Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN XIII

Cấp Cô Độc Trưởng Giả





Các giáo đoàn quốc tế vẫn thường xuyên tổ chức hành hương và truyền dạy giáo lý về việc làm phúc cúng dường tại vườn của ngài Cấp Cô Độc



Các giáo đoàn quốc tế vẫn thường xuyên tổ chức hành hương và truyền dạy giáo lý về việc làm phúc cúng dường tại vườn của ngài Cấp Cô Độc
 

Ông Cấp Cô Độc không chỉ được tôn kính vì hành động cúng dường khu vườn quý cho Phật, mà còn vì lòng tốt rất mực, sự mộ đạo rộng lớn và sự bảo hộ chư Tăng của ông. Ông là một Trưởng Giả giàu có, nhưng dùng tiền bạc của mình để chu cấp cho những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, nên mới mang tên là Cấp Cô Độc, tức là chu cấp cho người cô độc.

Với công đức đó của ông, người ta tôn ông là vị thần chủ gìn giữ cho các ngôi chùa. Vì thế chùa cổ bao giờ cũng có tượng thờ ông, mang tên gọi là Đức Ông, hay Đức Chúa Ông



Đức Ông
Tuy nhiên, dần dà trong dân gian ít người còn để ý đến nguồn gốc ngài Trưởng giả Cấp Cô Độc, mà tượng Đức Ông còn có lúc được coi là Long Thần, hay đơn giản tức là vị thần canh giữ chùa.

Tượng Đức Ông, với vai trò là một vị thần chủ, do đó được thêm vào các hầu cận văn võ hai bên. Trong dân gian có phong tục khi đứa trẻ khó nuôi thì làm lễ "bán con lên chùa", tức là bán cho Đức Ông. Như thế là bán cho một vị thần, chứ không phải bán cho Phật, vì Phật thì làm sao mua bán được.

Việc bán con lên chùa cho Đức Ông cũng có liên quan đến lịch sử Trưởng Giả Cấp Cô Độc, vì ông cũng cứu giúp cho rất nhiều trẻ nhỏ, nuôi dậy chúng. Bán con cho Đức Ông cũng là nhờ phúc đức của ngài che chở.
 

Thánh Hiền

Đối xứng với tượng Đức Ông, thường có tượng Thánh Hiền.

Pho tượng tạc hình một vị Tăng đầu đội mũ hoa sen, tay phải bắt ấn Cát tường hoặc ấn Vô úy, tay trái để ngửa trong lòng, ngồi thả chân chứ không xếp bằng như tượng Phật, Bồ tát.

Xét về tổng quan, tượng này đại diện cho tất cả các vị Thánh trong Phật giáo đã có công lưu truyền, hoằng bá Phật pháp nói chung. Về cụ thể, thì tượng được coi là tượng thờ riêng Tôn giả A Nan Đà, vì ông là đại đệ tử có công lớn nhất trong việc kết tập kinh sách, nên được coi là vị Thánh Tổ tiếp tục truyền bá phát triển Phật giáo. Do đó nhiều chùa đề tên tượng này là A Nan (hoặc Át Nan - tùy phiên âm).

Hai bên tượng Thánh hiền có hai thị giả. Nhiều chùa thì hai thị giả này có hình dáng dữ tợn, một bên mặt đen sì hoặc xanh lè gọi là Tiêu Diện Đại sỹ, một bên trắng hơn là Quỷ vương. Tượng Tiêu Diện đại sĩ tượng trưng cho Bồ tát hóa thân xuống địa ngục để cứu độ chúng sinh nơi đó, nhưng để phù hợp với cõi địa ngục nên mặt mũi cũng hung dữ, dù có tâm Phật. Do đi khắp các cõi ngục, nên lửa địa ngục thiêu cháy mặt Bồ Tát, mặt trở thành đen hoặc xanh. Quỷ vương sau khi nghe được Phật pháp từ Tiêu Diện cũng phát nguyện hộ pháp cõi địa ngục. Do đó hai tượng này bày ngang với nhau. 




A la hán

Trong nhiều chùa cả nam bắc, tượng Thập Bát La Hán được đặt ở hành lang hai bên, mỗi bên 9 vị. Ở hầu hết các chùa, các tượng La Hán này đều có dáng vẻ chung chung về khuôn mặt, hình thể, chỉ có tư thế là khác nhau. Những nghệ nhân dân gian tạo tác các vị giống như những vị sư nằm ngồi thảnh thơi, hoặc đang làm một việc gì đó như đọc sách, thậm chí đánh cờ.

Ở chùa miền bắc, các tượng La hán này thường là tượng thổ, tức là làm bằng đất sét trộn giấy bản giã, mật mía, trứng... là làm rất kĩ, vài trăm năm vẫn không hỏng. Con số 18 là bội số của 9, mang tính chất Phật giáo hơn là có ý nghĩa thực sự cụ thể. Các vị A la hán đại diện cho những người đã chứng quả ở bậc A la hán, nhưng vẫn chưa đến bậc Bồ tát (theo quan điểm Đại thừa).

Với chùa Nội công ngoại quốc, thì chỗ bày tượng A La Hán là hai dãy hành lang bao vòng quanh.

 


Chùa Trầm địa thế rất đẹp, sau lưng dựa núi, trước mặt là đầm, cây cao bóng cả che rợp khoảng trời . Trưa hè nóng bức các anh thanh niên í ới rủ chị thiếu nữ dạo mát uống nước trè xanh ở sân chùa. Ngồi cửa hang Trầm mát hơn điều hòa, hội chắn, phỏm tưng bừng, lại có thân rùa làm ghế. Thật cảnh thái bình thịnh trị đời nay.

..
Có những nơi gợi cho ta một cảm giác khó tả. Có chút xót xa hoang tàn, có khi trực ngộ sự sinh tồn hoại diệt của tạo hoá...


4. Quán:
Hà Nội còn 2 đạo quán, Quán Thánh, hay Trấn Vũ cũng là đền Trấn Bắc, danh thắng đệ nhất, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Thứ hai là Bích Câu đạo quán, thờ Tam Thanh, tiên Tú Uyên 
Ba chữ trên cổng ghi rõ là Chân Vũ quán, như vậy là Đạo quán của Đạo giáo. Đạo quán này thờ Chân Vũ Đại đế, là một vị thần tối cao của Đạo giáo. Ở Trung Quốc ngài có rất nhiều tôn xưng, gần như có đủ mọi tôn hiệu cao quý nhất có thể có.

Thế nhưng có một điều riêng là người Việt Nam không gọi đúng tên là Chân Vũ, mà lại chệch đi là Trấn Vũ. Trong chữ hán thì chữ Trấn nhiều hơn chữ Chân một bộ "kim". Người TQ không gọi là Trấn Vũ bao giờ.

Thời khởi thủy được dựng, thì là đền Trấn Bắc, và là một ngôi đền, nghĩa là thờ thần, không có giới tu hành đạo giáo ở đó. Sau đó có thể đến khoảng đời Lê mới có giới đạo sĩ đến sống, hành đạo tại đây, nên đền đổi thành Quán. Nhưng khi giới đạo sĩ không còn ở đây nữa, thì dân gian lại gọi là đền, đền Trấn Vũ.

Chữ viết chính thức trên cổng "Chân Vũ quán" thì hầu như không ai để ý đến.

Đền Trấn Vũ - Chân Vũ quán chưa bao giờ là chùa. Thế nhưng  có thể thấy một số đạo quán khác đã biến thành chùa rồi đó.

Rõ nhất, và  hoàn toàn có thể vào thăm để thấy, đó là ngôi chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai, bên cạnh chợ Đồng Xuân.

Vốn xưa nơi đó là ngôi Đạo quán, với tên gọi là Huyền Thiên cổ quán (bốn chữ này vẫn còn viết ở bức hoành chính giữa), có giới đạo sĩ ở đây. Nhưng sau giới đạo sĩ thất thế, không còn ai ở lại, thì người dân biến Đạo quán thành chùa thờ Phật, do đó mang tên là chùa Huyền Thiên. Di tích của Đạo quán để lại là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ rất lớn ở giữa, cũng to lắm, mỗi tội là làm bằng gỗ chứ không phải bằng đồng. Còn ngay sau tượng lại là điện thờ Phật.

Không chỉ Huyền Thiên cổ quán bị biến thành chùa, tôi còn đã đến một số nơi khác ở Hà Tây, cũng ở trong tình trạng tương tự. Đó là Huyền Thiên đại quán - còn gọi là đền Sái - cũng đã thành chùa ở đằng sau. Tiếp nữa là Linh Tiên quán biến thành chùa Linh Tiên, Hội Linh quán biến thành chùa Hội Linh, Linh Quang quán trở thành chùa Linh Quang...

Huyền Thiên cũng chính là Trấn Vũ. Vị này trong Đạo giáo có các tôn hiệu kinh dị như sau:

- Huyền Thiên Thượng đế
- Chân Vũ đại đế
- Thượng đế tổ sư
- Đãng Ma thiên tôn
- Hỗn Nguyên giáo chủ
- Bắc Cực Huyền linh đại thánh
- Riêng ở Việt Nam thì gọi là Thánh Trấn Vũ

Trong tôn hiệu có dùng chữ Thượng đế, là danh hiệu tối cao có thể cho một vị thần. Đó là bởi theo Đạo giáo thì Huyền Thiên chính là một hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng đế.

Vị "chủ cũ" vẫn được ngồi ở chính giữa, được hưởng sự cúng lễ. Tuy nhiên những người đi lễ hầu như không rõ về sự tích của ngài, coi ngài cũng chỉ như một vị thánh hộ pháp mà không biết ngài mới đúng là chủ nhân chính thức trước khi nhà ngài bị biến thành chùa. Chỗ ngài ngồi được mang chữ "Ngọc Hư cung", nhưng ngay phía sau lại là "Đại Hùng bảo điện".


 Sưu tầm từ:http://www.vuonlam.us/A_PhatGiao/A4_HieuBietVePhatGiao/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét