Translate

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

ĐẦU XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN NẮP ẤM TRÀ TỬ SA


Ngày xuân chúc Tết, du xuân, uống trà hàn huyên trò chuyện là điều tuyệt vời với mỗi người. Haiduong Nguyen kính chúc các hồ hữu cùng đại gia đình xuân mới mạnh khỏe, thành đạt, nhiều niềm vui mới! Mã thượng hầu ( nhanh chóng thăng tiến).  và đặc biệt ngày càng tìm thấy, cảm nhận cái hay, cái đẹp từ những tác phẩm ấm Tử Sa! 
Mùng 6 - lộc tới. Nhân đây, HD cũng mạn phép góp chuyện xuân, chuyện ấm trà! Kính mong các hồ hữu góp vui! HD chân tâm cám ơn! 

Khi pha trà tất nhiên phải “sờ” tới hồ cái (nắp ấm) , chắc hẳn vai trò thiết yếu của nó ra sao thì khỏi phải bàn ạ! Khi pha trà, cách nhấc và đặt nắp ấm cũng chính là sự thể hiện tâm thái người pha, sự tôn trọng bản thân cũng như trà hữu. Phong thái nhẹ nhàng, khoan thai, cẩn thận thể hiện sự nho nhã, tĩnh tâm, chuyên ý và đầy thiện ý. Có thể là cách xoay tròn chỉnh thế nắp và ấm như một cách trình diễn nghệ thuật công phu trà. Pha trà, dù là độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm, các hồ hữu cũng như người pha đều không quên ngắm nghía chiếc ấm, quan sát hình dáng chiếc ấm mà tâm điểm là nắp ấm, tôi đảm bảo điều đó với bất cứ ai khi pha và thưởng trà. Có khi là vừa nói chuyện và ngắm nhìn hoặc cùng dành chút ít thời gian tĩnh tâm cùng nhìn chiếc ấm cùng các thao tác nhấc đặt nắp, thao tác rót trà như múa của người pha trà. Thông thường, nam giới dùng một tay – tay phải (ngón cái đặt lên trên núm nắp giữ nắp chặt nhưng, các ngón còn lại nắm lấy quai, ngoại trừ ấm đề lương) – cách thức này thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ song không hề bớt đi vẻ tao nhã. Với nữ giới, là nét nhẹ nhàng, uyển chuyển dùng hai tay, tay phải nắm lấy quai ấm, tay trái giữ nắp ấm – các ngón chụm lại núm nắp như nâng niu, trân trọng với vẻ mặt đón chào những giọt trà dâng mời thượng khách. Tôi thiết nghĩ đó những thao tác đó đều tự do, tùy ý miễn là thể hiện tâm thái của người pha nên mỗi người đều có cách riêng khi thể hiện tâm thái và tình cảm. 
Cầm ấm lên pha, cùng nhau ngắm nghía, giám thưởng, bàn luận. Xin thưa rằng, mấy ai “để ý” nắp đó là loại nắp gì ạ? Bản thân với kiến thức còn khiêm tốn xin mạn phép chia sẻ đôi điều cơ bản về nắp ấm, kính mong các hồ hữu cùng góp vui.
Nắp ấm Tử sa được phân ra thành nhiều dạng: khảm cái, áp cái, tiệt cái,… Mặt nắp chia thành mặt nắp phẳng, mặt nắp lồi và mặt nắp lõm. Do mặt trong ngoài của ấm Tử sa không cần tráng men, khi nung thành phẩm miệng nắp có thể nung cùng một lúc, khi làm cũng có thể nắm chắc độ chặt lỏng của miệng nắp. Khảm cái, đa phần mặt nắp khảm nhập vào thân ấm tạo thành một chỉnh thể bất luận là hình vuông hay tròn. Áp cái đặt chèn lên phần trên miệng ấm như một sự đặc ý gắn thêm vào thân ấm. Viền mép của mặt nắp ấm này có vuông có tròn, đều tạo thành một vòng cung tròn hợp nhất mép miệng ấm với mép mặt nắp, luôn hô ứng với miệng ấm. Nắp ấm được gọi là “ thiên áp địa”, khi chế tác thông thường đường kính nắp ấm lớn hơn đường kính ngoài mặt miệng, cài nắp vào có cảm giác dễ chịu, ưa nhìn, khi dùng khá thuận tiện. Tiệt cái, khá đặc thù giống như đặc hữu trong ấm Tử sa, các đồ dùng khác không dễ gặp, nó như chỉnh thể đồng nhất, như Ấm lê hình, ấm hình Hồ lô,.. lấy phần trên cắt ra, gia công thành nắp, hợp lại thành một thể. Khi hợp lại các đường cong của đường viền ngoài phải ăn khớp nhau, nối tiếp tự nhiên, tạo thành một chỉnh thể giống y như thật.
Nắp ấm về yêu cầu cơ bản là phải khít với miệng ấm, đảm bảo giữ nhiệt, giữ hương – vị - sắc trà, khi rót trà nước không bị rớt ra ngoài, tay không bị bỏng; có một lỗ nhỏ thoát khí có thể đặt ở đỉnh núm hoặc ở phần giao giữa núm và nắp. Thoải mãn yêu cầu đó, các nghệ nhân tha hồ sáng tạo các hình dáng nắp ấm hòa phối cùng thân và các chi tiết ấm làm nên một tác phẩm nghệ thuật.
Nắp ấm cũng như chỉnh thể ấm Tử sa đều có hai dạng chế tác cơ bản là toàn thủ công hoặc bán thủ công. Hiện nay, cùng với xu thế thị trường và nhu cầu cũng như tầm mỹ quan của mọi người ngày càng tăng lên, việc chế tác nắp ấm cũng ngày càng được chú trọng, tinh xảo.

Dưới đây là một số hình ảnh thí dụ minh họa cho các kiểu nắp ấm cơ bản ( nguồn hình ảnh từ Thuongtra.com):
 https://www.facebook.com/groups/tusachungluan/permalink/650850064971394/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét