Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TRÀ THƯ X


Phụ Lục : Giai thoại và tản mạn chuyện trà
Có những thứ không chép nghiêm túc thành sách, nó nằm tản mác đâu đó trong mẫu chuyện hay câu thơ, nhưng không thể nói không phải là văn hóa. Trà cũng vậy, có những văn hóa riêng xoay quanh nó, nếu ai đó tập hợp lại gầy dựng nên một triết lý khi uống trà thì gọi đó là ‘Trà đạo’ cũng không phải là sai. Việt Nam chưa hề có một triết lý hoàn chỉnh về trà, nhưng bất chợt đó đây trong quán trà sang trọng hay quán cóc vỉa hè chúng ta đều có thể bắt gặp man man hồn trà trong những câu chuyện phiếm, vì vậy có câu:”Tản mạn chuyện trà, la cà chuyện rượu”. Không kể lại vài giai thoại hay chuyện tản mạn e rằng đã mất đi một phần hồn trà của người Việt.
Giai thoại trà
Uống trà, nói chuyện trà mà thiếu những giai thoại về trà quả mất đi phân nửa hồn trà. Bao quanh những huyền thoại trà có những giai thoại nửa hư, nửa thực để ca tụng trà. Cái thú của giai thoại là cho chúng ta một nụ cười hóm hỉnh, một triết lý thâm trầm hay một câu thi phú đối đáp xuất thần. Dưới đây là một số giai thoại lượm lặt được:
1.- Người ta tương truyền vua Càn Long có tuổi thọ cao nhờ uống trà, vua thọ đến 88 tuổi. Khi bước vào tuổi 85, trong một dịp khuyên vua nên hạn chế việc chu du thiên hạ, một lão quan ngự y ra câu đối: “Quốc bất khả nhất nhật vô quân” (Nước không thể một ngày không vua); vua Càn Long dí dõm đối lại: “Quân bất khả nhất nhật vô trà” (Vua không thể một ngày thiếu trà). Câu đối không chỉnh, nhưng thể hiện rất rõ cá tính một vị vua mang máu giang hồ này.
2.- Độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân trong truyện “Những Chiếc Ấm Trà” để lại một giai thoại khá ngộ nghỉnh qua miệng một nhân vật trong truyện kể: “Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Có một lần hắn gõ gậy vào nhà kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem hắn định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm canh hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn! Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho phép hắn “uống trà tàu với!” . Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, dở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định ăn vạ đến lúc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà : “Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa lấy gì làm khoái hoạt lắm” . Hắn tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đuờng. Mọi người cho là một người điên không để ý đến . Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì ở lọ trà đánh đổ tung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu .” Tưởng đấy là một giai thoại lý thú, nào ngờ nhân vật “cụ sáu” trong chuyện còn ghê gớm hơn nữa. Cụ bán những chiếc ấm gia bảo của mình với giá rẻ mạt nhưng không bán nắp; sau đó bán nắp ấm với giá trên trời. Ai đã mua ấm thiếu nắp rồi đành bấm bụng mua cái nắp vậy.
3.- Còn trà Đại Hồng Bào danh tiếng của tỉnh Phúc Kiến cũng có một giai thoại. Thời vua Khang Hy nhà Thanh có một học trò nghèo lên kinh ứng thí; sau khi vượt ngọn núi Vũ Di sơn thì đói và mệt ngất xỉu. May nhờ có một vị sư đi ngang cho uống một thứ nước nên chàng sĩ tử này khỏe lại. Kỳ thi đó chàng thi đậu và được bổ làm quan. Nhớ nghĩa cũ chàng về nơi thọ nạn tìm kiếm nhà sư đó. Trong câu chuyện tạ ơn, chàng được biết đã được cứu mạng nhờ một loại trà. Xin được một ít, chàng hồi kinh nhậm chức và tiến vua lá trà đó. Đúng dịp đó hoàng thái hậu lâm bệnh nặng, các ngự y đều bó tay. Vua cho dùng thử lá trà đó thì thấy hiệu nghiệm và bệnh tình dần dần bình phục. Vua cảm kích ban thưởng cho một chiếc áo bào đỏ và từ đó trà này mang tên Đại Hồng Bào (Chiếc Áo Đỏ). Trong câu chuyện này có nhắc đến núi Vũ Di Sơn; và tên núi này cũng là một giai thoại. Vũ và Di là tên hai anh em bỏ hết cả gia tài để đi tìm và thửong thức trà quý. Hai anh em này vào vùng núi này tìm trà và tìm ra loại trà độc đáo sau này được vua Minh tặng cho Hồng Bào như đã kể ở trên. Sau để nhớ công người ta gọi núi này là núi Vũ Di.
4.- Trong Thiền học có một giai thoại khá lý thứ về trà, phản ảnh khá sâu sắc tư tưởng thiền của tổ Bồ đề Đạt Ma.
Ba thiền sư Nam Tuyền, Qui Tông và Bảo Triệt đến yết kiến thiền sư Cảnh Sơn, đi đường gặp một bà già bán quán trà, ngài Bảo Triệt hỏi thăm đường. Sau một hồi hỏi thăm đường và đối đáp qua lại, ba vị thiền sư này vào quán uống nước. Bà già nấu một bình trà, bưng ba chén chung đến nói: Hòa thượng nào có thần thông thì uống trà. Cả ba chưa biết đối phó thế nào thì bà già nói tiếp: Xem già này trình thần thông đây. Nói xong, bà cầm chung nghiên bình rót trà rồi đi.
Giai thoại này sau trở thành một đề tài tham cứu cho các thiền sinh.
5.- Một giai thoại bên cạnh trà mang hơi hướm huyền thoại là câu chuyện về một ấm pha trà ngự dụng. Ngày xưa có một vị hoàng đế Trung Hoa thích uống trà, vua cho sai một lò gốm sứ nổi tiếng trong nước làm một cái ấm hìng rồng từ loại đất và men quý hiếm. Dù là những người thợ lão luyện nổi tiếng cả nước, nhưng hàng chục lần đưa vào lò nung ấm đều bị nứt rạn. Chờ đợi quá lâu, vị hoàng đế này không còn kiên nhẫn ra lệnh: “Nếu trong tháng không làm ra được chiếc ấm sẽ chém đầu tất cả môi người trong vùng.”. Ai nấy đều sợ hãi. Một người thợ gốm tên là Tống Bình bèn thắp hương bàn thờ tổ cầu nguyện, trai giới nhiều ngày. Đến ngày đốt lò nung mẽ gốm cho vua, người thợ này nhảy vào lửa hy sinh tế tổ. Quả nhiện mẽ gốm thành công và mọi người thoát chết.
Giai thoại này na ná huyền thoại hai thanh gươm Can Tương và ………
6.- Huyền thoại Trung Hoa về trà có kể: Khi xưa Tần thủy Hoàng xuất quân chính phạt gặp phải cường địch là Sát Cáp Nhĩ. Viên tướng này bách chiến bách thắng nhờ có con thần mã chẳng kém gì con Xích Thố của Quan Công. Muốn thắng trước tiên Tần Thủy Hòang phải diệt con tuấn mã này trước. Nghĩ mãi vua mới ra kế sách: sai Lâm Phi, một ái phi sũng ái của ông, cải trang làm cô gái bán cỏ ngựa, lân la quyến rũ Sát Cáp Nhĩ. Viên tướng này quả nhiên say mê sắc đẹp của Lâm Phi. Khi được sũng ái, Lâm Phi mới bày ra chuyện cho ngựa ăn lá trà rồi mổ bụng lấy loại trà tuyệt hảo mà uống. Trúng kế Sát Cáp Nhĩ giết chết con ngựa của mình và kết cuộc là bại trận.
7.- Lục Vũ, tác giả cuốn Trà Kinh Trung Hoa, nổi tiếng là người pha trà giỏi; còn thiền sư Thái Chúc (cha nuôi của Lục Vũ) là người nổi tiếng biết thưởng trà. Nghe danh đã lâu, hoàng đế nhà Đường cho vời hai người đến nhưng không cho gặp mặt. Nhà vua mời nhà sư một ly trà. Nhà sư đưa lên miệng nhắp một ngụm, nhà vua hỏi “Trà này có pha ngon bằng trà của Lục Hồng Tiệm không?”. Nhà sư đặt tách xuống không nói gì. Đến tách thứ hai, do chính Lục Vũ pha, nhà vua lại hỏi như trước. Vừa nhấp một ngụm nhà sư vui mừng lên tiếng “Muôn tâu hoàng thượng, tuyệt, tuyệt hảo, Lục vũ chỉ có thể như thế này thôi…”. Vua cho là tài.
8.- Một giai thoại khác rất có vẽ thực liên quan đến một loài cây cũng gọi là trà nhưng thường người ta gọi là sơn trà hay trà mi . Giai thoại này liên quan đến một nhà thơ nổi tiếngViệt Nam là cụ Nguyễn Khuyến.
Vào năm 1905, tuần phủ Hưng Yên tên là Lê Hoan có tổ chức cuộc thi thơ “Vịnh Kiều”. Dù không muốn tham gia nhưng nhiều lần quan tuần phủ triệu mời nên cuối cùng đành tham dự ban giám khảo.
Trong cuộc thi này Chu Mạnh Trinh có gửi hai chục bài đến dự thi và đoạt giải nhất kỳ thi này. Tuy nhiên khi chấm thi Nguyễn Khuyến thấy thơ Mạnh Trinh có hai câu:
Làng nho người cũng coi ra vẽ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay!
Là một nhà nho, cụ Nguyễn Khuyến rất nghiêm trong ý tứ câu đối, phê ngay:
Rằng hay thì thật là hay,
Đem nho đối xỏ lão này không ưa.
Tuy đoạt giải nhất nhưng lời phê này lọt đến tai Chu mạnh Trinh, Trinh để bụng không vui. Về sau khi làm án sát Hưng Yên, lúc đó Nguyễn Khuyến mắt đã lòa, Mạnh Trinh biếu cụ Nguyễn một chậu hoa trà (loài hoa chỉ có sắc mà không có mùi hương) với dụng ý châm biếm cụ Nguyễn không biết thưởng thức văn. Cụ Nguyễn Khuyến cũng hiểu và viết một bài thơ gửi Chu Mạnh Trinh như sau:
Tết đến người cho một chậu trà,
Đương say còn biết cóc đâu hoa!
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng, bác đó a?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá,
Gió to luống sợ lúc rơi già!
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!
Chu Mạnh Trinh đọc xong mới thấy hổ thẹn lòng nhỏ nhen của mình và càng khâm phục phẩm chất cụ Nguyễn.
Tản mạn chuyện trà
Bên cạnh những giai thoại truyền khẩu, người uống trà xưa nay cũng có những tản mạn không kém phần thú vị.
- Ngày xưa ở Sài Gòn – Chợ Lớn có nhiều quán trà (bán thuần nước trà chứ không phải bán cà phê cho khách uống thêm trà như bây giờ) gọi là trà gia. Người nghèo lao động trong giây phút nhàn tản thường ngồi uống tách trà. Uống hết nước lại xin thêm nước sôi châm vào. Xin nhiều lần qua thì tiểu nhị (còn gọi theo âm Quảng Đông là phổ ky, tức người hầu bàn) than phiền, nhưng vẫn châm: “Pạt đầu trà a!”(Bạc đầu trà: trà đã lợt nước rồi). Không biết học lóm từ đâu, người công nhân này nói rất triết lý: “Nị có biết Lâm Ngữ Đường chứ lị” Người tiểu nhị ngớ người chưa kịp hiểu, người khách thuộc giai tầng thấp trong xã hội thời trước nói luôn: “Lâm Tiên sinh có nói: Trà nước thứ nhất tựa như ấu nữ mười hai, mười ba, trà nước thứ hai như nữ lang đang độ mười sáu, trà nước thứ ba đã là thiếu phụ, vv và vv …”. Xin thêm nước sôi cũng triết lý đấy chứ!?
- Lại có chuyện phiếm vui vui như sau: Một anh chàng nọ ngồi chung bàn với tía vợ. Vốn giữ phép con rễ anh chàng châm nước trà vào chén cho mọi người ngồi chung bàn. Sơ ý thế nào không biết, anh chàng này rót cho mọi người trước còn cha vợ ngồi kế bên rót cuối cùng. Trong bàn ấy người cha vợ cao tuổi và vai vế lớn nhất, nên bị mắng. Nhanh trí anh chàng này chữa lỗi bằng cách nói nhỏ với tía vợ của mình: “Tía ơi, con rót trước là rót nước rữa trà đó. Tía đừng buồn”
- Anh chàng sinh viên gốc Hà Nội vừa vô nam quen được cô bạn gái dễ thương. Sau một hồi tán tỉnh mời được cô bạn đi uống nước, nhưng trong lòng thắc thỏm vì túi tiền quá mỏng. Tìm được một quán nước vỉa hề, hai người ngồi uống nước hàn huyên. Anh chàng vốn bệnh sĩ Hà Nội cao giọng kêu cô chủ quán: “Chị ơi cho xin hai ly chè”. Hai người tiếp tục hàn huyên nhưng chờ quá lâu mà chẳng thấy mang trà ra. Anh chàng hỏi lại. Cô quán nhiệt tình trả lời: “Dạ, em nhờ đứa em đi mua chè cho anh chị rồi”. Anh chàng chẳng hiểu gì, còn cô bạn gái phá lên cười. “Chè này là chè đậu nấu đường, thôi anh nán một chút ăn cho vui”, cô gái nói. Anh chàng trong bụng rầu thúi ruột nhưng ngoài mặt cố làm vui. Ngày mai lại ăn mì tôm mất rồi.
- Một ông vào quán trà tươi ven làng, kêu một bát nước chè. Quán nghèo sạp lá chỏng trơ, bà quán rót một chén trà tươi, chiếc bát mẽ miệng. Ông khách thầm nghĩ, chỗ chén mẽ ít người ghé miệng vào đấy, mình uống ở đó là sạch nhất. Ông khách nâng chén và ghé miệng vào đấy uống một hơi. Thoải mái quá. Chợt nhìn qua thấy đứa con trạc 10 tuổi của bà chủ quán đứng nhìn mình cười. Ông khách ngạc nhiên hỏi: “Sao mày nhìn tao cười?”. Đứ abé tiếp tục cười, nói: “Cháu tưởng chỉ có mình u cháu uống vào chỗ mẽ thôi, nào ngờ hôm nay lại có thêm bác nữa”
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét