Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THÁP BÀ NHA TRANG VÀ LƯỢC SỬ CHIÊM THÀNH - IV

Lược Sử Champa
Lịch sử Chiêm thành đầy rẩy can qua chinh chiến với các lân bang từ khi lập quốc. Xem lại sử ta thấy rằng năm 111 trước CN vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang diệt nhà Triệu lấy nước Nam Việt đổi lại thành Giao chỉ bộ, và chia ra làm 9 quận mà 3 quận phía nam là Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam bao gồm đất Bắc Việt và bắc Trung Việt ngày nay, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc của nước ta. Sách Khâm Định Việt Sử chép rằng phía nam quận Nhật-nam có huyện Tượng-lâm (khỏang Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam bây giờ), vào năm 102 đời vua Hòa-đế nhà Đông Hán, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá quận Nhật-nam. Đến cuối đời nhà Hán, khoảng năm 192 ở huyện Tượng lâm có người tên Khu-Liên giết huyện lệnh đi rồi tự xưng làm vua, đặt tên nước là Lâm Ấp (Lin Yi: Ấp của dân Tượng lâm). Thực ra chữ Khu-Liên không phải là tên, mà là tiếng xưng tụng như "thủ lãnh". Dòng dõi Khu-Liên thất truyền nên cháu ngoại là Phạm-Hùng (ta dịch âm từ Fan Hiong trong sử Tàu; mà Fan lại âm theo Varman của tiếng Chàm) lên nối nghiệp.
Ban đầu thiø lãnh thổ Lâm Ấp còn gọi là Indrapura, là vùng từ phía nam đèo Ngang, cạnh sông Gianh, đến hết vùng Amaravati (Quảng nam ngày nay). Tiếp đến trở xuống là các vùng tự trị của các tiểu vương như Vijaya (Bình định), Aryaru (Phú yên), Kauthara (Khánh hòa) và Panduranga (Bình và Ninh thuận). Có nhiều tác giả cho là lãnh thổ của Lâm-Ấp bấy giờ chỉ đến đèo Hải Vân mà thôi. Điều này không đúng, bởi vì những bia ký ở thánh địa quan trọng Mỹ sơn - Srisanabhadresvara (nằm cách Đà nẵng hiện nay về hướng tây nam khoảng 70 km) đã ghi là thánh địa thờ thần Bhadresvara, là thần chủ giang sơn Chàm, do vua Lâm Ấp là Phạm Phật (Bhadravarman, trị vì từ 349 - 361) dâng cúng. Nhiều bia đá ở Mỹ Sơn đã cho biết khá nhiều về giai đoạn lịch sử ban đầu của Lâm Ấp.
Theo thời gian, Phù Nam (Fu-nan), một vương quốc ở phương nam hoàn toàn theo văn minh Ấn Độ - tồn tại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6 tại vùng đồng bằng sông Cữu Long bây giờ, đã từng triều cống Trung Hoa trong khoảng thời gian từ năm 253 đến năm 519, và có cảng Óc Eo rất nhộn nhịp - mạnh dần và thôn tính Kauthara (Khánh hòa) và Panduranga (Bình và Ninh thuận). Còn Vijaya (Bình định) thì thuộc về Lâm Ấp. Vùng Aryaru (Phú yên) trở thành vùng trái độn.
Suốt thời Tam quốc sang đến nhà Tấn người Lâm ấp vẫn thường sang quấy nhiễu quận Nhật nam, có khi tiến đánh đến quận Cửu chân nữa. Năm 353 đời vua Mục đế nhà Đông Tấn sai quan thứ sử Giao châu là Nguyễn Phu đánh bại vua Lâm Ấp là Phạm Phật (Bhadravarman) phá hủy hơn 50 đồn lũy. Năm 399 vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt lại đánh phá đến tận Giao chỉ bị quan thái thú Đỗ Viện đánh đuổi. Năm 413 lại tái diễn, nên năm 420 con của Đỗ Viện là Đỗ tuệ Độ phải kéo quân sang tiểu trừ tận đất Lâm Ấp, từ đó ngưới Lâm Ấp mới chịu hàng phục cống tiến Trung hoa hàng năm.
Sang đến thời loạn lạc Nam Bắc triều ở Tàu (420-588) thì nhà Nam Tống cai trị đất Giao châu. Năm 433 vua Lâm Ấp Phạm Dương Mại cho sứ sang Tàu xin làm chủ đất Giao châu, vua Tống không thuận, nên quân Lâm Ấp luôn sang quấy phá Nhật nam và Cửu chân. Vua Tống sai quan thứ sử Đàn hòa Chí đem quân sang đánh Lâm Ấp, tàn phá kinh đô Trà Kiệu (Đồng dương, Quảng nam bây giờ) và lấy được vô số vàng bạc châu báu. Sử chép Đàn Hòa Chí thu được một tượng bằng vàng nặng đến nổi mấy người khuân không xuể.
Cuối thế kỷ thứ 5 ảnh hưởng của Lâm Ấp mở rộng về phía tây đến Nam Lào (Champassak), nhưng đầu thế kỷ thứ 6 thì vùng này lọt vào tay người Khmer (Chân lạp), lãnh thổ Lâm Ấp bành trướng đến đèo Cù mông (Phú yên). Người ta đã tìm thấy tấm bia Vat Luang Kau gần chùa Vat Phou (Champassak, nam Lào), cho biết là vào thế kỷ thứ 5, biên giới Chiêm Thành mở rộng đến bờ sông Mekong.
                                                          Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét