Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CÓ THẦN VÀ THẦN - III

0
Điêu khắc đình làng: ấy dọc ấy ngang!
Ngoài linga-yoni, người Ấn-độ còn nổi tiếng về điêu khắc mô tả trai gái giao hoan trong nhiều tư thế kỳ lạ. Có lẽ ít ai biết người Việt Nam cũng có loại điêu khắc phong tình "dữ dội" không kém. Ở đây, một lần nữa, chúng ta lại phô bày mạnh mẽ bản sắc độc đáo của mình.
Trong Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Chu Quang Trứ đưa ra những thông tin lý thú về các bức chạm ở một số đình làng Bắc bộ. Lấy Thăng Long làm điểm xuất phát mà du hành về các miền quê, hầu như đi về phương nào cũng gặp loại điêu khắc vừa nói. "Đình Đông Viên xứ Đoài có cảnh trai gái chòng ghẹo nhau trong đầm sen, các cô đều phơi bày toàn thể tấm thân ngọc ngà, trong đó đặc biệt làm nổi rõ những phần nữ tính nhất (...) Đình Hương Lộc xứ Nam có cảnh trai gái tự tình công khai giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mặt mọi người. Nhưng táo tợn (nhất) vẫn là ở các đình thuộc xứ Bắc (...) đình Phù Lão (...) có hàng loạt cảnh trai gái tình tự và say sưa ân ái. Các hoạt cảnh ấy được chạm ngay trên chiếc râu rồng, diễn ra giữa đám hội làng, cạnh những trò múa hát và đấu vật. Trong các cảnh ân ái, chính cô gái lại chủ động chèo kéo và cũng luôn được chạm ở tỉ lệ lớn hơn người bạn tình..." Người ta có thể tưởng những cảnh nóng bỏng ấy được sắp xếp vào những nơi kín đáo để tránh gây chấn động, nhưng thực ra "hình chạm ở cao trên đầu (...) ở cả trong đình (...) và ngoài hiên (...) cốt sao làm cho mọi người đến đình đều được thấy, thấy nhiều lần..."
Đình làng không phải là kiến trúc thuộc loại xưa nhất của dân tộc. Xưa lắm cũng chỉ mới xây cách đây khoảng năm thế kỷ. Đình Phù Lão dựng năm 1688, sau khi Nho giáo đã được nhà Lê cho "độc tôn" hàng mấy trăm năm.
Xứ Bắc, tức Kinh Bắc, trong lịch sử khoa cử Việt Nam vốn lừng danh là vùng nhiều nho sĩ thành đạt nhất nước, có huyện đỗ hàng mấy chục ông tiến sĩ. Cửa Khổng sân Trình nườm nượp học trò giỏi, mà dân gian phong hóa sao để "suy đồi"?
Nhìn kỹ, sự tình không đáng ngạc nhiên. Kinh Bắc tuy đông ông cử, ông nghè, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân vẫn không biết chữ. Kinh Bắc lại là nơi dân tộc quần tụ rất lâu đời, trước cả Thăng Long, nên văn hóa bản địa tích lũy hết sức kiên cố, không dễ bị Nho giáo lung lay. Trong cái môi trường đậm đặc chất Việt Nam ấy, kẻ nhiều chữ thánh hiền cứ tha hồ lẩm bẩm "Nam nữ thụ thụ bất thân", giữ vẻ mặt nghiêm trang xa cách, khinh bỉ cái tục tĩu, còn quảng đại nông dân cứ hồn nhiên khúc khích thưởng thức nó. Thứ điêu khắc rất cấp tiến kia không chỉ tả "cảnh" mà thôi đâu, chúng còn cho thấy cái "tình" nữa: cũng ở một bức chạm tại đình Phù Lão, người ta thấy "người con gái vén váy lên, kéo sát chàng trai về phía mình, và chàng trai thì hăm hở xông đến. Từ phía sau, nghệ sĩ đã chạm một con rồng nhô ra, ngộ nghĩnh, hóm hĩnh." Nghệ sĩ quê mùa mà nghịch ngợm, tinh ma kém gì bà chúa thơ nôm! Có lẽ đúng hơn, thơ Hồ Xuân Hương bất quá phản ánh cái thái độ vô tư, thoải mái của dân tộc đối với những chuyện bị Nho giáo lấy làm điều cấm kỵ.
Nghĩ cho cùng, ngay giữa kinh đô Thăng Long mà "Bà Banh đã có hàng nhiều thế kỷ nấp được sau một ngôi chùa" thì ở chốn thôn quê, búa rìu Nho giáo có giơ cao chém khẽ cũng không có gì lạ.

                                           Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét