Translate

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Sài Gòn thời các Đô đốc cầm quyền

L. Malleret
BÀI NÀY CHO BIẾT DIỆN MẠO SÀI GÒN TRONG THỜI KỲ CÁC ĐÔ ĐỐC THỦY QUÂN CẦM QUYỀN Ở NAM KỲ. VIẾT VỀ THỜI KỲ NÀY CÓ HÀNG CHỤC CUỐN SÁCH, NHƯNG RÚT TỈA TỪ NHỮNG CUỐN SÁCH ĐÓ RA NHỮNG GÌ CẦN RÚT TỈA VỚI MỘT DUNG LUỢNG TỐI THIỂU THÌ BÀI NÀY LÀ MỘT BÀI NÊN ĐỌC CHO CÁC BẠN ĐỌC BƯỚC ĐẦU TÌM HlỂU SÀI GÒN. TÁC GIẢ LOUIS MALLERET, THÀNH VIÊN VIỆN VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ PHÁP, BẢN THÂN TÊN ÔNG ĐÃ LÀ MỘT LỜI GIỚI THIỆU.


Trong Bảo tàng Blanchard-de-La-Brosse có một bản đồ gọi là Bản đồ Sài Gòn-Chợ Lớn rất ấn tượng; bản đồ này có nguồn gốc từ Phòng Lưu trữ của Bộ chỉ huy Pháo binh.
Bản đồ đó chính là dự án qui hoạch một thành phố 500.000 dân do trung tá công binh Coffyn vạch ra theo chỉ thị của đô đốc Bonard. Nếu chú ý rằng vào năm 1862 chúng ta mới chỉ ở Sài Gòn được một năm thì ta sẽ ngỡ ngàng với sự táo bạo của những nhà thiết kế thành phố đầu tiên.
Ngay từ khi đặt chân lên Sài Gòn, người Pháp đã bắt tay vào xây dựng, nhanh chóng lôi kéo về với mình đám dân chúng thù địch hoặc không tin tưởng.
Người ta sống được tới đâu hay tới đó trong những ngôi nhà lá hoặc nhà vách gỗ, nhưng các đô đốc khá hơn một chút trong dinh của mình bằng gỗ được xây dựng tại chỗ này là Trường Taberd [trường chuyên Trần Đại Nghĩa].

Trong số những công trình mới xây dựng, phải kể tới Nhà in Hoàng gia(1) và Phòng Điện tín(2). Trạm bưu điện đầu tiên nằm cạnh Tháp Đồng hồ(3). Một bức ảnh trong đám giấy tờ của Charles Lemire cho chúng ta thấy chiếc lều tồi tàn được làm bằng những thùng bánh quy để làm chỗ ở cho các nhân viên điện tín và các đồ đạc có giá trị. Trước ngôi nhà khiêm tốn đó là một miếng đất bỏ hoang gồ ghề, còn phía sau là những vườn hoa.
Nhiều công trình xây dựng mới nhanh chóng mọc lên ở các khu phố. Ngày 15-8-1861, khánh thành tại khu vực thấp(4)của thành phố ngôi nhà thờ đầu tiên trong khi Cha Lefebre ở trong một ngôi nhà An Nam đơn giản tường lát gỗ chạm khắc bị di chuyển nhiều lần và nằm gần Tòa giám mục hiện nay(5). Ngày 28-5-1863, diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà thơ Sainte- Marie-Immaculee. Nhà thờ được dựng bên bờ một con kênh đã có rất lâu trước khi bị lấp đi thành đại lộ Charner [Nguyễn Huệ], tại vị trí nay là Tòa Hòa giải [cao ốc Sun-wah]. Đó là nhà thờ đầu tiên của Sài Gòn. Sau này Đô đốc Dupre cho Tòa Giám mục trú tạm trong một ngôi nhà trong dinh thống đốc bằng gỗ của mình trong khi chờ đợi xây dựng Tòa Giám mục hiện nay(6); tòa này khởi công năm 1878, hoàn thành năm 1880.

Những công trình xây dựng đầu tiên ở khu đất thấp cần thiết cho các kho hàng, văn phòng và kho tạm của Thủy quân và Pháo binh để cung ứng cho các tàu. Rất nhanh chóng, người ta xây dựng một âu sửa tàu tại ngay vị trí vào thời linh mục Bá Đa Lộc là các xưởng sửa chữa chiến hạm(7). Công xưởng Thủy quân được quyết định năm 1864 chỉ được dựng gần như xong vào năm 1866. Một ụ nổi được hạ thủy cùng năm. Tại đây, mấy tháng sau chiếc hộ tống hạm Persévérant [Kiên trì] được đưa vào sửa chữa.

Năm 1864, người ta xây dựng tòa nhà sở Nội vụ(8). Khi đó khu đất thấp của thành phố chằng chịt kênh rạch sau này lấp đi thành các đại lộ Somme [Hàm Nghi], Bonard [Lê Lợi], Charner [Nguyễn Huệ]; đường đi lại chỉ có đường đi của sở Pháo binh [Lê Thánh Tôn] và đoạn dưới của phố Pellerin hiện nay [Pasteur]. Phải san lấp nhiều khu đất, trong khi mọi sự lưu thông qua kênh Tàu Hủ được thực hiện qua một cây cầu quay bằng gỗ.

Buổi đầu, theo mô tả của đại úy Grammont, trên bờ thành cũ là “Trường Thông ngôn [College Interprètes], bệnh viện mới và nhiều căn nhà đẹp thuộc dòng Nữ tu Thánh Phao-lồ [Sœurs de Saint-Paul de Chartres], cơ sở của các Bà phước vì sự nghiệp của Thánh Hài đồng”. Nhưng bến tàu vẫn còn chưa ra hình dạng gì và ngổn ngang những cầu tàu bằng gỗ. Người ta có thể đọc trong một số báo của tờ Revue des Deux Mondes: “Thành phố Sài Gòn, như những gì nó cho thấy năm 1863, đúng ra là một chỗ tạm thời hơn là một trị sở của một thuộc địa quan trọng. Những con đường lát đá dăm nện vuông góc với nhau, từng chỗ từng chỗ, thay thế cho những con đường hẹp và nhấp nhô của thành phố An Nam, nhưng nhà cửa còn thiếu nhiều điểm để hoàn chỉnh cho khung cảnh chính quy đó. Phần lớn những nhà đó do dân di cư dựng lên; các cơ sở công cộng cũng vậy, chỉ riêng những lán gỗ dựng vội cũng là những dấu hiệu cho biết chúng. Các viên chức chín chắn nhất ở trong những ngôi nhà cổ của người An Nam mái nghiêng cho bóng cách chân tường hàng bộ. Về phần Thống đốc, người ta chi phí lớn để xây dựng cho ông ta một tòa nhà bằng gỗ không tiện dụng, giống một ga đường sắt hơn là một cái dinh thống đốc. Tóm lại, thành phố không còn là một thành phố An Nam nữa nhưng chưa trở thành một thành phố Pháp…”.
Hai năm sau, một phần lớn của thành phố mất đi cái vẻ của một công trường mênh mông và đã ra dáng quyến rũ hơn. Người ta đọc được trên tờ Courier de Saigon số ngày 5-61885: “Những nơi trước đây người ta hầu như chỉ thấy những con đường, những hố nước bẩn thậm chí những hố sâu thì nay trải dài những đường phố rộng rãi và hoàn toàn lát đá dăm nện dùng làm chỗ nện gót cho những chiếc ủng sẽ không cần thiết nữa của du khách. Những con đường chính được qui hoạch vuông góc nhau theo gu hiện đại(9) đó hiện nạy chạy ngang dọc khắp thành phố bị giới hạn bởi sông Sài Gòn, đường Impératrice [Nam kỳ Khởi Nghĩa], đại lộ Chasseloup- Laubat [Nguyễn Thị Minh Khai] và kênh Avalanche [Thị Nghè], chiếm một diện tích dường như đủ cho các yêu cầu của thuộc địa trong một thời gian dài… Các bến tàu, trước đây ít người dám mạo hiểm ra vào mùa mưa mặc dù đi ngựa thì nay bằng phẳng, vững chắc và sẽ không lâu nữa trở thành một nơi đi dạo mát đẹp…”.


Cũng khoảng thời gian này, vườn Bách Thảo bắt đầu lộ rõ diện mạo đáng yêu nhờ sự thúc đẩy tích cực của nhà thực vật học uyên bác J. B. Louis Pierre. Vườn Bách Thảo còn đáp ứng những mục tiêu khoa học và vị lợi. Nhiều loài cây rừng đã được quy tụ về đây và có lúc vườn Bách Thảo to bằng các vườn Bách Thảo Buitenzorg và Peradynia. Vào thời kỳ này, tại chỗ này là Bảo tàng Blanchard-de-La-Brosse và ngày xưa là nhà của Giám mục Bá Đa Lộc, đã mọc lên các kho hàng của Tổng Kho mà năm 1866 Đô đốc La Grandière đã khai mạc triển lãm đầu tiên của Sài Gòn. Quá vườn Bách Thảo lên nữa tại chỗ này là Kho đạn(10) ta gặp công viên Espérance, trong đó ngày xưa có những nhà trạm và chỗ ở cho các quan đi công cán.


Đi về phía bến tàu ta gặp các tòa nhà của các dòng Thiên Chúa giáo như trường Trung học của Hội Truyền giáo [Col­lège des Missions] và Trường Adran, Nữ tu viện Garmen và trường Thánh Hài đồng [Sainte- Enfance]. Tầm nhìn cho thấy ở phía xa là cảng với những cánh buồm. Phía xa, lấp ló trong đám cây xanh ta nhận ra tòa nhà của hãng vận tải biển Messageries Impériales(11) [Vận tải biển Hoàng gia] với chiếc mái theo kiểu Trung Quốc trang trí nghê ở đuôi mái và rồng ở trên nóc mái. Bên kia sông, đối diện với tòa nhà Messageries Impériales là cột cờ tín hiệu tại chỗ chúng ta gọi là Mũi những người Tán tễu [Pointe des Blagueur] nhưng lúc đó gọi là Mũi Lejeune, lấy tên một thuyền trưởng chiến hạm, sau trở thành đô đốc chỉ huy thủy quân.
Chuyến tàu đầu tiên đi Đông Dương của hãng Messageries Impériales rời cảng Marseille ngày 19-10-1862, và bên bến tàu bắt đầu mọc lên các tòa nhà thương mại. Trong số đó ta thấy tòa nhà của anh em Denis, các chi điếm của Roques và Ségassié cũng như tòa nhà rất đẹp bằng đá của công ty Eymond và Delphin, người Bordeaux.


Ít lâu sau, mọc lên tòa nhà Cosmopolitan Hôtel(12) ở bên sông(13); tòa nhà này còn gọi là tòa nhà Wang-Tai lấy theo tên một người Trung Quốc giàu cò đã cho xây nó. Với ba tầng lầu và các dãy cuốn, tòa nhà không kích thích sự tò mò hay làm sợ hãi dân chúng, những người hầu như chỉ nghĩ rằng sao tòa nhà lại có thể cao đến thế trong khi còn bao nhiêu đất ở xung quanh, chưa kể một sự táo gan như thế sẽ động chạm tới các hồn hay lang thang trên trời.


Đại lộ Norodom [Lê Duẩn], mở từng đoạn một từ năm 1872, trong một thời gian dài là một con đương đầy bùn. Trại lính thủy đánh bộ được dựng bên con đường này quãng năm 1873; Câu lạc bộ quân đội [UBND Q.1], năm 1876. Nhưng ở đầu đại lộ là một tòa nhà uy nghi xứng đáng đánh dấu cho điểm xuất phát của một đại lộ cũng rộng như các đại lộ của các thành phố lớn ở châu Âu. Đó là dinh của Đô đốc Thống đốc(14), tác phẩm của kiến trúc sư Her- mitte từ Hong Kong sang thực hiện. Viên đá đầu tiên xây dựng Dinh được Đô đốc La Grandiere long trọng đặt xuống ngày 23-1-1868 và do những công trình lớn ít được thực hiện ở Nam kỳ lúc đó nên ngày 25-9-1869 dinh mới hoàn thành phần thô nhưng một thời gian rất ngắn sau đó đã có người ở.
Tại Chợ Lớn, nơi Tham biện Bản xứ sự vụ Francis Garnier phải ở một thời gian trong một tòa tham biện khiêm tốn bằng gỗ ván, những sự biến đổi diễn ra rất nhanh bằng cách cải thiện vệ sinh nhờ vào sự hợp tác tích cực của Grancis Garnier và những người Trung Quốc được Francis Garnier động viên. Chắc sẽ còn nhiều điều phải nói về sự ra đời của nhóm đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn vì chúng chưa có sử gia riêng của mình nhưng công cuộc chinh phục nền đất bằng một chương trình phối hợp làm trong lành và làm đẹp trở thành một trong những chương lôi cuốn nhất của sự hiện đại hóa Đông Dương. Cuối cùng, nên gợi ra đây tất cả những người hi sinh vì nhiệm vụ và một buổi chiều ra đi dưới sự hộ tống của bạn bè, những người sẽ lần lượt theo theo nguòi chết, tới Công viên của cha Ormay [Jardin du père d’Ormay], tên gọi nghĩa trang ở phố Bangkok [Mạc Đĩnh Chi] trong một thời gian dài. Như vậy đây là nơi được gọi là “chiến trường của nữ thần yên lặng” theo cách gọi của một phẫu thuật viên, một con người tuyệt vời vẫn còn lại trong tâm trí mọi người và được người ta gán, không phải là không ác tâm, cho cái tên vô căn cứ là lang vườn.
Lưu Đình Tuân dịch 
Tuần san Indochine hebdomadaire illustré số 208 ngày 24-8-1944
CHÚ THÍCH:
1. Imprimerie Impériale, sau khi Napoléon III bị đổ nha in nay đổi thanh Imprimerie Nationale; vị trí của nó tại góc Hai Bầ Trung-Nguyễn Du, bên phía khách sạn Inter-Continental.
2. Tại đầu dốc Đồng Khởi, ở bên kia đường và đối diện với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Nằm trong sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. La ville basse, tên chỉ khu vục từ đường Lê Thánh Tôn hắt xuống bờ sông, ngược với khu vục cao từ đường Lê Thánh Tôn.
5. Trên đường Nguyễn Đình Chiểu.
6. Trên phố Nguyễn Đình Chiểu hiện nay.
7. Như vậy là tại vị trí của Thủy xưởng của Gia Long.
8. Tại vị trí nay là sở Công thương va Sở Thông tin và Truyền thông trên đường Lý Tự Trọng.
9. Ở một tài liệu khác, chúng tôi đã chứng minh rằng các đường phố Sài Gòn đã được vạch ra không hề theo những quan niệm hiện đại mà theo sự định hướng của các bờ Thành năm 1790 và những đường có trước đó.
10. Tứ giác ven rạch Thị Nghè, ba mặt còn lại là các đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
11. Sau khi Napoléon III bị đổ, tên hãng tàu biển này được đổi thành Messageries Nationales, và sau cùng là Messageries Maritimes.
12. Nay là trụ sở Cục thuế TP.
13. Chữ “bên sông” nay hiểu theo hai nghĩa: hoặc là hông nhà giáp với sông Sài Gòn, hoặc là nhà trông ra một con rạch sau này lấp đi thành đường Hàm Nghi.
14. Xin hiểu là “đô đốc làm thống đốc” tựa như ngầy nay nói “tiến sĩ bộ trưởng”.


LE BINH (st)

 https://www.facebook.com/notes/l%C3%AA-binh/s%C3%A0i-g%C3%B2n-th%E1%BB%9Di-c%C3%A1c-%C4%91%C3%B4-%C4%91%E1%BB%91c-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n/10151997615351607

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

AI BÁNH KHÚC ĐÊ


Lưng lửng chiều xuân, nỗi nhớ cánh bãi ven sông quê rập rờn vô vàn cánh lá khúc nếp bàng bạc chớm trổ hoa vàng lại dâng lên muốn nghẹn tim. Để giải tỏa chỉ có cách phi xe ra chợ Nguyễn Công Trứ kiếm hàng chính hiệu Cô Lan mà hít hà, mà như bị thôi miên rút túi tậu đôi bánh khúc thơm khói nếp quyện hương rau khúc. Ăn chỉ giỏi lắm hết một chiếc nhưng mua cả đôi mới bõ cơn thèm từ thăm thẳm tâm can thèm ra.

Bánh khúc ấy là món quà đặc sản xuân miền châu thổ sông Hồng. Dù người ta có thống kê tới dăm ba loại khúc trái mùa và nghe cô bạn khoe tận bên Mỹ cũng có khúc thì vẫn chỉ có những lá khúc nếp hái sáng mùa xuân xứ sương mờ ẩm ướt này mới đích thực dâng hương tinh tế, hiến vị ngậy bùi thỏa cơn thèm của đủ mọi giác quan. Thôi, thôi, đừng nhắc thứ bánh khúc dối lòng trái vụ cậy nhờ sắc xanh lá su hào, cải bó xôi, cải cúc.

Quá nhớ một cái tên hàng xóm có lần rủ mình ra bãi hái rau khúc ngậm sương sớm. Cứ tưởng người vụng hái nên nhờ mình cùng đi, ai dè lại được nghe chuyện cậu bé Hoàng Cầm năm nao lẽo đẽo theo chị váy chùng cửa võng đi hái rau khúc mà về mộng tìm lá diêu bông. Giờ nhớ lại mình cũng lãng đãng nửa tin nửa ngợ hay lá diêu bông ấy là khúc nếp chăng. Có phải không người kể chuyện ơi. Hay ta đã vô tình không hiểu mớ khúc mơn mởn đầu mùa người bất ngờ nhường trọn sáng ấy.

Bánh khúc là tinh hoa quà quê. Để có mẻ bánh ngon hồn ta phải qua hay được qua quá nhiều mong đợi và kỳ công. Lũ trẻ háo hức chờ qua Tết, tới xuân để mầm khúc trổ, để lá độ bánh tẻ bời bời xanh cánh bãi đặng ngắt về nài mẹ làm mẻ bánh đầu mùa. Lại còn phải dậy sớm lá mới thật thơm, quên cả ngại mùa ẩm giời ham ngủ nướng. Lá về tới nhà từ sáng, suốt buổi học cứ thấp thỏm mong về hóng mẹ làm bánh. Nhớ những lúc mẹ bày nhặt xay khúc nếp, khúc tẻ, xay bột nếp, nhồi nhân, nặn bánh lần lượt từ thị ba chỉ ướp hành, tiêu, qua lớp đậu xanh mịn màng tới áo bột xanh màu rau khúc. Nhớ mình tham lam của nếp, lúc phụ đặt bánh hấp cứ chực rắc dày lớp nếp mẹ chắt dành từ hồi đong nếp bánh chưng. Bất giác nài nỉ bàn tay đang đơm bánh bán “cô ơi, thêm xôi cho cháu…”.

Mẹ dặn làm bánh khúc kỵ vội vàng. Khâu hấp bánh là cuối cùng nhưng cũng không thể cứ xôi chín mà đã được ăn ngay. Xôi dẻo tay rồi còn phải đồ nán thêm đôi chục phút cho thịt mỡ nhừ, tứa vị béo ra hợp cùng chất bùi sẵn của lá khúc mới thành đặc sản nhớ tới đâu, tứa ướt miệng tới đó. Thường lưng chiều bánh mới chín. Lại còn chờ cho xôi khúc nguội còn âm ấm, bớt dính mới thực vừa tay nắm ăn. Chả thế mà cơn thèm bánh cứ chiều, cứ khuya là nhẩn nha nổi lên hành hạ người quê về phố lâu ngày.

Bánh khúc ăn trừ bữa sáng, trưa, tối hay lót dạ buổi lửng chiều, ém cơn bụng réo khuya đều ổn. Một thời đêm trùm chăn nghe giọng đọc truyện đêm khuya lẫn với tiếng ông bánh khúc rao ầu ơ như ru “Ai bánh khúc… đê…”. Lối ngắt hơi giật nhẹ sau âm “khúc” vót lên mời gọi, rồi lắng đôi giây mới thả cho gió loang khắp không gian đêm nhịp “đ…ê…” êm dài miên man, hợp nên chuỗi âm thanh ma mị thúc bật mọi tâm hồn ham bánh khúc dù chả chắc đủ đói. Tiếng rao trong mờ sương đêm Xuân ấy là đặc sản Hà Nội đấy.

Sáng nay cô em bán rau chợ cóc đầu chung cư rỉ tai báo đã chớm mùa khúc nếp, chị có ăn mai em dặn lũ trẻ hàng xóm hái gom cho, sẽ mang lá chuối ra cho chị gói bánh mà ăn mới đủ vị. Bà ngoại lũ trẻ sắp được thỏa nỗi nhớ đồng bãi suốt mấy năm theo con trông cháu xứ bê tông, đường nhựa. May quá có những cầu nối quê vào phố như thế nên mình còn có được nguyên liệu xịn mà đãi những người thân yêu mẻ bánh an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.

(Tản văn viết tháng 2.2013 giờ mới công bố, chuyện 7 phần ta, 3 phần hàng xóm)


Sưu tầm từ:
https://www.facebook.com/an.thao.3

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

ĐẦU XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN NẮP ẤM TRÀ TỬ SA


Ngày xuân chúc Tết, du xuân, uống trà hàn huyên trò chuyện là điều tuyệt vời với mỗi người. Haiduong Nguyen kính chúc các hồ hữu cùng đại gia đình xuân mới mạnh khỏe, thành đạt, nhiều niềm vui mới! Mã thượng hầu ( nhanh chóng thăng tiến).  và đặc biệt ngày càng tìm thấy, cảm nhận cái hay, cái đẹp từ những tác phẩm ấm Tử Sa! 
Mùng 6 - lộc tới. Nhân đây, HD cũng mạn phép góp chuyện xuân, chuyện ấm trà! Kính mong các hồ hữu góp vui! HD chân tâm cám ơn! 

Khi pha trà tất nhiên phải “sờ” tới hồ cái (nắp ấm) , chắc hẳn vai trò thiết yếu của nó ra sao thì khỏi phải bàn ạ! Khi pha trà, cách nhấc và đặt nắp ấm cũng chính là sự thể hiện tâm thái người pha, sự tôn trọng bản thân cũng như trà hữu. Phong thái nhẹ nhàng, khoan thai, cẩn thận thể hiện sự nho nhã, tĩnh tâm, chuyên ý và đầy thiện ý. Có thể là cách xoay tròn chỉnh thế nắp và ấm như một cách trình diễn nghệ thuật công phu trà. Pha trà, dù là độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm, các hồ hữu cũng như người pha đều không quên ngắm nghía chiếc ấm, quan sát hình dáng chiếc ấm mà tâm điểm là nắp ấm, tôi đảm bảo điều đó với bất cứ ai khi pha và thưởng trà. Có khi là vừa nói chuyện và ngắm nhìn hoặc cùng dành chút ít thời gian tĩnh tâm cùng nhìn chiếc ấm cùng các thao tác nhấc đặt nắp, thao tác rót trà như múa của người pha trà. Thông thường, nam giới dùng một tay – tay phải (ngón cái đặt lên trên núm nắp giữ nắp chặt nhưng, các ngón còn lại nắm lấy quai, ngoại trừ ấm đề lương) – cách thức này thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ song không hề bớt đi vẻ tao nhã. Với nữ giới, là nét nhẹ nhàng, uyển chuyển dùng hai tay, tay phải nắm lấy quai ấm, tay trái giữ nắp ấm – các ngón chụm lại núm nắp như nâng niu, trân trọng với vẻ mặt đón chào những giọt trà dâng mời thượng khách. Tôi thiết nghĩ đó những thao tác đó đều tự do, tùy ý miễn là thể hiện tâm thái của người pha nên mỗi người đều có cách riêng khi thể hiện tâm thái và tình cảm. 
Cầm ấm lên pha, cùng nhau ngắm nghía, giám thưởng, bàn luận. Xin thưa rằng, mấy ai “để ý” nắp đó là loại nắp gì ạ? Bản thân với kiến thức còn khiêm tốn xin mạn phép chia sẻ đôi điều cơ bản về nắp ấm, kính mong các hồ hữu cùng góp vui.
Nắp ấm Tử sa được phân ra thành nhiều dạng: khảm cái, áp cái, tiệt cái,… Mặt nắp chia thành mặt nắp phẳng, mặt nắp lồi và mặt nắp lõm. Do mặt trong ngoài của ấm Tử sa không cần tráng men, khi nung thành phẩm miệng nắp có thể nung cùng một lúc, khi làm cũng có thể nắm chắc độ chặt lỏng của miệng nắp. Khảm cái, đa phần mặt nắp khảm nhập vào thân ấm tạo thành một chỉnh thể bất luận là hình vuông hay tròn. Áp cái đặt chèn lên phần trên miệng ấm như một sự đặc ý gắn thêm vào thân ấm. Viền mép của mặt nắp ấm này có vuông có tròn, đều tạo thành một vòng cung tròn hợp nhất mép miệng ấm với mép mặt nắp, luôn hô ứng với miệng ấm. Nắp ấm được gọi là “ thiên áp địa”, khi chế tác thông thường đường kính nắp ấm lớn hơn đường kính ngoài mặt miệng, cài nắp vào có cảm giác dễ chịu, ưa nhìn, khi dùng khá thuận tiện. Tiệt cái, khá đặc thù giống như đặc hữu trong ấm Tử sa, các đồ dùng khác không dễ gặp, nó như chỉnh thể đồng nhất, như Ấm lê hình, ấm hình Hồ lô,.. lấy phần trên cắt ra, gia công thành nắp, hợp lại thành một thể. Khi hợp lại các đường cong của đường viền ngoài phải ăn khớp nhau, nối tiếp tự nhiên, tạo thành một chỉnh thể giống y như thật.
Nắp ấm về yêu cầu cơ bản là phải khít với miệng ấm, đảm bảo giữ nhiệt, giữ hương – vị - sắc trà, khi rót trà nước không bị rớt ra ngoài, tay không bị bỏng; có một lỗ nhỏ thoát khí có thể đặt ở đỉnh núm hoặc ở phần giao giữa núm và nắp. Thoải mãn yêu cầu đó, các nghệ nhân tha hồ sáng tạo các hình dáng nắp ấm hòa phối cùng thân và các chi tiết ấm làm nên một tác phẩm nghệ thuật.
Nắp ấm cũng như chỉnh thể ấm Tử sa đều có hai dạng chế tác cơ bản là toàn thủ công hoặc bán thủ công. Hiện nay, cùng với xu thế thị trường và nhu cầu cũng như tầm mỹ quan của mọi người ngày càng tăng lên, việc chế tác nắp ấm cũng ngày càng được chú trọng, tinh xảo.

Dưới đây là một số hình ảnh thí dụ minh họa cho các kiểu nắp ấm cơ bản ( nguồn hình ảnh từ Thuongtra.com):
 https://www.facebook.com/groups/tusachungluan/permalink/650850064971394/

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

TỪ THÚ THƯỞNG THỨC TRẦM HƯƠNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH HƯƠNG ĐẠO (KÔDÔ) Ở NHẬT BẢN

Vĩnh Sính

Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Kiều
Dó lâu năm dó cũng thành kỳ,
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng.

Ca dao

Các chất liệu có hương thơm (香料hương liệu) nói chung thường lấy từ thực vật (hoa, trái cây, rễ cây, lá cây, hay nhựa cây), động vật hay khoáng vật. Từ trước tới nay, loại hương liệu được yêu chuộng nhất vẫn là các thứ gỗ thơm (香木hương mộc). Quế (cinnamon) và trầm (aloeswood hay agalloch) là hai loại gỗ thơm tiêu biểu của Việt Nam.
Theo cố học giả Phạm Hoàng Hộ, loại trầm thường thấy ở Việt Nam là do cây dó bầu (aquilaria crassna) bị sâu ăn, tiết ra nhựa, đông cứng lại rồi lâu năm mà biến thành. Gỗ mang bộng nhựa của cây dó có tỷ trọng lớn, thả vào nước sẽ  “chìm”. “Trầm” chữ Hán có nghĩa là chìm, và tên “trầm” bắt nguồn từ đó.
“Trầm hương” (沈香jinkô, sinking fragrance), theo định nghĩa của từ điểnKôjien, là “hương liệu thiên nhiên lấy từ loại cây cao ‘thường lục’. Cây thuộc vùng nhiệt đới Á châu, cao độ chừng 10 mét, thân cứng và chìm dưới nước. Hoa màu trắng. Chôn cây dưới đất, hoặc làm thối ra, cây sẽ thành ‘già la’ 伽羅có màu đen mướt, mùi thơm ưu việt và giá rất đắt”.[1]
Cây cao ở đây đúng là cây dó bầu mọc trong những cánh rừng già.  “Trầm hương” chính là phần thân cây chứa nhiều nhựa thơm. Dó bầu sống lâu trở nên to lớn và thành đại thụ.[2] Ca dao có nói: Dó lâu năm dó cũng thành kỳ”, nhưng ta cần nói thêm là không phải cây dó nào cũng thành trầm, may lắm mới có được. [3]
“Kỳ nam” được coi là loại trầm tốt nhất. Trầm không có ở Nhật Bản và Trung Quốc mà chỉ có ở Đông Nam Á. “Kỳ nam” đặc biệt chỉ có ở miền Trung Việt Nam từ Thanh Hóa vào đến Khánh Hòa – mảnh đất có cái tên hấp dẫn, nhưng đúng với sự thật, là “Xứ trầm hương”!
*
*                 *
Trầm ở các tỉnh ở miền Trung nổi tiếng khắp thế giới với hương thơm tao nhã, thoát tục. Tài liệu xưa nhất về trầm hương của Nhật Bản là Nihon Shoki (日本書紀Nhật Bản thư kỷ; soạn xong năm 720 sau CN).
Theo sách này, vào năm 595 sau CN có “khúc trầm trôi dạt vào đảo Awaji-shima [Đạm-lộ đảo]”, gần thành phố Kobe hiện nay. “Khúc trầm này có chu vi là 1 mét 80. Cư dân trên đảo không biết đó là trầm, đem ra đốt để nấu ăn. Hơi khói xông lên thơm ngào ngạt và mùi hương tỏa ra xa. Dân lấy làm lạ [nhưng đoán biết là quý], đem dâng lên Thiên hoàng [lúc này là Thiên hoàng Suiko]”.[4] Khi đó, có Thái tử Shôtoku[5] biết ngay là đó trầm hương (jinkô).
Chúng ta có thể phỏng đoán khúc trầm này đi từ miền Trung (vào thế kỷ VI thuộc Chămpa) và theo dòng nước ấm Kuroshio trôi dạt lên phía Bắc để rồi tạt vào Nhật Bản. Cần nói thêm là dòng hải lưu Kuroshio này cũng bắt nguồn từ miền Trung Việt Nam.
 Khi mới du nhập vào ở Nhật Bản, trầm được dùng trong các tế lễ Thần đạo (Shinto/Shintoism) và Phật giáo. Sau đó, trầm hương ngày càng đóng vai trò trọng yếu trong các buổi lễ Phật giáo. Bước sang thời Nara (710-794 sau CN), nghi thức này được trở thành buổi lễ có tính cách quốc gia và còn tiếp tục mãi cho đến Minh Trị Duy Tân (1868).
Điều ít người chú ý là vai trò quan trọng của trầm hương trong lịch sử giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Kỳ nam được xem là đi từ vùng đất nay là Việt Nam, thường được người Nhật gọi là kyara伽羅
Theo Nakata Kyôzaburô thuộc công ty Baieidô (Mai-Vinh Đường), sáng lập từ năm 1657, tên “kỳ nam” nguyênlà tiếng Chămpa bởi Chămpa là những người đi buôn “kỳ nam” từ lúc ban đầu. Tên “kỳ nam” là tổng hợp của tiếng Phạn (Sanskrit) “kara” nghĩa là màu “đen”, và chữ “bak” tiếng Tàu nghĩa là “cây, gỗ” (mộc).[6] Với sự tổng hợp của hai ngôn ngữ, chúng ta có từ “kalambak”, rồi dần dà từ này được rút ngắn lại để trở thành “kỳ nam”, tức là “gỗ đen”,[7] như chúng ta có ngày nay.
Cũng cần nói thêm là không phải ngẫu nhiên mà loại trầm đặc biệt này có gốc từ tiếng Phạn, bởi lẽ con đường tơ lụa trên biển (Sea Silk Road) cũng chính là con đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ, và trầm kỳ nam đã đi theo con đường đó cùng với Phật giáo. Chămpa thuở ấy cũng chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, thay vì văn minh Trung Hoa như Việt Nam.
Có khá nhiều giai thoại về sự đam mê trầm kỳ nam của các nhân vật  lịch sử ở Nhật Bản. Ở Shôsôin (正倉院Chính Thương Viện) – nhà lưu trữ các bảo vật và kinh điển Phật giáo toạ lạc trong khuôn viên chùa Tôdaiji (東大寺Đông Đại Tự) ở Nara – có một khúc trầm kỳ nam gọi là Ranjatai (蘭奢待  Lan xa đãi) dài chừng 1 mét rưỡi. Cả ba nhân vật góp phần vào công cuộc nhất thống Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVI là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu đã từng lăm le dòm ngó khúc trầm được xếp vào hàng “linh bảo” này. Chắc hẳn bảo vật này được xem là một biểu tượng của uy quyền. Tương truyền Nobunaga cho người đẽo hai miếng, mỗi miếng dài chừng 40 phân; một miếng dâng thiên hoàng, một miếng dùng để xông lên trong những buổi uống trà đạo. Hideyoshi hình như cũng bắt chước Nobunaga cho người đến đẽo vì nhà thiên tài quân sự này cũng thích giao du với các trà nhân. Người ta tin rằng khúc Ranjatai này đã do Thiên hoàng cúng cho chùa Tôdaiji vào năm 756. Hiện nay, Ranjatai có thể xem cứ mỗi 10 hay 15 năm qua triển lãm của Shôsôin ở Viện Bảo tàng Quốc gia tại thành phố Nara. Khúc Ranjatai này theo YonedaKaisuke, một chuyên gia về trầm hương thuộc Viện Bảo tàng Osaka, đoán định là đã đi từ Lào hoặc Việt Nam.[8]   
Riêng về Tokugawa Ieyasu – vị shôgun (tướng quân) đầu tiên của chính quyền Tokugawa – tuy người ta biết chắc là Ieyasu có sai người vào xem khúc trầm Ranjatai, nhưng không ai biết rõ là ông ta có cho đẽo đem về hay không. Tuy nhiên, qua những văn thư mà hiện nay còn lưu lại, chúng ta biết rõ là Ieyasu rất mê thích trầm và đã từng gửi thư cho quốc vương Chămpa và chúa Nguyễn xin gửi trầm kỳ nam.
Thư của Tokugawa Ieyasu gửi quốc vương Chămpa năm 1606 có ghi rõ : “Chúng tôi muốn có trầm loại thượng hảo hạng. Những loại có phẩm chất vừa vừa hay dưới trung bình thì xin đừng gửi vì chúng tôi đã có nhiều lắm rồi”.[9]Qua văn thư, chúng ta cũng biết rằng ít nhất trong hai năm 1605 và 1606, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi một số tặng vật đáp lễ cho Tokugawa Ieyasu, mỗi lần gồm 1 miếng trầm kỳ nam, cả hai lần mỗi lần một cân. Trước đó, vào đời Genroku (Nguyên Lục), tức là từ 1592 đến 1595, chúa Nguyễn đã gửi tặng Nagasaki Bugyô (một chức giống như Trấn thủ) nửa cân kỳ lam và những tặng phẩm khác. Một chi tiết thú vị và có ý nghĩa là trong danh sách các tặng phẩm giữa các nước Đông Á, trầm luôn luôn được liệt kê đầu tiên và trầm thường được xem là một vật tặng quý giá trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và Trung Hoa.[10] Sau khi Ieyasu mất, nghe nói trong các di vật của ông có đến hơn 100 kilô trầm kỳ nam và hơn 180 kilô các loại trầm khác. Điều này cho ta thấy Ieyasu đã thích thú thưởng thức trầm hương đến mức độ nào.
Theo nghiên cứu của Ogura Sadao, trầm là mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Cămpuchia, Siam [nay là Thái Lan], Borneo, v.v.) trong thời kỳ giao thương bằng “thuyền buôn có giấy phép châu ấn” (Shuinsen 朱印船) vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII mà hiện nay Nhật Bản vẫn còn tiếp tục nhập khẩu. Theo Ogura, lượng trầm Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 70% tổng số lượng trầm Nhật Bản nhập khẩu vào thời châu ấn, và cho đến năm 1987, lượng trầm Nhật Bản từ Việt Nam là 16 tấn, vẫn chiếm khoảng 50% tổng số lượng trầm Nhật Bản nhập khẩu (khoảng 32 tấn).
Tuy trong quá khứ, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu trầm sang Nhật, hiện nay vai trò đó được thay thế bởi Hong Kong, Singapore, và Thái Lan.
*
*                 *
So với các nghệ thuật nổi tiếng của người Nhật như trà đạo (sadô), thư đạo (shodô; tức nghệ thuật viết chữ Hán), kiếm đạo (kendô), võ sĩ đạo (bushidô) hoặc nhu đạo (judô), kôdô (香道hương đạo) ít được người nước ta biết đến. Một điều thú vị là ngay ở Nhật Bản cũng không mấy ai biết là lịch sử Kôdô còn ghi dấu mối giao lưu giữa mảnh đất miền Trung với Nhật Bản từ thuở xa xưa.
Kôdô (Way of incense / Voie de l’encens) là nghệ thuật thưởng thức trầm hương, nói nôm na là nghệ thuật “ngửi” mùi trầm hương – một nghệ thuật độc đáo chỉ thấy ở Nhật Bản chứ không có ở các nước khác. Mặc dầu đến thế kỷ XV Kôdô mới được định hình, nhưng trên thực tế thú thưởng thức tao nhã này đã bắt nguồn từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ VI.
Trong những buổi lễ Phật giáo, lễ quan trọng nhất thường được dâng bằng trầm hương. Từ 1500 năm trước, dâng trầm hương là lễ cúng dường để lau sạch các tượng Phật, hoặc khi các sư tăng tụng kinh.     
Đốt trầm ở chùa Tôdaiji, Nara, Nhật Bản
Dần dà, mùi hương trầm thanh nhã ngày càng được người Nhật yêu chuộng, giới quý tộc ở Kyoto thời Heian (794-1185) thích đốt trầm trong nhà cho “thơm nhà thơm cửa” và thơm y trang. Theo đà phát triển của thú chơi đốt trầm này (người Nhật gọi là sora-dakimono空炊きもの), các cuộc thi đấu trầm – giống như thi làm thơ hay thi cắm hoa – được tổ chức để định loại trầm nào có mùi hương tao nhã nhất.
Những chất liệu dùng làm sora-dakimono là các vật liệu còn tươi tắn của y học truyền thống. Thú đốt trầm dần dà không những phổ biến trong giới quý tộc mà người thường cũng đua nhau phỏng đoán loại nào thơm nhất và những điểm đặc biệt giữa các loại trầm hương.
Với sự ra đời của chính quyền của giai cấp võ sĩ (samurai) vào cuối thế kỷ XII, ảnh hưởng của Thiền đối với văn hóa người Nhật ngày càng đậm nét. Do ảnh hưởng của thú trầm hương đời Tống (Trung Quốc), người Nhật Bản chuyển sang nerikô (煉り香) với cách thức trộn lẫn trầm hương với nhau giống như jinkô lúc ban đầu. Với cách thức này, nghệ thuật thưởng thức bằng cách “ngửi mùi” trầm hương (聞香bunkô hay monkô, tức văn hương”) tiến thêm một bước nữa để rồi được định hình dưới dạng Kôdô (hương đạo) vào đời Muromachi (1336-1573).
Từ lúc này, thú chơi đốt trầm sora-dakimono ít nhiều mang vẻ hào nhoáng, được thay thế bằng cách thưởng thức hương trầm trong không khí u huyền tĩnh mịch – phù hợp với đời sống tinh thần hướng nội và ý thức mỹ học thấm đượm Thiền vị của người võ sĩ.
Trầm hương Rikkoku (Sáu nước)
Theo Kôdô, mùi trầm hương từ đó được phân loại thành “ngũ vị lục quốc” (五味六国, tức là “năm mùi vị và sáu nước”) . Năm mùi vị là ngọt, chua, cay, mặn, và đắn. “Sáu nước” nói nôm na là sáu nơi sản xuất trầm hương; đó là Kyara, Rakoku, Manaban, Manaka, Sasora and Sumatora. Theo cách phân chia của những người sành điệu trầm hương do Shôgun Ashikaga Yoshimasa (1436-1490) bổ nhiệm, “sáu nước” đó là :
 Kyara (伽羅 Già la) Như đã nói ở trên, chữ kara có gốc là tiếng Phạn, nghĩa là “đen”. Loại tốt nhất trong trầm hương, có mùi hương tao nhã. Chỉ có ở Việt Nam.
 Rakoku (羅国 La Quốc) Mùi hăng vị đắng, mặn và cay. Chỉ có ở Thái. 
 Manaban (真南蛮 Chân Nam Man) Có nhiều hương và nhựa, vị gần như ngọt, nhưng không có vẻ “điểm trang”. Có ở miền Đông của Ấn Độ, hoặc giữa Mã Lai và Ấn Độ. 
 Manaka (真那伽 Chân Na Già) Trong những hương thơm, đây có lẽ mùi hương nhạt nhất. Có ở Malacca (Malaysia). 
 Sasora (佐曾羅 Tá Tăng La) Có mùi hương nhẹ. Với một loại sasora tốt, người ta dễ tưởng lầm là kyara, đặc biệt khi mới đốt. Có ở miền Tây Ấn Độ.
 Sumatora (寸聞多羅 Thốn Văn Đa La) Rất nhiều nhựa và có vị chua. Có nhiều ở Sumatra (In-đô-nê-xi-a).[11]  
Dưới đời Muromachi, nghệ thuật thưởng thức trầm hương bắt đầu phát triển song song với nghệ thuật uống trà.
Nhiều loại thi đấu có nội dung và hình thức khác nhau đua nhau ra đời. Trước hết là các cuộc “đấu trà” (tôcha闘茶) đòi hỏi người tham dự đoán định phẩm chất các loại trà. Sau đó, người ta tổ chức các buổi thi đấu cả trà lẫn trầm nhằm xem ai có thể phân biệt được 10 loại trà và 10 loại trầm khác nhau. Trong các buổi thi phân định hương trầm, người tham dự được chia làm hai nhóm, thi nhau đoán xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại trầm nổi tiếng, chẳng hạn như mùi hương, làn khói bốc lên có hình dạng như thế nào, v.v...
Dần dà, ngoài khả năng thưởng thức hương trầm, người thi đấu còn phải có kiến thức văn hoá và khả năng cảm thụ mỹ học – nói nôm na là khả năng cảm nhận những cái gì đẹp. Trước mặt người đến xem, trầm sẽ được xông lên từ loại này đến loại khác, giống như những vế khác nhau trong một bài thơ renga (連歌liên ca). Mỗi lần trầm được xông lên, người dự thi phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương đồng thời phải nhắc đúng tên loại trầm vừa đốt. Cuối cùng, người ta sẽ có một bài thơ renga nhiều vế về các mùi hương trầm trong cuộc thi.
Sự kết hợp giữa thú thưởng thức trầm hương với khuynh hướng truy cầu những cái gì đẹp, gọi chung là bi (mỹ) haybigaku (美学mỹ học), trong truyền thống văn học Nhật Bản có thể nói là nhân tố quyết định sự hình thành của Kôdô.
Kôdô vừa phản ánh chiều sâu văn hoá của người thưởng thức, vừa thể hiện vẻ đẹp u nhã của hương trầm, mà cũng vừa có thể diễn tả nhiều chủ đề văn học khác nhau. Chính vì thế, Kôdô được xem là một nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản.

Đầu tháng 4, 2010
Vĩnh Sính

[1] Shinmura Izuru, Kôjien (Quảng từ uyển) (Tokyo: Iwanami Shoten, 1993), trang 1328.
[2] Xem Khanh Hoa Aquilaria Company, http://www.tramhuongkhanhhoa.com.vn/index.php/tramhuong/tramhuonglagi.
[3] Ngoài ra còn có cây “chiên đàn栴檀, chữ ‘chiên’ cũng có thể viết chữ Hán bằng bộ ‘phương” thay vì bộ ‘mộc. Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh giải thích “chiên đàn” là “Một loại gỗ thơm”.  “Chiên đàn” tiếng Phạn gọi là “Candana”, là “một loại cây có mùi hương ở Ấn Độ” (Daijigen, Tokyo: Kadokawa Shoten, 1992, trang 797). Từ điển này có cho biết thêm xuất xứ là Ấn Độ; bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà trong kinh Phật, chúng ta thấy thường xuất hiện chữ “chiên đàn”.
Hoàng thân Miên Thẩm, tức thi nhân Tùng Thiện Vương cũng có bài thơ chữ Hán về cây chiên đàn (“Chiên đàn thụ”) như sau: Tuyệt hảo chiên đàn thụ / Phồn hương quýnh bất quần / Hận cừ thiên tính biệt / Chỉ tại nghịch phong văn. Nguyễn Sĩ Đại dịch quốc văn ra là: Cây chiên đàn tốt tuyệt / Hương sâu vượt bọn bầy / Tinh đặc thù, đáng tiếc / Ngược gió thì mới hay ! Có lẽ cây mà Hoàng thân Miên Thẩm muốn nói ở đây chính là “cây dó bầu”, nhưng vì chữ Hán không dùng chữ nôm na như vậy, mà “già la” hay “kỳ nam” (là chữ Hán) thì thời đó còn xa lạ quá với người Việt !
[4] Xem bản dịch tiếng Anh : Nihongi: Chronicles of Japan from Earliest Times to A.D. 697 (Nhật Bản kỷ [hay Nhật Bản thư kỷ] từ thời nguyên thủy đến năm 697 sau CN), translated from the original Chinese and Japanese by W. G. Aston. Tokyo: Charles E. Tuttle Company, 1980, II, 123.
[5] Tương truyền là một chính trị gia lỗi lạc của Nhật Bản. Thái tử Shôtoku đã đóng vai trò trọng yếu trong việc củng cố vị trí của thiên hoàng và tiếp thu Phật giáo.
[6] Tiếng Bắc Kinh (pinyin) “mộc” đọc là “mu”, trong trường hợp này người ta phát âm theo giọng miền Nam mới đọc là bak.
[7] Xem Baieido Ltd, http://www.japanese-incense.com/aloeswood.htm.
[8] Như trên.
[9] Trích lại từ Okura Tadao, Shuinsen jidai no Nihonjin (Người Nhật Bản thời thuyền châu ấn). Tokyo: Chûô Kôron Shinsho, 1989, trang 174.
[10] Như trên, trang 174-175.
[11] Xem Kaori no techô (Sổ tay về hương thơm). Shôeidô Kabushiki Kaisha, 1991.

Nguồn:http://www.erct.com/2-ThoVan/VinhSinh/HuongDao.htm