Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

ĐI TÌM DẤU TÍCH CHÙA QUAN THƯỢNG


Tuy sinh trưởng ở Hà-nội, nhà cách hồ Hoàn Kiếm không xa, nhưng tôi chỉ mới biết đến tên chùa Quan Thượng từ khi bắt đầu sưu tầm tài liệu về Hà-nội xưa, nghĩa là cách đây không bao lâu, bởi lẽ giản dị là chùa đã bị phá hủy từ trước khi bố mẹ tôi ra đời!

I. Chùa Quan Thượng theo sách sử Việt Nam.

Những chi tiết về chùa mà tôi thu nhặt được từ sách sử của ta không có bao nhiêu, gom góp chỉ độ một trang đánh máy là nhiều:

1. Tên chùa.

Chùa mang rất nhiều tên: ngoài tên tục là chùa Quan Thượng (do tổng-đốc Hà-nội, Nguyễn Đăng Giai, hàm Thượng-thư, đứng ra quyên tiền xây chùa nên gọi là chùa Quan Thượng) còn tên chữ là Liên trì, Vũ Ngọc Phan gọi là chùa Cửu Tỉnh (2), Chu Thiên bảo là Sùng Hưng Tự (3), lại còn có tên là chùa Báo Ân (không nên nhầm với tháp Báo Thiên của chùa Sùng Khánh, cũng ở ven hồ Hoàn-kiếm nhưng phía tây và được xây cất từ thời nhà Lý, sau này bị tổng-đốc Hà-nội, Nguyễn Hữu Độ đem hiến cho giám mục Puginier phá đi lấy chỗ xây nhà thờ lớn Hà-nội (4). Đấy là chưa kể tên do người Pháp đặt: Pagode des Supplices (chùa Thụ hình).

2. Thời điểm xây chùa.

Kiều Thu Hoạch (5) cho biết chùa bắt đầu kiến tạo từ 1842, bốn năm thì xong. Chu Thiên nói khởi công năm 1843, trong khi Masson và Claude Bourrin lại viết xây từ 1841, đến 1847 thì hoàn tất (6).
Chu Thiên nói thời Pháp sang chiếm đóng chùa, không ai được vào xem, "chùa cũng hóa ra trại lính". Đúng ra, khoảng 1884, tất cả những ngôi chùa xung quanh hồ đều bị quân đội hoặc các cơ quan hành chính của quân đội Pháp chiếm cứ, chùa Quan Thượng bị Service de la Sous-Intendance du corps expéditionnaire (Phó Quân nhu cục) của Pháp "sung công". Năm 1889, chùa bị Pháp phá hủy (7).

3. Địa điểm.

Vẫn theo Chu Thiên, địa điểm của chùa hiện nay (8) ở khu vực phố Đinh Lê, bộ Nội vụ, nhà Khách của Nhà nước, sở Bưu điện và Trụ sở Ắy ban quốc tế. Tháp Hòa phong, hiện vẫn còn, thuộc cổng ngoài của chùa, thì ở gần chợ hàng hoa và ngã tư Tràng Tiền.
Đại Nam Nhất Thống Chí (9) chép chùa tọa lạc ở thôn Cựu-lâu, huyeän Thọ-xương, trên nền cũ lầu Ngũ-Long (10). Chu Thiên viết rõ hơn về gốc tích của chùa: "... Ngũ Long Lâu, lầu son gác tía nguy nga, làm chồng lên mấy tầng, ở ngoài có trường súng, có xưởng thuyền ; đến cuối Lê, Tây-sơn ra phù Lê diệt Trịnh, rồi Trịnh bị Lê trả thù, hai bên đánh nhau đốt đi đốt lại mấy lần, sạch trơn

cả, dân cư kéo đến ở thành làng. Vì thế bản Triều (Nguyễn) mới đặt tên là làng Cựu lâu. Ở chỗ nền chùa bây giờ, khi ấy còn trơ lại ba khẩu súng thần công lớn, bằng gang, nòng ba tấc, dài năm thước, được phong là Điện Xiết tướng quân, Lôi Chấn tướng quân và Phi Đằng tướng
quân. Đời Gia Long, các quan Bắc thành cho lính di chuyển đem vào thành, không tài nào lay nhổ lên được. Quan Đề đốc hộ thành phải cho sửa lễ cầu khẩn thần, lễ xong thì chuyển súng đi được ngay. Dân xóm chung quanh thấy linh ứng liền lập miếu đền thờ. Đến đời Minh Mạng, người ta làm ngôi đền ngói và xin phong sắc để phụng sự. Sang đầu đời Thiệu Trị, Quan Thượng Giai
xét lại, không cho, bắt hủy đi và thân đứng ra làm ở trên chỗ nền ấy ngôi chùa nguy nga, đồ sộ, kiến trúc tinh xảo (...) công phu, tổn phí mất nhiều tiền của thập phương. Chính Quan Thượng đặt tên cho chùa là Sùng Hưng Tự, tức là chuộng sự hưng thịnh" (11).
 

4. Chùa Quan Thượng.


Chùa rộng 150 gian, tám mặt đào cừ thả sen, được kể là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở ven hồ Hoàn Kiếm, song đẹp ở chỗ nào thì không thấy ai nói rõ. Ngay cả Trương Vĩnh Ký đã từng đi vãn cảnh chùa năm 1876 và tả chùa tương đối tỉ mỉ so với sách sử của ta, nhưng người đọc vẫn không sao hình dung ra được cái "kiểng rất xinh" ấy, "xinh" ở chỗ nào?
"Vô cửa hai bên có tháp cao. Trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa, hai bên mép xây đá cả. Cầu bắc tứ phía qua chùa cũng xây đá gạch hết. Xung quanh bốn phía có hành lang chạy dài giáp nhau.
Trong chùa đằng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám, hình lớn to, quang thếp cả. Hai bên sau có động và tháp điện, đều bọng hình nổi ra hết. Đằng sau đền, có tạc hình cốt ông Nguyễn Đăng Giai.
Phải chi nhà nước lo tu bổ, giữ gìn thì ra một kiểng rất xinh, rất đẹp. Mà nay thầy chùa, thầy sãi ở đó, dỡ ngói, cậy gạch bán lấy đi mà ăn nên hư tệ uổng quá" (12).

5. Quan Thượng.

Không ai biết chùa đẹp ở chỗ nào song hễ nói đến chùa thì tất cả đều không quên nhắc đến bốn câu tứ tuyệt ngụ ý châm biếm Quan Thượng:
Phúc đức gì mày bố đĩ Giai?
Làm cho tổn Bắc lại hao Đoài!
Kìa gương Vũ đế còn soi đó,
Ngã tử Đài thành, Phật cứu ai? (13)
Đọc thơ ta có cảm tưởng Nguyễn Đăng Giai là một ông quan đáng chê cười: đã mê tín lại keo kiệt, muốn xây chùa để làm công quả nhưng bắt dân đen đóng góp. Tuy nhiên nếu ta giở Đại Nam Thực Lục hay Đại Nam Liệt Truyện ra thì lại gặp một Nguyễn Đăng Giai khác:
Nguyễn Đăng Giai, người huyện Lệ-thủy, Quảng bình, đỗ Hương tiến (Cử nhân) năm 1825, làm quan từng giữ những chức Tổng-đốc, Thượng-thư, Hiệp biện Đại học sĩ, Kinh lược sứ Bắc kỳ, từng đi chấm thi, đi sứ ngà Thanh cầu phong cho vua Tự Đức... Được Minh-Mệnh coi là người có kiến thức, những điều Nguyễn Đăng Giai trình bày đều thiết thực và phần nhiều được vua cho thi hành như: gặp năm đói kém xin đặt ra sở Dưỡng tế, xin ban thóc kho, hoãn thu thuế, tha khoản trốn thiếu, xin mở đường cảng, đào đá núi lấy tiền trả công thay cho tiền phát chẩn. Lại đào sông đắp đê, đúc tiền, sửa hình luật, vun trồng phong hóa. Việc biên phòng xin tuyển lính, luyện tập, đặt đồn, miễn thuế các châu huyện bị giặc cướp. Đi sứ không làm nhục quốc thể...
Làm quan trên 20 năm, trải ba đời vua (Minh-Mệnh, Thiệu-Trị, Tự-Đức) ra công đánh dẹp, trị an, bầy nhiều mưu kế sáng suốt được thưởng nhiều kim tiền, kim khánh, vua ban sâm quế, thuốc ngự dụng khi ốm đau... Mất năm 1854, được thăng hàm Thiếu-bảo.
Liệt truyện tóm lược đời ông trong bốn chữ "công nghiệp rực rỡ" nhưng lại hạ một câu: "Tiếc vì chuộng đạo Thích, dựng chùa thờ Phật luôn mê hoặc người, phí của thực nhiều, chưa khỏi làm lụy cho thịnh đức" (14). Đây là những lời phê phán thiếu khách quan của nhà Nho hẹp bụng chỉ cho phép người ta tôn sùng đạo Nho mà thôi. Nguyễn Đăng Giai quả có ngưỡng mộ đạo Phật, ngoài việc hưng công xây chùa Liên trì còn giúp tổng-đốc Hà-nội Đặng Văn Hòa tô lại tượng và trùng tu chùa Một cột năm Thiệu Trị thứ bảy, sự kiện này được ghi trên bia công đức ở gần cổng chùa (15), song không thể vì "chuộng đạo Phật", "xây chùa" mà thành mê tín dị đoan, "mê hoặc lòng người" và "làm lụy cho thịnh đức"! Không rõ tác giả có bị ảnh hưởng vì bốn câu tứ tuyệt?
Xét ra Nguyễn Đăng Giai không được người đương thời quý trọng một phần vì ông sùng bái đạo Phật, một phần vì ông không hòa hợp với các đại thần trong triều. Người đời sau không biết ông, thường xét ông qua bốn câu tứ tuyệt nên không khỏi có chỗ oan ức cho ông. Sau này đọc Bóng nước Hồ Gươm tôi mới biết Nguyễn Đăng Giai đã được Chu Thiên biện minh hộ rồi.

II. Chùa Quan Thượng dưới mắt người Pháp.





Một tháp ở chùa Báo ân (Quan Thượng)

Một cái tháp của chùa Quan Thượng  bên bờ hồ Hoàn-Kiếm
(Ảnh Hocquard, với sự đồng ý của anh Nguyễn Tấn Lộc
http://hinhxua.free.fr/autrefois/docteur-hocquard/page5/photo_docteur_hocquard_5_vn.htm)
Tuy chùa do người Pháp triệt hạ năm 1889, song cũng chính nhờ những sách báo và tranh ảnh của họ để lại mà ngày nay chúng ta có được một ý niệm về ngôi chùa nổi tiếng mà họ mệnh danh là Pagode des Supplices (chùa Thụ hình). Theo Halais (16) thì chùa sở dĩ mang tên Thụ hình vì hai tấm vách ván (panneaux) chạm nổi, chiều cao ba thước chiều dài năm thước, tả cảnh thần Phật ngồi phán xét những hành động của người dương thế: ai thiện được lên Thượng giới, kẻ ác bị đày xuống phía chân vách, có quỷ sứ áp dụng những cực hình xét ra còn thảm khốc bằng mấy cực hình của Pháp đình tôn giáo Âu châu thời Trung cổ.
Masson cho biết thêm chùa xây ở mé đông nam hồ Hoàn Kiếm, xung quanh có hồ sen bao bọc, trông giống như một vòng hoa nên có tên là Liên trì. Chùa thờ những bức tượng bằng gỗ hay bằng đá diễn cảng thụ hình ở địa ngục. "Những tác phẩm điêu khắc kỳ hình dị dạng, khó tả nên lời, nhưng không thiếu vẻ tinh xảo, vượt xa những tấm bích họa khủng khiếp nhất của các nghệ sĩ Âu châu thời Trung cổ" (17). Kể cũng lạ là một ngôi chùa được ta đặt tên là "Báo Ân" lại chỉ để lại những ấn tượng hãi hùng trong lòng người Pháp.
Bác sĩ Hocquard, y sĩ trưởng (médecin major) trong đoàn quân viễn chinh Pháp, là người đã từng chụp ảnh chùa khoảng 1882-1883. Ảnh lâu ngày đã mờ nhạt, những cái chúng ta thấy in trên sách báo phần nhiều là tranh vẽ lại theo ảnh của Hocquard. Chính Hocquard cũng là một trong những người đầu tiên mô tả chùa tỉ mỉ, theo đúng phong cách Âu Tây:
"Từ xa, tầm mắt khách thập phương đã bị những cái tháp chuông, cột trụ, tiểu tháp thu hút. Bước vào chánh điện, quy mô rộng lớn, giữa những hàng cột vàng son lộng lẫy, có đến trên hai trăm pho tượng thần Phật sắp hàng. Chính giữa là bàn thờ Đức Phật Thích Ca, cao 1m50, dát vàng từ đầu đến chân, ngồi trên tòa sen, đôi mắt lim dim nhìn xuống lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối. Hai đại đệ tử đứng hầu hai bên (18).
Vây quanh mấy pho tượng trung tâm này, la liệt những tượng chư thánh tăng đặt trên các bàn thờ riêng biệt, chạy dài dọc theo tường vách, trông như một cử tọa đang chăm chú. Có những lão trượng khả kính, những ông quan mặc triều phục tay cầm hốt hay bưng lư hương, những tu sĩ khổ hạnh đang ngồi tĩnh tọa, tham thiền nhập định. Tuy họ chỉ mới đạt được bước đầu công phu giác ngộ Phật pháp song đã đủ tài chế ngự được các loài mãnh thú điển hình là những con hổ, con trâu nằm phục dưới chân.
Dáng dấp và cách trang phục pho tượng chính giống kiểu Ấn độ. Tượng Phật ở Bắc kỳ chẳng khác gì ở các chùa bên Tích-lan hay Tân-gia-ba. Chỉ những pho tượng phụ mới thay đổi, hệt như tượng của Trung quốc.
Chùa đã xiêu đổ và không còn mấy người bản xứ đủ khả năng giải thích những điển tích nhà Phật thể hiện qua các pho tượng" (19).
Paul Bourde, phái viên tờ Thời báo, đi sâu hơn vào khía cạnh kỹ thuật: "Tượng bằng gỗ phủ một lớp sơn màu hay quang thếp khá dày, có pho lại tô một chất liệu gì giống như stuc (đá hoa giả?). Vì lớp sơn phết bên ngoài quá dầy nên những nét đục chạm sắc bén trở nên tròn nhẵn, những đường rãnh sâu trũng bị lấp bằng, xóa mất các nét gân guốc, sắc cạnh của lưỡi dao nhà điêu khắc. Loại stuc không thích hợp với thuật đắp tượng diễn khối mạnh bạo.
Nhiều pho tượng, qua những tâm trạng biểu lộ trên nét mặt, những tư thái tự nhiên, rất đáng chú ý. Đứng sánh bên thì tượng của chùa Bách ngũ thần ở Quảng đông chỉ là những tác phẩm vụng về, thô kệch, bất thành dạng. Nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật khảm xà cừ của họ tỏ ra thực sự đặc sắc.
Người tạc tượng nay đã mất hoặc xiêu tán. Tuy nhiên, tôi rất muốn tìm hiểu cung cách làm việc của những nghệ nhân chân chất này, xem họ bị giằng xé đến mức nào giữa những quy tắc rập theo khuôn mẫu cổ truyền và khuynh hướng tôn trọng thiên nhiên. Tôi có cảm tưởng đôi phen sự thật đã làm họ phải khắc khoải." (20)
Nếu ta biết Bourde thường tỏ ra rất miệt thị dân "bản xứ" thì mới thấy những câu phê bình trên đây là những lời "vàng ngọc"! Hiển nhiên phẩm chất nghệ thuật của các nghệ nhân đã "chinh phục" được Bourde tới mức chịu nhìn nhận tác phẩm của những người này đã đáp ứng tiêu chuẩn trình độ thẩm mỹ của phái viên "thông kim bác cổ" tờ Thời báo. Ngày nay ai ai cũng ca tụng tượng Phật chùa Tây phương, có biết đâu xưa kia còn bao nhiêu tác phẩm có lẽ cũng độc đáo không kém của các nghệ sĩ vô danh khác đã bị mai một chỉ vì không được bảo tồn.
R. Bonnal, Trú sứ Hà-nội (1883-1884), một trong những viên chức hành chính dân sự đầu tiên của Pháp ở Bắc kỳ, cho rằng chùa Thụ hình có những sắc thái đúng với mỹ quan của dân Việt, và nhìn nhận nó có một giá trị lịch sử. Theo ý ông thì tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam đều là những di sản văn hóa rất nên bảo trọng và tu bổ.
Cả năm chục năm sau khi chùa bị triệt hạ, Claude Bourrin vẫn còn than tiếc "cái quyết định phá hủy chùa là một quyết định không sao giải thích nổi, và đáng tiếc vô cùng!" (21). Claude Bourrin không phải là người Pháp duy nhất tỏ ý than phiền.

III. Những di tích tranh ảnh.

1. Họa đồ.

Bằng vào họa đồ của một người Việt vẽ theo trí nhớ (22) thì chùa gồm tháp Hòa Phong, rồi tới một con đường dài dẫn đến chùa, giữa đường phải chui qua một cái cổng. Chùa được kiến tạo trên một khuôn viên hình bát giác, tám cạnh không đều nhau, xung quanh có hồ sen bao bọc.

2. Tháp Hòa Phong.


Đất nước ta cho biết "hiện nay" (23) trước nhà Bưu điện còn "cái cổng ngoài của chùa". Tôi nhớ trước nhà Bưu điện không có cái cổng nào nhưng có lẽ vì đi xa đã lâu nên quên chăng? Hỏi những người có dịp về Hà-nội gần đây thì chỉ có một người nhận đã thấy "cái cổng" song lại...chê nó xấu nên không chụp ảnh. Tôi nhờ người gửi ảnh sang hóa ra nó không phải "cái cổng" mà là "cái tháp Hòa Phong", hiện được liệt vào hạng di tích nghệ thuật kiến trúc. Tháp dựng ngay ven hồ Hoàn-Kiếm, thuộc cổng ngoài cùng, ở khá xa chùa, mãi tận bên kia đường, chỗ nhà Bưu chính, có lẽ vì thế mà không bị phá cùng với chùa? Mới đây (1998), đọc Hà-nội cũ (24) thấy Sở Bảo viết "bốn mươi năm trước sau khi toàn thể ngôi chùa bị phá dỡ còn trơ lại cái cổng, bên trên có bốn chữ "Phương Tiện Pháp Môn", còn tháp Hòa Phong, ở trước tượng Paul Bert, thì xưa kia "đứng ngay giữa lối đi vào chùa". Như vậy là ngoài tháp Hòa Phong rõ ràng còn một "cái cổng chùa" thật sự. Nhưng khi quan sát ảnh của Hocquard và tranh vẽ lại cổng chùa thì không thấy cái nào có chữ nho nên tôi nghi có lẽ cái cổng mang hàng chữ "Phương Tiện Pháp Môn" nằm ở giữa con đường đi từ tháp đến chùa, và vì đứng xa chùa nên không bị phá ngay cùng một lúc với chùa. Bằng vào một số bài của Hà-Nội cũ đã in trên Trung Bắc Chủ Nhật khoảng 1940-1945, thì "bốn mươi năm trước" có nghĩa là đầu thế kỷ XX, khi ấy chùa mới bị triệt hạ có hơn mười năm nên có thể cái cổng "Phương Tiện Pháp Môn" vẫn còn.

3. Cổng chính của chùa.

Trước cổng có sân gạch, hai bên cổng mỗi bên hai cái tháp, ở giữa có cầu cuốn rồi tới mấy bậc thềm. Kiến trúc cân đối, khang trang. Toàn thể toát ra một vẻ tôn nghiêm, tĩnh lặng khiến cho lòng người lắng xuống.
Cũng như tháp Hòa Phong, tranh vẽ cổng chùa, so với ảnh của Hocquard, đã được "tô điểm" ít nhiều: đỉnh hai ngọn tháp bên cạnh chùa sự thật không nhọn, cổng chỉ có ba bậc thềm, số người đứng trước cổng không giống nhau, khi thì một, khi thì ba, vị trí chỗ họ đứng cũng khác.
Khi tôi đang viết bài thì được anh chị Tiêu Nương và Trúc Viên Lang tình cờ đem cho mấy cái tranh ảnh Việt-Nam thời cổ, trong đó có cái tranh vẽ cổng chùa. Đây là ảnh chụp lại tranh vẽ chứ không phải loại phóng ảnh như của tôi (bởi muốn chụp lại ảnh của Hocquard rất khó, phải xin phép trước rất lâu). Tôi thích thú ngắm đi ngắm lại mãi và bỗng phát hiện cổng chùa được giới thiệu là "cổng Văn miếu Hà-nội"! Râu ông nọ đã được trịnh trọng cắm vào cằm bà kia!

4. Hai bức chạm nổi.

Theo Halais thì khi phá chùa người ta dời hai bức vách ván chạm nổi (panneaux) đến một ngôi chùa khác ở phía nam Hà-nội. Một bậc tiền bối cho biết phía nam Hà-nội có một ngôi chùa ở gần Lò lợn, nhưng tên là gì thì không nhớ. Nhìn địa đồ Hà-nội vẽ năm 1889, năm chùa bị phá, thì thấy phía nam, gần Văn miếu có một ngôi chùa, đọc tên không rõ, không biết có phải là ngôi chùa ấy không? Tôi nhờ người nhà điều tra hộ nhưng cho đến nay (tháng 8-1997) vẫn chưa ra manh mối, không rõ tên ngôi chùa ấy là gì và hai bức chạm nổi còn hay mất?

5. Chùa Tupphen.

Một trong những lần đầu đi thư viện tìm tài liệu về chùa Quan Thượng, tôi thấy có một bài viết về Chùa Tupphen. Thường thì thấy cái gì lạ tôi cũng đọc rồi ghi lại tên sách. Lần ấy vội, tôi bỏ qua. Một tuần sau, đọc Archives de l'Indochine tôi ngẩn người thấy tranh cổng chùa Quan Thượng được chú thích là "Pagode Tupphen dite Pagode des Supplices". Vội vàng trở lại thư viện, song vì lần trước vội, không ghi tên sách, nên dòng dã mấy tháng tìm kiếm tôi vẫn không sao thấy lại được bài viết về chùa Tupphen! Khi viết về chùa Quan Thượng, các tác giả dành nhiều nhất là độ một trang rưỡi, đằng này chùa Tupphen được tả trên mấy tờ, càng khiến tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ, "mất ăn mất ngủ", và sẽ còn ăn năn, hối tiếc chưa biết đến bao giờ nếu một hôm tôi không sực nghĩ ra: rất có thể tác giả "Archives..."-xuất bản năm 1995- đã lầm, cũng như người giới thiệu cổng chùa Quan Thượng là cổng Văn miếu, vì ngoài "Archives..." tôi không thấy một người Pháp đương thời nào gọi chùa Thụ hình là chùa Tupphen.
Đã tưởng không thể tìm thêm được tài liệu nào về chùa, không ngờ đến phút cuối tôi lại kiếm ra một bài ca dao có những chi tiết cho thấy có lẽ tác giả đã từng vãn cảnh chùa, tuy rằng "tường lục lăng" tả không được chính xác lắm. Xin mượn nó để kết thúc bài này:
Gần xa nô nức tưng bừng,
Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên.
Lầu chuông gác trống hai bên,
Trông ra chợ Mới, Tràng tiền kinh đô.
Khen ai khéo họa địa đồ,
Sau lưng Nhị thủy, trước hồ Hoàn Gươm.
Phong quang cảnh trí trăm đường,
Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng.
Rõ mười cửa động tưng bừng,
Đền vàng, tòa ngọc, chật từng như nêm.
Dục trì phơi tỏ màu sen,
Thập phương chư Phật ngồi trên đủ mười.
Dạo xem Tam bảo khắp rồi,
Hành lang, nhà hậu khắp nơi rõ ràng.
Kẻ thanh lịch, kẻ quyền sang,
Vào chùa lễ bái mọi đường vui xem.
Ai ai mến cảnh thiền môn,
Lòng trần rũ sạch nhơn nhơn ra về.
Bước ra hòn đá xanh rì,
Nhìn phong cảnh chẳng muốn về nữa đâu. (25)

Chatenay-Malabry, 8-1997
Sửa lại tháng 4-1998
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

***

Sách tham khảo

Bonnal R. "Au Tonkin" (1873-1886), Revue Indo-chinoise, Sept-Oct. 1923.
Bonnetain P. "Au Tonkin", Paris: Victor Havard, 1885.
Borge Jacques & Viasnoff Nicolas. Archives de l'Indochine. Michèle Trinckvel, 1995.
Bourde Paul. De Paris au Tonkin. Paris: Calmann Lévy, 1885.
Bourrin Claude. Le vieux Tonkin. Saigon: J. Aspen, 1935.
Chu Thiên. Bóng nước hồ Gươm. Hà-nội: Văn học. Tái bản lần thứ ba, 1985.
Đại Nam Liệt truyện, III. Huế: Thuận hóa, 1993.
Đại Nam Nhất Thống Chí, III. Hà-nội: KHXH, 1971.
Đại Nam thực lục chính biên, XV, XVI, XVIII. Hà-nội: KHXH, 1965, 1966, 1967.
Dumoutier G. Les pagodes de Hanoi. Hà-nội: F. H. Schneider impr. 1887.
Giang Quân. Hà-nội trong ca dao, ngạn ngưõ. Hà-nội, 1994.
Halais M. C. Hà-nội et ses environs, Bulletin de la société de Géographie commerciale de Paris. Paris, 1889.
Hoàng Đạo Thúy, Huỳnh Lứa, Nguyễn Phước Hoàng. Đất nước ta. Hà-nội: KHXH, 1989.
Hocquar Dr. Une campagne au Tonkin. Paris: Hachette, 1892.
Huard Lucien. La guerre illustrée (du Tonkin). Paris: L. Boulanger.
Kiều Thu Hoạch. Đại cương về đất nước và con người, Thăng long, Đông đô, Hà-nội. Sở Văn hóa Thông tin Hà-nội, 1991.
Lãng Nhân. Giai thoại làng Nho toàn tập. Sài gòn: Nam chi tùng thư, 1966.Tái bản ở Mỹ.
Masson André. Hanoi pendant la période héroĩque (1873-1888). Paris:Librairie orientale Paul Genthner, 1929.
Sở Bảo Doãn Kẻ Thiện. Hà-nội cuõ. Hà-nội, 1994.
Trương Vĩnh ký. Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876), trích Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký của Bằng Giang. Văn học, 1994.
Vũ Ngọc Phan. Những năm tháng ấy. Hà-nội: Văn học, 1987.

Chú Thích

(1). Bài này đã được đăng trong Vietnamologica số 3
(2). Những năm tháng ấy, tr.51.
(3). Bóng nước Hồ Gươm, tập I, tr.18.
(4). Bonnal, "Au Tonkin", Revue Indo-chinoise, sept-oct.1923, tr.379.
(5). Thăng-long, Đông-đô, Hà nội, tr.52.
(6). Masson André, tr.158. Claude Bourrin, tr.52.
(7). Claude Bourrin, tr.25 & 52
(8). Bóng nước Hồ Gươm, tr.441, in lần thứ ba, không rõ viết từ bao giờ, "hiện nay" trỏ vào năm nào?
(9). Đại Nam Nhất Thống Chí, III, tr.206.
(10). Lầu Ngũ long cao 300th là nơi các chúa Trịnh mấy lần bắt các Cống sĩ (Cử nhân) thi lại để loại những kẻ gian lận thuê người đi thi hộ.
(11). Bóng nước Hồ Gươm, tr.18.
(12). Trương Vĩnh Ký "Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi" (1897). Trích trong Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Kyù của Bằng Giang, Văn học, 1994.
(13). Vua Vũ đế nhà Lương (thế kỷ thư VI, Trung quốc) ngưỡng mộ đạo Phật, xây nhiều chùa tháp. Bị cận thần là Hầu Cảnh làm loạn, vây cung cấm khiến Vũ đế phải chết đói ở Đài thành. Bài thơ ngụ ý chế giễu: nếu Phật linh thiêng sao không cứu Vũ đế? Trong Giai thoại làng Nho, tr.382-384, cụ Lãng Nhân chép rằng bốn câu thơ này do Ba Giai tức Nguyễn Văn Giai, khi còn để chỏm, đi học về qua đấy thấy thợ đang xúm xít xây chùa bèn viết lên bức tường mới tinh bài thơ tứ tuyệt ấy. Thợ thấy bôi bẩn tường, bắt giữ xôn xao, vừa khi Quan Thượng ra thăm, đọc thấy bài thơ hỗn xược, lên tiếng trách mắng. Ba Giai cãi lại rằng "Bố đĩ Giai" trỏ vào bố đẻ mình, quan bảo: "Bố mày không có ở đây" và bắt sửa lại, Ba Giai liền trổ tài mẫn tiệp:
Phúc đức ai bằng cụ Thượng Giai,
Làm chùa bên Bắc lại bên Đoài.
Nam mô tế độ nhờ ơn Phật,
Lộc thọ song toàn chẳng kém ai.
Đây chắc là một giai thoại được bịa đặt để có cớ đưa bài họa ra. Ngoài lời lẽ rất tầm thường, bài này còn nhiều chỗ không ổn:
a. Ba Giai sinh khoảng 1850 mà chùa thì xây xong từ 1847, làm gì còn thợ "đang xúm xít xây chùa" khi Ba Giai đi học về?
b. Dù đấy là sự thực thì khi thấy một đứa trẻ viết bậy lên bức tường mới thì thợ phải can thiệp ngay, đời nào lại chờ viết xong cả bài thơ rồi mới "xôn xao bắt giữ"?
c. Giọng xấc xược ấy không phải là giọng một đứa trẻ còn để chỏm đang đi học. Thời xưa "tiên học lễ..." trẻ con phải tôn kính bậc trưởng thượng, huống chi đây lại là một ông quan, đến bố mẹ đứa trẻ còn phải kính sợ. Đây hẳn là giọng của một nhà Nho ngông nghênh, tự coi mình ngang hàng nên mới dám đùa cợt gọi quan là "bố đĩ".
d. "Còn để chỏm" thì chỉ có thể giỏi lắm đang học Tứ Thư, Ngũ Kinh, chưa chắc dã đến Bách gia chư tử, nói gì đạo Phật? Phật giáo không có trong chương trình để đi thi, ai muốn tìm hiểu phải tự học lấy. Một đứa trẻ không thể biết rõ những điển tích như Vũ Đế bị chết đói ở Đài thành để đem ra mai mỉa Quan Thượng.
(14). Liệt truyện, III, tr.237-249.
(15). Dumoutier, tr.27.
(16). Halais, tr.545.
(17). Masson, tr.157-158.
(18). Tôn giả Anan và Ca Diếp.
(19). Hocquard, tr.167.
(20). Bourde, tr.297-298.
(21). C1. Bourrin, tr.52.
(22). Masson, P1.34.
(23). Đất nước ta, tr.85. Không rõ "hiện nay" là thời điểm nào?
(24). Hà nội cũ, tr.69.
(25). Giang Quân, tr.43-44.

 Sưu tầm từ

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét