Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TRÀ LUẬN II

 phần II: Các trường phái trà
Trà là một tác phẩm nghệ thuật và cần đến bàn tay bậc thầy mới bộc lộ ra hết phẩm chất cao quý của trà. Có chén trà ngon, có chén trà dở; cũng như có bức tranh đẹp, có bức tranh xấu vậy, thường là xấu dở mà thôi. Không hề có lấy một cách thức phá chế nào để làm ra loại trà hoàn hảo; cũng như chẳng có quy tắc nào dùng để sản sinh ra nhân vật Titian hay Tuyết Thôn (Sesson). Mỗi cách pha chế trà mang một đặc thù riêng của nó, chung nhất của các cách pha chế chỉ là nước và lửa, nhưng riêng từng phương pháp có câu chuyện riêng của nó. Nét đẹp thật sự luôn ở bên trong nó. Chúng ta phải gánh chịu bao nhiêu qua sự thất bại thường hằng của xã hội để nhận biết quy luật đơn giản và cơ bản của nghệ thuật và nhân sinh; Lý Chi lai, một thi nhân đời Đường, buồn rầu mà nhận xét có ba điều đáng trách nhất trên thế gian: sự hư hỏng của tuổi trẻ hoa gấm do nền giáo dục tồi, sự mất giá của mỹ thuật do sự chiêm ngưỡng dung tục, và sự hoang phí tột cùng của món trà ngon do bàn tay chế biến kém tài.
Chẳng khác chi nghệ thuật, trà cũng có thời và có trường phái. Thô thiển có thể chia sự tiến hóa của trà làm ba giai đoạn: trà nấu (đoàn trà), trà khuấy (mạt trà), và trà ngâm (yêm trà, tiển trà). Hiện nay chúng ta dùng lối uống trà cuối. Bao nhiêu lối thưởng giám thức uống chỉ ra bấy nhiêu tinh thần của thời đại của cách thức được ưa chuộng. Vì cuộc sống là một sự biểu hiện, các hành động vô thức của chúng ta thường bội phản lại tư duy thầm kín nhất của chúng ta. Đức Khổng Tử từng nói: “Con người chẳng ai giấu diếm được gì cả”. Có lẽ chúng ta để lộ ra quá nhiều việc cỏn con vì chúng ta có quá ít điều trọng đại cần che đậy. những sự cố bé tí của lề thói hàng ngày bị bình phẩm về lý tưởng nòi giống nhiều chẳng kém những ý tứ cao tột của triết học hay thi ca. Ngay việc lối hái nho nào được ưa chuộng cũng ghi dấu đặc trưng tách biệt của thời đại và dân tộc tính ấy ở Châu Âu; vậy nên lý tưởng trà cũng đặc trưng cho nhiều tâm tính đa dạng của nền văn hóa Á đông. Trà bánh dùng để nấu, mạt trà dùng để khuấy, trà lá dùng để ngâm đánh dấu những xung cảm dị biệt của các triều đại Đường, Tống, Minh của Trung Hoa. Nếu chúng ta hạ mình đi vay mượn bộ thuật ngữ quá lạm của môn phân loại học nghệ thuật, chúng ta có thể lần lượt gọi chúng với tên là trường phái trà cổ điển, lãng mạn và tự nhiên..

trakinh-1

Cây trà là loài bản địa vùng Hoa Nam, được ngành thực vật và y học Trung Hoa biết đến rất sớm. Thời cổ điển nó được người ta gọi bằng nhiều tên như đồ (荼), thiết, (蔎), thuấn (荈), giả (檟) và minh (茗); trà có giá trị cao bởi có tính năng hồi phục sức khỏe, làm tâm hồn thư thái, tăng mạnh ý chí, và giúp tăng thị lực. Chẳng những được dùng làm thuốc uống bên trong, trà còn được dùng ngoài dưới dạng cao dán làm giảm cơn đau phong thấp Đối với các đạo gia, trà là một vị thuốc dùng chế linh dược trường sinh. Giới tăng lữ dùng trà chủ yếu phòng trường hợp rơi vào hôn trầm khi ngồi thiền định suốt nhiều giờ.
Trong khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 5, trà trở thành loại thức uống được ưa chuộng của cư dân vùng thung lũng sông Dương Tử Giang. Vào thời kỳ này chữ tượng ý ‘trà’ (茶) xuất hiện; hẳn nhiên do chữ ‘đồ’ trước đó dùng chệch ra mà thành. Thi nhân các triều đại miền Hoa Nam lưu lại vài vết tích chứng tỏ lòng tôn sùng nhiệt thành của họ đối với “bọt của thứ chất lỏng màu ngọc bích”. Thời ấy các hoàng đế thường dùng trà ban thưởng cho các đại thần. Dù vậy, phương pháp uống trà thời đó vẫn còn hết sức thô lậu. Lá trà được hấp lên, nghiền nát trong cối, nắn lại thành bánh và đem nấu chung với gạo, gừng, muối, trần bì, gia vị, và đôi lúc với cả hành nữa! Tập quán nấu trà với các chất liệu đó thành món si-rô kỳ cục như thế hiện còn thấy ở Tây Tạng và một vài bộ tộc Mông Cổ. Thói quen uống trà với vài lát chanh của người Nga là do họ học ở những đoàn thương lữ Trung Hoa, đó là vết tích phương pháp cổ xưa hiện còn sót lại.
Sau nhờ thiên tài của đời nhà Đường trà mới được giải phóng khỏi trạng thái thô thiển và đi đến tình trạng lý tưởng hóa cùng cực. Đến giữa thế kỷ thứ 8, chúng ta mới có vị tông đồ đầu tiên của Trà đạo: Lục Vũ. Ông sinh ra vào thời Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo đang đi tìm một sự đồng nguyên. Chủ nghĩa tượng trưng phiếm thần thời đó cũng đang thôi thúc đi tìm sự phản chiếu cái ‘Phổ biến’ trong cái ‘Đặc thù’. Lục Vũ lúc ấy là một thi nhân và ông nhìn thấy trong bộ đồ trà vừa có sự hài hòa vừa có tính trật tự, hai thứ đó ngự trị khắp muôn vật. Trong tác phẩm trứ danh của ông, cuốn Trà Kinh, ông đã xây dựng nên pháp điển về trà. Từ đó ông được thờ cúng như một vị hộ thần của những thương nhân buôn trà Trung Hoa.
Trà Kinh chia làm ba quyển với 10 thiên. Thiên đầu Lục Vũ bàn về tính chất cây trà, thiên thứ hai nói về dụng cụ hái lá, thiên thứ ba nói về việc tuyển chọn lá. Theo ông, lá trà có chất lượng tốt nhất phải “nhăn nheo như chiếc ủng da người kỵ binh Thát đát, quăn queo như cái yếm bò mộng, nở ra thì trương như hơi sương bốc lên từ khe núi; lóng lánh như gió hiu hiu vờn mặt nước hồ, ẩm và mềm như đất tốt vừa tắm gội cơn mưa”
Thiên bốn liệt kê và mô tả 24 thứ dụng cụ làm trà (trà khí), đầu tiên là cái lò ba chân và kết thúc là cái buồng tre chứa những khí cụ này. Chúng ta ghi nhận ở thiên này lòng ưa thích của Lục Vũ đối với chủ nghĩa tượng trưng của Lão giáo. Và cũng thú vị nhìn thấy trong mối liên kết đó phản ảnh uy thế của trà đối với nghề gốm sứ Trung Hoa. Như đã biết, gốm sứ của Thiên Quốc có cội nguồn từ việc thử tạo ra loại men sứ có nước bóng tinh khéo của ngọc bích; kết quả là vào đời nhà Đường người Hoa Nam tạo ra nước men lam, còn người Hoa Bắc làm được nước men trắng. Lục Vũ cho rằng màu lam là màu lý tưởng làm chén uống trà vì nó làm tăng thêm màu lục của thức uống này; trong khi màu trắng làm trà hồng đi và mất ngon. Đó là vì thời ông dùng trà bánh. Về sau, khi các bậc thầy đời Tống dùng mạt trà, họ ưa dùng loại chén to nặng có màu xanh đen hay nâu sậm hơn. Qua đời Minh trà ngâm được chuộng, loại chén sứ nhẹ màu trắng quay trở lại.
Thiên năm Lục Vũ mô tả phương pháp chế trà. Ngoại trừ muối, ông loại bỏ đi tất cả các phụ liệu. Ông bàn nhiều đến việc lựa chọn nước nấu trà và độ sôi của nước. Theo ông, nước sơn tuyền (suối trên núi) là tốt nhất, sau đó là nước sông rồi mới đến nước ngòi. Độ sôi của nước chia làm ba cấp độ: độ sôi thứ nhất có bọt khí trông như mắt cá đang bơi trên mặt nước, độ sôi thứ hai bọt khí trông giống như hạt châu lăn trong dòng nước, và độ sôi thứ ba khi bọt khí tạo thành sóng sùng sục trong ấm. Trà bánh được hong trước lửa cho đến khi mềm như cánh tay hài nhi và được đặt giữa hai tờ giấy mịn nghiền vụn ra. Lần sôi thứ nhất cho muối vào, lần sôi thứ hai bỏ trà vào. Qua lần sôi thứ ba rót vào ấm trà một muôi nước lạnh để ‘trấn’ trà và hồi phục lại ‘nguyên khí’ cho nước. Thế là trà đã sẳn sàng để rót ra ly và uống. Ôi cam lộ! Chiếc lá con mỏng manh như những gợn mây lăn tăn treo trên bầu trời quang thanh hay như loài súng phập phù trên dòng nước màu lục bảo. Đó là món nước uống được Lô Đồng, một thi sĩ đời Đường, viết: “Chén thứ nhất thấm ướt môi họng; Chén thứ hai phá tan niềm cô quạnh; Chén thứ ba tưới thắm lòng dạ khô cằn và nảy lên muôn ngàn ý văn; Chén thứ tư thấm nhấp mồ hôi, mọi xấu xa cuộc đời theo lỗ chân lông trôi ra; Chén thứ năm thấu lòng thanh tịnh; Chén thứ sáu đưa ta vào cõi thần tiên; Chén thứ bảy, A, ta không nhấp được nữa! Ta thấy một làn gió mát thổi vào tay áo. Bồng Lai nơi nào? Cho ta cỡi làn gió mát bay đến đó đi ”.
Những thiên còn lại của Trà Kinh bàn về sự thông tục trong các phép uống trà, sơ lược các ẩm khách danh tiếng uống trà, những vườn trà nổi tiếng xứ trung Hoa, các biến thể có thể của các bộ đồ trà và hình minh họa các món trà cụ. Thiên cuối cùng đã bị thất lạc.
Sự ra đời cuốn Trà Kinh hẳn gây một sự chấn động đương thời. Thái Tông Hoàng Đế (763-779) thời đó biệt đãi Lục Vũ, và tên tuổi ông đã thu hút nhiều người xin làm môn sinh. Một số tài tử nói rằng họ có thể nếm biết trà nào do Lục Vũ pha, trà nào do môn đồ của ông thực hiện. Lại có chuyện nói về một viên quan mà danh tính trở nên bất tử chỉ vì không sao buông lời tán thưởng được hương vị trà của bậc đại danh sư trà Lục Vũ.

tuongLucvu

Mạt trà trở nên thời thượng vào triều đại nhà Tống và nhờ vậy dựng nên trường phái trà thứ hai. Lá trà được xay mịn ra bằng cối đá, cách pha chế là ngâm trong nước nóng và dùng thanh tre (gọi là trà tiển) để khuấy. Qui trình pha chế mới này làm thay đổi một số món trà khí của Lục Vũ, cũng như cách tuyển lá trà của ông. Muối mãi mãi không còn dùng pha trà nữa. Lòng nhiệt thành của người đời Tống đối với trà quả vô bờ bến. Các tài tử đua nhau tìm giống trà mới, và đều đặn mở hội thi tài cao thấp. Huy Tông Hoàng Đế (1101-1124), một vị vua tốt đồng thời cũng là một nghệ sĩ đại tài, chi tiêu hoang phí biết bao tiền của của quốc khố để tìm những giống trà quý hiếm. Hoàng Đế này viết một cuốn sách luận về hai mươi giống trà ngon, trong số đó vua tán thưởng “bạch trà” là giống quý hiếm nhất và hương vị thơm ngon nhất.
Nhân sinh quan của người đời Tống có khác người đời Đường nên lý tưởng trà của họ cũng chẳng giống nhau. Họ hiện thực hóa điều mà bậc tiền bối của họ cố tượng trưng hóa. Với tinh thần Tống Nho , quy luật của vũ trụ được không phản ảnh trong các hiện tượng của thế gian, mà hiện tượng thế gian chính là quy luật của vũ trụ. Một đại kiếp chỉ thoáng qua như một sát-na, niết-bàn không ở đâu xa ngoài tầm tay con người. Các đạo gia nhận thức rằng sự bất tử nằm trong sự biến dịch vô cùng; điều này thấm nhập sâu vào tư tưởng đạo học của họ. Đó là phương cách chứ chẳng phải hành vi, phương cách mới đáng quan tâm. Đó là bổ khuyết chứ không phải hoàn tất, bổ khuyết mới thực sự là sức sống. Con người khi đạt đến như thế mới đối diện với tự nhiên được. Một ý nghĩa mới sinh sôi trong nghệ thuật sống. Trà bắt đầu không còn là món tiêu khiển của giới thi nhân, mà trở thành một trong những phương pháp tự kỷ lãnh hội. Vương Vũ Xứng tán dương trà như sau: “tràn ngập tâm hồn như lời réo gọi trực khởi, mà hương vị đăng đắng tuyệt vời gợi lại một hậu vị khuyến thiện”. Còn Tô Đông Pha ca ngợi sức mạnh tinh khiết đến vô khuyết trong trà như đức hạnh của một chính nhân quân tử, không sợ bị hoen ố. Trong giới Phật gia, dòng Thiền Nam Tông là tông phái chịu sự hội nhập rất nhiều của các giáo lý Lão giáo, dòng này hình thành ra nghi thức chặt chẽ về trà. Các thiền gia tụ họp trước tượng Bồ-đề Đạt-ma và uống cạn một chén trà duy nhất với quy thức trang trọng của một thánh lễ. Nghi thức thiền này sau phát triển thành nghi thức Trà đạo ở Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 15.
Tiếc thay sự bùng khởi của các bộ tộc Mông Cổ hồi thế kỷ 13 dẫn đến sự tàn phá và chinh phục Trung Hoa, đặt đất nước này dưới sự cai trị dã man của các hoàng đế nhà Nguyên, khiến mọi thành quả của văn hóa nhà Tống bị tiêu hủy. Triều đại bản địa nhà Minh hồi giữa thế kỷ 15 cố khôi phục dân tộc tính nhưng gặp phải sự quấy phá của nội loạn, và Trung Hoa lại rơi vào tay ngoại bang Mãn Châu vào thế kỷ 17. Tập quán và phong tục đổi thay, vết tích thời xưa cũ bị xóa mất. Mạt trà thực sự bị quên lãng. Chúng tôi tìm thấy tư liệu nói một nhà bình chú đời Minh chẳng nhớ ra hình dáng món dụng cụ gọi là trà tiển (cây khuấy trà) từng được chép vào kinh điển nhà Tống. Trà ngày nay dùng dưới dạng hãm lá trong chén nước nóng. Do vậy, thế giới Phương Tây không biết đến thuật uống trà thời cổ bởi lẽ mãi đến cuối đời nhà Minh Châu Âu mới biết đến trà.
Ngày nay trà Trung Hoa vẫn là thức uống ngon, nhưng lý tưởng chẳng còn nữa. Thống khổ kéo dài trên đất nước này quá lâu đã tước đi nơi họ niềm hứng thú về ý nghĩa nhân sinh. Đất nước này đã hiện đại, điều đó có nghĩa nét cổ xưa và mộng mơ đã tan biến. Họ đánh mất đức tin cao thượng vào ảo mộng trường sinh bất lão của thi nhân và cổ nhân. Họ theo chủ nghĩa chiết trung và ngoan ngoãn chấp nhận quán lệ của vũ trụ. Họ đùa bỡn với Tự nhiên, nhưng không chịu hạ mình khuất phục hay tôn thờ Tự nhiên. Lá trà của họ thường tuyệt diệu với mùi hương của hoa, nhưng tính lãng mãn của nghi thức Đường-Tống chẳng còn trong chén trà nữa.
Nước Nhật theo sát bước nền văn minh Trung Hoa, hiểu trà qua cả ba giai đoạn lịch sử của nó. Trà xuất hiện ở Nhật trễ nhất từ năm 729; chúng tôi đọc được trong kinh sách vào năm đó Thánh Vũ Thiên Hoàng (Emperor Shomu) đã ban trà cho một trăm vị sư tại cung Nại Lương (Nara). Loại lá này có lẽ do sứ thần của chúng tôi du nhập về từ Đường Triều và chế biến theo lối đang thịnh hành thời đó. Đến năm 801, nhà sư Tối Chừng (Saicho) mang về một ít hạt giống và trồng ở Duệ Sơn (Yeisan). Nghe đâu các thế kỷ sau nhiều vườn trà mọc lên làm vui lòng cho giới quý tộc và tăng lữ. Trà Tống đến với chúng tôi vào năm 1191 sau khi Vinh Tây Thiền Sư (Yeisai-zenji) đi học đạo Thiền Nam Tông quay về nước. Hạt giống trà mới do thiền sư này mang về trồng ở ba nơi; một trong những nơi là Vũ Thủy (Uji) gần Cố Đô Kioto, đến nay tên vùng đất này vẫn còn dùng chỉ một loại danh trà nổi tiếng thế giới. Thiền Nam Tông lan truyền nhanh chóng đến diệu kỳ, cùng với nó là nghi thức trà và lý tưởng trà đời Tống. Qua thế kỷ 15, dưới sự bảo trợ của Mạc Phủ (Shogun) Túc Lợi – Nghĩa Chính (Ashikaga-Voshinasa), nghi thức trà được hình thành đầy đủ, tách ra khỏi thiền tông và đi vào thế tục. Kể từ đó Trà đạo được hình thành hẳn hoi ở Nhật Bản. Lối dùng tiển trà (trà ngâm) theo kiểu Trung Hoa thời sau này so ra còn mới với chúng tôi, chỉ được biết đến từ giữa thế kỷ 17. Loại trà này thay thế cho mạt trà trong tiêu dùng hàng ngày, dù vậy mạt trà vẫn giữ một địa vị là ‘trà của các loại trà’.
Chính trong nghi thức trà của Nhật Bản chúng ta mới thấy sự tột cùng của lý tưởng trà. Cuộc kháng chiến thành công của chúng tôi chống cuộc xâm lược Nguyên Mông năm 1281 cho phép chúng tôi tiếp tục trào lưu trà của Tống triều mà lúc ấy ở Trung Hoa đang bị thảm hại bởi sự xâm nhập của dân du mục. Trà đối với chúng tôi trở nên quan trọng hơn việc lý tưởng hóa một hình thái thức uống, đó là thứ tôn giáo của nghệ thuật nhân sinh. Thứ thức uống đó tiến lên thành duyên cớ để tôn thờ sự tinh khiết và thanh tao, có chức năng thiêng liêng giúp chủ và khách kết hợp với nhau tạo ra cơ hội hưởng sự cực lạc tột cùng ngay trần thế này. Trà thất là một ốc đảo giữa cõi đời hoang vắng đến ảm đạm, chỉ nơi đó khách lữ hành đang mệt lữ mới có thể gặp gở nhau và cùng uống từ nguồn suối chung ‘thưởng giám nghệ thuật’. Nghi thức là một vở kịch ngẫu tác với cốt truyện được dệt theo chén trà, hoa, và họa phẩm. Không một sắc màu nào làm loạn vỡ tông màu của gian phòng, không tiếng động nào làm hư hại tiết tấu của sự vật, không một cử chỉ nào bắt sự hòa điệu phải theo nó, không một câu nói nào phá vỡ sự đồng nhất của cảnh vật xung quanh, mọi chuyển động phải thực hiện giản đơn và tự nhiên – mục đích của Trà đạo là như thế. Lạ lùng thay các buổi trà nghi thường lại thành công. Một triết lý tinh diệu đặt muôn vật đằng sau nó. Trà đạo là Lão giáo ở trạng thái hóa trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét