Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

TRANH ĐÔNG HỒ - III


Bức tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng, trên tranh không có thơ nhưng bài thơ sau của Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức lại được truyền tụng:
Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi
Đỗ cao cưới vợ tiếng rầm trời
Chú mèo vừa mớ nghiêng đầu ngó
Lễ cá sai quân đệ tới nơi.
Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức còn có đôi tranh, bức thứ nhất đề: “cử chỉ hữu cương thường”, một ông lão nói với chàng trai:
Tre già dẻo đã có thì
Còn phần tràng trực để tuỳ người sau

bức kia là “kim ngân hoá luật lệ” và câu thơ:
Lệ luật thì giáp là trên
Kim ngân hoá ất vượt lên ai bì
(Hai bức này được in nét rồi tô màu bằng phẩm )
Ngày nay trẻ em được biết chuyện trê cóc qua phim hoạt hình, còn ngày xưa bọn trẻ được nghe ông bà kể lại, đồng thời được chơi Tranh trê cóc. Ở một bức, cóc đệ đơn lên thái phủ (cá chép), xung quanh trê (lý dịch) có một bầy cá, tôm, cua, ốc - xem ra có vẻ ủng hộ trê, chống lại cóc. Cóc không nản chí, tuyên bố (chữ trên tranh):

Giỏ ai quai nấy giành giành
Giương vây thích ngạnh tranh hành chẳng xong.
Trên bức kia, trạng sư, thông ngôn, hội đồng (chữ trên tranh) đều họ nhà ếch nhái cả. Trạng sư phán quyết:
Đánh thầy gửi trả hội đồng
Đứt đuôi nòng nọc thời công viên thành.
Bầy cá, tôm trong tranh rất sinh động là nguồn cảm hứng cho nghệ nhân Niền Năng sáng tác bài thơ sau, mỗi câu có vài loài cá:
Vượt vũ môn
Tôm tép xem ra cũng hội đồng
Xôn xao cân cấn với đòng đong
Trôi chày đỏ mắt nằm trông nước
Trê sộp đen lưng núp dưới dòng
Rô nọ chờ mưa lên đỉnh núi
Mè kia đợi nước vượt ra sông
Bể khơi những muốn vươn mình trắm
Cửa vũ vùng lên chép hoá rồng.
Cùng thời với nghệ nhân Nguyễn Thể Thức còn có nghệ nhân Vương Ngọc Long (1887-1944). Cụ dạy chữ nho nên thường được gọi là cụ đồ Long. Cách làng Đông Hồ chừng 1 km có một đồn Tây (hiện nay mấy cái lô cốt vẫn còn). Lính Tây thường từ đây đi lùng sục vào các làng nhũng nhiễu dân chúng. Thế nhưng những dịp tết Tây chúng lại tổ chức hội hè có cả các trò chơi cổ truyền của ta như Múa lân, Rước rồng, và cả những trò chơi mới như Leo cột mỡ, Liếm chảo...Cụ đồ Long đã sáng tác các bức: “Cóc Tây múa kì lân”, “Chuột Tầu rước rồng vàng”. Cụ đồ Long là một trong những tác giả đầu tiên đưa chữ quốc ngữ lên tranh Đông Hồ. Cóc và chuột là những con vật trong tranh cổ Thầy đồ cóc và Đám cưới chuột nay được gán cho Tây, Tầu! (đôi tranh này cũng được in nét, tô màu).

Cũng thời kì này, cụ Long còn sáng tác hai bức “Văn minh tiến bộ toa tăng xương- phong tục cải lương moa tăng phú” nghĩa là: Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận; Phong tục thay đổi, tôi cóc cần”. Tiếng tây bồi, viết bằng chữ nôm - thật thú vị.
Vẽ tranh chưa bày tỏ hết được cảm xúc của mình thì làm thơ. Xem tranh, cảm xúc dâng tràn - cũng làm thơ. Nhà thơ Hoàng Cầm (quê ở làng Lạc Thổ, cùng xã với làng Đông Hồ) viết
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy Điệp”
Còn những người nông dân quê mùa thì truyền khẩu:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh”.
PHK
(1) Hiện nay ở làng Đông Hồ không có bức tranh “Nghinh xuân”. Căn cứ vào các tư liệu sưu tầm được tôi phục chế lại bức tranh này và bức “Nhật minh tam tác thụy” (PHK).
*Bài khảo cứu do nhà giáo Phùng Hồng Kổn, giáo viên dạy Toán ở trường THPT Phan Đình Phùng Hà Nội, gửi riêng để tặng bạn đọc Nguyễn Xuân Diện-blog.Xin chân thành cảm ơn tác giả và hân hạnh giới thiệu với chư vị!
Sưu tầm từ:http://nguyenxuandien.blogspot.com/2011/01/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét