Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

36 CÂU NÓI CỦA NGƯỜI XƯA- II

Tranh 3
a - Bảo lấy hương, lấy đao thiết
Câu nói không có nghĩa. Hai chữ đao thiết cần được tìm hiểu.
Chữ thiết (bộ khẩu+chữ thiết) không có trong tự điển Hán Việt của ta. Đây là chữ nôm. Bộ khẩu là kí hiệu, âm của chữ nôm được viết bằng chữ thiết. Chữ đao (Hán) đứng trước chữ thiết trở thành vô nghĩa. Đao phải là chữ nôm.
Đao thiết phải được đọc nôm như thế nào?
- Chữ đao thường được đọc nôm là dao (con dao). Vừa đúng âm, vừa đúng nghĩa. Đao cũng có khi được đọc theo âm thành đeo (vác), đẽo (đục đẽo)...
- Chữ thiết đọc nôm là thét (hét to), thết (đãi), thớt (cái thớt của nhà bếp)...
Hai từ đao thiết của câu tục ngữ có thể đọc nôm thành : dao thớt, dao thết, đeo thớt, đẽo thớt v.v.
Chúng ta có thể loại bỏ mấy cặp từ đeo thớt, đẽo thớt, dao thết...vì không thích hợp với câu nói và nội dung tranh. Còn lại cặp từ dao thớt.
Bảo lấy hương, lấy dao thớt
Câu nói nghe xuôi tai nhưng tối nghĩa. Dao thớt không giải thích được nội dung của tranh. Nghệ sĩ dân gian muốn viết   chữ gì ?
Truyện Thầy trừ chồn, trong sách Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, có đoạn :
(...) " Chủ nhà nghe chịu liền. Vậy thầy mới biểu : Đâm bột cho nhỏ, đậu cà ra làm nhân, cho đầy một thúng cái, đến mai tôi đến, tôi làm phép cho một bữa thì hết. Thầy xách chiết tới, lấy bột, lấy đậu đem ra nắn chồn lớn, chồn nhỏ, để nơi ghế. Lại nắn một con lớn hơn hết để giữa... ".
Chiết là một từ cổ, được chú thích là cái đẫy, cái túi.
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa chiết là đồ đựng đan bằng tre, mây, có nắp đậy, cũng gọi là cái cọ, cái nừng.
Chữ thiết (bộ khẩu + chữ thiết) đọc nôm là chiết, nghĩa là cái bị. Cái bị cho phép suy ra rằng chữ đao đã được nghệ nhân dân gian dùng để viết chữ nôm đầy.
Tóm lại, đao thiết đọc nôm là đầy chiết. Câu nói trở thành Bảo lấy hương, lấy đầy chiết (bị). Người xưa trách kẻ tham lam. Bảo lấy hương (lấy hoa), (nhưng nó cứ) lấyđầy bị.
Ngày nay thường nói :
Ăn lấy vị, chứ ai lấy bị mà mang (NVN).
Ăn lấy thơm lấy tho, chứ không ai ăn lấy no, lấy béo (NVN).
Câu nói quay sang ám chỉ cảnh ăn uống đình đám. Trong cả hai trường hợp, câu nói đều khuyên người ta chớ tham lam. Không nên lợi dụng " của chùa ". b - Vắt chày ra nước.
Vắt cổ chày ra nước (NVN, LĐ, NL,TL)
Câu nói chê người hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn quá đáng (LĐ, NL).
Vắt chày ra nước thường đi đôi với Rán sành ra mỡ. Hai câu có nghĩa giống nhau. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) gộp chung hai câu tục ngữ thành Vắt cổ chày ra mỡ.
c - Cõng rắn (về) cắn gà nhà. (EN, NVN, VNP, LĐ, NL, TL).
Bắt rắn về cắn gà nhà (LC).
Bắt rắn hợp lí hơn cõng rắn.
Câu nói phê phán những tên phản bội đưa các lực lượng phản động bên ngoài về sát hại đồng bào (NL).
Hành động phản lại nhân dân, Tổ quốc, đem giặc về giết hại đồng bào (LĐ).
Cõng rắn cắn gà nhà thường đi với câu Rước voi giầy mả tổ (xem câu 6a).
d - Ăn quả chẳng nhớ kẻ trồng cây.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (EN, NVN, NL, TL).
Cả hai câu cùng có nghĩa. Ngày xưa trách người quên ơn, ngày nay khuyên người ta phải nhớ ơn. Cách nói khác nhau. Trách móc nhẹ nhàng hay dạy bảo trực tiếp.
Tranh 4
a - Đãi cứt sáo lấy hạt đa.
Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy hạt tấm (NVN, NL, TL) .
Chê những kẻ quá hà tiện, quá bủn xỉn (NL) b - Rút giây động rừng (người viết chữ nôm thay đổi cách viết : đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải).
Rút dây động rừng (NVN).
Rút dây động dừng (Dừng là cốt để trát bức vách) (NL).
Rút dây sợ động rừng (TL).
Rút dây, chả xợ (sợ) động rừng (EN).
Ý nói : Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác (NL).
Câu nói của EN có nghĩa ngược lại. Làm điều gì thì không nên sợ đụng chạm. Người xưa dũng cảm. Đáng được đưa vào sách ghi các thành tích.
c - Chớ thấy sóng cả ngã tay chèo.
Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo (NVN, TL).
Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo (NL).
Khuyên phải gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ (NL).
d - Đục nước (thì) béo cò (EN, NVN, LĐ, NL, TL).
Lợi dụng tình trạng mâu thuẫn, lục đục để kiếm lợi (LĐ).
Ý nói : Vì xung đột lẫn nhau nên kẻ khác lợi dụng (NL).
e - Cái tôm chẳng chật bể.
Cái tôm chật gì bể (NL).
Cái (con) tôm có chật gì sông, cái lông có chật gì lỗ (TL).
Lời khiêm tốn của một người khi xin gia nhập một tập thể (NL).

                                                                       Còn tiếp..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét