Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TRÀ LUẬN VI

VI. Hoa
Trong ánh sáng mờ mờ của rạng đông môt mùa xuân, khi bầy chim líu lo theo nhịp điệu huyền ảo giữa mấy hàng cây, bạn có nghe chúng đang nói với nhau về loài hoa chăng? Hẳn loài người biết coi trọng hoa đồng thời với thi ca diễm tình. Còn đâu hơn ở hoa, dịu ngọt trong sự vô thức, ngạt ngào hương thơn vì biết câm lặng, phải chăng chúng ta có thể hình dung ra sự bộc lộ của tâm hồn một trinh nữ? Chàng trai thời nguyên thủy khi biết tặng cho cô nàng của mình vòng hoa đầu tiên là chàng đã vượt qua trạng thái dã thú rồi. Chàng đã hóa thân làm người, vươn lên khỏi nhu cầu thô lậu của tự nhiên. Chàng đi vào lãnh vực nghệ thuật khi chàng nhận ra sự hữu dụng tinh tế của món vô dụng (là hoa).
Dù buồn hay vui, các đóa hoa luôn là bạn của chúng ta. Chúng ta ăn, uống, ca, múa và đùa bỡn với hoa. Chúng ta kêt hôn và làm lễ rửa tội với hoa. Chúng ta chẳng dám chết nếu thiếu hoa. Chúng ta thờ phượng với hoa huệ, trầm tư mặc tưởng với hoa sen, bày binh bố trận với hoa hồng và hoa cúc. Thậm chí chúng ta cố nói chuyện bằng ngôn ngữ loài hoa. Làm sao chúng ta có thể sống mà thiếu hoa? Quả kinh sợ khi mường tượng một thế giới không có hoa. Chẳng phải hoa mang lời an ủi đến bên giường bệnh ấy chăng, mang ánh sáng phước lành đến nơi tối tăm của tinh thần mệt mỏi hay sao? Sự dịu dàng tĩnh lặng của hoa giống như ánh nhìn chăm chú của đứa bé xinh đẹp giúp khôi phục lại lòng tin đang tàn lụi của chúng ta nơi vũ trụ và gợi lại cho chúng ta niềm hy vọng đã đánh mất. Khi chúng ta tan ra thành cát bụi, chính hoa là người nán lại tiếc thương trên nấm mồ.
Buồn thay, dẫu có hoa làm bạn bên cạnh chúng ta cũng không che giấu được sự việc chúng ta chưa vươn khỏi hẳn trạng thái hoang dã. Chỉ một vết xước trên da con cừu là con sói trong chúng ta nhe nanh ngay. Người ta nói con người khi lên mười là một con thú, ở tuổi đôi mươi là một thằng điên, ở tuổi ba mươi là gã thất bại, ở tuổi bốn mươi là kẻ gian manh, và ở tuổi năm mươi là tên tội phạm. Con người trở thành tên tội phạm có lẽ vì hắn chưa bao giờ ngừng là một con thú. Đối với chúng ta, chẳng có gì thực tế hơn cơn đói, chẳng có gì thiêng liêng ngoại trừ dục vọng. Lăng mộ rồi lăng mộ từng cái vỡ nát ra trước mắt chúng ta, mà chẳng có bàn thờ nào được bảo tồn mãi mãi, bàn thờ mà chúng ta thắp nhang cho ngẫu tượng tối cao chính là chúng ta vậy. Thần linh của chúng ta vĩ đại, nhưng tiền bạc là nhà Tiên tri của thần linh! Chúng ta tàn phá thiên nhiên để hiến cúng cho thần. Chúng ta tự phụ đã chinh phục Vật chất mà quên rằng Vật chất đã bắt chúng ta làm nô lệ. Còn điều bạo tàn nào mà nhân danh văn hóa và thanh tao chúng ta chưa nhúng vào!
Hãy nói cùng ta hỡi những cánh hoa quý phái, những giọt lệ của các vì sao, đang đứng trong vườn, đầu gật gù với bầy ong như đang trổi giọng hát với sương mai và ánh dương, hoa có biết số phận bạc bẽo đang chờ đón hoa chăng? Cứ mơ mộng đi, hoa cứ đong đưa và đùa bỡn trong làn gió thoảng mùa hè như hoa đang có thể. Ngày mai đây, một bàn tay tàn nhẫn chận ngang cổ hoa. Hoa bị vặn bẻ, bị xé tan từng cánh, bắt hoa rời bỏ mái ấm yên lành. Kẻ tàn nhẫn đó có thể là cô nàng thật xinh đẹp. Cô nàng đó có thể nói yêu hoa biết dường nào trong khi mấy ngón tay ả còn thấm ướt máu của hoa. Hãy nói cùng ta, đó có phải là sự ân cần tốt bụng chăng? Có thể số phận của hoa sẽ bị giam cầm trên mái tóc của một người mà hoa biết rõ chẳng có con tim hay bị nhét vào khuy nút của một kẻ chẳng dám nhìn thẳng vào mặt hoa nếu hoa là một trang nam tử. Hơn thế nữa có thể hoa bị giam hãm trong một cái bình chật hẹp với một tí nước tù đọng chỉ đủ làm dịu bớt cơn khát điên người báo hiệu sự tàn lụi của đời hoa.
Hoa ơi, nếu hoa sống trong vườn Thượng Uyển (Mikado), vào một lúc nào đó hoa sẽ đối mặt với một nhân vật đáng sợ cầm cưa, kéo trong tay. Gã tự xưng mình là hoa nhân (Master of Flowers). Gã kêu đòi quyền một thầy thuốc của hoa và từ trong bản năng hoa cảm thấy chẳng ưa gì gã, vì hoa thừa hiểu thầy thuốc luôn tìm cách kéo dài nỗi dày vò của nạn nhân. Gã cắt xén, uốn cong, và vặn vẹo hoa thành một tư thế nào đó gã có thể làm và gã cho rằng như thế mới xứng hợp với hoa. Gã vặn tréo gân cơ của hoa và làm trật khớp xương hoa như lão thầy thuốc trật đả. Hắn hơ hoa dưới hòn than hồng để hoa cầm máu, và đâm dây kẽm vào người hoa để giúp máu hoa lưu thông. Gã dành cho hoa một chế độ ăn kiêng với muối, giấm, phèn chua và đôi lúc cả với thanh phàn . Khi hoa có vẻ ủ dột đau yếu, nước sôi dội xuống chân hoa. Gã sẽ tự phụ nhờ làm vậy mà giữ được mạng sống cho hoa thêm hai tuần hay lâu hơn thế nữa. Hoa có nghĩ thà bị giết chết ngaykhi bị cầm giữ còn hay hơn không? Hóa thân kiếp trước của hoa đã phạm tội gì mà nay phải chịu trừng phạt như thế?
Sự tàn hại bạo ngược loài hoa trong các cộng đồng Tây Phương còn làm khiếp vía hơn lối cư xử của các thoa nhân Phương Đông. Số hoa hàng ngày bị cắt để tô điểm cho các vũ trường và bàn tiệc ở Châu Âu và Châu Mỹ và qua ngày hôm sau bị vất đi nhiều không tưởng tượng nổi; nếu gom số hoa đó kết thành vòng thì vòng hoa ấy có thể tròng cả một đại lục. So với tính vô tâm cùng cực với sinh mạng đó,tội ác của hoa nhân nào có ý nghĩa gì. Ít ra hoa nhân còn biết tiết kiệm cho thiên nhiên, có tầm nhìn xa cẩn trọng trong việc tuyển chọn hoa nào làm nạn nhân, và khi hoa chết còn được tỏ lòng tôn kíng và nhớ thương. Ớ Phương Tây việc trưng bày hoa dường như chỉ là một phần của sự phô trương giàu có – thói ngông trong thoáng chốc. Những đóa hoa sẽ đi về đâu khi cuộc vui đã tàn? Có cảnh thương tâm nào hơn khi thấy cánh hoa héo úa bị ném vào đống phân không một chút thương cảm.
Vì sao một cánh hoa xinh đẹp vô chừng ấy, ngay khi chào đời lại bất hạnh như thế? Côn trùng chích hút hoa, đến cả những con vật hiền lành nhất cũng chống lại hoa khi hoa đang đua sắc thắm. Loài chim có bộ lông đẹp cài lên mũ bạn có thể bay trốn khi bị đuổi bắt, loài thú có bộ lông dày cho bạn chiếc áo khoát có thể lẩn tránh khi bạn đến gần. Thương ôi! Chỉ có loài hoa cũng có cánh như loài bướm nhưng đành đứng chịu trận trước kẻ phá hoại. Khi hoa rên xiết thọ tử, tiếng kêu la của hoa chẳng đến được đôi tai ù điếc của chúng ta. Chúng ta cứ mãi tàn nhẫn với những thứ yêu thương và thầm lặng phục dịch chúng ta; rồi sẽ có lúc chúng ta sẽ bị người bạn tốt nhất đó xa lánh vì lòng độc ác của chúng ta. Bạn chẳng thấy các loài hoa dại mỗi năm mỗi biến đi sao? Có lẽ bậc hiền nhân của loài hoa đã bảo với hoa hãy rời bỏ con người cho đến khi nào con người có tính người hơn. Có lẽ hoa đã bỏ lên trời rồi.
Hãy dành nhiều lời ân đức đối với người trồng hoa. Người trồng hoa trong chậu dù sao cũng còn nhân tính hơn người cầm kéo rất nhiều. Chúng ta vui sướng khi thấy họ quan tâm đến nước nôi và mưa nắng, căm ghét các loài ký sinh, ghê tởm sương giá, âu lo khi nụ hoa nở muộn mừng vui khi lá xanh tươi. Ở Phương Đông, nghệ thuật trồng hoa là một nghệ thuật đã có từ lâu đời, tình yêu của một thi sĩ và loài cây người thi sĩ ưu ái thường được chép thành truyện và thi ca. Với sự phát triển ngành gốm sứ thời Đường-Tống, chúng ta nghe nói đến món đế hoa kỳ diệu dũng đỡ cây; đế hoa đó không phải là bình hoa mà là diện ngọc. Mỗi loài hoa có người chuyên lo chăm sóc và lau chùi từng chiếc lá bằng cây cọ làm bằng lông thỏ. Sách cũ [như cuốn “Bình Tử” của Uyển Xuân Lan] có chép rằng loài hoa mẫu đơn phải do một thiếu nữ đẹp ăn mặc tươm tất tưới rửa, loài hồng mai phải do một nhà sư gầy gò xanh xao tắm gội. Ở Nhật, một trong những vũ khúc rất phổ biến gọi là “vũ điệu Nô” và vũ khúc Hachinoki được sáng tác vào thời đại Túc Lợi (Ashikaga) đều dựa vào một câu chuyện truyền kỳ. Câu chuyện kể có một võ sĩ đạo lâm vào cảnh nghèo khó vì thiếu củi đốt đã chặt cả cây kiểng yêu quý hầu sưởi ấm tiếp một du tăng trong một đêm giá lạnh. Du tăng đó chẳng ai khác hơn là Điều Thời Lại (Hojo-Tokiyori), một nhân vật trong cổ tích của chúng tôi tương tự như Haroun-Al-Raschid. Sự hy sinh đó không hề đòi hỏi báo đáp. Vở nhạc kịch này cho đến tận ngày nay chưa lần nào không làm rơi lệ khán giả ở Tokio.
Phải hết sức thận trọng để giữ gìn những nụ hoa yếu ớt. Đường Huyền Tông treo trên cành cây trong vườn những chiếc chuông vàng để xua đuổi các loài chim. Hoàng Đế này cũng là người khi vào xuân đưa nhạc công vào vườn Thượng Uyển dạo nhạc cho hoa đẹp lòng. Một tấm biển ngồ ngộ tương truyền của Yoshitsune, một anh hùng của chúng tôi có truyền kỳ như vua Arthur, vẫn còn cất giữ trong một thiền viện Nhật [Tu Ma tự, gần Kobe]. Đó là một cáo thị treo để bảo vệ một cây mơ huyền diệu nào đó, giọng điệu trong cáo thị nói cho chúng ta thấy đó là một nghiêm lệnh thời chiến. Sau khi nhắc nhở nét đẹp của các nụ hoa, bảng cáo thị viết: “Ai chỉ bẻ một nhánh của cây này sẽ phạt mất một ngón tay đền lại” Ngày nay chẳng biết có nên có những điều luật như vậy đối với những kẻ vô tâm hủy hoại hoa và làm sứt mẻ các nghệ phẩm!
Kể cả hoa trồng trong chậu chúng tôi cũng có lòng ngờ vực về tính ích kỷ của con người. Tại sao lại phải bứng cây khỏi quê hương chúng và buộc chúng phải đâm hoa ở nơi xa lạ? Thế có khác nào bắt loài chim hót và làm chuyện yêu đương với nhau trong lồng? Có ai biết chăng loài phong lan cảm thấy ngột ngạt bởi sức nóng nhân tạo trong nhà kính và mong chờ trong tuyệt vọng được thấy tia nắng từ bầu trời phương nam – quê hương chúng?
Người yêu hoa lý tưởng là người biết viếng thăm hoa tại nơi sinh trưởng của hoa, như Đào uyên Minh (Taoyuenming) [Tất cả các thi sĩ và triêt nhân nổi tiếng của Trung Hoa], ngồi trước giậu tre đổ để trò chuyện cùng loài cúc dại, hay Lâm Hòa Tỉnh (Linwosing) quên mất cả mình giữa hương thơm kỳ bí khi lang thang lúc chạng vạng giữa rừng hoa mơ bên Tây Hồ. Truyền thuyết còn nói Chu Mậu Thúc (Chowmushih) ngủ trên xuồng để giấc mộng của mình có thể hòa chung vào giấc mộng của hoa sen. Tâm hồn đó giống như tâm hồn xao động của Nữ hoàng Quang Minh (Komi), một trong những anh quân triều đại Nại Lương của chúng tôi, hát lên rằng: “Nếu ta hái hoa, bàn tay ta sẽ làm bẩn hoa. Hoa ơi! Cứ ngự trị trên đồng cỏ như từng ngự trị, ta sẽ dâng hoa cho Đức Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và Đức Phật vị lai ”
Tuy nhiên chúng ta chớ quá đa tình. Chúng ta hãy bớt xa hoa, mà nên cao thượng hơn. Lão Tử viết: “Trời đất bất nhân” . Hoằng Pháp Đại Sư (Kobodaishi) nói: “Trôi chảy đi, chảy đi, chảy đi, chảy đi, dòng đời cứ trôi đi mãi. Chết đi, chết, chết, chết, cái chết đến với mọi người”. Chúng ta quay về phía nào sự hủy hoại cũng đối mặt với chúng ta. Sự hủy hoại đó có ở trên và bên dưới, trước mặt và đằng sau chúng ta. Chỉ có sự biến dịch là vĩnh cửu – vậy sao không đón chào cái chết như đón chào sự sống?. Chúng chỉ là hai mặt đối lập với nhau – như ngày và đêm của Đại ngã (Brahma). Qua sự tan rã đi của cái cũ thì cái mới mới có thể tái sinh, Chúng ta một thời thờ Thần chết (Death), nữ thần lạnh lùng với lòng thương xót, dưới nhiều danh hiệu khác nhau. Chính trong bóng tối của sự Toàn Diệt mà người Gheburs đón mừng lửa. Vì chủ nghĩa thuần khiết băng giá của kiếm-hồn mà Thần đạo Nhật Bản mãi đến hôm nay vẫn còn quỳ lạy nó. Ngọn lửa thần bí thiêu rụi sự yếu đuối của chúng ta, thanh gươm thiêng chẻ tan sự trói buộc của dục vọng. Từ bản nguyên tro bụi của chúng ta bật ra con phượng hoàng của hy vọng thiên đường, vượt ra ngoài sự tự do đi đến hiện thực nhân cách cao hơn.
Tại sao không hủy diệt hoa nếu nhờ đó chúng ta tiến hóa thành một hình thái mới cao thượng hóa lý tưởng thế gian? Chúng ta chỉ đòi hỏi ở hoa dự vào cuộc hiến tế cái đẹp. Chúng ta sẽ chuộc lại nghiệp chướng đó bằng cách tự mình hiến thân cho sự thanh khiết và giản dị. Những điều này lý giải vì sao các trà sư lập ra Hoa Đạo (tôn thờ hoa).
Ai hiểu được đạo lý của các trà sư và hoa sư của chúng tôi đều phải ghi nhận lòng sùng bái có tính tôn giáo của họ đối với hoa. Họ không hái hoa bừa bãi mà lựa chọn tỉ mỉ từng cành từng ngọn với nhãn quan phối hợp mỹ thuật hình dung sẳn trong đầu. Họ tự hổ thẹn nếu lỡ cắt hoa nhiều hơn mức tối cần thiết. Tiên đây lưu ý rằng họ thường kết hợp hoa với lá, nếu có sẵn, vì họ có chủ trương thể hiện toàn bộ vẽ đẹp còn sinh khí của cây cỏ. Về mặt này cũng như nhiều mặt khác, phương pháp cắm hoa của họ khác với lối các nước Phương Tây thường dùng. Ở lối Phương Tây chúng tôi thấy trơ trọi cành hoa, hay cụm hoa đơn độc không có cành được cắm lộn xộn vào bình.
Khi một trà sư cắm hoa đã vừa ý, ông ta đặt lọ hoa vào sàng gian (tokonoma), là nơi trang trọng trong căn phòng của người Nhật. Chẳng thứ gì được đặt gần hoa để khỏi xen vào giá trị của hoa, kể cả họa phẩm trừ phi vì lý do mỹ thuật đặc biệt cần phối hợp. Hoa ngự ở đó y như một ông hoàng đã đăng quang, khách hay môn sinh khi vào gian phòng đều phải cúi đầu chào hoa trước cả khi chào chủ nhà. Các kiệt tác cắm hoa được vẽ sao lại và phổ biến cho cac tay nghiệp dư học hỏi. Số tac phẩm văn học viết về chủ đề này nhiều vô lượng. Khi hoa tàn phai, trà sư dịu dàng gửi gắm hoa cho dòng sông hay cẩn thận mai táng xuống lòng đất. Đôi khi có cả tượng đài để tưởng niệm hoa.
Sự khai sinh ra nghệ thuật cắm hoa dường như cùng thời với sự ra đời của trà đạo vào thế kỷ 15. Truyền thuyết của chúng tôi thuật lại rằng người đầu tiên cắm hoa là các vị Phật cổ, các Ngài lượm những cánh hoa bị bão thổi rụng và thả chúng vào chậu nước, với lòng từ bi vô hạn đối với chúng sinh. Cũng có câu chuyện kể rằng Tương A Di (Soami), đại danh họa kiêm nhà sành điệu của triều đình Túc Lợi Nghĩa Chính (Ashikaga-Yoshimasa), là một trong những môn đồ sớm nhất của Hoa đạo. Trà sư Châu Quang (Juko) là môn đồ của ông; Thiên Năng (Senno), người khai sáng môn phái Tri Phường (Ikenobo) nổi tiếng trong Hoa đạo chẳng kém gì trường phái Dã thú Kanos trong hội họa, cũng là học trò của Tương A Di. Cùng với sự hoàn thiện nghi thức uống trà của Lợi Hưu vào hậu bán thế kỷ 16, thuật cắm hoa đạt đến mức tột cùng. Lợi Hưu và các truyền nhân của ông như các nhân vật nổi tiếng là Chức Điền Hữu Nhạc (Oda-wuraka), Cổ Điền Chức Bộ (Furuka-Oribe), Quang Duyệt (Koyetsu), Tiểu Khuất Viễn Châu (Kobori-Enshiu), Phiến Đồng Thạch Châu (Katagiri-Sekishiu) đều có lối cắm hoa mới của riêng mình. Tuy vậy chúng ta cũng nên nhớ rằng tôn thờ hoa của các trà sư chỉ là một bộ phận trong nghi lễ mỹ học, và bản thân hoa đạo không là một tôn giáo đúng nghĩa. Cũng giống một công việc nghệ thuật nào khác trong trà thất, cắm hoa phụ thuộc vào ý đồ trang trí tổng thể của gian phòng. Vì thế Thạch Châu () ngăn cấm dùng hoa mơ trắng khi ngoài vườn có tuyết rơi.Hoa “lắm lời” bị cấm tuyệt trong trà thất. Lối cắm hoa của một trà sư mất đi ý nghĩa nếu đem ra khỏi nơi vốn định sẵn cho nó, bởi lẽ đường nét cắm và kích thước lọ hoa được công phu chuyên biệt cho cảnh vật riêng xung quanh nó.
Việc tôn thờ hoa vì hoa bắt đầu khi các hoa nhân hay hoa sư (Flower-Masters) nổi lên, tức vào giữa thế kỷ 17. Nay nghệ thuật nay đã độc lập khỏi trà thất, thoát rời mọi quy luật nào khác ngoài quy luật của bình cắm hoa mà nó phải tuân theo. Nhiều khái niệm và phương pháp cắm hoa mới nay đã khả dĩ áp dụng và từ đó sinh ra nhiều nguyên tắc và trường phái cắm hoa. Một nhà văn hồi giữa thế kỷ trước nói rằng ông ta có thể đếm được hơn 100 trường phái cắm hoa khác nhau. Nhưng đại để mà nói thì các trường phái này chia làm hai nhánh chính: nhóm trường phái hình thức (Formalistic) và nhóm trường phái tả thực (Naturalesque). Nhóm trường phái hình thức do dòng Trì Phường (Ikenobos) chủ đạo hướng về chủ nghĩa duy tâm cổ điển tương ứng với trường phái dã thú kinh viện (Kano-academicians) bên hội họa. Chúng ta có những ký thuật về lối cắm hoa của các hoa sư thời ban sơ của trường phái này mà chủ yếu la các bức tranh vẽ hoa của Sơn Tuyết (Sansetsu) và Thường Tín (Tsunenobu). Trái lại, trường phái tả thực nhận thiên nhiên làm mô thức sáng tác, và chỉ ép lòng sửa kiểu dáng hoa theo biểu hiện tính đồng nhất mỹ thuật. Vậy nên chúng ta thấy các tác phẩm của trường phái này có những rung động giống như ở hai trường phái hội họa Từ Thế Hội (Ukiyoe) và Điểu Phái (Shijo).
Nếu có thì giờ và có thể, chúng tôi sẽ đi sâu vào tận cùng các quy luật phối trí và chi tiết đã được các hoa sư vào thời kỳ này công thức hóa, thể hiện ra như họ muốn các lý thuyết cơ bản chi phối lối trang trí của Đức Xuyên Kỳ (Tokugawa). Chúng tôi thấy họ dựa theo nguyên lý chủ đạo là “trời” (Thiên), nguyên lý phụ thuộc là “đất” (Địa) và nguyên lý hòa điệu là “người” (Nhân) và bất kỳ lối cắm hoa nào không hóa thân được các nguyên lý này đều khô cằn và chết đi. Họ còn nói đi nói lại nhiều về tầm quan trọng của việc xử lý hoa theo ba khía cạnh khác nhau: Trịnh trọng (Formal), Bán trịnh trọng (Semi-Formal) và Không trịnh trọng (Informal). Khía cạnh thứ nhất có thể nói là thể hiện hoa trên bộ đồ dự vũ hội trang trọng, khía cạnh thứ nhì như trên bộ váy thước tha mặc vào buổi chiếu, và khía cạnh thứ ba như trên bộ đồ gợi cảm trong khuê phòng.
Chúng tôi có cảm tình riêng với các lối cắm hoa của trà sư hơn của các hoa sư. Lối của trà sư là nghệ thuật.réo gọi chúng ta vào chốn thâm tình của cuộc sống bằng chính cách bài trí của lối này. Chúng tôi tạm gọi đây là trường phái tự nhiên (school the Natural) để đối lại với trường phái tả thực và hình thức. Trà sư thấy rằng bổn phận của họ chỉ là lựa hoa là xong, và để cho hoa tự nói lên câu chuyện của mình. Bước vào trà thất vào một ngày cuối đông bạn có thể thấy một nhánh hoa anh đào dại lơ thơ cắm phối trí với một cây trà mi đang đơm nụ; đó là âm hưởng của mùa đông sắp đi phối cùng lời tiên tri mùa xuân sắp đến. Lại nữa, nếu bạn gặp một buổi trà trưa vào một ngày gay gắt nóng của mùa hạ, bạn có thể khám phá nơi sàng gian râm mát một nhánh huệ tây đơn độc cắm trong chiếc bình treo trên vách; ướt đẫm sương, như là mỉm cười vào sự rồ dại của cuộc đời.
Độc tấu hoa quả thú vị, nhưng hòa tấu với họa phẩm hay bức điều khắc thì sự phối hợp đó làm người ta ngây ngất. Một lần Thanh Châu (Sekishiu) đặt vài cây thủy thảo trong một bồn bẹt tượng trưng cho thực vật trong ao đầm, và phía trên vách ông treo bức họa của Tương A Di (Soami) vẽ vài con uyên ương bay trên không trung.Một trà sư khác tên là Thiệu Ba (Shoha) phối hợp thêm một bài thơ ca ngợi Cảnh đẹp Tịch Mịch của Biển cả với một chiếc lư đồng có hình túp lều của ngư phủ và vài cánh hoa dại trên bờ biển. Một vị khách đề bút ghi lại ông ta cảm nhận nguyên bộ phối hợp này hơi thở của mùa thu ấm áp.
Chuyện về hoa thì vô tận. Chúng tôi chỉ kể thêm một chuyện nữa thôi.. Vào thế kỷ 16 loài hoa bìm bìm tía (morning-glory) vẫn còn hiếm hoi. Thế mà Lợi Hưu có nguyên một khu vườn trồng loại hoa này, và ông chăm sóc hết sức chu đáo. Danh tiếng loài hoa này đến tai Thái Cáp (Taiko) và ông ta ngỏ ý muốm ngắm, do vậy Lợi Hưu buộc lòng mời Thái Cáp đến nhà dùng trà sáng. Đúng ngày hẹn, Thái Cáp dạo khắp vườn mà khắp nơi chẳng thấy có dấu vết nào của loài hoa bìm bìm tía. Mặt đất bị san bằng và trải đá dăm cùng cát. Cơn giận sôi lên, vị bạo chúa này bước vào trà thất, ở đấy một cảnh tượng đang đợi chờ ông ta và nó khôi phục hoàn toàn tính khí trào lộng của Thái Cáp. Ở sàng gian, trong món đồ đồng quý hiếm đời Tống, có một cánh hoa .bìm bìm tía đơn độc – nữ hoàng của cả vườn hoa!
Trong chốc lát như thế chúng ta mới lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa Hiến Sinh của Hoa. Có lẽ loài hoa cũng đánh giá đầy đủ ý nghĩa của chúng, Như con người, hoa không ươn hèn. Một số hoa lấy cái hết làm vinh – hẳn hoa anh đào Nhật Bản cũng vậy khi tự tại buông mình theo làn gió. Ai từng đối mặt với tuyết lỡ ngát hương thơm ở Cát Dã (Yoshino) hay Lam Sơn (Arashiyama) phải thực hiện việc đó. Vào lúc hoa liệng trong đám mây đẹp như ngọc và múa may trên dòng nước trong như pha lê; rồi sau đó hoa trôi theo dòng nước reo cười, hoa dường như tự bảo: “Vĩnh biệt, Ôi mùa xuân! Chúng tôi về nơi vĩnh hằng đây”.

11/Thanh phàn: loại thuốc khoáng sản dùng trong đông y, tức sulfat đồng.
12/ Đế hoa: gọi chung những thứ dùng để nâng đỡ loài cây có hoa. Tiếng Anh: receptacle
13/ Hồng mai tức cây mơ chứ không phải cây mai chưng tết trong Nam.
14 Câu này lấy trong Đạo Đức Kinh 5:1; nguyên văn: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu. Thiên địa chi gian, kì do thác nhược hồ? Hư nhi bất khuất; động nhi dũ xuất. Đa ngôn sổ cùng, bất như thủ trung” (Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm. Khoảng giữa trời đất như ống bể, hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh) – Ngườii dịch chú.
15Biến dịch có nghịa là thay đổi. Nguyên tác dùng từ “change”
16 Hoa “lắm lời”; nguyên văn là “noisy”, ý ám chỉ hoa có màu sắc lòe loẹt. Người dịch chú.
17 Tức thế kỷ 19 – Người dịch.
18Lấy theo thuyết Tam tài (Thiên, Địa, Nhân) của triết học Viễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét