Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA MỘT CỘT - ĐÔI ĐIỀU ÍT BIẾT

CHÙA MỘT CỘT VÀ HAI BÀI CHÂM VỀ UỐNG TRÀ

ĐINH CÔNG VĨ

Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Chùa Một Cột (còn gọi là chùa Diên Hựu) ở phường Điện Biên thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Trải bao cơn dâu bể trên đất Thăng Long như ngày nay chùa vẫn giữ được nét cổ kính, mỹ lệ. Song có thể đôi câu đối ở cổng chùa phải viết lại một câu vế đối này chưa phản ánh đúng sự thật:
"Diên Hựu tố danh lam, tự cổ Trần triều sáng tạo"
(Nghĩa là: Chùa Diên Hựu xem ngược lên thì biết: chốn danh lam này từ xưa do triều Trần sáng tạo).
Thật ra triều Trần chỉ là người nối tiếp trùng tu, sửa chữa. Còn sáng tạo, khởi công dựng nên chùa là bắt đầu từ thời Lý. Vì theo Quốc sử (nhất là Đại Việt sử ký toàn thư của nhóm Ngỗ Sĩ Liên) thì: Vào tháng 10 năm Kỷ Sửu (1049) vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan âm ngồi trên toà sen dắt vua lên toà. Tỉnh dậy, vua nói với bề tôi. Có người cho là điểm ấy là không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua phải xây chùa dựng cột đá giữa ao, làm toà sen của Phật Quan âm trên cột, giống như đã trông thấy trong mộng, cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh, cầu cho vua được sống lâu, kéo dài sự sống hơn. ("Diên" là kéo dài, "Hựu" là rộng rãi, khoan thứ hay là giúp đỡ nhau) nên mới có cái tên chùa là "Diên Hựu".
Cảnh đẹp trong mộng mà Lý Thái Tông đã dựng lên thành cột đá, đài sen, Phật Bà tương ứng với thiên nhiên xung quanh thuở ấy đã hiện lên ở đây. Nơi này cũng phần nào phản ánh cảnh quan thời vua Lý Thái Tông: Vào tháng 9 năm Ất Sửu (1105) vua sai làm 2 ngọn tháp chỏm trắng như ngọc ở chùa Diên Hựu. Vua còn sai chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, vét hồ liên hoa đài (với sen hồng lộng lẫy) thành hồ gọi là hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ở ngoài hành lang lại đào hộ gọi là Bích trì (ao biếc); đều bắt cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp (theo Đại Việt sử ký toàn thư) Đúng là cảnh: "Chốn trời Nam riêng chiếm Bồng Doanh". Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư: Hàng tháng cứ ngày rằm, mùng một và mùa hạ ngày 8 tháng 4, có xa giá vua Lý ngự đến lễ cầu sống lâu, bầy nghi thức tắm phật, hàng năm làm lễ thường. Câu đối treo trong chùa góp phần làm rõ hơn cảnh này:
"Hoàng cung tứ nguyệt, đản sinh thiên giáng cửu long phún thuỷ <-> Tuyết lĩnh lục niên, thiền yến thần lai thứ điểu hàng hoa" (nghĩa là: Tháng tư nơi hoàng cung vua đến, trời giáng xuống 9 rồng phun nước <-> sáu năm chốn đỉnh tuyết bầy yến, đạo thiền về muôn chim dâng hoa).
Song nổi bật nhất và đáng lưu ý nhất ở chùa Một Cột là 2 bài Châm treo ở xà ngang trong nhà chùa; bài Châm của chùa tuy không ghi tên tác giả nhưng vẫn phản ánh vấn đề uống trà thời xưa. Đó là một đề tài hiếm có ở các bài Châm hay nói về đạo đức, giáo dục, về phương châm cuộc sống để răn dậy đời thuở xưa. Dịch bài châm này hẳn có thể góp phần hiểu nền văn hoá ẩm thực thời xưa gắn với Phật giáo, làm cho ngôi chùa này thêm thanh tao và càng tỏ rõ người Hà Thành thanh lịch.
Bài 1
Phiên âm:
Phù! Trà vị giả! Lộ tẩy ngọc nha
Tiên xuân thám trích, tuyết minh kim niễu
Phá ngọ thục tiên, thiên ngoại phi lai
Long bồi hương nhập, gian chiến thoái ma
Vương trần hưu khoa, lô uyển hảo nhận
Triệu châu kim tắc
Khải nhận thiên đạo trường
Kiến thánh hiền pháp hội
Thiệt tế ba phiên hà hải
Đính môn nhãn chiếu càn khôn
Dược đào viên lô khán thủ
Bán không phi tuyết
Đương nhiên cử thác
Tự nhiên vũ dịch sinh phong.
Cẩn bạch
Dịch thơ:
Ôi! vị trà này!
Giọt sương rửa sạch ngọc đầy mầm thơm,
Xuân xưa nay đã dò tìm,
Tuyết lọc sạch hết sáng thêm ấm vàng,
Quá trưa nước chín mơ màng,
Ngọt ngào chất vị dậy hương bên trời,
Hương nồng trà sấy thêm mùi,
Đánh yêu ma cả một loài phải lui (1),
Vương nghỉ trận khoe những gì,
Chén trà đen sắc ai người nhận hương,
Đất Triệu (2) nay cũng như dường,
Thánh - hiền hội pháp (3) thấy rồi,
Đây: đầu lưỡi sóng dậy trời bể sông.
Mắt nhìn vũ trụ mơ mòng,
Bừng bừng múa lật than hồng lò reo,
Nửa trời tuyết trắng trong veo,
Dốc bầu nâng túi giữa chiều say sưa.
Tự nhiên nổi gió mây mưa.
Kính cẩn bộc bạch lòng mình!
Bài 2:
Phiên âm:
Phù! Thang vị giả, phong giá phân cam
Giác hưởng thiệt đầu, ta át căn trần
Thấu triệt thuỳ tằng, tỵ không tiên tham
Đoạt Tô Ma Ba Lỵ chi trần
Thắng cam lộ Đề hồ chi diệu.
Kim tắc
Khai vô giá chi pháp hội,
Vận bất động chi đạo trường
Thánh phàm thiệt tế tri âm
Nhân thiên đính môn bối nhãn
Hư tâm uyển phủng Nga nhi tửu
Triệt cước xanh phanh phượng tuỷ tương
Thiên thánh đài my nhất thời khể thủ.
Cẩn bạch.
Dịch thơ:
Ôi! Vị trà thang này!
Mía - ong mật ngọt phơi bầy chia ra.
Cảm nơi đầu lưỡi của ta,
Làm sai lệch gốc, làm xa tục trần,
Những ai từng trải thấm nhuần,
Lỗ mũi biết trước dễ phân mùi trà,
Đoạt cả vị quí Tô Ma (4),
Hơn cả nước ngọt(5) cao xa Đề hồ (6).
Ngày nay dù có bao giờ,
Chốn không đồng, chốn chẳng chờ dù buông,
Vẫn còn phép hội đạo trường,
Mở ra vận dụng thênh thang khắp vùng,
Thánh -Tục đầu lưỡi biết chung,
Trời người trán mắt trùng phùng không sai.
Lòng ta chẳng bợn trần ai,
Chén Nga Mi dốc càng dài càng say(7).
Tuỷ phượng tương ngọt đã bầy,
Chậu xanh đun nấu càng đầy vị tiên.
Nghìn vị thánh mày dựng lên,
Mà lòng thành kính không quên cúi đầu.
Kính cẩn bộc bạch lòng mình.
Chú giải:
1. Ma: Tức là Ma vương, chúa loài thiên ma, ngăn cản các bậc tu học không cho thành phật, hại con người.
2. Đất Triệu: Chưa rõ tác giả chỉ địa điểm nào.
3. Pháp hội: Hội lễ trai giới của các vị tu phật.
4. Hoa Tô Ma Ba Lỵ (còn gọi là Tô Ma Na). Người Trung Hoa dịch là Xứng - ý- Hoa (hoa xứng ý), chỉ loài hoa thơm quý, hợp ý con người.
5. Cam lộ: Từ tiếng Ser Anirte tiếng Phạn là A mật lí đa: Nước ngọt cam lồ để uống của các vị thiên thần, coi là thuốc tiên thuốc phật, rưới lên ai người ấy hết bệnh tật, cải tử hoàn sinh. Phật bà Quan âm thường cầm bình hồ lô chứa cam lộ, dùng cành dương chấm vào đấy, rẩy lên các người bệnh, lên các u sầu phiền não ở thế gian ... đều chữa khỏi hết.
6. Đề hồ: 1 món ăn ngon lành, có gốc từ sữa bò.
Còn gọi là rượu Nga Nhĩ, lấy một phần tên của Nga Nhĩ Khăm Cống Cát Tang Ba (1328 - 1456), người sáng lập của chi phái Nga Nhĩ, 1 trong 3 chi phái xuất hiện của Mật giáo vào thời sau phái Tất Ca, Phật giáo Tây Tạng, Sư Nga Nhĩ...trọn đời giữ gìn tịnh giới, ngày chỉ ăn một bữa chay nhưng ăn rất sạch. Rượu Nga Nhĩ là rượu trong sạch, ai uống vào sạch mọi khổ não, lòng sẽ không bợn trần ai.
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.604-609

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét