Chùa Tam Huyền thuộc quần thể di tích chùa Láng (thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh), một quần thể ghi đậm dấu ấn Phật giáo triều Lý (1010 - 1225) dưới thời Vạn Hạnh - thời kỳ hưng thịnh của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hàng lan can dựng dọc bờ sông Tô bên kia, còn chùa giờ xa tít bên này.
Đây có lẽ là dấu vết còn sót lại của Tam Quan chùa khi xưa.
Ngõ vào chùa bây giờ thế này đây, nhếch nhác quá!
Cổng chùa hiện nay thế này đây
Kết cấu chùa hơi lạ, tầng một nếu không để ý kỹ lại tưởng lạc vào phòng họp phường.
Muốn lên lễ Phật bái Thánh phải đi theo cầu thang nhỏ bên góc trái nhà
Cột trụ hai đầu Tam Bảo
Khuôn viên trong chùa mà để những nơi nhếch nhác thế này sao.
Cạnh đó là nơi để thiêu hương, cạnh đống gỗ dỡ ra khi sửa chùa
Chùa Tam Huyền có lăng Thánh Phụ Từ Vinh, thân phụ của thiền sư Từ Đạo Hạnh, là vị Thiền sư nổi tiếng thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127) thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam. Thánh Phụ Từ Vinh giữ chức Tăng quan đô sát, vì có điều xích mích với Diên Thành Hầu nên Diên Thành Hầu nhờ sư Đại Điên (hiện nay thờ tại chùa Duệ Tú – thôn Tiền, phường Dịch Vọng, đường Nguyễn Khánh Toàn, sau khi qua cầu khoảng 100 m rẽ trái vào ngõ Duệ, quận Cầu Giấy) dùng pháp thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Tương truyền xác gồm 3 khúc: khúc đầu trôi dạt vào địa phận xã Nhân Mọc Cựu. Còn thân mình thì trôi dạt mãi tới địa phận thôn Pháp Vân (tục gọi là Kẻ Vân) xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì. Trong dân gian hiện vẫn lưu truyền câu ca dao: “Mọc cựu thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ khúc giữa” ý nói về ba làng dọc bờ sông Tô Lịch thờ Đức Thánh Phụ Từ Vinh.
Lăng Thánh mà xây điêu chác hoang tàn như vậy là sao
Hội trường tầng một, bên cạnh lăng thờ Thánh!
Năm Bính Ngọ (1726) tức năm Bảo Thái thứ 7 đời Lê Dụ Tông (1705 - 1729), Lân Giác thượng sĩ Trịnh Hợp, còn gọi là Trịnh Thập (1690 - 1733), em ruột của An Đô vương Trịnh Cương (1686 - 1729), sơ Tổ dòng Thiền Lâm Tế Đàng Ngoài (Tế Trúc song hành), dựng chùa Liên Tông( sau đổi thành Liên Phái) trên khu đất dinh thự của mình mà lập tổ đình của dòng Thiền. Ngài là bổn sư của hai vị đệ tử Trí Cư và Trạm Công. Sư Trí Cư được truyền đăng tại chùa Liên Phái với pháp hiệu Tích Dược tổ sư. Còn sư Trạm Công về trụ trì tại chùa Sùng Phúc với pháp hiệu Tính Tuyền. Hai vị đều thuộc thế hệ thứ hai của dòng Thiền Lâm Tế Đàng Ngoài.
Chẳng biết cổ hay không, đây đâu phải chỗ để chuông ( gầm cầu thang lên tầng hai, nơi thờ tự chính)
Sư Trạm Công Tính Tuyền đã xây dựng tam quan chùa Sùng Phúc nhìn xuống dòng sông Tô Lịch lững lờ trôi trước cửa chùa, cổng giữa mang dòng chữ “Tam Huyền môn” và từ đó, ngôi chùa Sùng Phúc được gọi là chùa Tam Huyền.
Sau khi lên đến tầng hai, rẽ trái là khu thờ Phật và Thánh Phụ,dãy nhà ngang bên phải cùng tầng là khu thờ Đức Thánh Trần
Hành lang khu thờ Đức Thánh Trần
Sắp xếp ở đây vô cùng lộn xộn, Ban thờ Tổ lại đặt chung với Ban Mẫu, hơn thế nữa còn ở chính giữa.
Ban thờ Đức Thánh Trần
Ban Thờ Tam Tòa Thánh Mẫu bị đẩy vào góc, bên trái sát tường là Ban Ngũ Dinh Quan Lớn, mà theo thông lệ bao giờ cũng ở dưới chính giữa ban Công Đồng.
Cái đám hoa quả nhựa kia để đấy làm gì thế không biết.
Năm Bính Thìn (1736) tức năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời Lê Ý Tông (1735 - 1740), sư Trạm Công Tính Tuyền vâng sắc chỉ nhà vua sang Trung Quốc thỉnh kinh. Nhà sư đã đến núi Đỉnh Hồ, bái yết hoà thượng Kim Quang, thỉnh được nhiều pho kinh Phật. Trước khi lên đường về nước, do sư Trạm Công Tính Tuyền rất mực thông tuệ và có tài ứng đối nên vua Càn Long sắc phong sư Trạm Công Tính Tuyền là “Lưỡng Quốc Hoà Thượng”. Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng đây là nhà sư đầu tiên của nước ta được mang danh hiệu cao quí này.
Tất cả hầu như đều xây mới, to đẹp nhưng không hòa nhập với cảnh quan xung quanh
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, chùa Tam Huyền đã bị thiên nhiên và nhất là con người tàn phá. Tam quan chùa mang dòng chữ Tam Huyền môn chỉ còn lại những mảng nhỏ. Lăng thánh phụ cũng đã bị chiếm dụng xây cất nhà ở, làm mất vẻ trang nghiêm cổ kính của một cổ tự.
BAN THỜ THÁNH PHỤ được thờ trang trọng ngay chính điện
Năm 1990, chùa Tam Huyền dần dần được phục hồi tu sửa, cảnh quan ngày một khởi sắc nhờ sự quan tâm và lòng nhiệt tình của nhân dân và chính quyền địa phương.
Tháng Chạp năm 1992 có hội rước hòm sắc, tượng thánh Từ Vinh trở về chùa Tam Huyền. Năm 1996, hai cánh am được trả lại. Từ năm 1992 đến 1997, chùa kiến thiết được 86m2 nội thất.
Chùa toạ lạc ở đất thôn Thượng thuộc Mọc Thượng Đình nhưng do sự sắp xếp của chính quyền nên vẫn do phường Hạ Đình quản lý. Trường hợp này cũng giống như chùa Hoa Lăng nằm trên đất của Dịch Vọng nhưng lại do phường Quan Hoa (thị trấn Cầu Giấy xưa) trông nom.
Mọc Thượng Đình ngày xưa có những di tích: nghè Cầu Đất (khu nhà máy thuốc lá Thăng Long), nghè Giá Tó (khu nhà máy cơ khí Hà Nội), am phụ thân Thánh Láng, khu văn chỉ hàng tổng (xóm Tiền). Làng có 8 giáp (mở hội vào ngày 9 tháng Giêng và 2 tháng Chín): giáp Ngõ Tổ, giáp ngõ Tiên, giáp Nội Ngô, giáp Nội Đậm, giáp Trung Nhất, Trung Nhị, giáp Ngõ. Đình Thượng thờ Đông Hải đại vương (Đoàn Thượng), còn chùa Tam Huyền thờ Từ Vinh. Ngoài nghi lễ, hội có vật tay, chọi gà, đấu roi (hai người). Riêng hát chèo là kiêng kị. “6 tháng Ba thăm cha, 7 tháng Ba thăm mẹ, 8 tháng Ba thăm bà vú”. Hội chùa Tam Huyền nằm trong hệ thống hội với chùa Láng, chùa Hoa Lăng, chùa Nền… Ở đây có cuộc thi thổi xôi của 4 giáp khá sinh động. Tiêu chuẩn gạo nếp quýt giã sàng sảy kỹ, phải dùng đũa son để gẩy từng hạt sao cho hạt gạo nếp bóng đẹp. .. 4 giáp thổi xôi thi chọn lựa đưa 4 mâm xôi để thi chấm. Các vị quan viên viết giấy bản đánh dấu kín đáo vào từng mâm xôi. Có 3 vòng chấm để phân loại do các chánh phó hương hội làm Giám khảo. Giải nhất 3 phẩm oản to, giải nhì 2 phẩm, giải ba 1 phẩm…
Thi xong cho người dự hội vào véo xôi lấy khước về cho con cháu… Chỉ vài hồi trống hội là hết sạch mâm xôi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc trong “Khảo tả Hội Láng” trên tạp chí Dân tộc học (1982) có nhận xét: “Hội Láng 15 năm mới mở 1 lần, thường là năm được mùa… Cao trào chính là ngày 7 tháng Ba. Thuở đó hễ năm nào mở hội thì cuối tháng Hai làng xóm đã náo nức. Chức dịch thì lo bổ bán các chân ông Lịnh, thủ hiệu… Đền, đình thì lo quét dọn cho phong quang. Riêng ông Lịnh, người điều khiển đám rước càng lo tập hợp hai bộ Đô (khiêng kiệu). Bộ Ngai gồm 18 người đều đang có tang (ngụ ý để tang thánh phụ Từ Vinh). Bộ này khiêng kiệu chùa Cả lên cống Cót, độ hà qua sông Tô. Tới bờ bên kia thì sang vai cho bộ Nội, bộ Nội khiêng kiệu lên chùa Ba Lăng (Hoa Lăng) làm lễ rồi trở về. Đường xa nên bộ Nội có 36 đô (18 dự bị). Mồng 5 tháng Ba rước kiệu thăm chùa Nền (nơi Thánh Láng ra đời). Mồng 6 tháng Ba thì kiệu xuống chùa Tam Huyền thăm cha. Hai ngày này chỉ rước bát nhang không rước tượng. Chỉ năm nào đại hạn mới rước tượng, ý giả cầu cho làm mưa. Câu tục ngữ dân gian lưu truyền: “Nắng ông Từ, mưa ông Gióng” vì hội Gióng vào ngày 9 tháng Tư có mưa giông; còn hội Láng thờ ông Từ Lộ vào ngày 7 tháng Ba thường là nắng hạn…Kỳ hội Láng cuối cùng là vào năm 1943 tức năm Mùi, nhiều cố lão còn nhớ được”.
Theo Lễ hội Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, 2001
http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel/222/2010/04/5210/#yLPUqAoNee11
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét