Translate

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

VỀ DÒNG SÔNG CỔ NGỌC HÀ TRONG KHU DI TÍCH HOÀNG THÀNH THĂNG LONG


Nguyễn Xuân Diện
       Viện Hán Nôm
Bùi Quốc Hùng
 Hà Nội
   Năm 2003, việc phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long đã gây sự chú ý trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của nhân dân cả nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tính đến thời điểm tháng 10 năm 2003, Viện Khảo cổ học đã khai quật được 17.000m2 và đã thu được hàng triệu hiện vật có giá trị. Theo các nhà khảo cổ học thì tại khu vực khai quật thấy có dấu tích một dòng sông cổ và ở đó thấy có vỏ ốc, nhuyễn thể, sen và các thực vật dưới nước. Một số nhà khoa học cho rằng có thể các trụ lục giác được bố trí dọc theo dấu tích dòng sông cổ này là các đài tạ dựng bên sông để hóng mát. Vậy phải chăng có dòng sông chảy giữa lòng Cấm thành, Hoàng thành ? Sông này có tên gọi là gì? Chảy từ đâu đến đâu? Là sông tự nhiên hay sông đào? Tồn tại trong bao lâu thì bị lấp đi? Đó là những câu hỏi được đặt ra ngay từ khi khai quật và đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
http://www.cinet.gov.vn/sukienVH/hoangthanh/images/bd4.jpg
   Bài viết này cung cấp một vài thông tin về các dòng sông cổ chảy trong lòng Hà Nội trong thư tịch cổ mà trong quá trình nghiên cứu về Thăng Long thành chúng tôi có ghi lại được, góp phần nghiên cứu về hệ thống thuỷ văn của Hà Nội xưa và hoàng thành Thăng Long trong lịch sử. Dưới đây là những ghi nhận trong Sử học bị khảoHà Nội địa dư.
1. Trong Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng, phần nói về các dòng sông ở Hà Nội có viết:
“Sông Nhị Hà (nguồn từ sông Lô, sông Lôi [sông Chảy] tỉnh Tuyên Quang, sông Thao, sông Đà tỉnh Hưng Hóa và sông Đáy ở tỉnh Sơn Tây, hội với nhau ở Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây chảy theo hướng nam đến huyện Yên Lạc, chia một chi về phía đông là sông Nguyệt Đức, chảy vào Bắc Ninh, lại chảy xuôi về phía đông tỉnh thành [Hà Nội], thì chia một chi phía tây gọi là sông Tô Lịch, chảy vào sông Nhuệ, lại chảy theo hướng nam đến huyện Thanh Trì, chia một chi phía đông gọi là sông Đại Bi lại chảy theo hướng nam đến huyện Thượng Phúc, thì chia một chi phía đông gọi là sông Kim Ngưu; lại chảy xuôi qua tỉnh Hưng Yên, chia một chi phía tây gọi là sông Xích Đằng, đến huyện Nam Sang, chia một chi phía đông gọi là sông Luộc chảy vào tỉnh Hưng Yên; lại chảy xuôi đến ngã ba Đại Hoàng thì hợp với nước sông Giản, gọi là sông Hoàng, lại chảy xuôi vào địa giới tỉnh Nam Định đến huyện Thiên Trì, chia một chi về phía đông gọi là sông Thanh Hương ...
Sông Nhuệ từ huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội chảy vào Lang Đàm [Linh Đàm (?)] rồi theo hướng đông nam chảy qua các huyện Thanh Oai, Thanh Trì đến ngã ba Hà Liễu thì có sông Tô Lịch, từ sông Nhị Hà chia ra qua các huyện Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thanh Trì, từ phía đông đến chảy nhập vào. Lại chảy theo hướng tây nam đến ngã ba Nghiêm Xá, huyện Thượng Phúc, thì có sông Đỗ Động bắt đầu ở đầm Ngũ Xã tự phía đông chảy nhập vào. Lại chảy theo hướng tây nam đến ngã ba Tả Giai thì có sông Kim Ngưu, bắt đầu từ Hồ Tây huyện Vĩnh Thuận rồi từ phía đông nhập vào...
  Sông Đại Bi cũng từ sông Nhị Hà chia ra, qua huyện Gia Lâm, chảy vào sông Nghĩa Trụ, chảy qua Gia Lâm, Siêu Loại, Lương Tài đến các huyện Đường Hào, Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, rồi nhập vào sông Mão. Hai cửa sông ấy nay đều lấp kín cả. Sông Kim Ngưu này khác với các sông Kim Ngưu ở huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội”(1).
2. Thư tịch Hán Nôm duy nhất hiện biết có cho biết về một dòng sông có tên gọi Ngọc Hà là Hà Nội địa dư (A.1154). Sách do Dương Bá Cung soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851). Thông tin về Ngọc Hà nằm trong phần viết về đình Kiên Nghĩa, ở tờ 16a.
“Đình Kiên Nghĩa: là nơi ngày xưa triều Lê dùng để hầu tiếp sứ giả Bắc quốc sang sắc phong. Tương truyền rằng vào đời Vĩnh Lạc nhà Minh, tướng Minh là Trương Phụ chiếm cứ thành Đông Quan đã bắc cây cầu phao tại đây để tiện qua lại, gọi là cầu Đông Tân (tục gọi là cầu Cháy) [Nay thuộc phố Tuệ Tĩnh, quận Hai Bà Trưng]. Đối diện với bờ bên Bắc là quán bến thuyền, nơi tụ tập các thương khách người Thanh. Vào triều Lê, ban đầu định lệ khách ngoại quốc không được tự ý vào trong trấn, từ đời Hồng Đức trở đi mới cho phép họ lập thành phố ở vạn Tường Lân, Lai Triều. Cũng có những người đến đây cư trú, nhà cửa của họ mái ngói nối tiếp nhau, thuyền bè san sát, các triều đều lập ra cung quán... Sau thời loạn lạc cảnh vật bị tàn phá, tòa đình được dân sở tại dùng làm nơi thờ Thần. Đầu triều Nguyễn, mỗi khi có sứ giả vãng lai cũng dựng cung quán ở đây để nghênh tiếp, gọi là Hà Đình, đối diện bờ phía bắc là cung Gia Quất.


   Vườn Bách Thảo khi mới xây dựng



   Và bây giờ....Cầu dẫn sang đảo Con Nhện trong hồ Tròn trước mặt núi Sưa.



   Hồ Dài trong Bách Thảo
   Phía tây thành nổi lên thành lớp những ngọn núi đất, trong đó có một vài nhánh nổi tiếng như Sư Sơn, Tam Sơn, Khán Sơn, Nùng Sơn. Cung Thái Hòa (nay thuộc huyện Vĩnh Thuận) nằm ở chỗ cao nhất của ngọn đồi, tương truyền do triều Lê lập ra, bên dưới là dòng nước gọi là Ngọc Hà. Núi Tam Sơn nối dài từ Cung Thành (tương truyền Thuần Hoàng đế triều Lê từng lấy đây là nơi xem đấu võ trong các kỳ thi võ cử. Trên núi có ngôi chùa thời Hồng Đức tiến hành trùng tu, vâng mệnh tạc tượng vua Thuần Hoàng Đế để thờ. Cuối thời Lê, quân Tây Sơn phá chùa, các sư đã rước tượng đó tới thờ ở chùa Dục Khánh). Theo Sử ký chép: Vào năm Quang Thuận tiến hành đào hồ Hải Trì uốn khúc hàng trăm dặm, ở giữa có điện Thúy Ngọc, bên hồ dựng điện Giảng Võ dùng làm nơi luyện tập quân lính và voi chiến [nay thuộc phường Giảng Võ, Hà Nội], đó là chỉ chỗ này ngày xưa vậy. Di chỉ cung điện cũ hiện vẫn còn lại những bậc thềm. Vùng xung quanh vẫn còn những trại mang tên Ngọc Hà, Giảng Võ, dân chúng thường đào được rất nhiều mảnh gạch ngói cổ hoặc những đồ binh khí bằng gỗ, bằng sắt. Lại có một địa điểm gọi là Đồng Trường, là nơi các triều đại trước kia tổ chức hội thí Cống sĩ, rõ ràng đây là di chỉ của nơi thi võ ngày xưa”(2).


   Dấu vết dòng sông cổ ở Kinh đô Thăng Long. Ảnh: internet.
   Đây là lần đầu tiên sách cổ nói đến địa danh sông Ngọc Hà, và hiện cũng chưa tìm được tài liệu nào khác nói về con sông này. Theo ghi chép của thư tịch cổ, có thể hình dung sông Ngọc Hà có hai nhánh đều bắt nguồn từ một hồ lớn trong làng Ngọc Hà, nhánh thứ nhất chảy qua vườn Bách Thảo rồi đổ ra sông Tô Lịch, ở đường Hoàng Hoa Thám hiện nay; nhánh thứ hai chảy về cổng Bắc thành Hà Nội hiện nay, chảy song song với đường Hoàng Diệu rồi đổ vào một cống lớn của thành, tương ứng với khoảng chùa Một Cột và Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. Sông Ngọc Hà là một con sông tự nhiên, nước rất trong và có dòng chảy luôn lưu thông.
S 1517.jpg


  Hồ B52 trong làng Hữu Tiệp

S 1504.jpg


   Hồ Dài nằm song song  cạnh hồ B52
Chú thích:
(1) Bản dịch của Đỗ Mộng Khương. Viện Sử học và Nxb. Văn hóa thông tin. H, 1997, tr.264-265.
(2) Bản dịch trích trong sách Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Văn Nguyên chủ biên, Nxb. Thế giới, H. 2007, tr.49-50.
Tài liệu tham khảo chính:
1.Châu Phong tạp thảo. VHv.1873 - Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2.Thăng Long cổ tích khảo. A.1820 - Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
3.Thăng Long cổ tích khảo tính hội đồ, VHv.274 - Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
4.Phạm Đình Hổ: Tuyển tập thơ văn, Trần Kim Anh dịch và giới thiệu, Nxb. KHXH, H. 1998.
5.Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo. Đỗ Mộng Khương dịch, Viện Sử học và Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1997.
6.Đỗ Văn Ninh: Thành cổ Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1983.
7.Phạm Hân: Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, Tái bản có bổ sung, Nxb. Văn hóa - Thông tin. H. 2003.
8.Các tham luận tại các cuộc hội thảo về Hoàng thành Thăng Long.
9.Các bài báo về Hoàng thành Thăng Long từ 2003 đến nay (tháng 1/

 Phụ chú:

Theo một số người cao tuổi kể lại thì tên làng Ngọc Hà là do lấy tên con sông này mà ra, dân làng Ngọc Hà gốc không có ai đỗ đạt cao một phần là do thời vua Lê chúa Trịnh khi ra Thăng Long đã lấp mất dòng sông để làm nơi cư ngụ cho số người đi theo. Chính vì thế nên hai họ chính và lớn nhất ở Hữu Tiệp, Ngọc Hà là họ Lê và  họ Trịnh. Dấu tích của dòng sông hiện nay vẫn còn dưới hình thức một chuỗi hồ chạy dọc giữa phố Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn, nhưng nay đã bị lấp gần hết rồi!
( Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Trọng Lai, người làng Ngọc Hà)
Quốc Việt ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét