Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN XI

Quán Thế Âm Bồ tát
Hình tượng được tôn sùng bậc nhất trong Phật giáo Đại thừa là Quán Thế Âm Bồ tát. Theo Tịnh Độ Tông thì Quán Thế Âm chỉ là một Bồ Tát thị giả bên phật A Di Đà, nhưng sau đó thì được mở rộng hơn rất nhiều.

Quán Thế Âm (đến đời Đường vì kiêng tên vua Đường Thái tông Lý Thế Dân và niên hiệu Trinh Quán của ông nên đổi thành Quan Thế Âm, rồi bớt chữ Thế thành ra Quan Âm) tức là thấu được hết âm thanh của thế gian, để cứu độ cho thế gian. Các bậc Bồ tát đã đạt chứng quả, nhưng phát nguyện vẫn ở lại thế gian để cứu giúp chúng sinh, chứ không lên thành Phật. Bậc cứu độ được biết đến nhất là Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm trong hình tượng gốc là nam, nhưng để cứu độ cho chúng sinh thì có rất nhiều hóa thân, trong đó có hóa thân là nữ. Trước kia tranh tượng Quán Thế Âm đều là nam, nhưng từ đời Đường ở Trung Quốc, do một số nguyên nhân mà chuyển sang tôn thờ hình tượng nữ. Do đó các nước theo Phật giáo Nguyên thủy thì hình tượng vẫn là nam (như các mặt Vua phật Bayon ở Angkor là hình ảnh Quán Thế Âm), trong khi đó ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn, Nhật thì tôn thờ hình ảnh nữ.

Quán Thế Âm Bồ Tát dần trở thành hình tượng gần gũi nhất, thân quen nhất của Phật giáo, được gọi là Phật Bà; và cũng có rất nhiều hình tượng khác nhau trong chùa : Quan Âm Chuẩn đề, Thiên thủ thiên nhãn, Tống tử, Nam hải, Bạch Y...

Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm
Hình tượng Quan Âm nhiều tay, nhiều mắt bắt nguồn từ các hình tượng Ấn Độ giáo cổ xưa với các vị thần: Brahma 4 mặt, Vishnu 8 tay, Shiva 4 tay, 6 tay, Yama trăm tay trăm đầu...

Sang Trung Quốc, hình tượng này được bản địa hóa trong câu truyện cổ tích Chúa Ba Diệu Thiện. Để cứu cha mình, công chúa thứ ba Diệu Thiện (hóa thân của Quan Âm) đã chặt một tay, móc một mắt làm thuốc, dù trước đó cha đã đối xử tàn tệ với bà khi bà muốn đi tu. Từ đó hình tượng Quan Âm với nghìn cánh tay, nghìn con mắt thể hiện cho sự cứu độ vô hạn của Quan Âm. Người Việt Nam dưới đời Lê còn đi xa hơn nữa khi cho rằng nơi Chúa Ba tu hành chính là chùa Hương ở Hà Tây !.

Những tượng Quan Âm nhiều tay cổ nhất ở VN cũng chỉ có mười mấy tay, rồi tăng lên 42 tay, một trăm tay, rồi mấy trăm tay, và đạt đỉnh điểm là 1113 tay ở chùa Mễ Sở, trong mỗi bàn tay có 1 con mắt. Kèm theo đó là từ một đầu thành 3 đầu, rồi 11 đầu.

Tượng Quan Âm nhiều tay có thể được bày trên chính điện, hoặc bên cạnh, thậm chí là một tòa điện riêng.

Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (thực ra có 18 tay) ở chính điện chùa Cao (An Phụ).
Pho tượng này còn được gọi là Quan Âm Chuẩn đề, vì hai bàn tay ở giữa bắt ấn Chuẩn đề, một loại ấn tối cao trong Phật giáo đại thừa.
 




Quan Âm 42 tay chùa Hội Hạ
Pho tượng Quan Âm có 42 tay được xác định là cổ nhất, được làm đời Mạc, cách đây gần 500 năm. Pho này rất to, to nhất trong các pho tượng thể loại hàng chục tay này, cao hơn 3m. Phong cách đời Mạc nên tượng to khỏe, chắc chắn và nặng nề. Nay tượng để trong bảo tàng Mỹ thuật.

Tượng này cũng gọi là Quan Âm Nam hải, vì ngồi trên tòa sen, đội trên đầu một con quỷ nổi trên mặt biển Nam hải. Hai bên có tượng Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ đứng hầu.
 



Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm chùa Bút Tháp
Do tính chất nổi tiếng "Đại Từ Đại Bi, Cứu Khổ Cứu Nạn", hình tượng Quán Thế Âm được tôn sùng và tạo tác nhiều nhất, với rất nhiều bức tượng đẹp.

Nổi tiếng nhất có lẽ là bức tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp tạc vào thế kỉ 17, được coi là tuyệt tác, một "tập đại thành" của nền điêu khắc Việt Nam. Bức tượng chứa đựng trong đó nhân sinh, thế giới quan Phật giáo đầy đủ. Từ dưới lên, có thể thấy cả cảnh âm phủ thông qua 4 quỷ sứ, mặt biển nam hải với con rồng đội đài sen, ánh mặt trăng từ giữa lòng phật bà, những cánh tay nuột nà, 11 đầu Phật với A Di Đà trên cùng, và gần một nghìn cánh tay nhỏ tỏa ra như hào quang rực rỡ.


             

Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn loại có mười mấy tay đến vài chục tay còn khá nhiều; nhưng loại có đến khoảng nghìn tay thì mà tượng cổ thì rất hiếm, theo tớ biết và đã đến tận nơi thì chỉ có 4 pho trên toàn miền bắc thôi. Gần đây nhiều chùa có điều kiện cũng làm tượng đủ nghìn tay, và thường lấy mẫu theo tượng chùa Bút Tháp.

Tượng cổ loại nghìn tay mà tớ đã đến thăm chụp ảnh nằm ở các chùa:
- Chùa Thánh Ân: là pho cổ nhất
- Chùa Bút Tháp: là pho đẹp nhất
- Chùa Tam Sơn
- Chùa Mễ Sở: là pho có nhiều tay nhất

Tượng loại nghìn tay thường đồ sộ nên đặt ở tòa riêng, không để trên bàn thờ chính. Tuy vậy tại chùa Thánh Ân, pho tượng cổ này được để chính giữa. Những cánh tay của tượng có phong cách rất đặc biệt. Pho tượng tuổi khoảng 400 năm.
 




Quan Âm Tống Tử
Trong các ngôi chùa miền Bắc còn có một bộ tượng mà tôi chưa thấy ở ngôi chùa nào miền Trung, miền Nam, đó là bộ Quan Âm Tống Tử (tiễn con).

Bộ tượng mô tả Quan Âm trong kiếp Thị Kính, rất nổi tiếng ở miền Bắc với vở chèo Quan Âm Thị Kính. Quan Âm khuôn mặt hiền từ trong tư thế ôm con (thực ra là con của Thị Màu), giã biệt con trước khi qua đời - về cõi Phật. Pho tượng thể hiện lòng thương yêu của Bồ Tát Quán Thế Âm với chúng sinh như mẹ thương con, và thể hiện tình mẫu tử mà dân gian hằng kính ngưỡng.

Bộ Tượng Quan Âm Tống Tử có nét rất gần gũi với hình tượng Đức Mẹ bế Chúa hài đồng trong Thiên Chúa giáo.

Bộ tượng Quan Âm Tống Tử chùa Tây Phương. Tượng người con đã bị mất, người ta thay vào bởi một tượng khác, không đúng cỡ nên trông buồn cười. Hai bên là Thiện tài Đồng tử và Long nữ đứng hầu. Ở khối đá bên cạnh là một con vẹt, chính là Thiện Sỹ - chồng của Thị Kính hóa thành.
 


Chuẩn đề
Trong các hóa thân của Quán Thế Âm, có hóa thân được tôn sùng là Phật, thậm chí là Phật Mẫu, đó là Chuẩn Đề.

Chuẩn Đề có nghĩa là Tối Thượng Bồ Dề, tức trí tuệ từ bì tối thượng, là cốt lõi của Phật pháp. Vì thế vị Chuẩn Đề được gọi là Phật Mẫu. Là Phật nhưng không vào Vô dư ý Niết bàn, mà vẫn ở lại thế gian để độ chúng sinh, nên cũng lại là Bồ Tát. Và Chuẩn Đề lại cũng chính là một hóa thân của Quán Thế Âm. Nghĩa là hình tượng Quán Thế Âm rất nhiều hình trạng, rất phong phú đa dạng.

Tượng Chuẩn Đề Bồ tát khác với tượng Quan Âm nhiều tay thông thường ở chỗ:
- Tượng Chuẩn Đề có 3 con mắt, một con mắt nằm giữa trán.
- Chuẩn Đề có đúng 18 tay. Nhiều hơn hay ít hơn thì không phải là hóa thân Chuẩn Đề
- Hai tay chính chắp vào giữa bắt ấn Vô Thượng. Đây là một loại ấn rất riêng, nhìn thấy là nhận ra.
- 16 tay còn lại cầm các loại pháp khí: phướn, lọng, quạt, tràng hạt, chử, chuông, hoa sen...

Chùa miền Bắc xưa thường không có tượng Chuẩn Đề. Thời gian gần đây mới xuất hiện. Do đó thường không để ở chính điện, mà phía trước, hoặc phía sau, hoặc một bên.


Bạch Y Đại sỹ
Quán Thế Âm có nhiều hình tượng, một hình tượng rất phổ biến nữa là Quan Âm áo trắng, cầm tịnh bình và cành dương, gọi là Quan Âm Đại sỹ. Hình ảnh này cả trong tranh lẫn điêu khắc đều nhiều.

Tượng Quan Âm cầm bình đứng ngoài trời hiện giờ rất phổ biến ở nhiều chùa, đầu tiên là từ miền Nam, miền Trung rồi dần ra miền Bắc.

Trước kia chùa miền Bắc không bao giờ có tượng Quan Âm đứng ngoài trời, nhưng giờ được dựng ở nhiều chùa. Một số chùa cổ truyền thống thì vẫn không dựng, nếu có dựng Quan Âm các thì cũng là tượng Quan Âm ngồi đài sen trong một tòa các, chứ không đứng ngòai trời.

Hình tượng này xuất hiện từ miền nam, và theo tớ, thì do người Minh hương từ Phúc Kiến mang sang. Người Trung Quốc vượt biển rất tôn sùng hình ảnh Quan Âm Nam Hải, tin rằng bà hiện ra trên mặt biển để bảo hộ các đoàn thuyền vượt qua sóng gió biển khơi. Hình ảnh này rất giống bà Thiên Hậu. Sang Việt Nam, họ mang niềm tin đó vào hình tượng Quan Âm đứng ngoài trời.

Đó là giả thiết của tớ, vì truyền thống chùa cổ VN từ miền Bắc, và cả miền Trung đều không có. Chỉ thời gian gần đây mới xuất hiện, và là từ miền Nam ra.

Như vậy trong một ngôi chùa, có thể có đến 4 tượng Quan Thế Âm dưới các hóa thân khác nhau : Thiên Thủ Thiên Nhãn, Tống Tử, Nam Hải, trong Di Đà Tam Tôn. Điều này cũng không có gì là quá, bởi vị Bồ Tát này có nhiều hóa thân khắp thế gian


                                      Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét