Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CẢNH ĐỨC TRẤN - NGỰ DIÊU XƯỞNG

Cảnh Đức Trấn Ngự Diêu Xưởng – Jingdezhen imperial kiln


cdt110
Cảnh Đức Trấn là một thành phố nằm ở phía đông bắc tỉnh Giang Tây. Vùng đất này xưa có tên là Xương Nam Trấn, nơi có nhiều mỏ kaolin hảo hạng và những cánh rừng gỗ sài cung cấp loại củi tốt nhất để đốt lò nung gốm sứ. Vào đời Cảnh Đức (1004 – 1007), vua Thần Tông nhà Tống (960 – 1279) đã chọn Xương Nam Trấn để thiết lập ngự diêu (yuyao), chuyên chế tác các món đồ gốm dành cho nhà vua và hoàng gia triều Tống sử dụng. Tất cả những món gốm sứ chế tác tại ngự diêu ở Xương Nam Trấn đều có khắc bốn chữ Hán Cảnh Đức ngự chế (đồ ngự dụng của triều Cảnh Đức). Từ đó, người ta gọi tất cả những món gốm sứ chế tác tại ngự diêu Xương Nam Trấn là gốm Cảnh Đức. Lâu dần tên Cảnh Đức trở thành của vùng đất này – Cảnh Đức Trấn, thay cho tên gọi Xương Nam Trấn trước đây.

cdt210
Thời Minh (1368 – 1644), Cảnh Đức Trấn cùng với Châu Hiên Trấn (ở Hà Nam); Hán Khẩu Trấn (ở Hồ Bắc); Phúc Sơn Trấn (ở Quảng Đông) được liệt vào tứ trấn lớn nhất Trung Hoa. Tiếp sau triều Tống, các triều Nguyên (1271 – 1368), Minh (1368 – 1644) và Thanh (1644 – 1911) đều đặt ngự diêu xưởng ở Cảnh Đức Trấn, chuyên làm các mặt hàng gốm sứ cao cấp để hoàng gia và triều đình sử dụng. Ngoài ngự diêu chỉ làm gốm sứ cho riêng nhà vua, Cảnh Đức Trấn còn có hệ thống quan diêu (guanyao) và dân diêu (minyao) với hàng ngàn lò gốm sứ trải khắp trấn. Vào thế kỷ XVII, một sứ đoàn nước Pháp đến thăm Cảnh Đức Trấn, chứng kiến hoạt động sản xuất gốm sứ ở đây, đã kinh ngạc ghi vào nhật ký hành trình: “Ban ngày, khói đốt lò bốc lên tận chín tầng mây. Ban đêm, lửa đốt lò thắp sáng cả bầu trời”.
cdt35
Ngày nay, Cảnh Đức Trấn vẫn tiếp tục giữ vai trò là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn nhất Trung Quốc, nên được xưng tụng là thủ đô gốm sứ của Trung Hoa. Hiện nay, Cảnh Đức Trấn còn lưu giữ được 133 công trình kiến trúc lịch sử và cảnh quan văn hóa, được Cục văn vật Trung Quốc công nhận là di chỉ quốc gia. Một trong những di chỉ nổi tiếng nhất của Cảnh Đức Trấn là ngự diêu xưởng Châu Sơn.
Châu Sơn là một quả đồi thấp, tọa lạc ở trung tâm Cảnh Đức Trấn. Vào đời Minh Tuyên Đức (1426 – 1620), nơi đây đã được chọn làm nơi thử nghiệm chế tác những món đồ gốm sứ cao cấp cho Minh triều. Xưởng chế tác này tiếp tục hoạt động và đạt được những thành tựu khả quan dưới các đời Thành Hóa (1465 – 1487), Vạn Lịch (1573 – 1620) của triều Minh. Năm 1639, Minh triều chính thức thiết lập ngự diêu xưởng ở Châu Sơn, chuyên làm đồ gốm cho vua dùng. Triều đình cử một viên quan cao cấp của bộ Công đến Châu Sơn làm quản thủ để điều hành ngự diêu xưởng này.
cdt41
Cũng trong năm đó, một tòa lầu bằng gỗ cao 4 tầng, tên là Long Châu Các, được dựng trên đỉnh của Châu Sơn và trở thành một biểu tượng lịch sử của Cảnh Đức Trấn, trải từ các triều Minh – Thanh cho đến ngày nay. Xung quanh Long Châu Các, triều đình cho dựng nhiều nhà xưởng, dùng làm nơi nhào đất, tạo cốt, hong phơi gốm mộc, phun màu… và các lò nung chuyên biệt để nung những món đồ cao cấp. Gốm sứ làm cho nhà vua đòi hỏi phải tuân thủ những chuẩn mực nghiêm ngặt. Chỉ những món đồ hoàn hảo dáng kiểu, họa tiết, màu men… mới được tiến cung. Thông thường, cứ khoảng 100 món đồ gốm do ngự diêu làm ra, người ta mới chọn được 1 món toàn bích để cung tiến nhà vua.
cdt51
Phần còn lại phải bị đập vỡ và chôn vào lòng đất để bảm đảm bí kíp chế tác. Không ai có quyền tiếm dụng các món đồ này, dù chỉ giữ lại để làm kỷ niệm. Một truyền thuyết này kể rằng: có một vị hoàng đế Trung Hoa yêu cầu ngự diêu xưởng Châu Sơn phải làm một chiếc lọ hình con rồng, và truyền rằng nếu không làm được thì toàn bộ nhân công trong ngự diêu xưởng Châu Sơn đều bị xử trảm. Hàng chục cốt bình hình rồng được đưa vào lò nung nhưng sau khi nung thì đều bị gãy sụp. Sau cùng, một thợ gốm tên là Tong Bin, đã liều mình nhảy vào trong lò nung và nhờ thế mà chiếc bình cuối cùng đã không bị gãy sụp và được dâng lên cho hoàng đế. Kể từ đó, người ta tôn vinh ông thành vị thần tối cao và thường cầu nguyện sự giúp đỡ của ông trước khi đốt lò.
cdt61
Ngày nay, ngự diêu xưởng Châu Sơn là di tích thu hút du khách đến tham quan nhiều nhất Cảnh Đức Trấn, đặc biệt là những người quan tâm đến gốm sứ. Khi tôi đến thăm Châu Sơn vào năm 2005, trong khuôn viên di tích chỉ có tòa Long Châu Các, dùng làm nơi trưng bày các hiện vật gốm sứ thu được trong các cuộc khai quật ngự diêu xưởng này vào các năm 1984, 1993 và 1999. Cạnh Long Châu Các vẫn còn sót lại một vài phế tích trước đây từng là xưởng hong phơi gốm mộc và xưởng phun men. Dưới chân tòa lầu là những chiếc ‘bao nung’ (vật dùng để đựng các cốt gốm sứ khi nung, tránh bị lửa táp làm hỏng màu men), thu hồi từ các cuộc khai quật trước đây. Những hiện vật gốm sứ trưng bày trong Long Châu Các không có món nào nguyên vẹn. Nguyên do là vì người ta phải đập vỡ chúng trước khi chôn vào lòng đất để bảo toàn bí quyết chế tác. Rất nhiều món đồ trưng bày trong Long Châu Các có niên đại Tuyên Đức, Thành Hóa, Vạn Lịch (thời Minh); Khang Hi, Ung Chính, Càn Long (thời Thanh)… Tất cả đều là hàng “độc”, có giá trị kỹ thuật và giá trị kinh tế rất cao.

cdt71
Ông Sào Hải Thanh, một thợ gốm lão luyện của Cảnh Đức Trấn, người hướng dẫn tôi và các đồng nghiệp Việt Nam đi thăm ngự diêu xưởng Châu Sơn, cho hay: “Tất cả thợ gốm ở Cảnh Đức Trấn và ở Trung Hoa nói chung đều tìm cách kiếm được những mảnh gốm cổ vỡ nát thu hồi từ các cuộc khai quật ở Châu Sơn. Họ mua các mảnh vỡ này về để nghiên cứu và tìm cách phỏng chế màu sắc, nước men của chúng để làm đồ giả cổ kinh doanh kiếm lợi.
cdt81
Vì thế, người ta tìm cách đào trộm và mang bán chúng ở các con phố xung quanh Châu Sơn. Tuy nhiên, từ hai năm trở lại đây, chính quyền thành phố nghiêm cấm việc này. Ai đào trộm và bày bán mảnh gốm vỡ, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý hình sự. Năm trước, có một người đến thuê một gian hàng ở con phố dưới chân Châu Sơn để mở tiệm may. Kỳ thực, đó là một tay đào trộm cổ vật. Anh ta đã đào một con đường hầm xuyên vào lòng Châu Sơn, lấy được nhiều cổ vật có giá trị, rồi phục dựng lại, mang bán sang thị trường nước ngoài thu lợi hàng triệu nhân dân tệ. Vụ việc bị phát giác. Chính quyền đã tuyên án tử hình người này”.
cdt92
Đầu tháng Ba năm nay, tôi trở lại thăm ngự diêu xưởng Châu Sơn và rất bất ngờ khi thấy bên trái ngọn đồi danh giá này xuất hiện một tổ hợp kiến trúc đặc sắc. Hỏi ra mới hay: do diện tích trưng bày gốm sứ trong Long Châu Các khá khiêm tốn và do tòa lầu này đã 370 tuổi, nên chính quyền thành phố Cảnh Đức Trấn vừa cho xây dựng một bảo tàng để trưng bày toàn bộ hiện vật gốm sứ khai quật được ở ngự diêu này từ trước đến nay. Chỉ những hiện vật đặc sắc nhất, độc đáo nhất mới được trưng bày trong Long Châu Các. Trước cửa bảo tàng, người ta dựng 5 pho tượng bằng đồng, tượng trưng cho năm vị quản thủ ngự diêu nổi tiếng nhất của 5 triều: Bắc Tống – Nam Tống – Nguyên – Minh – Thanh. Trong đó, vị thứ 5 chính là viên quản thủ Đường Anh lừng danh dưới triều Càn Long, một nhân vật mà những ai nghiên cứu gốm sứ Trung Hoa không thể không nghe danh. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng mở thêm phòng trưng bày, gọi là Ngự Bửu Trai, làm nơi trưng bày tư liệu và hình ảnh về các thời kỳ lịch sử của ngự diêu xưởng Châu Sơn. Sau khi hoàn thiện tổ hợp kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị của ngự diêu xưởng Châu Sơn, Cục văn vật Trung Quốc dựng bia công nhận nơi này là Toàn quốc trọng điểm văn vật bảo hộ đơn vị (Di tích văn hóa trọng điểm cấp quốc gia).

cdt101
Gần bốn thế kỷ trôi qua, kể từ khi Châu Sơn chính thức trở thành ngự diêu xưởng của Minh triều, tòa Long Châu Các đã trở thành chứng tích và là bảo vật vô giá của kỹ nghệ chế tác gốm sứ ở Cảnh Đức Trấn. Lửa đốt lò vẫn đỏ khắp trấn suốt 400 năm qua; gốm sứ Cảnh Đức Trấn vẫn không ngừng tỏa khắp năm châu bốn bể. Cho nên, dù chỉ còn là di tích, thì ngự diêu xưởng Châu Sơn vẫn xứng đáng với lời ca tụng như câu đối ghi ở trước lối vào Long Châu Các: Ngự khí thanh hoa phỉ vạn quốc. Diêu lô phong hỏa việt thiên niên (Đồ vua danh tiếng lan vạn xứ. Gió lửa lò nung trải ngàn năm).
T.Đ.A.S.
Chú thích ảnh:
Ảnh 01. Long Châu Các tọa lạc trên đỉnh Châu Sơn, nơi trưng bày các hiện vật gốm sứ khai quật tại ngự diêu xưởng Châu Sơn.
Ảnh 02. Cổng vào khu trưng bày ngự diêu xưởng, mới được xây dựng năm 2006.
Ảnh 03. Tổ hợp tượng quản thủ ngự diêu xưởng qua các thời kỳ: Bắc Tống – Nam Tống – Nguyên – Minh – Thanh dựng ở trước cửa khu trưng bày ngự diêu xưởng.
Ảnh 04. Ngự Bửu Trai, nơi trưng bày tư liệu và hình ảnh về các thời kỳ lịch sử của ngự diêu xưởng Châu Sơn.
Ảnh 05. Tước uống rượu ba chân và chân đế hình tam sơn, trang trí lưỡng long, đời Minh Vĩnh Lạc, cao 16,8cm, khai quật năm 1999.
Ảnh 06. Kendi, trang trí cúc dây, đời Minh Thành Hoá, cao 32cm, khai quật năm 1993.
Ảnh 07. Hộp nuôi dế chọi, trang trí rồng mây, đời Minh Tuyên Đức, cao 9,5cm, đkm 13cm, khai quật năm 1993.
Ảnh 08. Dĩa, trang trí trái lựu và hoa, đời Minh Tuyên Đức, đkm 45cm, khai quật năm 1984.
Ảnh 09. Mai bình, trang trí ám long trên nền men đỏ, thời mạt Minh – sơ Thanh, cao 34cm, khai quật năm 1993.
Ảnh 10. Mai bình, trang trí tản vân, thời mạt Minh – sơ Thanh, cao 33,6cm, khai quật năm 1993.
Ảnh 11. Nai đựng rượu, trang trí 9 chim phụng, cúc dây và tản vân, đời Thanh Khang Hi, cao 24cm, khai quật năm 1999.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét