Translate

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

CHÙA DUỆ TÚ



   Trước mặt ngõ là đường Nguyễn Khánh Toàn. Đoạn ngay từ cầu bắc qua sông Tô Lịch xuống một chút.
  Gần ngõ 16 bên kia đường, trong ngõ có ông lang Luân chữa chấn thương ngoại khoa rất hay, cách ông chữa bệnh trông chẳng khác các thầy dạy võ chữa bệnh trong phim Tầu là bao. Hình như trước nhà Ông cũng mở lò thì phải.
   Chùa nằm trên một khu đất rộng, mặt chính nhìn thẳng hướng đông. Phía trước mặt là sông Tô Lịch, con sông xưa một thời nước trong xanh, trên bến dưới thuyền, nước mây thoáng rộng, bãi bờ bát ngát. Chuyện xưa kể rằng, thời ấy ở thôn Tiền, trang Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai có ông bà Lê Hưng và Nguyễn Thị Phan. Hai vợ chồng tu nhân tích đức mến mộ đạo Phật, kính trọng thần tiên, luôn làm điều thiện. Một hôm lập đàn cầu tự tại nhà, ba tháng sau thì ứng nghiệm. Bà có mang, ngày 18 tháng Ba năm Mậu Ngọ thì sinh con trai đặt tên là Lê Nghĩa, lớn lên mặt mày sáng sủa, thân hình cao lớn khác hẳn người thường.
   Lúc 18 tuổi thì cha mất ngày 7 tháng 6, mẹ mất ngày 12 tháng 8, Nghĩa công làm lễ an táng cho cha mẹ, rồi lấy nhà mình làm chùa để sớm hôm thờ phụng.
   Lúc ấy, nghe nói bên trang Yên Lãng có ngài tăng đô sát Từ Vinh tinh thông văn tự và pháp thuật. Nghĩa công liền rủ bạn là Phan Ất vào chùa Thánh Chúa (1) học đạo. Sau 3 năm thì cả hai đều pháp thuật cao cường.




Bấy giờ tăng đô sát Từ Vinh có người con trai tên là Lộ, chữ là Đạo Hạnh thi đỗ khoa Bạch Liên nhưng không ra làm quan, không bao lâu  sau Phụ thân Ngài dùng pháp thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu (Diên Thành Hầu (? - 1117) là con của Lý Thánh Tông và là em của Lý Nhân Tông, ông này tính tình rất nóng nảy đã từng lấy hốt đánh Trung Nghĩa Hầu cũng là con của Thánh Tông ở ngay điện Thiên An trước mặt bá quan văn võ). Hầu nhờ Pháp sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết ông (Từ Vinh) rồi ném xác xuống sông Tô Lịch (Đại Điên tức là Nguyễn Đại Điên quê ở xã Vịnh Phệ, huyện Tiên Phong, đất Quảng Oai - Sơn Tây. Nay là Ba Bì, Hà Tây. Ông là Miêu duệ của Thiền sư Thái Điên bình sinh có học thuật và tu luyện. Có chỗ chép là Thái Điên). Xác trôi đến cầu Quyết, tại địa phận làng Yên Quyết (Tên nôm là cống Cót) là chỗ nhà của Hầu, bỗng dưng đứng thẳng lên mà chỉ tay vào nhà suốt ngày không trôi đi. Hầu sợ quá đi báo cho Đại Điên biết. Đại Điên tới nơi  đọc to một bài kệ rằng: "Tăng hận bất cách túc
(Có chỗ chép là: Bất quá tịch)
Sinh vi đại hý trường,
Tử thành Bồ-đề đạo"
Nghĩa là: "Người tu hành giận ai không để qua đêm.
Sống chỉ là một trường đùa bỡn,
Chết mới thành đạo Bồ-đề".
Nói dứt lời, xác của Từ Vinh ngã xuống và trôi đi.Tương truyền xác gồm 3 khúc: khúc đầu trôi dạt vào địa phận xã Nhân Mọc cựu. Còn thân mình thì trôi dạt mãi tới địa phận thôn Pháp Vân (tục gọi là Kẻ Vân) xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì. Trong dân gian hiện vẫn lưu truyền câu ca dao: “Mọc cựu thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ khúc giữa” ý nói về ba làng dọc bờ sông Tô Lịch thờ đức thánh phụ Từ Vinh.
Lại nói chuyện con trai Từ Vinh là Lộ công muốn báo thù cho cha nhưng chưa có kế, một hôm đón đường định hại Đại Điên, bỗng nghe trên không trung có tiếng thét ngăn cản, Lộ công cả sợ vứt gậy rồi sang Ấn Độ tìm học pháp thuật.  Khi về nước tu ở núi Phật Tích (chùa Thiên Phúc). Lộ công chăm tụng niệm Đại Bi Đà Na Ni kinh chú, đủ mười vạn tám ngàn lượt. Một hôm thấy thần nhân báo rằng: Đệ tử là tứ trấn Nam Vương. Lộ công biết rằng pháp thuật đã đủ đến lúc trả thù được cho cha liền về đầu làng Yên Quyết ném thử chiếc gậy đang chống xuống sông, thấy gậy chạy băng băng ngược dòng đến cầu Tây Dượng mới dừng lại, Lộ công cả mừng, liền đến thẳng nhà Đại Điên dùng phép khiến gậy nhảy lên vụt vào đầu  đánh chết Đại Điên, nơi đó về sau được gọi là ngõ Vụt. Khi nhân dân thôn Tiền đến thăm thì thấy mối đã đùn một ngôi mộ lớn, nơi ấy chính là nền chùa bây giờ.


  Ngày xưa chỗ này tên là ngõ Vụt dựa theo tích Đức Thánh Từ vụt Đại Điên nơi đây.
   Lại nói vua Lý lúc ấy không có con nối dõi, vào năm Hiên Khánh có người ở phủ Thanh Hoa tâu rằng “Ở châu Tân Xa có một cậu bé rất linh dị, lên 3 tuổi đã tự xưng là hoàng tử, hiệu là Giác Hoàng. Những việc vua làm đều biết hết, cậu bé ấy chính là hoá thân của Nghĩa Công.    Vua sai quan đến xem thì quả đúng như vậy liền cho rước về kinh sư đến ở chùa Báo Thiên định lập thành thái tử. Các quan khuyên không nên làm như vậy bởi lẽ cậu bé quả linh dị thì phải đầu thai vào cung rồi mới lập ngôi cho. Vua y lời, truyền mở hội lớn 7 ngày 7 đêm để làm phép đầu thai. Lộ công nghe tin này nhờ chị ruột là Từ Lan đem ấn quyết treo trước cửa thềm rồi giả vờ đi xem hội. Hội được 3 ngày thì Giác Hoàng bị bệnh mất đột ngột. Vua cho là ứng nghiệm, khen thưởng công hầu, bao phong mỹ tự, cho được hưởng huyết thực muôn đời, truyền cho dân thôn Tiền Trang. Dịch Vọng tu sửa chùa để phụng thờ, ban cho 30 quan tiền làm quốc lẽ xuân thu, cùng chung lộc nước làm khuôn phép lâu dài.
   Phong ngài Nghĩa công là Lê Đại Điên Giác Hoàng thiền sư đại vương cho phép dân sở tại làm hậu nhi chính sở, hương hoả phụng thờ. Từ đấy cứ đến ngày 7 tháng Ba dân làng lại mở hội chùa làm cỗ chay cúng lễ.
   Lại nói chuyện bà Tằng Thị Loan, vợ của pháp sư Từ Vinh, người sinh ra Từ Đạo Hạnh. Chồng chết, bà về tu ở chùa Hoa Lăng, trang Dịch Vọng, cho nên hàng năm, cả chùa Duệ Tú và chùa Láng đều trùng ngày hội mồng 7 tháng Ba, khi chùa Láng rước pháp sư Từ Đạo Hạnh về thăm mẹ ở chùa Hoa Lăng, thì chùa Duệ Tú cũng rước pháp sư Đại Điên từ chùa Duệ Tú đến miếu Quán Đôi, nơi thờ bà hoàng thái hậu, mẹ vua Lý Phật Tử (571) và con, nơi này cũng thuộc thôn Tiền, rồi từ hai nơi dùng pháo thăng thiên bắn vào kiệu nhau qua sông, tượng trưng cho sự xung đột của hai vị thần, kiệu của pháp sư Đại Điên đi ba bước, lùi một bước, bức tượng ngài thì đi mặt trắng về mặt đỏ( Hiện nay chùa Hoa Lăng không có người trông nom, mà phải nhờ người của chùa Duệ Tú sang thắp hương chăm sóc, ngang trái vậy sao).


   Chùa Duệ Tú mới được trùng tu xây mới phần hậu cung, chùa thờ tiền thánh hậu phật. Sau hệ thống tượng phật có kiệu và tượng pháp sư Đại Điên, bên trái thờ thành phụ (cha), bên phải thờ thành mẫu (mẹ) rồi đến một hệ thống tượng như các chùa khác. Di vật còn lại, một số bia đời Lê, đời Nguyễn, sắc phong cho pháp sư Đại Điên, một quả chuông đúc Gia Long thứ 14 (1815), một bức hoành phi mang từ miếu Quán Đôi về có bốn chữ “Hậu Lý mẫu nghi”.
   Ngày mồng 6 có tắm tượng, mùng 7 khai mạc làm lễ dâng hương và các đoàn lễ của dân.
   Trong ngày lễ có lập đàn Mông Sơn thế tự, mở đầu, các sư sãi ngồi xung quanh tụng kinh gõ mõ, quanh kiệu bầy nhiều sản vật tế lễ, cúng xong cho chúng sinh cướp lộc.
   Hát sự tích Phật, kể về sự tích bà Thanh Đề. Khi sống làm nhiều điều độc ác, chết xuống âm phủ bị quỷ phạt nhục hình: “Chân đeo cùm cổ lại đóng gông - đậu đội chậu huyết lấy làm khổ nhục”. Thế rồi có con trai là Mục Liên hết lòng tu Phật pháp, lúc trong tay có nhiều phép thuật, đã phá ngục cứu mẹ đưa về cõi tiên.
   Theo các cụ kể lại, ngày xưa đến ngày mùng 7 tháng Ba hội chùa vui lắm. Đoàn rước kiệu pháp sư Từ Đạo Hạnh từ chùa Láng men theo bờ sông Tô Lịch, cờ thần rợp đất, phướn nhà Phật rợp trời tung bay trong gió, hoả bài, binh khí, lọng tía tàn vàng choáng ngợp, người rước và người xem hội đông như kiến. Suốt dải ven sông, tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng nhạc của phường bát âm rộn rã. Đoàn rước kiệu pháp sư Đại Điên cũng không kém, khiêng kiệu gồm 36 trai làng ăn mặc lộng lẫy, cờ phướn rợp trời, người rước người xem chật như nêm cối. Kiệu ngài cứ tiến ba bước lại lùi lại một bước theo nhịp trống chiêng vang dội. Khi cả hai kiệu đến điểm riêng của mình, thì pháo thăng thiên đua nhau nổ, bắn vào kiệu của nhau qua sông, trong tiếng reo hò vang dậy. Nhưng đấy là tượng trưng cho sự xung đột của hai vị thần, chứ người dân của địa phương thì rất đoàn kết, họ họp nhau trù bị từ trước để cùng tổ chức ngày hội mang tính lịch sử và huyền thoại cổ kính.
     Đọc thêm về chùa Duệ Tú ở đây:
http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?key=ch%C3%B9a+Du%E1%BB%87&type=A0
                                                                     Ẳnh: Nguyễn quốc Việt
Theo Lễ hội Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, 2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét