Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN VII

Phật Niêm Hoa


"Niêm hoa vi tiếu" là một giai thoại Phật giáo, đặc biệt trong Thiền tông, coi truyền pháp vô ngôn, lấy tâm truyền tâm.

Theo truyền thuyết, khi ấy tại núi Linh Thứu, khi Phật Thích Ca giảng pháp trước các đệ tử, Phật không nói gì. Đó là bởi pháp vốn Vô ngôn, không nói thành lời, cũng không lập văn tự, tự người ta phải tìm hiểu.

Do đó Phật cầm một cành hoa - hoa gì không rõ - đưa lên (niêm hoa). Các đệ tử không ai hiểu, chỉ có mình Ca Diếp mỉm cười (vi tiếu). Phật thấy Ca Diếp thấu được, nên truyền Chính pháp cho Ca Diếp, về sau khi Phật viên tịch thì Ca Diếp tiếp nối, trở thành Sơ tổ của các phái. Truyền thuyết này gọi là Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu.

Tại chùa Việt Nam, hình ảnh Thích Ca cầm cành hoa sen bằng tay phải đưa lên trở thành quen thuộc, thể hiện sự thuyết pháp tâm truyền tâm thuộc Thiền tông. Do đó bên cạnh Tịnh độ Tông (tôn thờ A Di Đà), Thiền tông cũng có mặt trên bàn thờ.

Tượng A Di Đà to nhất, to quá nên phải ngồi sau cùng, đến tượng Tam thế, rồi tượng Thích Ca thuyết pháp.
(Chùa Vĩnh Khánh, Hải Dương)



Trong bộ Nhất Phật nhị Tôn giả, Phật Thích Ca ngồi giữa Ca Diếp và A Nan, là hai đại đệ tử của ngài; thì hai Tôn giả bao giờ cũng đứng hai bên, trong tư thế thị giả (hầu cận).

Ca Diếp hay Ma Ha Ca Diếp được tôn là Đầu đà đệ nhất, lớn tuổi hơn A Nan, có thể có râu, ria, tóc mai. Theo truyền thuyết, trong quá khứ Ca Diếp đã từng có lần thếp vàng lên một tượng Phật, nên thân mình luôn có ánh vàng, và bản thân ông trước khi xuất gia cũng từng là một thợ kim hoàn. Do đó tượng ông thường có châu ngọc đeo trên mình, để nhắc về xuất thân trước khi thế phát


 

A Nan

A Nan, hay A-Nan-Đà, là em họ của Phật, theo hầu suốt nhiều năm, nghe nhiều nhớ nhiều, nên gọi là Đa văn đệ nhất. Ông nghe và nhớ tất cả những lời Phật nói, thế nhưng chính mình lại không chứng quả đắc đạo, có lẽ vì chuyên tâm phục thị Phật quá.

Khi Phật đã Nhập Niết Bàn rồi, các đồ đệ muốn tổng hợp những lời Phật dạy, thì chỉ có thể là A Nan mới nhớ đủ, thế nhưng ông lại chưa đắc đạo nên ông thấy không thể ngồi cùng hàng ngũ những đồng môn đã đắc đạo. Trong một đêm quyết tâm, ông chứng quả A la hán, dứt hết các lậu hoặc. Và ông tự tin gặp các đồng đạo trong cuộc họp 500 La hán, kết tập Kinh phật lần đầu tiên.

Theo truyền thống, toàn bộ kinh Phật đều là lời của A Nan nói ra, những người khác nghe rồi nếu không có phản đối, thêm bớt nữa, thì trở thành Chính thống. Do đó đoạn đầu của tất cả các bài kinh đều là "Như thị ngã văn" - Tôi nghe như thế này - thể hiện đây là lời A Nan nói lại lời của Phật.

 



Tuyết Sơn

Trong nhiều chùa, trên bàn thờ có thể gặp một pho tượng một người cực kì gầy gò, chỉ còn da bọc xương ngồi trong một tư thế khắc khổ. Đó là tượng Tuyết Sơn.

Theo Phật giáo, thì khi thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm lìa bỏ gia đình đi tìm con đường giải thoát, đã trải qua việc tu học với nhiều vị thầy. Sau đó ông đã tự mình tu tập khổ hạnh trong núi tuyết (Tuyết sơn), mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng, khiến cho thân thể suy kiệt. Tu khổ hạnh là một trong các phương thức tu tập của Bàlamôn nhằm đạt chứng ngộ chân lý thượng đế.

Khi đó Tất Đạt Đa suy kiệt đến mức cùng cực, đúng lúc đó có một thôn nữ mang một bình sữa đi qua, thấy ông đã kiệt sức nên dâng tặng một bát sữa. Tất Đạt Đa nhận ra rằng phương thức tu ép xác khổ hạnh không phải là con đường đúng để đạt tới chính đẳng chính giác.

Ông lập tức từ bỏ phương pháp tu đó, nhẹ nhàng không vương vấn, sau đó thành đạo dưới gốc Bồ Đề, khi đó thành Phật.

Tượng Tuyết Sơn do đó mô tả Tất Đạt Đa khi đang tu khổ hạnh, tức là khi chưa chứng quả, khi còn đang "sai lầm". Do khi đó chưa đạt quả vị Phật, nên tượng Tuyết Sơn không ngồi trên tòa sen.
Tượng Tuyết Sơn chùa Trăm Gian, một trong những pho tượng Tuyết Sơn đẹp nhất, và cũng là pho tượng đẹp nhất chùa Trăm Gian. Chụp bị ngược sáng nên khó nhìn quá, nhưng từ phía này mới thấy được tài năng điêu khắc của các nghệ sĩ dân gian xưa. Các khớp xương, mạch máu nổi lên dưới da, móng tay dài, xương chân tay hiện rõ. Hốc mắt sâu, má hóp... rất đúng giải phẫu.

(Hay thời đó cũng nhiều người gầy thế này quá, chỉ cần túm một ông già ra làm mẫu là đủ ???)
 



                                                          Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét