Translate

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

CHÙA HOA LĂNG




   Nếu ai lần đầu đến đây chắc không hề tin đây lại là ngôi chùa lừng danh thời Lý Thần Tông.





   Bên trái chùa, như là khu nhà tạm của tỵ nạn, đây là nhà của một gia đình có 3 thế hệ cùng sống, một ông già, hai vợ chồng trung niên và hai đứa con. Họ kể là sau khi đi kinh tế mới Lâm đồng trở về được xã cấp cho căn nhà này, nếu muốn họ đi thì đền cho một căn ở chung cư thì mới đi.




  Men theo lối đi bên trái là khu sinh hoạt của họ. Bằng quả giọng lắp  bắp líu ríu như chim hót người chồng còn kể rằng đã từng được đền bù nhưng tiêu hết tiền rồi nên vẫn chưa đi được.





   Tiếp đến khu vườn phía sau của chùa mà bây giờ là nơi họ tăng gia trồng trọt, bên cạnh tường là nơi thiêu hương hóa vàng.









  Khoảng sân bên phải chùa ngổn ngang



   Đám cửu vạn không biết ở đâu ra vào đây ngủ ngon lành như trong khách sạn.







   Cả hai bên hông và phía sau  chùa trông như bãi hoang, một phần vì không có người trông nom, hiện nay hằng ngày chỉ có một vị Sư ni bên chùa Duệ Tú qua đây thắp hương, đến ngày rằm mùng một mới mở cửa để mọi người đến thiêu hương bái Phật bái Thánh Phụ Thánh Mẫu.
    Nghĩ mà chua xót, người của Duệ Tú trông nom Hoa Lăng!?
   Chùa Ba Lăng (sau đổi là Hoa Lăng) ở xã Thượng An Quyết (sau đổi là Yên Hoà, nay thuộc  Cầu Giấy - Hà Nội ) nơi có ngôi mộ và thờ bà Tằng Thị Loan, Thánh Mẫu Đức Thánh Từ, thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, chùa được xây dựng từ đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), sau khi quan đô sát Từ Vinh xâm phạm nhà tôn thất Diên Thành hầu bị giết chết, vợ là Tằng Thị Loan và con là Từ Đạo Hạnh đều bỏ nhà đi tu. Bà Loan sang tu ở chùa Ba Lăng, hàng ngày đi quyên giáo tiền để tu sửa chùa, sau khi bà mất được chôn và thờ ở chùa( Theo nhà ngoại cảm Thu Hà thì nơi đây không có mộ của Thánh Mẫu). Ngày kỵ của bà đã đi vào câu ca dao Hà Nội:
“Tháng Giêng chính kỵ mồng mười
Hai làng phụng sự muôn đời khói nhang”

    Còn Đạo Hạnh tu ở chùa Thiên Phúc(chùa Thầy), làng Sài Sơn rồi sang Tây Thiên học đạo, được truyền phép lạ trở về dùng pháp thuật giết chết sư Đại Điên trả thù cho cha, xong lại trở về chùa Thầy.

    Có mỗi biển, phần tóm tắt mất tiêu đâu rồi?

   Chùa mới sửa lại sơ sài, nhom nhem, không xứng đáng chút nào với Thánh Mẫu.
   Lễ hội chùa Hoa Lăng gắn liền với lễ hội chùa Láng vào ngày 7 tháng Ba. Đoàn rước đến Cống Cót, tất cả đều qua cầu chỉ riêng kiệu thánh (Từ Đạo Hạnh) phải lội qua sông. Với việc kiệu “độ hà” này người ta giải thích rằng, cống Cót là chỗ Đại Điên ném xác Từ Vinh xuống, như là phần mộ của ông, vì Thánh không được bước qua mộ cha, nên phải độ hà… Sau khi kiệu Thánh sang sông, bộ đô kiệu nội thay vai, từ đây đoàn rước đi nhanh hơn. Kiệu Thánh đến chùa Duệ Tú (Thánh Tổ), nơi thờ Đại Điên. Nhưng dân làng Dịch Vọng Tiền (làng Vòng Tiền) từ hôm trước đã rước sư Đại Điên sang chùa Thánh Chúa, ở làng Dịch Vọng Hậu để “chơi” với bõ Bông( Nguyễn Bông, người hầu cận của Nguyên Phi Ỷ Lan, học trò của  Đại Điên, cùng âm mưu với nhau để đầu thai làm vua, tức là vua Lý Nhân Tông).
  Xem thêm về tích này tại đây:
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=134&article=177051
   Sáng ngày rước kiệu Đại Điên về, và để bảo đảm an toàn cho nhà sư, bèn dấu tượng xuống một cái hầm, giếng xây trước cửa chùa, có tường hoa bao quanh và cuộc  “đấu pháo” bắt đầu. Trước hết, một tràng pháo của làng Láng nổ, thế rồi pháo thăng thiên cứ thế mà hướng sang chùa Thánh Tổ, nơi Đại Điên đang trốn nấp. Làng Vòng Tiền cũng nổ pháo chĩa sang đoàn rước như để bảo vệ Đại Điên, và cũng đủ thứ pháo lia tít trên trời. Cuộc đấu pháo kéo dài đến nửa tiếng. Đây là lễ “đấu thần” và cuộc “đấu pháo” độc đáo không có trong bất kỳ một lễ hội nào trong vùng. Cuộc rước đi đến chùa Ba Lăng, tất cả đều đứng dàn phía ngoài tam quan, chỉ có long đình và kiệu được vào sân rồi hạ xuống trước bái đường, khi đó trong chùa đèn nến sáng trưng, tất cả đứng sau kiệu bái lễ. Tiếp, ông lệnh đem chuỗi tràng hạt từ kiệu đình vào hậu cung cáo Phật rồi đưa ra quàng vào tượng Thánh, với ý nghĩa là Đạo Hạnh đã tu thành đắc đạo. Chùa Hoa Lăng xưa xây theo kiểu chữ Công, năm 1952 tu sửa lại hậu cung theo kiểu chuôi vồ trên khu đất cao hướng nhìn thẳng vào Quảng Phúc Môn của kinh thành Thăng Long. Đời Lý, chắc chùa còn dựng bằng tranh tre sơ sài( Trước khi Thánh Mẫu đi tu ở đây)

  Hoành phi đề bốn chữ Thánh Cung Vạn Tuế
  Đến đời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), người được coi là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh đã cho xây dựng chùa kiên cố quy mô. Nhà vua đã dựng tượng cha mẹ là Thánh Phụ (Từ Vinh) và Thánh Mẫu (Tằng Thị Loan) để thờ, cấp 5 mẫu ruộng để cho các sư cày cấy lấy hoa lợi cho việc hương đăng. Tượng Thánh Phụ và Thánh Mẫu đến nay vẫn còn.

  Tượng Thánh Phụ Thánh Mẫu






   Trên bứ Hoành phi này cũng đề ba chữ Hoa Lăng Tự








   Cuốn thư đắp nổi đề ba chữ Hoa Lăng Tự
  Qua nhiều năm loạn lạc đã nhiều lần đúc, chuông đều bị mất, nay còn quả chuông “Hoa Lăng tự chung” cao 0.8m, đường kính 0.5mđúc ngày 13 tháng 3 năm Thành Thái thứ hai (1890). Nội dung bài văn chuông ca ngợi ngôi chùa “Nam thiên cựu tích tự hiệu Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh thiên cổ danh lam”. (Dưới trời Nam có chùa Ba Lăng di tích, có danh lam thắng cảnh bậc nhất một phương). Trong quả chuông cũng ghi lại mối quan hệ giao hảo giữa nhân dân hai xã Yên Hoà và Yên Lãng mỗi nơi góp 56 quan tiền.


    Qủa chuông hiện nay đang treo ở chùa Hoa Lăng

   Vậy mà hiện nay dù có đi qua cũng không ai biết đó một ngôi chùa. Điều này cũng có nguyên do của nó:
   -1964 - 1984 nơi đây bị Viện chống  Lao TW lấy đây làm nơi sơ tán.
   -1984 - 1994 thì bị bộ đội thông tin đóng quân.
    ( Người Hà Nội số 85, 13/8/2010 số cuối tuần. Trong số này bác Hồ Sĩ Tá có bài về chùa Hoa Lăng nhưng chỉ lấy mỗi tấm ảnh quả chuông chùa mà tôi chụp đưa vào bài để  minh họa, trong khi đó lại đưa ảnh chùa Láng vào không hiểu để làm gì cơ chứ? Đã thế ảnh lại không chú thích, biên tập tạp chí Người Hà Nội quá kém hay là nhiều việc nên sơ sót?)
  Thế nên Lăng mộ của Thánh Mẫu mới bị phá hủy mất dấu tích, thật xót xa cho số phận của Người.
   Khi biết đây là cổng chùa Hoa Lăng danh tiếng, tôi đã suýt ngất, trong lòng cảm thấy xót xa vô hạn.

   Đây là con ngõ nhỏ dẫn vào chùa, tít đằng xa kia là sông Tô Lịch.
   Hội rước thánh Láng từ chùa Láng trở về chùa Hoa Lăng được khôi phục. Đây là hội chùa lớn vào loại nhất nhì của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần.
  Từ Đạo Hạnh còn được coi là vị tổ sư nghề múa rối; tổ sư thứ 12 của phái Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, có học trò là Nguyễn Minh Không (ông là tổ sư nghề đúc đồng). Nơi thờ Thánh Mẫu của Ngài vậy mà không được quan tâm xứng tầm. Bản thân chùa  liên quan tới một loạt quần thể di tích lịch sử văn hoá như chùa Nền, chùa Láng, chùa Tam Huyền, chùa Lủ, chùa Thầy, chùa Trầm…vậy mà...
             Ảnh: Nguyễn quốc Việt
             Bài trích từ: 
Lễ hội Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, 2001
http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét