Lưng lửng chiều xuân, nỗi nhớ cánh bãi ven sông quê rập rờn vô vàn cánh lá khúc nếp bàng bạc chớm trổ hoa vàng lại dâng lên muốn nghẹn tim. Để giải tỏa chỉ có cách phi xe ra chợ Nguyễn Công Trứ kiếm hàng chính hiệu Cô Lan mà hít hà, mà như bị thôi miên rút túi tậu đôi bánh khúc thơm khói nếp quyện hương rau khúc. Ăn chỉ giỏi lắm hết một chiếc nhưng mua cả đôi mới bõ cơn thèm từ thăm thẳm tâm can thèm ra.
Bánh khúc ấy là món quà đặc sản xuân miền châu thổ sông Hồng. Dù người ta có thống kê tới dăm ba loại khúc trái mùa và nghe cô bạn khoe tận bên Mỹ cũng có khúc thì vẫn chỉ có những lá khúc nếp hái sáng mùa xuân xứ sương mờ ẩm ướt này mới đích thực dâng hương tinh tế, hiến vị ngậy bùi thỏa cơn thèm của đủ mọi giác quan. Thôi, thôi, đừng nhắc thứ bánh khúc dối lòng trái vụ cậy nhờ sắc xanh lá su hào, cải bó xôi, cải cúc.
Quá nhớ một cái tên hàng xóm có lần rủ mình ra bãi hái rau khúc ngậm sương sớm. Cứ tưởng người vụng hái nên nhờ mình cùng đi, ai dè lại được nghe chuyện cậu bé Hoàng Cầm năm nao lẽo đẽo theo chị váy chùng cửa võng đi hái rau khúc mà về mộng tìm lá diêu bông. Giờ nhớ lại mình cũng lãng đãng nửa tin nửa ngợ hay lá diêu bông ấy là khúc nếp chăng. Có phải không người kể chuyện ơi. Hay ta đã vô tình không hiểu mớ khúc mơn mởn đầu mùa người bất ngờ nhường trọn sáng ấy.
Bánh khúc là tinh hoa quà quê. Để có mẻ bánh ngon hồn ta phải qua hay được qua quá nhiều mong đợi và kỳ công. Lũ trẻ háo hức chờ qua Tết, tới xuân để mầm khúc trổ, để lá độ bánh tẻ bời bời xanh cánh bãi đặng ngắt về nài mẹ làm mẻ bánh đầu mùa. Lại còn phải dậy sớm lá mới thật thơm, quên cả ngại mùa ẩm giời ham ngủ nướng. Lá về tới nhà từ sáng, suốt buổi học cứ thấp thỏm mong về hóng mẹ làm bánh. Nhớ những lúc mẹ bày nhặt xay khúc nếp, khúc tẻ, xay bột nếp, nhồi nhân, nặn bánh lần lượt từ thị ba chỉ ướp hành, tiêu, qua lớp đậu xanh mịn màng tới áo bột xanh màu rau khúc. Nhớ mình tham lam của nếp, lúc phụ đặt bánh hấp cứ chực rắc dày lớp nếp mẹ chắt dành từ hồi đong nếp bánh chưng. Bất giác nài nỉ bàn tay đang đơm bánh bán “cô ơi, thêm xôi cho cháu…”.
Mẹ dặn làm bánh khúc kỵ vội vàng. Khâu hấp bánh là cuối cùng nhưng cũng không thể cứ xôi chín mà đã được ăn ngay. Xôi dẻo tay rồi còn phải đồ nán thêm đôi chục phút cho thịt mỡ nhừ, tứa vị béo ra hợp cùng chất bùi sẵn của lá khúc mới thành đặc sản nhớ tới đâu, tứa ướt miệng tới đó. Thường lưng chiều bánh mới chín. Lại còn chờ cho xôi khúc nguội còn âm ấm, bớt dính mới thực vừa tay nắm ăn. Chả thế mà cơn thèm bánh cứ chiều, cứ khuya là nhẩn nha nổi lên hành hạ người quê về phố lâu ngày.
Bánh khúc ăn trừ bữa sáng, trưa, tối hay lót dạ buổi lửng chiều, ém cơn bụng réo khuya đều ổn. Một thời đêm trùm chăn nghe giọng đọc truyện đêm khuya lẫn với tiếng ông bánh khúc rao ầu ơ như ru “Ai bánh khúc… đê…”. Lối ngắt hơi giật nhẹ sau âm “khúc” vót lên mời gọi, rồi lắng đôi giây mới thả cho gió loang khắp không gian đêm nhịp “đ…ê…” êm dài miên man, hợp nên chuỗi âm thanh ma mị thúc bật mọi tâm hồn ham bánh khúc dù chả chắc đủ đói. Tiếng rao trong mờ sương đêm Xuân ấy là đặc sản Hà Nội đấy.
Sáng nay cô em bán rau chợ cóc đầu chung cư rỉ tai báo đã chớm mùa khúc nếp, chị có ăn mai em dặn lũ trẻ hàng xóm hái gom cho, sẽ mang lá chuối ra cho chị gói bánh mà ăn mới đủ vị. Bà ngoại lũ trẻ sắp được thỏa nỗi nhớ đồng bãi suốt mấy năm theo con trông cháu xứ bê tông, đường nhựa. May quá có những cầu nối quê vào phố như thế nên mình còn có được nguyên liệu xịn mà đãi những người thân yêu mẻ bánh an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối.
(Tản văn viết tháng 2.2013 giờ mới công bố, chuyện 7 phần ta, 3 phần hàng xóm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét