Hồ Tây -Cổ Ngư đường -con đường dạo mát của dân Hà Nội những chiều hè oi bức ,nơi tự tình của những cặp tình nhân đến để thề non hẹn biển.
Mùa hè cả ngày nườm nượp khách du ngoạn cảnh Hồ ,kể cả những tháng mùa đông giá rét ,trời trĩu nặng mây đen ,sóng vỗ dạt dào nước xô bờ bọt tung trắng xóa .
Đối với người Hà Nội ,Hồ Tây còn hấp dẫn vì bản thân nó là vùng đất đầy huyền thoại lịch sử .Theo truyền thuyết địa điểm Hồ Tây là nơi có núi đất ,núi đá ,có hang động ,có rừng Lim ,Bàng già ,nơi mà Kim Ngưu lồng chạy từ Tiên Du đến bờ Nhị Hà quẫy đào biến đất bằng thành hồ nước .Hay do Hồ Ly đặt sào huyệt trong hang hốc nơi đây quấy nhiễu dân lành khiến cho Thánh Trấn Vũ phải ra tay tiêu diệt ,phá tan hang ổ yêu tinh biến thành một dải hồ lớn mênh mông nay gọi là Hồ Tây.
Thời Lý Trần ,Hoàng thành ở kế liền Hồ Tây thì đây trở thành nơi du ngoạn của tầng lớp vương tôn quý tộc ,thương nhân giàu có cần chốn vui chơi .Đầu thế kỷ XI .triều Lý dời đô đến Thăng Long ,bắt đầu từ đấy xung quanh Hồ Tây mới có nhiều công trình xây dựng đẹp đẽ .Thủa ấy hồ có tên là Dâm Đàm nghĩa là đầm sương mù ,các làng ven hồ mọc lên nhiều Ly cung ,Biệt viện của Vương hầu, Công tử ,tư thất của đại thần trong triều .Một số hành cung đã đổi thành nơi thờ Phật cho các Công chúa , Phi tần khi tuổi già dốc tâm mộ đạo .Thời Lý Thánh Tông trên đảo Kim Ngư có hành cung gọi là cung Thúy Hoa ,sau là chùa Trấn Quốc ; con gái Lý Nhân Tông là công chúa Từ Hoa có hành cung ở Nghi Tàm sau là chùa Đống Long .Phật giáo và Đạo giáo cùng thịnh ở đời Lý và Trần ,đền Trấn Vũ cũng gọi là quán Trấn Vũ là nơi tu luyện của các đạo sĩ.
Những di tích từ đời Lý - Trần đó nay không còn tồn tại được mấy, hoặc có còn thì cũng hư hỏng hoặc tu sửa dưới thời Hậu Lê, không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Sử sách ghi chép cũng không thấy còn lại nhiều.
Cuối thời Hồ (đầu thế kỉ 15) giặc Minh chiếm đóng Thăng Long - khi ấy đã đổi tên là Đông Đô - hơn hai mươi năm. Rồi Lê Lợi quét sạch được bóng quân thù, xây dựng lại đất nước, Thăng Long được phục hồi nhanh chóng. Trong thời Lê Sơ, Hồ Tây vẫn giữ được địa vị cũ là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi chính của kinh thành. Song cảnh sinh hoạt cố giữ được thanh cao và cần cù đã đậm đà trần tục xa hoa đồi trụy của đám người quyền quý. Lê Tương Dực (1509-1516) - Ông vua Lợn - ngoài những công trình xây dựng to lớn trong Hoàng Thành như Cửu Trùng Đài do Vũ Như Tô làm đốc công( Cửu Trùng Đài chưa xây xong đã bị phá ,Vũ Như Tô bị giết do dân phu nổi dậy ) còn sai sửa sang hành cung Dâm Đàm làm chỗ nghỉ mát. Sử sách còn chép cảnh bơi thuyền dưới trăng của Tương Dực; y bắt các cung nữ trút bỏ váy áo, ở trần để phục vụ và chèo thuyền giả làm tiên nữ trong cảnh mê li nào đó!
Sang đời Mạc, vua Mậu Hợp dựng thêm cung điện nghỉ mát ở Quảng Bá; việc hưng công Viện Nghinh Xuân đã bắt hàng ngàn lao động phục dịch chuyen chở gỗ đá, nung gạch ngói, làm đến hàng năm mới xong. Chiến tranh Trịnh - Mạc, hai phen Thăng Long là bãi chiến trường, lâu đài cung điện của họ Mạc bị phá hủy chẳng còn gì.
Đến thời vua Lê chúa Trịnh. vua Lê chỉ có hư vị, triều đình mất địa vị độc tôn thì Hoàng Thành cũng trở nên tiêu điều. Mọi người quay sang xu phụ xung quanh Phủ Liêu. Phủ Chúa Trịnh xây dựng ở phía đông nam Thăng Long gần Hồ Gươm; nơi đó trở nên sầm uất và bắt đầu có nguyệt đài. thủy tạ, lầu các để chúa Trịnh ngự chơi. Khu Hồ Tây trở nên xa lánh.
Xa lánh nhưng vẫn là nơi để rong chơi thứ hai, gọi là Bắc cung. Phạm Đình Hổ viết trong Vũ trung tùy bút, Nguyễn Án viết trong Tang thương ngẫu lục cũng kể chuyện chơi trăng Rằm tháng Tám của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Săm năm Giáp Ngọ (1774): "Sắp đến tết Trung thu, chúa sai xuất gấm trong kho làm đèn lồng hàng trăm chiếc, giá đến mấy chục lạng vàng. Ngày hôm đó, chúa ngự lên ly cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ, binh lính hầu chung quanh vòng bốn mặt. Dưới là hồ sen, trên bờ trồng phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hoặc ẩn ở bóng cây bến đá nào đó, tấu nhạc. Bọn nội giám đầu bịt khăn mặc giả làm đàn bà, bày bán các thứ hoa quả bánh trái bách hóa ở trên bờ hồ. Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán như các cửa hàng mua bán trong chợ... " Đúng là cảnh chợ phiên (kermesse) của thời Tây sau này cũng tại địa điểm cạnh hồ Trúc Bạnh những năm ba mươi "vui vẻ trẻ trung" của thế kỷ 20.
Những chuyện về Hồ Tây không phải chỉ có cảnh đi dưỡng tinh thần cuộc sống tu hành, con người trở về với thiên nhiên, hoặc trái lại. nhưng buổi hoan lạc mượn cớ chốn thần tiên, Hồ Tây còn để lại những chuyện bi đát của những nạn nhân của chế độ phong kiến. Ở bên bở hồ Trúc Bạch, tại thôn Trúc Yên, tương truyền có tòa ly cung gọi là Trúc Tâm Viện. Chỗ đó là nơi giam hãm những cung nhân bị thất sủng, họ bị đưa vào đây ở, phải tự lao động để sinh sống bằng đôi bàn tay chăn tằm dệt lụa chờ ngày được tha về với gia đình. Viện Trúc Tâm đã để lại tên cho hồ Trúc Bạch.
Hồ Tây trước đây có nhiều sen ,về mùa Hạ ,ven bờ hồ sen mọc kín ,lá xanh rờn ,hoa đỏ bát ngát ,gió đưa hơi mát hương thơm lừng .Tháng 6-tháng 7 ,ở chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh người ta bán từng gánh lớn hoa sen cho các bà hàng phố mua hoa lấy nhụy ướp trà .Khi mùa Thu sang cùng với lá sen già gói cốm làng Vòng đẹp mắt ngon miệng vì hương sen ,hương cốm quyện lấy nhau ,người ta còn bán từng mẹt hạt sen chưa bóc vỏ đen nhánh mà ta có thể mua về làm thuốc ,thức ăn ,nấu chè .
Cùng với sen là cà cuống ,trước kia Hồ Tây cà cuống nhiều vô kể nguời dân ven hồ đi bắt về bán nguyên con hay khêu lấy bầu hương cà cuống bán từng lọ con làm gia vị ,những bữa cỗ ,nhân bánh chưng ,bún thang mà nhất là bánh cuốn Thanh Trì mà không có thứ gia vị đặc biệt này thì vị ngon giảm đi quá nửa .
Không chỉ có vậy .đặc sản Hồ Tây còn vịt trời ,cốc đen ,chim ngói ,cá chép ( có hai loại là
mình đỏ và mình trắng ),
nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến chim sâm cầm ,đây là loài chim di cư .sắp đến mùa rét thì chim từ phương Bắc bay về từng đàn hàng vạn con,chúng thường lấy Hồ Tây làm nơi trú ẩn ,tập trung ở góc bờ phía làng Nghi Tàm -Quảng Bá vì có nhiều cây ( chủ yếu là ổi găng ,ngon nổi tiếng nhưng nay đang mất dần vì đất để xây nhà hàng ,khách sạn ,nhà nghỉ sinh lợi nhiều hơn ) ,kín gió bắc và lặng sóng .Chim có tên như vậy vì tương truyền nó ăn rễ sâm ở phương Bắc nên thịt nó thơm và bổ .Đặc biệt còn món bánh tôm Hồ Tây .
Thập niên 80-90 thế kỷ XX ,trên mặt nước Hồ Tây có mấy chiếc nhà thuyền vừa là nhà hàng khách lên đây ăn vừa mát mẻ ,yên tĩnh lại có thể thưởng thức đặc sản của Hồ ,nổi tiếng nhất là Du thuyền Hồ Tây của công ty TOSERCO Hà Nội ,khi đủ khách nhà tầu sẽ tách bờ chạy một vòng quanh Hồ ,thực khách tha hồ ngắm cảnh nhất là vào ban đêm ,nhưng hiện nay đã bị dẹp vì lý do ô nhiễm ?
Xung quanh Hồ hiện nay đã được làm đường sát bờ để thuận tiện cho việc ngắm cảnh đồng thời bảo vệ chống lấn chiếm lòng hồ như nhiều năm về trước ,nhờ thế ,các làng ven Hồ cũng thay đổi ,không còn xập xệ lúi xùi như trước .
Nhưng các bạn nếu muốn dạo chơi quanh Hồ Tây chớ dại ngồi vào ghế đá nhé vì đám bán hàng quanh đấy đã đánh dấu thế này ,nếu bạn lỡ ngồi vào mà không mua hàng thì sẽ bị chửi đấy ,tệ quá ,xấu hổ không tả nổi
vì thế đôi bạn trẻ này đành ngồi trên xe cho nó lành !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét