Ngày trước chưa có bức tường hoa thấp khuôn quanh đảo.
Đi qua Kính Tự Đình là tới khoảng sân nhà Tiền Tế, bên trái vẫn là bức tường thấp ngăn giữa sân và rìa đảo. Ở đây trồng nhiều cây Si, cây Đa lâu năm, rễ dài sát đất, cành lá um tùm khiến cả khoảnh sân nơi đây cho dù giữa trưa hè cũng vẫn cứ mát mẻ như đang ở Tam Đảo, Sa Pa vậy.
Trấn Ba Đình năm 1906 |
Vào khoảng năm 1947, Trấn Ba Đình bị Pháp bắn tan được làm lại theo nguyên mẫu. Tất cả các câu đối đều được phục chế lại trong khoảng những năm 1951 - 1952.
Trấn Ba Đình-Hồ Hoàn Kiếm nhìn từ đền Ngọc Sơn, Hà Nội 1896 - Trong hình tháp rùa có tượng Nữ thần Tự do ở trên đỉnh |
Trấn Ba Đình trước kia có một tấm bia gọi là Bài ký sửa lại miếu Văn Xương ( Trùng tu Văn Xương miếu bi ký ), hiện nay không tìm thấy bia này trong khu vực đền Ngọc Sơn nữa.
Bản dập của bia hiện nay ở trong kho dữ liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Phiên âm:
Hà thành Hoàn Kiếm hồ, Ngọc Sơn Văn Xương miếu, thiết lập tại Trấn Ba Đình nội.
Ký viết: Tạo thiết phi điểm xuyết tắc bất kỳ. Kết cấu phi tự nhiên tắc bất thắng. Hà thành Thăng Long chi cố đô, lịch duyệt danh tích, phủ ngưỡng cổ kim, đương như hà quán? Thành chi đông, Thọ Xương huyện, Hà Thanh thôn, hữu hồ viết Hoàn Kiếm. Hồ chi trung hữu đảo viết Ngọc Sơn. Sơn chi trung hữu miếu viết Văn Xương. Thiểm mỗ, phương tự Hưng Yên cải lỵ, ngộ Phương Đình Tử huề giai vãng, thả cáo chi viết: "Hoàn Kiếm cổ thậm đại, Lê Trung Hưng hậu luỹ thổ kỳ trung, vị liễn lộ, đạt Nhĩ Hà Long Lâu. Bán hồ chi hữu, danh Hữu Vọng, bán hồ chi tả danh Tả Vọng. Sơn ư Tả Vọng, trung tắc Điếu Đài xứ.Gia Long sơ thuỷ hữu Quan Vũ Đế miếu. Thiệu Trị gian hựu biệt miếu phụng Văn Vương Đế Quân. Cận giả mỗ sứ, Nguyễn quân Như Cát, phỏng hồ sơn, khái kỳ quy chế phác lậu, thả bất tu tương hoại, nghị quyên ti cải tác.
Vị cập hành, điều lãnh đông phiên. Nãi đại chủ kỳ sự. Đái khảo Thiên Quan thư, Đẩu Khôi Đới Khuông lục tinh viết: Văn Xương cung. Khôi hạ, lục tinh lưỡng lưỡng tương thử viết Tam Thai. Văn Xương, thực chủ thiên hạ văn minh nhi tây cận Văn Xương nhị tinh viết Thượng Thai.
Kỳ hạ nhất tinh chủ Kinh, Dương, Việt phận dã, khai tích dĩ lai ngã nhân văn, ca ư chư Hạ giả tượng như thử.
Tân miếu thành, tiền kế thuỷ vi Trấn Ba Đình, dĩ ngụ văn lan chỉ trụ. Tả Thê Húc kiều chi đông, khởi Nghiễn Đài. Hựu đông ư Độc Tôn sơn kiến Bút Tháp, dĩ tượng văn vật. Duyệt tam tứ đái, tạ quyên phí nãi tốt dịch, nguyện vi ký chi.
Ư duy: Văn Xương miếu mãn thiên hạ, kỳ giáo vị sứ nhân hướng thiện nhi dĩ. Nhiên nhân chi vi thiện, mạc yếu ư át nhân dục - tồn thiên lý, phi cầu phúc nhi phúc tự chí. Ngô nho chi giáo bỉnh tại kinh tịch, hà dĩ gia chư. Tự thế nhân vi Tử Đồng Đế Quân chi thuyết, nhi báo ứng luân hồi, thú chi nhật thịnh. Dục bạt tục vị dịch dã. Cố kỳ đống vũ quy mô, danh vật thể thế, quán văn dĩ ý khởi, tắc diệc dị hồ tục chi sở vi hĩ.
Tuy nhiên, hữu tạo thiết tự nhiên chi thắng, nhiên hậu hữu kết cấu điểm xuyết chi kỳ. Long thành cố phất miện chi khu, lăng cốc biến thiên, danh thắng nhân một. Hoài cổ tu nhi phúc chi, túc vi giang sơn sinh sắc. Thịnh suy chi các hữu kỳ cơ giả dư? Duyệt danh tích, khảo cổ kim, đương tác như thị quán.
Hà Nội án sát sứ Đặng Lương Hiên cẩn ký.
Thọ Tháp tú tài Vũ Tá Trứ thư.
Dịch nghĩa:
Bia đặt tại Trấn Ba Đình thuộc miếu Văn Xương, hồ Hoàn Kiếm thành Hà Nội.
Xây dựng mà không phải tô điểm thêm cũng không có gì lạ, thiết kế mà không tự nhiên thì không đẹp. Thành Hà Nội là cố đô Thăng Long xưa. Tìm hiểu các danh thắng, suy ngẫm việc xưa nay nên như thế nào?
Tại làng Thanh Hà huyện Thọ Xương phía đông thành Hà Nội, có hồ Hoàn Kiếm, trong hồ có đảo Ngọc Sơn, trong đảo có miếu gọi là Văn Xương. Tôi vừa chuyển từ Hưng Yên về lỵ sở gặp ông Phương Đình Tử ( Nguyễn Văn Siêu) rủ nhau thăm chơi. Ông nói rằng:" Xưa hồ Hoàn Kiếm rất lớn. Sau thời Lê Trung Hưng ( thời Hậu Lê1533-1788) chở đất về làm đường cho xe qua lại đến tận Long Lâu ở Nhị Hà. Nửa hồ bên phải gọi là Hữu Vọng, nửa hồ bên trái gọi là Tả Vọng, núi thuộc Tả Vọng trong có Điếu Đài. Đầu triều Gia Long có miếu thờ Quan Vũ Đế.
Khoảng niên hiệu Thiệu Trị (1802-1820) làm miếu khác thờ Văn Xương Đế Quân. Gần đây có quan Vũ Như Cát thăm hồ núi, cảm khái vì quy cách thô xấu mà không tu sửa thì sẽ đổ nát nên đề xuất quyên tiền làm lại, nhưng chưa kịp làm đã bị điều đi biên giới phía đông, nên tôi thay ông ấy chủ trương việc này".
Xem sách Thiên Quan, sáu sao Đẩu Khôi, Đới Khuông là cung Văn Xương. Sao Khôi ở dưới. Sáu sao của cung Văn Xương đôi một kề nhau gọi là Tam Thai.Văn Xương chủ về văn minh của nhân loại, phía tây gần Văn Xương là hai sao gọi Thượng Thai , dưới sao này là một sao ( Trung Thai ) chủ về phân định các vùng Kinh, Dương, Việt. Xưa nay nền văn minh của ta vẫn gần gũi với các nước quanh Hoa Hạ như vậy.
Miếu thờ mới đã hoàn thành, phía trước kề bờ nước, làm Trấn Ba Đình, ngụ ý là đảm đương trào lưu văn hoá lớn. Bên trái, phía đông cầu Thê Húc dựng Nghiễn Đài. Còn phía đông trên núi Độc Tôn xây Bút Tháp, tượng trưng cho nền văn vật. Qua ba bốn năm, dựa vào tiền quyên góp mới làm xong nên nguyện làm bài ký này.
Vốn đền miếu thờ Văn Xương có khắp trong thiên hạ đều nhằm dạy mọi người hướng thiện. Nhưng người làm điều thiện chỉ cần ngăn lòng ham muốn của mình, giữ lấy đạo trời, không cần cầu phúc mà phúc vẫn cứ đến. Đạo Nho ta sáng ngời trong kinh sách, không có gì hơn được.
Người đời theo thuyết Đồng Tử Đế Quân, càng tin vào luôn hồi báo ứng. Muốn trừ bỏ tập tục này không phải là dễ. Hướng vào ý nghĩa lớn lao của đền miếu, thấy tầm vóc cao cả của danh thắng, nhận ra sự sáng đẹp mà nâng cao ý thức, thế mới khác thói tục thông thường.
Dù sao đi chăng nữa, có cái đẹp tự nhiên tạo ra trước, rồi mới có cái lạ do con người tô điểm thêm. Thăng Long vốn là nơi địa linh rạng rỡ, qua bao thăng trầm biến đổi, danh thắng mai một dần. Nhớ đến dấu xưa mà khôi phục lại, mong giang sơn khởi sắc. Việc thịnh suy đều có vận hội của nó. Chiêm ngưỡng danh thắng, xem xét việc xưa nay nên nhìn nhận như vậy.
Án sát sứ Hà Nội, Đặng Lương Hiên kính cẩn làm bài ký.
Tú tài thôn Tự Tháp, Vũ Tá Trứ viết bia.
Chú giải:
- Đới Khuông: Theo Hán Thư. Thiên văn chí: 6 sao Đẩu Khôi Đới Khuông gọi là cung Văn Xương;
1- Thượng Tướng ; 2- Thứ Tướng ; 3- Quý Tướng ; 4- Tư Mệnh ; 5- Tư Lộc ; 6- Tư Tai.
-Tam Thai: 6 sao ở cùng nhau đôi một, với người gọi là Tam Công; với trời gọi là Tam Thai. Điều hoà âm dương, quản lý muôn vật.
-Văn Lan; Lan nghĩa là sóng cả( từ cổ ), văn lan là làn sóng văn chương lớn.
-Chiêm ngưỡng thắng cảnh Ngọc Sơn là thấy Trấn Ba Đình ngụ ý đảm đương trào lưu văn hoá lớn, xem núi Độc Tôn là thấy võ công hiển hách của cha ông, nhìn Bút Tháp là thấy tiềm năng trí tuệ, nền văn hoá tư tưởng Việt Nam rạng rỡ tương lai.
Trên bốn cây trụ đá của Trấn Ba Đình có hai đôi câu đối. Đôi câu đối này khắc trên hai trụ đá quay mặt vào đền:
Miếu mạo sơn dung tương ẩn ước
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi
Nghĩa là:
Dáng miếu hình non cùng ẩn hiện
Bóng mây ánh nắng cứ dùng dằng
Đôi câu đối này khắc trên trụ ngoảnh ra hồ:
Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy
Văn tòng đại khối thọ như sơn
Nghĩa là:
Kiếm ngậm khí thiêng ngời tựa nước
Văn hoà trời đất thọ như non
Đến đây ta bước tiếp tới khu đền chính Bái Đường..........
còn tiếp ..........
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét