Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN X

Thành đạo

Xuất gia năm 29 tuổi, sau 6 năm tu khổ hạnh trong Tuyết Sơn rồi rời bỏ lối tu đó, vào rằm tháng 4, dưới cội Bồ đề, Tất Đạt Đa Cồ Đàm chứng quả, thành Phật.

Hình ảnh Phật thành đạo thường gắn với cội bồ đề, khi đó tượng ngồi xếp bằng, hai tay để trên chân trước bụng, giống tượng A Di Đà. Bức tranh vẽ Thích Ca thành đạo dưới gốc Bồ đề rất phổ biến, được in và treo khắp nơi. Truyền thống Nguyên Thủy như ở Lào, Thái, Cam Bốt, Miến, thì tượng Phật Thành Đạo lại có con rắn Naga 7 đầu che bên trên.

Chùa cổ miền Bắc không chùa nào có tượng Phật thành đạo ngồi dưới gốc cây bồ đề cả, dưới rắn Naga thì càng không, vì như thế sẽ không còn chỗ cho các tượng khác bày phía sau. Chùa miền Trung, miền Nam thì nhiều chùa lấy hình tượng này làm chủ yếu trong chùa.


Tượng Thích Ca Thành Đạo, con rắn che trên đầu tại Thiền viện Vạn Hạnh ở Đà Lạt, dù không phải theo phái Nguyên Thủy Khmer.



Tuy vậy, ở một ngôi chùa cổ miền Bắc truyền thống cũng có thể đặt tượng Thích Ca Thành đạo, nếu tượng đó không phải để ở chính điện. Tượng Thích Ca thành đạo thường là khoác một tấm áo vắt từ vai phải sang vai trái. Theo đúng thì phải là để trần tay phải và vai phải, thế nhưng có lẽ do để dễ làm và tạo hình đơn giản hơn, nên tấm vải phủ cả hai vai.

Như pho tượng đồng nặng vài tấn này, đặt ở dưới một gốc cây cổ thụ. Giá như được cây Bồ đề thì tốt, nhưng ở đây không có sẵn bồ đề cổ thụ, nên cây muỗm này cũng đẹp vậy.


Bồ đề

Cây Bồ đề có tên là gì trước khi đạo Phật ra đời, có lẽ cũng không cần nhớ - (Tất Bát La - Pippala - ghi chú của Vườn Lam). Chỉ biết rằng khi Tất Đạt Đa Cồ Đàm thành đạo dưới gốc cây này, đạt được trạng thái Giác ngộ, thì loài cây ấy cũng được gọi là cây Giác ngộ, Bodhi trong tiếng Phạn, phiên âm thành Bồ đề. Nơi đó cũng gọi là Bồ đề đạo tràng, và cây đó thành cây thiêng liêng.

Cây bồ đề cội nguồn thiêng liêng nơi Phật thành đạo đã bị chết vài lần, cả tự nhiên lẫn bị đốn hạ. Tuy vậy trước khi chết thì con cháu của cây tổ đã được nhân giống khắp nơi, trong đó lần nhân giống được ghi nhận quan trọng nhất là truyền sang Srilanka, thế kỉ 2 TCN, để rồi từ đó lại đem nhánh về trồng tại cây tổ khi cây tổ bị chết do người Ấn giáo triệt hạ.

Năm 1959, khi sang thăm Việt Nam, Tổng Thống Ấn Độ Prasat có tặng hai gốc Bồ đề được chiết từ cây tại Bồ đề Đạo tràng. Một cây trồng tại chùa Trấn Quốc, một cây tại chùa Một Cột. Sau 50 năm, hai cây đều khá to.



Nhập Niết Bàn

Cùng với Đản Sinh, Thành Đạo, thì sự kiện Nhập Niết Bàn của Phật Thích Ca cũng được cho là xảy ra đúng rằm tháng Tư, nên mới là Tam hợp. Sau 45 năm du thuyết khắp phía bắc Ấn Độ, Thích Ca đã 80 tuổi, nhưng vẫn đi và khất thực, nhận thức ăn từ những người cúng dường. Theo suy đoán của một số tài liệu mang tính lịch sử, thì bữa ăn cuối của Phật không được lành, món nấm bị hỏng nên làm độc nên Phật - khi đó thân thể đã quá già yếu - đã không qua được giai đoạn cuối đối với thể xác đó là Tử (Sinh - Lão - Bệnh - Tử).

Theo Phật giáo, khi Thành đạo thì Phật đã đạt Niết Bàn rồi, nhưng đó là Dư ý Niết Bàn, vẫn còn thể xác ở lại cõi Sa Bà (Ta Bà) để giáo hóa. Khi trút bỏ thể xác, thì Phật vào Vô dư ý Niết Bàn. Khi đó Phật nằm nghiêng về bên phải, những đệ tử đi theo vây xung quanh, nơi đó nằm giữa 8 cái cây, mỗi phía 2 cây.

Các đệ tử đã hỏa táng di thể theo đúng truyền thống thời đó. Hỏa táng xong thì xuất hiện các Xá Lị, là những thứ cứng rắn hơn tất thảy, không thể bị hủy hoại. Xá lị Phật do đó là vật quý hơn tất thảy các vật thể trên thế gian. Các Xá lị này đã được các vị vua phía Bắc Ấn thời đó chia nhau đưa về các nơi để lập tháp (Stupa) thờ cúng. Cho đến tận ngày nay vẫn còn nhiều nơi được cho là đang giữ Xá lị Phật thực sự, như Đại tháp Sanchi ở Ấn, That Luang ở Lào, Swedagone ở Miến, chùa Nhạn Tháp ở TQ...

Sự thật và bản chất Xá lị của các vị sư về sau cũng còn là điều chưa giải thích được, nằm trong tấm màn huyền bí tôn giáo.

Tượng Phật nhập Niết Bàn xuất hiện ở rất nhiều chùa, là pho tượng nằm nghiêng về bên phải, tay phải đỡ đầu, tay trái xuôi theo thân. Dù thực tế lúc này Phật đã là một ông già 80 tuổi, nhưng các tượng đều mang một dáng vẻ chung của một bậc Phật : không tuổi tác, thậm chí là phi giới tính (vì vào cõi Vô sắc giới đã không còn giới tính nữa rồi).

Tượng Niết Bàn chùa Mía là một trong những pho tượng cổ đẹp nhất, phiên bản trong Bảo tàng Mỹ thuật.


Phật Dược Sư

Phật Dược Sư được nhắc đến nhiều, và có cả bộ kinh Dược Sư. Tuy vậy, tượng Dược Sư rất hiếm xuất hiện trên chính điện. Trong những nơi tôi đến, mới thấy duy nhất có 1 chùa có tượng Dược Sư trên bàn thờ chính, được xếp cùng với A Di Đà, Thích Ca.

Phật Dược Sư, hay Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Đại Y Vương Thiện Thệ Phật là vị phật Giáo chủ của cõi Đông phương Lưu Ly Tĩnh thổ, có vai trò giống như cõi Tây phương Cực Lạc Tịnh độ của phật A Di Đà, tuy vậy có lẽ ít nổi tiếng hơn phật A Di Đà.

Phật Dược Sư có hình tượng như một Thầy Thuốc, chữa bệnh không phải cho thể xác, mà cho tinh thần con người. Thuốc của phật Dược Sư là để chữa vô minh, tham sân si... Hai bên Phật Dược Sư có hai vị Bồ Tát là Nhật Quang Biến chiếu và Nguyệt Quang Biến chiếu bồ tát. Nhật Quang thể hiện sự cứu độ vào ban ngày, cũng là tượng trưng cho Căn Bản Trí; Nguyệt Quang cứu độ vào ban đêm, cũng là Hậu Đắc Trí. Hai vị thể hiện sự cứu độ mọi lúc mọi nơi của Phật Dược Sư.

Bộ ba này vì thế gọi là Dược Sư tam tôn, Đông phương Tam thánh (tương ứng với Di Đà tam tôn là Tây phương Tam thánh, nhưng Di Đà tam tôn được biết đến nhiều hơn).


Điều khá đặc biệt của những pho tượng chùa Hòe Nhai là một số tượng Bồ Tát và cả tượng Phật đều đầu trọc, giống các Tôn giả. Thường tượng Phật có tóc xoắn trên đầu, Bồ Tát đội mũ, nhưng ở đây đầu trọc cả.

Ngoài ra chùa cũng có bộ tượng kép "Vua Đội Phật" nổi tiếng, mà sẽ nói sau.


Các tôn giáo lớn khác (Thiên Chúa, Hồi, Hindu...) tôn thờ 1 đấng Thần thánh (Chúa, Allah, Brahma - Vishnu - Shiva), nên lễ nghi thờ cúng vị Thần đó, cùng với nơi thờ tự là rất quan trọng, và đền thờ đi cùng với sự hình thành tôn giáo. Ngược lại, thuở sơ khai Phật giáo chưa phải là Tôn giáo như thấy ngày nay, không tôn thờ đấng nào, do đó cũng không có nơi thờ tự, hương khói gì hết. Chùa chưa có khi Phật giáo ra đời.

Phật chỉ đơn giản là vị Thầy giảng dạy một triết thuyết, lối sống mới, chứ không thờ phụng ai, và cũng không có phép thuật, thần thông gì cả. Các đệ tử và người tin theo sẽ nghe vị thầy đó giảng giải, nói chuyện. Và để tiện lợi cho người giảng cũng như người nghe, người theo, người tu tập, thì cần phải dựng những khu nhà để ngồi và nghỉ đêm. Những "tịnh xá" đầu tiên chỉ là những dãy lán nghỉ trong các khu vườn, dưới các gốc cây để tránh mưa rất đơn sơ (không được ở trong các tòa nhà lớn, sang trọng).

Cho đến khi Phật qua đời, các vua chia Xá Lị làm các phần đưa về các nước, và dựng lên các Stupa (Tháp) để gìn giữ Xá Lị đó, thì hình thức thờ cúng mới xuất hiện. Nhưng các Stupa vẫn chỉ là Stupa, không phải là Chùa.

Những đệ tử của Phật vẫn tiếp tục đi giảng đạo, và ở trong các lán trại. Nhưng sự thiếu vắng vị Thầy chung có lẽ gây hụt hẫng khá nhiều, và khiến nảy sinh nhu cầu lưu giữ hình ảnh vị Thầy đó, để khi nhìn vào người ta có thể tập trung tâm trí hướng vào con đường vị Thầy đó đã chỉ. Và do đó những hình ảnh Phật xuất hiện trong tranh vẽ, điêu khắc. Từ việc hướng tâm trí theo hình ảnh Phật đến việc thờ phụng hình ảnh đó không xa, nhất là với vùng đất vốn rất thịnh hành việc thờ cúng như Ấn Độ.

Thế là từ việc vốn không tôn thờ, phụng thờ cái gì hết, chỉ chú trọng việc hướng tâm, dần dà người ta đã biến Phật thành một kiểu Thần Tượng để thờ cúng. Và các ảnh tượng đó được để trang trọng trong những tòa nhà to lớn đẹp đẽ, mà xưa kia Phật không bao giờ bước chân vào.

Cái chùa theo nghĩa thờ cúng hình thành và ngày càng phát triển.

Lúc đầu, các Stupa thờ Phật và các tịnh xá dành cho các sư tu hành không ở cùng chỗ. Stupa ở trong kinh thành, còn tịnh xá phải ở chỗ vắng vẻ xa cách thành thị. Nhưng về sau thì quanh Stupa cũng thành các tu viện lớn. Chùa ngày nay bao gồm cả hai chức năng đó: Nơi thờ cúng Phật và nơi tu hành của các sư.

Để có các tịnh xá cho các sư tu hành, phải có đất. Mà Phật thì đồ ăn phải là đồ xin, đồ mặc phải là vải thừa người ta vứt đi (nguyên thủy là vải liệm người chết vứt đi), không được sở hữu tài sản. Thế thì lấy đâu ra đất làm tịnh xá? Cái sự Cho - Nhận đất đai bắt đầu từ đây.

Theo Phật giáo, thì người đầu tiên dâng cúng đất là vua của thành Vương Xá. Vị vua này đã tặng Phật và các đệ tử một mảnh đất rộng ngoài thành để làm nơi trú chân. Tiếp đó là một trưởng giả (Cấp Cô Độc) dâng tặng một khu vườn rất đẹp.

Cả hai khu vườn đó (và về sau nhiều khu đất khác), quyền sử dụng đều thuộc về Phật và đệ tử vĩnh viễn, nhưng quyền sở hữu vẫn trong tay vua và trưởng giả. Như thế là Phật vẫn không sở hữu của cải, chỉ nhận thiện nghiệp thông qua việc sử dụng chỗ đó làm nơi nghỉ thôi.

Còn tất nhiên về sau, để đảm bảo quyền sử dụng, nó dần phải gắn với quyền sở hữu. Và các sư cũng không còn du hành nữa, mà định cư tại các mảnh đất, dựng chùa làm nhà, có trong tay quyền sở hữu.

Ở Việt Nam xưa kia và cả bây giờ, đất chùa là đất Hương Hỏa, một khi còn có người thờ cúng thì không được xâm phạm.

Công đức ở chùa

Đọc trong sử Việt Nam, thường thấy Vua quan dâng đất làm chùa. Triều Lý là dựng chùa nhiều nhất, riêng bà Ỷ Lan dựng mới 100 ngôi chùa. Dân chúng không thể dựng mới chùa được, thường là đóng góp vào chùa dưới các hình thức.

Một trong những hình thức đóng góp vào chùa nhiều nhất dưới đời Lê - Nguyễn là đóng "Hậu". Những người giàu có tin Phật, nhưng không có con nối dõi, khi qua đời thường hiến tất cả đất đai, của cải cho chùa. Chùa sẽ làm tượng người đó (thường bằng đá) để ở đằng sau, trước chùa, hoặc ngay bên tường cạnh chùa, để hương khói thờ cúng, gọi là tượng Hậu.

Xưa kia nhà có con cháu thì chỉ đưa lên chùa làm lễ, chứ không để thờ trên chùa (vì thờ trên chùa chỉ dành cho người không có ai thờ cúng). Nhưng ngày nay thì hình thức đưa lên chùa, gọi là Ký Kị, hay thờ Vong lại rất thịnh hành.

Bên cạnh các tượng Hậu để thờ, thì những người có đóng góp công đức cũng được ghi tên vào các tấm bia Công đức. Về lý sâu xa thì khi công đức cho chùa, nhà chùa không phải "cảm ơn" gì hết, vì như thế là làm tiêu hết thiện nghiệp của người đóng góp. Thế nhưng đã vào cuộc sống thì không thể cứng nhắc thế được, phải ghi công đức thì người ta mới đóng góp tiếp chứ !!!


Một số bia ghi tên người đóng góp công đức, và ở giữa là một pho tượng Hậu. Hình thức tượng Hậu hình như chỉ có ở chùa miền Bắc. Miền trung và miền Nam bàn thờ Vong có nhiều, nhưng tượng hậu thì ít.
 




Về "Công đức" hiện nay ở các chùa, có hai hình thức:
- Đóng góp bằng tiền, được ghi lại trong các sổ công đức, và có thể là các bia công đức.
- Đóng góp bằng hiện vật: tượng, chuông, hoành phi câu đối, pháp khí...

Việc đóng góp bằng hiện vật có từ lâu rồi. Tuy nhiên những dòng chữ ghi tên người công đức viết bằng tiếng Hán trên các hoành phi câu đối, mọi người không biết nên cũng không quan tâm. Còn bây giờ thì phải viết bằng Quốc ngữ, nên thấy phản cảm; một câu đối chữ hán rõ to lại có mấy dòng: Gia đình bà X, ông Y, ở địa chỉ ABC cung tiến ngày DEF...

Thậm chí nơi làm cũng quảng cáo ngay trên đó. Như vừa rồi tớ vào chùa Vĩnh Nghiêm, thấy cái lư hương đồng cực to trước chùa, quanh miệng khắc tên cơ sở đúc, tên người bỏ tiền, nhưng địa chỉ ghi sai chính tả là "Xương Nguyệt Ánh" thay vì "Sương".

Bia hậu có khắc tượng hậu chùa La Phù


 
Ngày nay khi đạo Phật không còn trong giai đoạn cực thịnh xưa kia nữa thì khu vườn vẫn được giữ và sử dụng như một công viên
 






Các di tích còn lại: Kỳ Viên Tịnh Xá

Các giáo đoàn quốc tế vẫn thường xuyên tổ chức hành hương và truyền dạy giáo lý về việc làm phúc cúng dường tại vườn của ngài Cấp Cô Độc





Về "Công đức" hiện nay ở các chùa, có hai hình thức:
- Đóng góp bằng tiền, được ghi lại trong các sổ công đức, và có thể là các bia công đức.
- Đóng góp bằng hiện vật: tượng, chuông, hoành phi câu đối, pháp khí...


Việc đóng góp bằng hiện vật có từ lâu rồi. Tuy nhiên những dòng chữ ghi tên người công đức viết bằng tiếng Hán trên các hoành phi câu đối, mọi người không biết nên cũng không quan tâm. Còn bây giờ thì phải viết bằng Quốc ngữ, nên thấy phản cảm; một câu đối chữ hán rõ to lại có mấy dòng: Gia đình bà X, ông Y, ở địa chỉ ABC cung tiến ngày DEF...

Tớ thì quan niệm công đức là ở cái tâm, hay nói nôm na là lòng thành. Chuyện cung tiến hay công đức ghi tên thì thôi tùy người. Nhưng nói thật vào chùa nhìn mấy cái bia công đức to đùng, rồi thấy Phật thì ít mà thấy tên người A, B, C thì nhiều. Ô hay, thế hoá ra chúng ta đang người nọ vái tên người kia à? Chưa kể chuyện bây giờ chùa chiền nhiều nơi đua nhau xây to, hoành tráng, sơn son thiếp vàng xa hoa bóng bẩy. Chưa nói chuyện cái sự cố gắng tô vẽ đấy làm cho cảnh quan nó giả tạo thì cái không khí cổ kính, trang nghiêm đã mất đi ít nhiều. Chưa kể bà con vào chùa thì cầu này khấn nọ rất hoành tráng. Dường như bây giờ nhiều nơi Phật cũng thành một cái gì đó giống như thần hay thánh gì đó rồi. 
                                                    Còn tiếp...                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét