Translate

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Sài Gòn thời các Đô đốc cầm quyền

L. Malleret
BÀI NÀY CHO BIẾT DIỆN MẠO SÀI GÒN TRONG THỜI KỲ CÁC ĐÔ ĐỐC THỦY QUÂN CẦM QUYỀN Ở NAM KỲ. VIẾT VỀ THỜI KỲ NÀY CÓ HÀNG CHỤC CUỐN SÁCH, NHƯNG RÚT TỈA TỪ NHỮNG CUỐN SÁCH ĐÓ RA NHỮNG GÌ CẦN RÚT TỈA VỚI MỘT DUNG LUỢNG TỐI THIỂU THÌ BÀI NÀY LÀ MỘT BÀI NÊN ĐỌC CHO CÁC BẠN ĐỌC BƯỚC ĐẦU TÌM HlỂU SÀI GÒN. TÁC GIẢ LOUIS MALLERET, THÀNH VIÊN VIỆN VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ PHÁP, BẢN THÂN TÊN ÔNG ĐÃ LÀ MỘT LỜI GIỚI THIỆU.


Trong Bảo tàng Blanchard-de-La-Brosse có một bản đồ gọi là Bản đồ Sài Gòn-Chợ Lớn rất ấn tượng; bản đồ này có nguồn gốc từ Phòng Lưu trữ của Bộ chỉ huy Pháo binh.
Bản đồ đó chính là dự án qui hoạch một thành phố 500.000 dân do trung tá công binh Coffyn vạch ra theo chỉ thị của đô đốc Bonard. Nếu chú ý rằng vào năm 1862 chúng ta mới chỉ ở Sài Gòn được một năm thì ta sẽ ngỡ ngàng với sự táo bạo của những nhà thiết kế thành phố đầu tiên.
Ngay từ khi đặt chân lên Sài Gòn, người Pháp đã bắt tay vào xây dựng, nhanh chóng lôi kéo về với mình đám dân chúng thù địch hoặc không tin tưởng.
Người ta sống được tới đâu hay tới đó trong những ngôi nhà lá hoặc nhà vách gỗ, nhưng các đô đốc khá hơn một chút trong dinh của mình bằng gỗ được xây dựng tại chỗ này là Trường Taberd [trường chuyên Trần Đại Nghĩa].

Trong số những công trình mới xây dựng, phải kể tới Nhà in Hoàng gia(1) và Phòng Điện tín(2). Trạm bưu điện đầu tiên nằm cạnh Tháp Đồng hồ(3). Một bức ảnh trong đám giấy tờ của Charles Lemire cho chúng ta thấy chiếc lều tồi tàn được làm bằng những thùng bánh quy để làm chỗ ở cho các nhân viên điện tín và các đồ đạc có giá trị. Trước ngôi nhà khiêm tốn đó là một miếng đất bỏ hoang gồ ghề, còn phía sau là những vườn hoa.
Nhiều công trình xây dựng mới nhanh chóng mọc lên ở các khu phố. Ngày 15-8-1861, khánh thành tại khu vực thấp(4)của thành phố ngôi nhà thờ đầu tiên trong khi Cha Lefebre ở trong một ngôi nhà An Nam đơn giản tường lát gỗ chạm khắc bị di chuyển nhiều lần và nằm gần Tòa giám mục hiện nay(5). Ngày 28-5-1863, diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà thơ Sainte- Marie-Immaculee. Nhà thờ được dựng bên bờ một con kênh đã có rất lâu trước khi bị lấp đi thành đại lộ Charner [Nguyễn Huệ], tại vị trí nay là Tòa Hòa giải [cao ốc Sun-wah]. Đó là nhà thờ đầu tiên của Sài Gòn. Sau này Đô đốc Dupre cho Tòa Giám mục trú tạm trong một ngôi nhà trong dinh thống đốc bằng gỗ của mình trong khi chờ đợi xây dựng Tòa Giám mục hiện nay(6); tòa này khởi công năm 1878, hoàn thành năm 1880.

Những công trình xây dựng đầu tiên ở khu đất thấp cần thiết cho các kho hàng, văn phòng và kho tạm của Thủy quân và Pháo binh để cung ứng cho các tàu. Rất nhanh chóng, người ta xây dựng một âu sửa tàu tại ngay vị trí vào thời linh mục Bá Đa Lộc là các xưởng sửa chữa chiến hạm(7). Công xưởng Thủy quân được quyết định năm 1864 chỉ được dựng gần như xong vào năm 1866. Một ụ nổi được hạ thủy cùng năm. Tại đây, mấy tháng sau chiếc hộ tống hạm Persévérant [Kiên trì] được đưa vào sửa chữa.

Năm 1864, người ta xây dựng tòa nhà sở Nội vụ(8). Khi đó khu đất thấp của thành phố chằng chịt kênh rạch sau này lấp đi thành các đại lộ Somme [Hàm Nghi], Bonard [Lê Lợi], Charner [Nguyễn Huệ]; đường đi lại chỉ có đường đi của sở Pháo binh [Lê Thánh Tôn] và đoạn dưới của phố Pellerin hiện nay [Pasteur]. Phải san lấp nhiều khu đất, trong khi mọi sự lưu thông qua kênh Tàu Hủ được thực hiện qua một cây cầu quay bằng gỗ.

Buổi đầu, theo mô tả của đại úy Grammont, trên bờ thành cũ là “Trường Thông ngôn [College Interprètes], bệnh viện mới và nhiều căn nhà đẹp thuộc dòng Nữ tu Thánh Phao-lồ [Sœurs de Saint-Paul de Chartres], cơ sở của các Bà phước vì sự nghiệp của Thánh Hài đồng”. Nhưng bến tàu vẫn còn chưa ra hình dạng gì và ngổn ngang những cầu tàu bằng gỗ. Người ta có thể đọc trong một số báo của tờ Revue des Deux Mondes: “Thành phố Sài Gòn, như những gì nó cho thấy năm 1863, đúng ra là một chỗ tạm thời hơn là một trị sở của một thuộc địa quan trọng. Những con đường lát đá dăm nện vuông góc với nhau, từng chỗ từng chỗ, thay thế cho những con đường hẹp và nhấp nhô của thành phố An Nam, nhưng nhà cửa còn thiếu nhiều điểm để hoàn chỉnh cho khung cảnh chính quy đó. Phần lớn những nhà đó do dân di cư dựng lên; các cơ sở công cộng cũng vậy, chỉ riêng những lán gỗ dựng vội cũng là những dấu hiệu cho biết chúng. Các viên chức chín chắn nhất ở trong những ngôi nhà cổ của người An Nam mái nghiêng cho bóng cách chân tường hàng bộ. Về phần Thống đốc, người ta chi phí lớn để xây dựng cho ông ta một tòa nhà bằng gỗ không tiện dụng, giống một ga đường sắt hơn là một cái dinh thống đốc. Tóm lại, thành phố không còn là một thành phố An Nam nữa nhưng chưa trở thành một thành phố Pháp…”.
Hai năm sau, một phần lớn của thành phố mất đi cái vẻ của một công trường mênh mông và đã ra dáng quyến rũ hơn. Người ta đọc được trên tờ Courier de Saigon số ngày 5-61885: “Những nơi trước đây người ta hầu như chỉ thấy những con đường, những hố nước bẩn thậm chí những hố sâu thì nay trải dài những đường phố rộng rãi và hoàn toàn lát đá dăm nện dùng làm chỗ nện gót cho những chiếc ủng sẽ không cần thiết nữa của du khách. Những con đường chính được qui hoạch vuông góc nhau theo gu hiện đại(9) đó hiện nạy chạy ngang dọc khắp thành phố bị giới hạn bởi sông Sài Gòn, đường Impératrice [Nam kỳ Khởi Nghĩa], đại lộ Chasseloup- Laubat [Nguyễn Thị Minh Khai] và kênh Avalanche [Thị Nghè], chiếm một diện tích dường như đủ cho các yêu cầu của thuộc địa trong một thời gian dài… Các bến tàu, trước đây ít người dám mạo hiểm ra vào mùa mưa mặc dù đi ngựa thì nay bằng phẳng, vững chắc và sẽ không lâu nữa trở thành một nơi đi dạo mát đẹp…”.


Cũng khoảng thời gian này, vườn Bách Thảo bắt đầu lộ rõ diện mạo đáng yêu nhờ sự thúc đẩy tích cực của nhà thực vật học uyên bác J. B. Louis Pierre. Vườn Bách Thảo còn đáp ứng những mục tiêu khoa học và vị lợi. Nhiều loài cây rừng đã được quy tụ về đây và có lúc vườn Bách Thảo to bằng các vườn Bách Thảo Buitenzorg và Peradynia. Vào thời kỳ này, tại chỗ này là Bảo tàng Blanchard-de-La-Brosse và ngày xưa là nhà của Giám mục Bá Đa Lộc, đã mọc lên các kho hàng của Tổng Kho mà năm 1866 Đô đốc La Grandière đã khai mạc triển lãm đầu tiên của Sài Gòn. Quá vườn Bách Thảo lên nữa tại chỗ này là Kho đạn(10) ta gặp công viên Espérance, trong đó ngày xưa có những nhà trạm và chỗ ở cho các quan đi công cán.


Đi về phía bến tàu ta gặp các tòa nhà của các dòng Thiên Chúa giáo như trường Trung học của Hội Truyền giáo [Col­lège des Missions] và Trường Adran, Nữ tu viện Garmen và trường Thánh Hài đồng [Sainte- Enfance]. Tầm nhìn cho thấy ở phía xa là cảng với những cánh buồm. Phía xa, lấp ló trong đám cây xanh ta nhận ra tòa nhà của hãng vận tải biển Messageries Impériales(11) [Vận tải biển Hoàng gia] với chiếc mái theo kiểu Trung Quốc trang trí nghê ở đuôi mái và rồng ở trên nóc mái. Bên kia sông, đối diện với tòa nhà Messageries Impériales là cột cờ tín hiệu tại chỗ chúng ta gọi là Mũi những người Tán tễu [Pointe des Blagueur] nhưng lúc đó gọi là Mũi Lejeune, lấy tên một thuyền trưởng chiến hạm, sau trở thành đô đốc chỉ huy thủy quân.
Chuyến tàu đầu tiên đi Đông Dương của hãng Messageries Impériales rời cảng Marseille ngày 19-10-1862, và bên bến tàu bắt đầu mọc lên các tòa nhà thương mại. Trong số đó ta thấy tòa nhà của anh em Denis, các chi điếm của Roques và Ségassié cũng như tòa nhà rất đẹp bằng đá của công ty Eymond và Delphin, người Bordeaux.


Ít lâu sau, mọc lên tòa nhà Cosmopolitan Hôtel(12) ở bên sông(13); tòa nhà này còn gọi là tòa nhà Wang-Tai lấy theo tên một người Trung Quốc giàu cò đã cho xây nó. Với ba tầng lầu và các dãy cuốn, tòa nhà không kích thích sự tò mò hay làm sợ hãi dân chúng, những người hầu như chỉ nghĩ rằng sao tòa nhà lại có thể cao đến thế trong khi còn bao nhiêu đất ở xung quanh, chưa kể một sự táo gan như thế sẽ động chạm tới các hồn hay lang thang trên trời.


Đại lộ Norodom [Lê Duẩn], mở từng đoạn một từ năm 1872, trong một thời gian dài là một con đương đầy bùn. Trại lính thủy đánh bộ được dựng bên con đường này quãng năm 1873; Câu lạc bộ quân đội [UBND Q.1], năm 1876. Nhưng ở đầu đại lộ là một tòa nhà uy nghi xứng đáng đánh dấu cho điểm xuất phát của một đại lộ cũng rộng như các đại lộ của các thành phố lớn ở châu Âu. Đó là dinh của Đô đốc Thống đốc(14), tác phẩm của kiến trúc sư Her- mitte từ Hong Kong sang thực hiện. Viên đá đầu tiên xây dựng Dinh được Đô đốc La Grandiere long trọng đặt xuống ngày 23-1-1868 và do những công trình lớn ít được thực hiện ở Nam kỳ lúc đó nên ngày 25-9-1869 dinh mới hoàn thành phần thô nhưng một thời gian rất ngắn sau đó đã có người ở.
Tại Chợ Lớn, nơi Tham biện Bản xứ sự vụ Francis Garnier phải ở một thời gian trong một tòa tham biện khiêm tốn bằng gỗ ván, những sự biến đổi diễn ra rất nhanh bằng cách cải thiện vệ sinh nhờ vào sự hợp tác tích cực của Grancis Garnier và những người Trung Quốc được Francis Garnier động viên. Chắc sẽ còn nhiều điều phải nói về sự ra đời của nhóm đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn vì chúng chưa có sử gia riêng của mình nhưng công cuộc chinh phục nền đất bằng một chương trình phối hợp làm trong lành và làm đẹp trở thành một trong những chương lôi cuốn nhất của sự hiện đại hóa Đông Dương. Cuối cùng, nên gợi ra đây tất cả những người hi sinh vì nhiệm vụ và một buổi chiều ra đi dưới sự hộ tống của bạn bè, những người sẽ lần lượt theo theo nguòi chết, tới Công viên của cha Ormay [Jardin du père d’Ormay], tên gọi nghĩa trang ở phố Bangkok [Mạc Đĩnh Chi] trong một thời gian dài. Như vậy đây là nơi được gọi là “chiến trường của nữ thần yên lặng” theo cách gọi của một phẫu thuật viên, một con người tuyệt vời vẫn còn lại trong tâm trí mọi người và được người ta gán, không phải là không ác tâm, cho cái tên vô căn cứ là lang vườn.
Lưu Đình Tuân dịch 
Tuần san Indochine hebdomadaire illustré số 208 ngày 24-8-1944
CHÚ THÍCH:
1. Imprimerie Impériale, sau khi Napoléon III bị đổ nha in nay đổi thanh Imprimerie Nationale; vị trí của nó tại góc Hai Bầ Trung-Nguyễn Du, bên phía khách sạn Inter-Continental.
2. Tại đầu dốc Đồng Khởi, ở bên kia đường và đối diện với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Nằm trong sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. La ville basse, tên chỉ khu vục từ đường Lê Thánh Tôn hắt xuống bờ sông, ngược với khu vục cao từ đường Lê Thánh Tôn.
5. Trên đường Nguyễn Đình Chiểu.
6. Trên phố Nguyễn Đình Chiểu hiện nay.
7. Như vậy là tại vị trí của Thủy xưởng của Gia Long.
8. Tại vị trí nay là sở Công thương va Sở Thông tin và Truyền thông trên đường Lý Tự Trọng.
9. Ở một tài liệu khác, chúng tôi đã chứng minh rằng các đường phố Sài Gòn đã được vạch ra không hề theo những quan niệm hiện đại mà theo sự định hướng của các bờ Thành năm 1790 và những đường có trước đó.
10. Tứ giác ven rạch Thị Nghè, ba mặt còn lại là các đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
11. Sau khi Napoléon III bị đổ, tên hãng tàu biển này được đổi thành Messageries Nationales, và sau cùng là Messageries Maritimes.
12. Nay là trụ sở Cục thuế TP.
13. Chữ “bên sông” nay hiểu theo hai nghĩa: hoặc là hông nhà giáp với sông Sài Gòn, hoặc là nhà trông ra một con rạch sau này lấp đi thành đường Hàm Nghi.
14. Xin hiểu là “đô đốc làm thống đốc” tựa như ngầy nay nói “tiến sĩ bộ trưởng”.


LE BINH (st)

 https://www.facebook.com/notes/l%C3%AA-binh/s%C3%A0i-g%C3%B2n-th%E1%BB%9Di-c%C3%A1c-%C4%91%C3%B4-%C4%91%E1%BB%91c-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n/10151997615351607

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét