼) nghĩa là pha trà và mãi đồ (买茶) nghĩa là mua trà, là những thuật ngữ của vùng Tứ Xuyên-Lĩnh Nam chứ không phải của Trung Nguyên. Có thể đây là bút lục khi ông thăm thú vùng vừa nói và ghi chép lại. Chúng ta lưu ý vào thời này người Trung Hoa có trào lưu đi đây đi đó để ghi chép, tiêu biểu nhất là cuốn Sơn Hải Kinh (山海經) của Lưu Hướng (刘向) đời Hán, ghi chép rất nhiều núi non, sông ngòi, sản vật của những vùng đất xa xôi ngoài đất Trung Hoa. Nhờ trào lưu đó mà Phương Tây xa xôi biết đến Trung Hoa và có tên China (tiếng Anh) hay Chine (tiếng Pháp) có gốc từ chữ T’sin (nghĩa là nước Tần). Bên cạnh đó thời này nở rộ những trước tác viết về thức ăn nhưng ngoài trường hợp trên không thấy tác phẩm nào nói đến trà. Đặc biệt người Trung Hoa còn tôn sùng Trương Khiên, nhân vật được gắn với Con đường Tơ lụa, là nhà du hành đi rất nhiều nơi và ghi chép cũng nhiều. Hay cuốn Thủy Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên (vào khoảng thế kỷ thứ 6) từng viết về Việt Nam, cụ thể với những dòng sau: “Giao Chỉ xưa khi chưa có quận huyện, đã có ruộng cấy, nhân vậy mà gọi là Lạc dân, đặt ra Lạc vương. Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Huyện phần nhiều do Lạc tướng làm. Lạc tướng có ấn đồng giải xanh

untitled
Cuốn sách có thể coi là viết sớm nhất chuyên về trà phải nói đến Trà Kinh[2] (茶經) của Lục Vũ (陆羽), đời Đường. Trà kinh gồm 3 quyển, chia làm 10 thiên, mỗi thiên đi vào một nội dung: Nhất chi nguyên (源): nói về nguồn gốc cây chè, Nhị chi cụ (具): nói về 15 công cụ trồng chè, hái chè, chế biến chè, Tam chi tạo (造): nói tiêu chuẩn, yêu cầu khi chế biến trà, Tứ chi khí (器): giới thiệu 25 dụng cụ pha trà, Ngũ chi chủ (煮): bàn về cách pha trà, Lục chi ẩm (饮): nói về thú uống trà, Thất chi sử (事): ghi chép các trà nhân, trà thoại, Bát chi xuất (出): nói về các vùng trà, Cửu chi lược (略): nói về giản lược hoá một số khâu trong chế biến trà, Thập chi đồ (图): nói về các tranh ảnh vẽ về trà.
Lục Vũ, tự là Hồng Tiệm, người đất Cảnh Lăng, Hồ Bắc, vốn là một đứa trẻ mồ côi, được một thiền sư tên là Thái Chúc ở Hồ Bắc nhận nuôi. Thiền sư này vốn là một người hâm mộ và sành điệu trà đúng với truyền thống thiền thời đó. Sáu năm trời Lục Vũ lưu ngụ tại thiền viện Long Vân, thời gian này ông được chỉ dạy nhiều về cách pha chế và thưởng thức trà. Tuy nhiên bẩm tính của Lục Vũ thích Nho giáo hơn là Thiền học nên thường bị sư ông trách phạt; cuối cùng không kham nổi Lục Vũ bỏ trốn theo một gánh hát. May sao đến năm 14 tuổi Lục Vũ gặp được một hoàng thân tên; ông này nhìn ra tư chất của Lục Vũ và có nhiều giúp đỡ. Sau loạn An Lộc Sơn, Lục Vũ lui về ẩn dật, kết bạn với nhiều văn nhân và cho ra đời cuốn Trà Kinh.
Trước khi Trà Kinh ra đời, thời Lục Vũ đã có những lời bàn luận về cách chế biến trà ở xứ Hoa Nam. Lục Vũ là người bỏ nhiều công sức sưu tập lại và viết thành. Trà Kinh không phải là một tác phẩm dày, chỉ vẻn vẹn có 7.000 chữ, nhưng lại khái quát được cách chế biến trà của thời đó. Chúng ta cũng nên lưu ý: chủ tâm của Lục Vũ viết Trà Kinh không vì mục đích văn chương, và chính Trà Kinh sau đó gợi lên một phong trào các văn nhân bắt đầu viết các trước tác (có thể vào đời sau gán ghép cho đời trước). Phong trào đó sinh ra nhiều tác phẩm viết về trà khác như được ghi danh có từ đời Đường như: Tiên Trà Thủy Ký (煎茶水记) của Trương Hựu Tân (张又新) và Thập Lục Thang (十六汤) của Tô Dực (苏翼) đều nghiên cứu chuyên sâu về nguồn nước pha trà được ngon, độ nóng của nước dùng pha trà; Thiện Phu Kinh Thủ Lục (膳 夫经手录) miêu tả lịch sử uống trà và đặc sản trà của các vùng, … Có điều vào đời này trà là món hàng quý trong cung đình sao lại nhiều người biết đến mức có thể ra nhiều tác phẩm như thế? Câu trả lời là câu hỏi ngược lại: người Trung Hoa nói đời Đường rất sùng bái Đạo Phật vậy sao Đường Huyền Trang phải trốn quan quân đi thỉnh kinh và tại sao các vua đời Đường (họ Lý) nhận Lão Tử là tổ phụ rồi xây nhiều đạo quán như Thái Nhất và Ngũ Đế, các vua nhà Đường lại thích thuật luyện đan?[3] Cái gọi là “nghệ thuật” là đây chăng!
Đời Tống, uống trà ở Trung Hoa phổ biến hơn (nhất là đời Nam Tống), uống trà trở thành nhã thú của giai tầng trí thức chứ không đặc quyền của giới quý tộc cung đình. Thanh Dị Lục là tập sách tạp văn do Đào Cốc thời Bắc Tống biên soạn. Sách kể lại những chuyện thu lượm được từ đời Tùy đến đời Ngũ Đại, trong đó có một thiên nói về ẩm thực với các đề mục sau: soạn tu (món ăn ngon)”, “sơ thái (rau)”, “ngư (cá)”, “cầm danh (gia cầm)”, “thú danh (súc vật)”, “tửu tương (rượu)”, “danh (trà)”, “bách quả (trái cây)”; chuyên về trà thấy có Trà Lục (茶录) của Thái Tương (蔡襄) 1049, Tuyên Hòa Bắc Uyển Cống Trà Lục (宣和北苑贡茶录) của Hùng Phiên (熊蕃), Tiễn Trà Thủy Ký (煎茶水记) của Trương Văn Tân (张又新), Đại Quan Trà Luận (大观茶论) của Tống Huy Tông Triệu Triết (宋徽宗赵哲) biên soạn 1107,. …
Trà Lục là một sách chuyên khảo về trà do Thái Tương viết năm 1049. Thái Tương là một nhà thư pháp tên tuổi và cũng là một trà sư sành sỏi, là quan chuyển vận sứ Phúc Kiến[4] đời vua Tống Nhân Tông (1041-1048). Cuốn Trà Lục của ông gồm hai quyển. Quyển thượng gồm tám thiên, nói về các công đoạn chế biến: Trà tính; Tồn trữ, Sấy, Ép, Rây sàng, Hấp, Hong, Cho trà nổi vân; và Quyển hạ có chín thiên, nói về các dụng cụ chế biến: Lồng ủ, Hộp đựng, Búa đập, Bàn kẹp, Cối xay, Rây sàng, Chậu lọ, Muỗng,Ấm đun.
Tống Huy Tông được đời sau coi là một người sành trà và là bậc thầy về nghi thức trà, thường thi tài nếm trà với quần thần. Hoàng Đế này rất ưa thích bạch trà. Đại Quan Trà Luận gồm các thiên sau: Lời thiệu, Xuất xứ, Phong thổ, Hái Trà, Hấp và ép trà, Chế biến, Thuế trà, Trà trắng, Trà thuyên, Trà Tiễn, Trà bánh, Muỗng trà, Nước, ,,,,
Đời Minh, Cố Nguyên Khánh (顾元庆) viết Trà Phổ (茶谱) năm 1541, Trần SưTrà Khảo (茶考) năm 1593, Trương Khiêm Đức (张谦德) viết Trà Kinh (茶经) năm 1598, Hùng Minh Ngộ (熊明遇) viết La Giới Trà Ký (罗岕茶记) năm 1608, … (陈师) viết
Cố Nguyên Khánh, tước Ninh Vương, là con trai thứ 17 của Hồng Vũ Hoàng Đế. Trà Phổ là một tác phẩm quan trọng bàn về: Tính chất trà, Cách bảo quản Trà, Pha trà, Trà ướp hoa, Mười loại đồ sứ uống trà, Lửa đun,Xếp loại nước dùng pha trà.
Đời Thanh nổi tiếng có cuốn Tục Trà Kinh (續茶經) của Lục Đình Xán (陸廷燦).
Người Nhật có cuốn Trà thư Kissa Yojoki (Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký – 喫茶養生記), do thiền sư Vinh Tây viết năm 1191, mô tả uống trà có tác dụng tốt với ngũ tạng, đặc biệt là tâm. Cuốn sách này bàn về dược tính của trà, có tác dụng kích thích, chống viêm, giải khát, giúp tiêu hóa, trị tê phù, giúp khỏe người, lợi tiểu và bổ não. Trong phần 1, sách giải thích về hình dạng cây trà, trà hoa và trà lá, cánh trồng và chế biến trà; phần 2 nói về dược tính, cách dùng và liều dùng của trà.
Suốt thế kỷ 16, uống trà lan rộng khắp mọi tầng lớp dân Nhật. Lợi Hưu, một gương mặt biết đến nhiều nhất của Trà Đạo Nhật, đưa ra triết lý ichi-go ichi-enhất ky nhất hội: có nghĩa mỗi lần gặp gỡ là một cơ hội), một tín điều cho rằng mỗi lần gặp nhau uống trà thì đó là một kho báu sẽ không bao giờ gặp lại. Triết lý này dẫn đến thay đổi hình thái kiến trúc và vườn hoa trà thất, luôn cả nghệ thuật thưởng lãm trà và làm Trà Đạo (sadō) phát triển trọn vẹn với bốn nguyên tắc: Hòa, kính, thanh, tịch. Bốn nguyên tắc ấy[5] đến nay vẫn còn lưu truyền trong nghi thức Trà Đạo Nhật. Đến đầu thế kỷ 20, cuốn “Book of the Tea” của Okakura Kakuzo (岡倉覚三), được dịch lại ở quyển 2 tập sách này, gây chấn động thế giới. Từ khi tác phẩm này vào Việt Nam, người Việt bắt đầu xôn xao bàn về trà đạo và giật mình tự hỏi : “Việt Nam có trà đạo không?” Câu hỏi đó là tiêu điểm mà tôi muốn trình bày trong cuốn sách này ở quyển ba: “Trà phong Việt Nam”. (一期一会,
Người Hàn Quốc có cuốn Panyaro[6] (có nghĩa: “Hơi sương bát nhã”: Bát-nhã lộ -般若露) được coi là Trà Kinh thời hiện đại, ngôn ngữ hóa tư tưởng trà của Hàn Quốc. Khởi đầu của quyển này vẫn là nhắc lại khái quát cuốn Trà Kinh của Lục Vũ và nguồn gốc cây trà vùng Tây Nam Trung Hoa, cùng văn hóa trà Đường-Tống. Tiếp đến là sự di thực cây trà vào Hàn Quốc vào năm 828, nhờ công của sứ thần Kim Daeryeom và sự truyền bá văn hóa trà của các thiền sư từng qua lại Trung Hoa.. Chuyển qua thuật qua nổi thăng trầm của Trà Đạo Hàn Quốc và công lao khôi phục của đại học sĩ Chong Yak-yong hồi thế kỷ 19 và hòa thượng Hyodang vào thế kỷ 20 và người nối tiếp là Chae Won-Hwa.
Các chương kế tiếp nói về việc thành lập viện Panyaro, giới thiệu trà xanh Panyaro và lấy ý tưởng “Vô Môn”  (không có cửa) làm nền tảng triết lý cho Trà Đạo Hàn Quốc. Sách này viết: “Như vậy Đạo đã mở ra cho mỗi người, mỗi người phải quán tinh thần của Đạo theo phương châm quán định tâm.” Cuối cùng là những giáo lý Trà-Thiền và thực hành nghi lễ Trà Đạo.
Riêng Việt Nam gần như chắc chắn chưa có quyển trà thư nào! Tản mác trong các tài liệu có nói đến cây trà như trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trải viết: “Nay xét mấy ngọn núi Am thiền, Am giới và Am các ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đều sản xuất thứ chè ấy, mọc xanh om đầy rừng. Thổ dân hái lá chè đem về, giã nát ra, phơi trong râm, khi khô, đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên.” và “Có một làng tên là Vân Trai, giáp Bạng Thượng chuyên làm nghề chè giã nát để bán, gọi là chè Bạng. Chè sản xuất ở các làng sau này, đều là thứ chè ngon: làng Đồng Lạc thuộc huyện Kim Hoa, làng Đông Quy huyện Đông Ngân, làng Tuy Lai và Thượng Lâm huyện Chương Đức, làng Lệ Mỹ, An Đạo huyện Phù Khang.” Tác phẩm “Thoái Thực Ký Văn” của Trương Quốc Dụng (1801-1864) cho biết sự phân bố trà tại nước ta vào thế kỷ 19 như sau: “từ Phú Yên trở vào không có cây trà, từ Bình Định ra Bắc xứ nào cũng có” (nguồn: Nhất Thanh 1970, tr.135). Cùng một số ý kiến về uống trà của Phạm Đình Hổ với tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút. Nhưng đấy chưa là trà thư chuyên khảo.
Đầu thế kỷ 20 nhà văn Nguyễn Tuân có vài chuyện ngắn viết về trà như “Chén trà trong sương sớm”, “Những chiếc ấm đất”, … hay tiểu thuyết ”Hương Trà” của Đỗ Trọng Huề, …  các tác phẩm đó chỉ mới bộc lộ cảm xúc về trà trong văn chương. Hải ngoại có cuốn “Trà Kinh” của Thạc sĩ Vũ Thế Ngọc. Trong nước có cuốn “Tìm hiểu về khoa học văn hóa trà thế giới và Việt Nam”, của Đỗ Ngọc Quỹ – Đỗ Thị Ngọc Oanh., do NXB Nông nghiệp xuất bản tháng 6 năm 2008; Trà Đạo, Nguyễn Bá Hoàn, NXB Thuận Hóa, 2003 (viết về văn hóa trà Nhật). Nhưng các sách này chưa được nhiều người trân trọng là tác phẩm hay về trà.

[1] Khi Kha Luân Bố (Christophe Colombe) tìm ra Châu Mỹ, nhiều người tỏ ra ganh ghét. Trong một bàn tiệc, một số nhà quý tộc dèm biểm nói nếu ông ta có một đội tàu thì cũng tìm ra được Châu Mỹ chứ khó gì. Kha Luân Bố im lặng trước lời bình phẩm đó nhiều lần, một hôm ông cầm một quả trứng luộc lên và bảo những người đang nói khích đó: “Trong các quý vị, ai có thể dựng quả trứng này đứng được?”. Nhiều người thay nhau dựng nhưng chẳng ai thành công. Cuối cùng, Kha Luân Bố đập móp một đầu trứng và dụng nó đứng lên. Mọi người cùng ồ lên, nói: “Chuyện này có khó gì đâu?”.  Kha Luân Bố thủng thỉnh trả lời: “Việc tìm ra Châu Mỹ cũng vậy. Nhưng trong quý vị ai nghĩ ra được cách làm cho quả trứng dựng đứng như tôi!”
[2] Trà Kinh được dịch ra nhiều thứ tiếng. Olga Lomová dịch ra tiếng Tiệp năm 2002 với nhan đề Kniha o čaji; Francis Ross Carpenter dịch ra tiếng Anh với nhan đề Classic of Tea; Soeur Jean-Marie dịch ra tiếng Pháp với nhan đề Le Classique Du The; Marco Ceresa dịch ra tiếng Ý với nhan đề Il Canone Del tè, ….
[3] Các vua Đường Hiến Tông (806–821), Đường Mục Tông (821–826), Đường Vũ Tông (841– 847), Đường Tuyên Tông (847–860) đã điên loạn, hay đã tử vong vì linh đan của các đạo sĩ.
[4] Vùng của cây trà
[5] Hòa, kính, thanh, tịch: Hòa tức hòa điệu (和 wa), Kính tức tôn kính (敬 kei), Thanh tức trong sạch (清 sei), và Tịch tức vắng lặng, yên tịnh (寂 jaku)
[6] Từ Panyaro là từ ghép từ chữ Panya tức“Bát nhã” (trí huệ của Phật) và ro có nghĩa là hơi sương, Panyaro có nghĩa là hơi sương bát nhã (Bát-nhã lộ -般若露).
Tác giả: Đức Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét