Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

PHỐ CỔ HÀ NỘI - HÀNG BÀI

Phố Hàng Bài là một con phố có chiều dài khá lớn, khoảng 616 m. Phố bắt đầu từ ngã tư Tràng Tiền cắt phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo đến ngã tư phố Hàm Long.

Phố Hàng Bài trước kia là đất thuộc thôn Hậu Lâu, Hữu Vọng, Thạch Vũ Hạ và Hàm Châu (huyện Thọ Xương)
Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Hậu Lâu hợp nhất với thôn Hậu Bi thành thôn Cựu Lâu, thôn Vũ Thạch Hạ nhập với thôn Vũ Thạch Thượng gọi chung là thôn Vũ Thạch, Hữu Vọng đổi ra là Vọng Đức, Hàm Châu hợp với thôn Tràng Khánh thành Hàm Khánh. Gọi là Hàng Bài vì có một thời ở đoạn đầu phố là nơi tập trung những nhà làm bán các cỗ bài lá, như tổ tôm, tam cúc...

Phố này nằm trong khu vực bọn thực dân mở rộng ngay từ những năm đầu của thời Pháp thuộc. Ngay từ năm 1888 chúng đã gọi đây là đại lộ Đồng Khánh, niên hiệu của vua bù nhìn triều Nguyễn (1886-1888). Chính vào thời này, chỗ đầu phố trông sang Hồ Gươm còn có một cái chợ gọi là chợ Mới hoặc chợ Hàng Bài. Ngày 21-8-1891, thực dân Pháp đã đem bốn nghĩa quân Bãi Sậy từ Hưng Yên về xử tử ở ngay chợ này, trong đó có ông Đề Tịnh mà thái độ bình thản của ông đã khiến thực dân phải sợ. Một tờ báo bằng chữ Pháp xuất bản ở Hà Nội số ra ngày hôm sau đó đã thuật rằng, mặc dầu lưỡi dao đã lia xuống gần cổ mà Đề Tịnh vẫn tươi cười như không.

Cũng thời gian này, nghề làm bài lá đã bị trục ra khỏi phố, nhường chỗ cho các công sở và các hãng buôn của thực dân, tư sản. Ví như ở ngay đầu phố, chợ Mới đã nhường chỗ cho một hãng buôn tạp hóa lớn nhất Hà Nội là “Liên hợp thương mại Đông Dương” (L’Union commereiale indochinoise) mà sau dân chúng quen gọi là “hiệu Gô-đa” nay là chỗ cửa hàng Trung tâm thương mại Tràng Tiền. Chính ở hãng này, vào đầu tháng 5 năm 1909 đã từng nổ ra một cuộc bãi công của trên hai trăm công nhân và viên chức. Yêu sách như thế nào và kéo dài bao nhiêu ngày thì không rõ, chỉ biết rằng cuộc bãi công này đã làm xôn xao dư luận, khiến chính quyền thực dân lo lắng. Trong số báo ra ngày 8-5-1909 của tờ báo tiếng Pháp “L’Annam-Tonkin” có một bài công kích cuộc bãi công đó với lời lẽ điên cuồng đầy hằn học: “Việc phải đến đã đến! Và chúng ta có thể “tự hào” về việc ấy ! Đó là bãi công, đóa hoa nở trên đống phân của nền văn minh Âu Tây... Nó là biểu hiện của một tâm lý nguy hiểm, tâm lý này đã bộc lộ ra dữ dội trong vụ đầu độc vừa qua ở Hà Nội”.

Đối diện với hiệu Gô-đa, tức bên đầu dãy số chẵn là hiệu thuốc tây Chassague mà dân ta gọi nôm na là Xạt-xành, có từ đầu thế kỷ XX và nay là cửa hàng dược phẩm Bờ Hồ. Rồi đến các cửa hàng thực phẩm, hãng bảo hiểm, v.v... Qua đường Rô-lăng (Hai Bà Trưng) có một cơ sở văn hoá lọt vào đây: đó là trường học dành riêng cho nữ sinh người Việt duy nhất ở Hà Nội thời đó. Trường này có tên là trường Đồng Khánh, nay là trường trung học Trưng Vương. Nguyên trụ sở này từ năm 1904 là trường Cao đẳng tiểu học dành cho học sinh Pháp, gọi là trường Pôn Be. Năm 1918-1919 có trường An-be Sa-rô thì học sinh Pôn Be chuyển lên đây, nhưng chần chừ đến 1920-1921 mới thực hiện. Trụ sở nhường cho trường Nữ sư phạm, thành lập từ 1918, song phải nhờ trường Hàng Vôi (nay là trường Nguyễn Du) rồi trường Lò Đúc (nay là trường Lê Ngọc Hân) đến năm 1921-1922 mới chuyển về đây. Trường nữ sư phạm tồn tại đến năm 1932-1933 thì giải thể. Từ đó trụ sở chuyển thành trường nữ trung học Đồng Khánh, tồn tại đến tận năm 1945.

Trường Đồng Khánh - nay là Trưng Vương
Qua đường Lý Thường Kiệt vẫn bên số chẵn là vài nhà của tư sản Pháp rồi đến Trại lính Khố Xanh, xây dựng từ 1895. Cổng chính xây theo kiểu cổng các dinh thự Việt Nam truyền thống, có 4 cột hoa biểu và vọng lâu (nay vẫn còn nguyên). Lính Khố Xanh là lính phòng vệ (còn lính Khố Đỏ là lính chiến đấu, quốc phòng). Lính Khố Xanh thuộc quyền điều động của cơ quan dân sự Thành phố (và tỉnh) có nhiệm vụ canh gác, hộ tống, trị an địa phương, khi cần thì cũng bị huy động đi càn quét cùng lính Khố Đỏ và lính Tây. Thời Nhật thuộc đổi gọi là lính Bảo An. Sau Cách mạng 19-8-1945 nơi đây thành trại Vệ quốc đoàn Trung ương.

-Bên dãy lẻ, tiếp nối nhà ga Gô-đa, bên kia đường choán hết mặt phố là Khách sạn Pháp quốc. Các phòng ngủ quay ra phố Rô-lăng (Hai Bà Trưng), khu ăn uống là rạp Kim Đồng ngày nay. Tiếp đó đa phần là nhà của các Pháp kiều, lớn nhất là Công ty bảo hiểm En-li-ét, chỗ nay là cửa hàng văn hóa phẩm và cửa hàng ăn uống Paradise.

Qua phố Ca-rô (nay là Lý Thường Kiệt) đoạn phố này có rạp chiếu bóng Ma-giét-tích nay là Tháng Tám, xây dựng từ 1932. Cạnh rạp, nhà 43 vào những năm 1930-1935 đã thuộc về người Việt và là hãng kinh doanh ra-đi-ô, trang âm... mà chủ nhân là ông Nguyễn Dực, con trai văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, và là người phụ trách toàn bộ trang âm ở quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử.

Sau Cách mạng 1945, ta đã đổi tên phố là đại lộ Triệu Quang Phục. Cuối năm này quân Tưởng vào Hà Nội, chúng đóng ở trường Đồng Khánh. Sau khi chúng cuốn gói về nước thì Bộ Quốc phòng của ta đã tới đóng ở đây (lúc này nữ sinh Đồng Khánh đã xuống học ở trường Lò Đúc). Những ngày khói lửa tháng 12 năm 1946 nơi này cùng trại Vệ quốc đoàn, là nơi xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa bộ đội và tự vệ thành với quân Pháp gây hấn.

Nay, Hàng Bài biến đổi nhiều, nhà Gô-đa thành Cửa hàng Bách hóa tổng hợp, rồi nay là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (tráng lệ hơn nhưng vắng khách chứ không sầm uất như thời là Bách hóa Tổng hợp). Hai bên phố là các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ. Số 19 thành một địa chỉ văn hóa: Nhà triển lãm nghệ thuật, mỗi lần có trưng bày khách vào ra cũng khá đông. Nhiều cửa hàng thời trang bắt mắt, hấp dẫn. Trại lính Khố Xanh thành Tổng cục Cảnh sát và Cục Xuất nhập cảnh...

Sang qua phố Trần Hưng Đạo, đầu bên lẻ là đồn Công an phường Hàng Bài vốn là phòng khám bệnh tư của bác sĩ Hiệp. Rồi tới một loạt các cửa hàng kinh doanh điện thoại, và Trung tâm Xổ số của Sở Tài chính. Đeo quanh đó là đông đảo các bàn bán xổ số (và ghi đề?). Chập tối, khi công bố các giải thưởng, người tấp nập kéo đến như đi xem hội.

Đối diện Trung tâm Xổ số, bên dãy chẵn có Trung tâm Bác sĩ gia đình (thuộc Sở Y tế), chăm sóc sức khỏe có tín nhiệm. Đó vốn là bệnh viện tư của B.S Nguyễn Đình Hoằng một thời nổi tiếng về chữa các bệnh phổi.

Phố Hàng Bài có trung tâm thương mại, có các hiệu thuốc, các cửa hàng thời trang, ăn uống, giày dép, văn hóa phẩm, tạp hóa, di động, trung tâm y tế, nhà triển lãm, nhà trường, công an, v.v... Thật là một con phố tụ hội đủ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội...
(Nguồn: Trung tam tri thức cộng đồng và Hathanh.info)
(nguồn hình ảnh: Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét