Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

ÁN CÒN PHIẾN SÁCH, TRIỆN CÒN HƯƠNG


Sáng nay, cha con tôi thắp hương vòng lên tất cả các ban thờ, nhớ đến bài khảo cứu về "triện hương" của nữ sĩ Kim Anh, xin gửi lên đây chia sẻ cùng chư vị:

Về nghĩa của từ "triện hương" trong thơ Nôm
Kim Anh
"Triện Hương” là một từ hay xuất hiện trong thơ Nôm thời trung đại, thường được dùng để mô tả cuộc sống thanh khiết của các tao nhân, mặc khách, nho sĩ, người ẩn dật… chẳng hạn:
Song có hoa mai trì có nguyệt,
Án còn phiến sách, triện còn hương.
(Tự thân
12 - QATT)(1)
Thư trai vắng vẻ cảnh ngày nhàn,
Một quyển Hy kinh, một triện hương.
(Tức sự
3 - QATT)(2)
hoặc:
Thi nhân khi ấy chi làm bạn
Một triện trầm hương một chén chè.
(Lại vị cảnh hè - HĐQATT)(3)
Vật “triện hương” là gì ?
Các nhà nghiên cứu lần lượt chú thích như sau:
1. “Triện hương”: bánh hương hình chữ triện. Theo Hương phổ, những người hiếu kì dùng các thức có chất thơm tán thành bột rồi đem bột ấy chế thành một thứ hương hình chữ triện (chữ triện, chữ lệ). Thứ hương này có thể thắp được suốt một ngày một đêm”. (Xem Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm trong Quốc âm thi tập, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956).
2. “Triện: lò hương, vì nắp có khắc hình chữ triện, có lỗ hở ở giữa các nét chữ để khi đốt hương cho khói bốc qua cho nên gọi là triện hương” (Xem Đào Duy Anh trong Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd).
3. “Triện: lò đốt hương (vì có nắp thông khói trổ theo hình chữ triện) nên gọi là triện hương, hoặc chỉ cái giá đeo hương vòng làm theo hình chữ triện” (xem thơ văn Nguyễn Trãi (tuyển), Sđd).
4. “Hương hình chữ triện, làm bằng gỗ trầm thơm. Theo sách Hương phả chép thì người hiếu kì thương dùng các thứ gỗ có chất thơm để chế một loại hương hình chữ triện, đốt trong Hồng Đức quốc âm thi tập, Sđd).
Theo trên, ta có ít nhất ba cách giải thích về “triện hương”:
1- Bánh hương hình chữ triện;
2- Lò hương có nắp trổ hình chữ triện;
3- Giá đeo hương hình chữ triện.
Vậy cách giải thích nào gần với sự thật ?
Tôi trong khi đọc sách của Phạm Đình Hổ - một học giả có tiếng ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, thấy ông giải thích hai chữ triện hương trong bài khảo về hương như sau, xin trích dẫn ra đây để bạn đọc cùng tham khảo:
“Hương có nhiều loại, không loại nào giống loại nào. Loại thường dùng là chứ hương, triện hương và tuyến hương (…) Triện hương là nấu sắt thành khuôn, chạm khắc nét chữ triện, nén mạt hương theo nét chữ, đốt lửa ở nét đầu của chữ triện, khiến cho hương cứ theo nét chữ mà cháy. Điều này lược thấy trong sách Thành kim đạo sinh nhập tiên của họ Thạch. Sách Đối liên tập của Trung Quốc có câu: Hương yên triện, xuất bình an tự (khói hương theo hình chữ triện “bình an” của bánh hương mà bốc lên) thì ý của câu này cũng như vậy. Có người giải thích khói hương bay lên thành hình chữ triện là nhầm. Vế dưới của câu đối là: Đăng diệm trang thành phú quí hoa (Lửa đèn tô điểm thành hoa phú quí). Bởi hoa mẫu đơn là hoa phú quí. Hoa mẫu đơn còn gọi là song đầu, trùng đài, ngọc lâu, vì nhụy hoa vươn lên tầng tầng lớp lớp. Phàm trong nhà có hoa đèn phun châu tầng tầng lớp lớp tất có điềm lành lớn. Tác giả lấy đó kết thành câu đối, cấu tứ rất khéo mà sự thực về hương nhân đó có thể xét được vậy”(4).
Qua đoạn trích dẫn trên, có thể thấy cách giải thích hai chữ “triện hương” là “Bánh hương hình chữ triện” của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm là đúng.
1. Thơ văn Nguyễn Trãi (tuyển), Nxb. Văn học, H. 1980, tr. 205
2. Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ 2, Nxb KHXH, H. 1976, tr. 438.
3. Hồng Đức quốc âm thi tập, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 41.
CHÚ THÍCH
1. Thơ văn Nguyễn Trãi (tuyển), Nxb Văn học, Hà Nội, 1980, tr. 205
2. Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ 2, Nxb. KHXH, H, 1976, tr.438.
3. Hồng Đức quốc âm thi tập, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 41.
4. Xem Quần thư tham khảo, Q2, tờ 34 - 35. Sách của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.487. Nguyên văn: “Kì loại bất nhất, sở thường dụng giả viết chú hương, viết triện hương, viết tuyển hương(…) Triện hương giả, dung thiết vi phạm, chú khắc triện văn, trấn hương mạt ư trọên văn, điểm hỏa ư triện văn chi thủ hoạch, sử chi trục hoạch nhiên hương, lược kiến ư Thạch Thị thành kim đạo sinh nhập tiên giả, thị giã. Nội địa Đối liên tập hữu vân: “Hương yên triện xuất bình an tự, kì ý diệc nhiên. Hoặc nhận yên phi thành triện văn giả, ngộ giã. Hạ cú đốt vân: “Đăng diệm trang thành phú quý hoa”. Cái mẫu đơn chi phú quý giả mẫu. Mẫu đơn hoa hữu song đầu, hữu trùng đài, hữu ngọc lâu, hoa nhụy chi thượng, tằng tằng đôi khởi. Phàm nhân gia đăng hoa phún châu tằng tằng đôi khởi giả, tất hữu cát khánh. Tác giả sĩ thử kết đối, cấu tứ thậm xảo nhi hương chi sự thực nhân khả khảo giã.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2-1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét