Ngoài cặp song kiếm vô địch
hùng bá trên võ đài suốt bao năm, lão võ sư huyền thoại này còn làm chủ 20 binh
khí và nhiều ám khí độc môn hiếm có trên đời.
Làng võ nói về Huyền Công Đạo Trần
Công, Nguyên chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao của Hội võ thuật Hà Nội, thế này:
Từ thủa nhỏ, ông đã được sư phụ người Trung Hoa rèn cặp nên vũ thuật kinh hồn,
nhất là khi thi triển Song hổ vĩ côn, Tam tiết côn, Không động kiếm, Cửu long
tiên, Huyết kỳ... Lão võ sư là một cây đại thụ, một tên tuổi lẫy lừng trong
làng võ Việt, luận về võ học thì là bậc kỳ tài, thiên hạ ít người sánh kịp...
Chính bởi công phu xuất chúng nên lão võ sư Trần Công đã nhiều lần được biểu diễn
võ cho Bác Hồ xem, thậm chí còn được Người bất ngờ vào tận nhà ân tình thăm hỏi.
Tuy tên tuổi lẫy lừng nhưng trong
số những võ sư cao thủ mà tôi đã may mắn được gặp thì lão võ sư Trần Công là
người... khó tìm nhất. Ông mai danh ẩn tích đã hơn chục năm nay. Hỏi nơi ở của
ông, người thì bảo, đã đến nhà rất nhiều lần, nhưng chính bởi cái sự thân thuộc
ấy nên chẳng ai nhớ số nhà. Người khác thì lại nói, bởi lão võ sư thích lang bạt
giang hồ nên duyên số gặp nhau... ngoài đường chứ nhà ở đâu thì không được biết.
Chính bởi sự quy ẩn lạ lùng ấy mà
nhiều năm nay, nhiều môn sinh mến mộ ông đã nháo nhác kiếm tìm ông khắp nơi những
mong được ông chỉ giáo, san sẻ cho ít nhiều những tinh hoa võ thuật mà ông đã cần
mẫn gom góp cả đời, mà vẫn không gặp được.
Điện thoại khắp nơi, tôi cũng kiếm được một thông tin... mù mờ: Có người đã từng gặp lão võ sư ở gần dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám.
Lang thang tìm kiếm ở đó suốt mấy
ngày trời, mới hay rằng, trước đây lão võ sư từng sống ở đó, nay chuyển nhà đi
đâu thì không ai biết. Mãi sau này, may mắn được lão võ sư Phan Dương Bình
(làng võ còn gọi là Bình “bún”, môn phái Vịnh Xuân, Vovinam) và võ sư Nguyễn Ngọc
Nội (phái Vịnh Xuân) giúp đỡ, tôi mới biết được nơi ở mới của bậc tiền bối tài
danh.
“Chú khách” kỳ dị
Lão võ sư đón tôi trong căn phòng chật chội, trên tường, xung quanh chiếc giường một, treo chi chít những binh khí, nào côn, nào kiếm, thứ nào cũng bóng nhẫy mồ hôi.
Ông bảo, đó là những bảo vật kỉ niệm của cả cuộc đời theo đuổi nghiệp võ của ông. Tuổi đã 90 nhưng lão võ sư còn tráng kiện lắm. Nhìn ông, tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu gì của bệnh tật. Ông theo nghề võ từ năm lên 8 tuổi. Ông bảo, với võ thuật, ông như có duyên tiền định.
Sinh ra ở Nam Định, thế nhưng vì đói, mẹ ông đã cho ông vào thúng, quẩy đi khắp nơi bởi cuộc mưu sinh. Bát cơm, manh áo đã đưa hai mẹ con ra Hà Nội, trọ ở xóm Dinh, làng Vạn Bảo bây giờ. Hai mẹ con sống qua ngày bằng thúng ốc luộc mà mẹ ông tần tảo đội trên đầu đi bán rong khắp phố.
Năm ông lên 8 tuổi, có chút vốn, mẹ ông mở sạp hàng sáo ngay tại nhà. Ông tung tăng phụ giúp bà bán hàng, khi rảnh lại cùng đám bạn cùng tuổi mải mê đánh khăng, đánh đáo ngay trước cửa nhà.
Ông còn nhớ lắm, nhà ông khi ấy ở
tận cuối con ngõ vắng vẻ, vậy mà hầu như hôm nào cũng thấy “chú khách” (người
Trung Quốc) quẩy đôi xọt thuốc qua, rao bằng cái giọng lơ lớ: “Ai thuốc đê!”. Mỗi
lần đi qua chỗ ông và đám bạn đang chơi, chú khách lại dừng bước, rồi cứ thế, đứng
nhìn ông đăm đăm.
“Chú khách” là người tốt bụng, mặc
dù suốt ngày nhễ nhại mồ hôi với gánh thuốc trên vai, nhưng “chú” chỉ bốc thuốc
và chữa bệnh không công. Ông chưa từng thấy “chú khách” lấy tiền của ai bao giờ.
Nói vừa dứt câu, chẳng cần biết
chủ nhà đồng ý hay không, “chú khách” đã quẳng đôi sọt thuốc, chạy ào về phía
sau nhà, nơi có chum nước mà mẹ con ông vẫn dùng để thổi nấu. Thấy vậy, mẹ ông
đã hoảng hốt: “Không uống nước ở đó được đâu bác ạ! Đau bụng chết, bác vào đây,
nhà tôi có nước chè xanh!”. Vừa nói, mẹ ông vừa rót bát nước chè khói vẫn còn
nghi ngút.
“Bà tốt quá à! Thật ra, tôi vào
đây không phải để xin nước đâu à!”. “Chú khách” đáp lời mặt đầy bí ẩn. “Thế bác
không khát nước à?! Bác vào đây làm gì vậy?”. Mẹ ông hốt hoảng hỏi. “Tôi thấy
bà có đứa con tốt quá à! Tôi muốn xin nó về làm con nuôi à?!”.
“Không! Không được đâu! Tôi có mỗi
mình nó thôi!”. Mẹ ông phản đối quyết liệt nguyện vọng của vị khách vừa thân
quen lại vừa xa lạ ấy. “Không, tôi không mang nó đi đâu đâu! Tôi chỉ muốn nhận
nó làm con nuôi để giáo nó thôi à!”.
“Giáo nó, bác định giáo nó cái gì?”. Mẹ ông xuôi giọng. “Tôi muốn dạy võ cho nó. Dạy võ cho nó khoẻ, không bị ai bắt nạt nữa à! Mấy lần nhìn nó, tôi biết nó là nhân tài để luyện võ đấy à. Nó có một nốt ruồi nhỏ ở trên thái dương bên trái đấy, nốt ruồi ấy là tốt lắm à!”.
Sau bữa ấy, “chú khách” ghé qua nhà ông luôn. Mỗi lần đến thăm, “chú” chỉ xoa đầu, nắn tay nắn chân ông chứ chẳng dạy võ thuật như là đã nói. Mãi vài tháng sau, khi tình cảm giữa “chú” và mẹ con ông đã trở lên thân thiện, “chú” đã xin mẹ ông để “chú” được đưa ông về Hàng Buồm, nơi có cửa hàng thuốc và gia đình “chú” ở.
Ngay hôm đầu tiên, “chú khách” đã gọi các con của mình lại và bảo họ biểu diễn võ thuật cho ông xem. Nghe lời cha, mấy đứa con lau nhau của chú khách lao vào thử tài nhau bằng những chiêu thức võ thuật vô cùng đẹp mắt. Xem bọn họ đánh nhau, ông thích lắm. Nhận ra vẻ thích thú của ông, “chú khách” khẽ gật đầu, ra chiều vô cùng mãn nguyện. Bữa ấy, “chú khách” cũng vẫn chưa dạy võ cho ông mà ngay lập tức lại đèo ông về bằng chiếc xe đạp bóng loáng.
Trên đường đi, “chú khách” đã nói với ông rằng: “Sang Việt Nam, mục đích của ta là không phải đi bán thuốc đâu à! Ta muốn đi tìm một đệ tử chân truyền. Tìm được con rồi, ta muốn con chăm chỉ luyện tập theo tất cả những gì ta chỉ bảo! Con nhớ không!”.
Hồi ấy, còn bé, nghe “chú khách” nói thế nào thì ông chỉ biết gật đầu thế đó chứ biết gì về hoài bão của người thầy đến từ Trung Quốc xa xôi. Sau này, khi lớn hơn một chút, ông mới biết “chú khách”, người đã coi ông như con, suốt đêm ngày truyền thụ cho ông những tinh hoa võ học chính là Mao Diệp Xi, giang hồ còn gọi là Xần Xi, là đệ tử nổi danh của môn phái Không Động, một môn phái lừng lẫy ở Trung Hoa đại lục.
Vì những biến cố của đất nước, Mao sư phụ đã phải đem gia đình sang sinh sống ở Hà Nội. Đã nhận nhiều đệ tử, nhưng chưa tìm được bậc kỳ tài, sợ những bí kíp võ công của môn phái mà mình đã dày công tu luyện bị thất truyền nên Xần Xi đã phải mượn gánh thuốc, đi triệu bước chân lang thang khắp nơi để tìm người nối nghiệp.
Bắc tiến
Từ hôm đó, chiều nào cũng vậy, Mao sư phụ đạp xe đến tận nhà để đón ông về Hàng Buồm luyện võ. Thời gian đầu, Mao sư phụ chỉ dạy ông mỗi hai “chiêu thức” vô cùng đơn giản ấy là xoay bi và đẩy bóng. Đưa cho ông những viên bi sắt to như quả quýt, Mao sư phụ bảo, cứ vê, xoay chúng trong lòng bàn tay, khi thì một, lúc thì hai, khi nữa thì ba viên liền lúc.
“Chơi” với bi chán thì quay sang đẩy bóng. Những quả bóng cao su rất lạ, thứ đó ông cũng không biết sư phu mình kiếm từ đâu. Mới đầu, Mao sư phụ bảo ông phải đẩy, ép quả bóng nhỏ nhất vào tường. Khi quả bóng đó bị lực từ tay ông đẩy, ép chặt hai mặt vào nhau thì mới thôi.
Đẩy được hai tay thì chuyển sang dùng một tay. Những quả bóng cứ to dần lên theo thời gian ông luyện tập. Gần hai năm sau, khi mà đứng kẹp giữa hai bức tường, hai bên là hai quả bóng to nhất, dùng lực, ông đẩy chúng bẹp dúm sát tường thì Mao sư phụ mới bắt đầu dạy ông quyền cước.
Cứ thế, thời gian thấm thoắt thoi đưa, năm ông 12 tuổi, ông đã thông thạo tất cả những chiêu thức võ thuật mà Mao sư phụ truyền dạy. Luyện võ 10 năm mà không luyện khí thì cũng coi như chưa từng biết võ, điều này thì những đệ tử của Không Động, môn phái thiên về nội công rành hơn ai hết. Bởi thế, muốn rèn rũa “viên ngọc quý” của mình được toả sáng muôn bề, Mao sư phụ đã đi đến một quyết định quan trọng: Đưa cậu học trò cưng về Trung Quốc. Theo Mao sư phụ thì ở quê hương ông có một nơi luyện khí công vô cùng lý tưởng, đó là đỉnh Thái Sơn, cách nơi ở cũ của ông vài chục cây số.
Vậy là, dù không muốn phải xa đứa con duy nhất của mình, nhưng trước sự tận tình của Mao sư phụ, mẹ ông cũng đành gạt lệ tiễn ông đi.
Luyện nội công ở đỉnh Thái Sơn
Nhà Mao sư phụ ở huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông. Lão võ sư Trần Công bảo, đến giờ, ông vẫn còn nhớ như in ngôi nhà số 3 phố huyện ấy. Sang đến nơi, ông mới biết mình có rất nhiều sư ca, sư tỉ. Thấy Mao sư phụ về, họ đã lũ lượt kéo đến nhà chúc mừng. Thấy ông lanh lẹ lại rất đỗi hồn nhiên, nói tiếng Trung Quốc thì ngô nghê nên họ rất thích. Họ chiều chuộng ông hệt như cậu út trong nhà.
Tại đây, ông được Mao sư phụ đặt cho một cái tên Trung Quốc: Xần Cóng. Và, cũng tại đây, ngày nào cũng vậy, khi trời mới tờ mờ sáng, Mao sư phụ đã kéo ông dậy, rồi bằng xe đạp, đèo ông vượt mấy chục cây số tới núi Thái Sơn. Để xe dưới chân, hai thầy trò chạy bộ lên đỉnh núi. Nơi chân mây ấy, hai thầy trò mải miết luyện khí công, hệt như... đôi bạn tri âm. Khi mặt trời khuất bóng, thầy trò mới ngừng việc luyện tập, xuống núi và thầy lại đèo trò về.
Đến giờ, lão võ sư Trần Công không thể nhớ chính xác mình đã luyện võ với Mao sư phụ ở Trung Quốc bao nhiêu năm. Chỉ biết, khi đi ông còn là một cậu bé ngây ngô, khi trở về thì đã là một chàng trai cường tráng, sức mạnh phi thường.
Ngày ấy, bởi nhớ thương đứa con độc nhất, mẹ ông đã mấy lần biên thư gọi ông về. Thương mẹ, ông đành lưu luyến tạm biệt người thầy khả kính. Trước hôm lên đường trở về Việt Nam, trước mặt tất cả các đệ tử của mình, Mao sư phụ đã gọi ông lại mà rằng: “Tất cả những tuyệt kỹ võ công, ta đã dạy cho con hết cả. Con phải nhớ rằng, sau này khi ra đời, không bao giờ được dùng võ để chèn ép mọi người. Nếu làm trái lời thì đừng bao giờ nghĩ đến ta nữa!”.
Cũng buổi ấy, Mao sư phụ đã làm một việc khác thường, ấy là đặt cho ông pháp danh Huyền Công Đạo. Việc đặt pháp danh đó, từ trước đến nay, Mao sư phụ chưa từng ưu ái với bất cứ đệ tử nào...
Ông về Việt Nam được ít lâu thì
Mao sư phụ mất. Theo các sư ca, sư tỉ của ông nói lại thì khi hấp hối, Mao sư
phụ đã luôn miệng gọi tên ông. Theo nguyện vọng của Mao sư phụ là muốn được về
phương Nam thăm ông, người đệ tử hiếu đễ, tài ba, các sư ca của ông đã tiễn đưa
người thầy của mình về cõi vĩnh hằng bằng không táng. Thi hài của Mao sư phụ được
hoả táng, sau đó gói gọn gàng trong ống nứa hệt như người ta làm pháo thăng
thiên, hướng về phương Nam mà đốt...
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/7182-cao-th-vo-vit-qvua-am-khiq-cuc-i-tiu-ngo-giang-h.html
Đào Thanh Tuy
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/7182-cao-th-vo-vit-qvua-am-khiq-cuc-i-tiu-ngo-giang-h.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét