Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THÁP BÀ NHA TRANG VÀ LƯỢC SỬ CHIÊM THÀNH - III

Các Bia Ký Lịch Sử
Khu tháp Bà còn lưu lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chàm. Bergaigne, một nhà khảo cứu người Pháp đã liệt kê các bia ký theo thời gian như sau: Nhóm A: trên bia đá hình lục giác, do vua Satyavarman dựng năm 781 ghi chuyện tháp bị giặc biển đốt phá năm 774, việc xây dựng tượng thần Sri Satya Mukhalinga vào năm 784. Nhóm B: do vua Vikrantavarman III ghi lại công lao xây dựng của các tiên vương. Hai nhóm C và D: do vua Vikrantavarman II ghi các lễ vật dâng cúng chư thần. Nhóm E ghi việc vua Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng vào năm 918 (thực ra chữ Bhagavati chỉ là tiếng xưng tôn kính, chứ chẳng phải là tên thần, mà tác giả Ngô Văn Doanh ở trong nước hiểu nhầm); pho tượng này về sau bị người Khmer xâm lăng cướp đi, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá vào năm 965. Bia đá ở hai bên cửa của tháp chính ghi việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ thần. Bia ở phía nam của tháp chính ghi việc vua (Jaya) Harivarman I ca tụng thần Yang Po Nagar vào năm 1178. Bia ở phía bắc tháp chính ghi việc dựng đền thờ thần Bhagavati Matrilingesvara vào năm 1256.
Ngoài ra còn bia đá dựng năm 1050 của vua Paramesvaravarman I ghi việc tái lập tượng Bà, việc dâng cúng ruộng đất và nô lệ đủ sắc tộc: người Campa (Chàm), Kvir (Khmer), Lov (Tàu), Pukan (Mã), Syam (Xiêm) vv... Bia của vua Rudravarman III (Chế Củ) dựng năm 1064 ghi việc xây cổng tháp rất tốn kém, và liệt kê những cống phẩm quí giá. Bia năm 1143 ghi lời xưng tụng Bà. Bia năm 1165 của vua Indravarman IV ghi việc dâng cúng một kim mão cho nữ thần Bhagavati Kautharesvati (Dựa vào lời ghi này ta có thể tạm dịch là "Đức thánh mẫu vùng Kauthara" và so sánh với các bia khác, có thể đoán là người Chàm chỉ thờ thần Parvati như Thánh Mẫu của từng địa phương; ví dụ ở Phú Yên và Ninh thuận cũng có tháp thờ Thánh Mẫu của vùng đó, chứ chưa hẳn là ở mức độ toàn xứ Chiêm thành, như tác giả Ngô Văn Doanh quyết đoán). Các bia sau cùng ở thế kỷ thứ 13 hay 14 tiếp tục ghi những vật dâng cúng Bhagavati.
Nguồn Gốc Và Văn Hóa của Người Champa
Như thế thì tháp Bà có một lịch sử rất lâu đời. Nhìn ngắm những công trình xây dựng uy nghi thanh nhả đứng trơ gan cùng tuế nguyệt hằng bao thế kỷ, không khỏi làm kẻ lãm du chợt dậy một mối hoài niệm bồi hồi cho một dân tộc suy vong. Vậy người Chàm là ai?
Thực khó mà định được niên đại những giống dân cổ đã từng sinh sống ở giải giang sơn miền trung và nam Việt hiện nay. Năm 1909, người ta đào được khoảng 200 hũ cốt ở Sa Huỳnh, phía nam Đà Nẵng, và tiếp đến ở hơn 50 địa điểm khác gần đấy. Dùng phương pháp định tuổi theo phóng xạ Carbon, người ta thấy là nhóm cư dân thuộc văn hóa Sa huỳnh (từ Nghệ tỉnh đến Biønh định) hay là thời kỳ tiền-Champa, biết chế tạo đồ gốm và kim khí cùng thời với các nhóm thuộc văn hóa Đông sơn, tức khoảng 1500 năm trước CN. Không chừng hai nền văn hóa này có cùng một nguồn gốc từ lâu đời, nhưng hậu duệ của văn hóa Đông sơn đã chịu ảnh hưởng của Trung hoa quá sớm, có lẻ do sự xâm lược chiếm đóng của nước này, và cư dân ở phía nam lại chịu ảnh hưởng của Ấn bằng hòa nhập qua thương mãi. Mãi đến thế kỷ thứ 2, sử Tàu mới ghi nhận có nước Lâm Ấp với giống Chàm, hậu duệ của nền văn hóa Sa Huỳnh cư ngụ ở đấy. Họ có lẻ là dân thuộc các hải đảo vùng Đông Nam Á trôi dạt vào đất liền định cư, và đã tiếp nhận nền văn hóa và tín ngưỡng Ấn độ. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Mã-Hải đảo (Malayo-polynesian). Chữ viết của họ dựa vào tiếng Bắc Phạn (Sanscrit) cổ cho mãi đến giữa thế kỷ 16 lại được canh tân với văn phạm Ả rập khi ảnh hưởng đạo Hồi bắt đầu lấn át các tôn giáo cũ, chữ Chàm được gọi là Khâr-Tapuk. Đơn cử một từ mà ta hay nói về đảo nhỏ là "cù lao"; nó lại bắt nguồn từ chữ Pulao (ví dụ Pulao Bidong).
Văn hóa Ấn anh hưởng rất sớm và khá sâu đậm trên xã hội Chàm và các kiến trúc tháp cổ. Cao điểm của sự du nhập nền văn hóa này có lẽ từ cuối thế kỷ thứ 6 do sự hùng mạnh của vương quốc Sri-Vijaya ở Java và Sumatra, và đế quốc này đã khống chế đường hàng hải huyết mạch ở vùng Đông Nam Á trong suốt 700 năm (từ thế kỷ thứ 7 đến 13). Người Chàm thờ phụng những thần linh của đạo Bà La Môn (Brahman), trong đó nổi bậc nhất là 1) Phạm Thiên (Brahma) là đấng sáng tạo ra những cảnh giới. Phạm Thiên có bốn tay và bốn mặt tượng trưng cho bốn hướng, thường cỡi con thiên nga Hamsa. Vợ của ngài là Saravasti. 2) Vishnu: Thần bảo bọc; thần có bốn tay mỗi tay cầm một khí cụ, thường cỡi thần điểu Garuda. Vợ ngài là Laksmi, nữ thần của sắc đẹp. Ngoài ra còn có ảnh tượng của những thần khác như Ganesa: thần thông minh, Indra: thần mưa, hay thần sấm, Kama: thần tình yêu, Apsara: đoàn vũ nữ thiên giới, và xà thần Naga. 3) Shiva (hay Xiva), thần hủy diệt (nói rõ hơn là diệt vô minh), có lúc cũng nhân ái và dâm dật. Shiva có nhiều tay, nhiều mặt và thêm một mắt ở giữa trán, thường cởi thần ngưu Nandin. Thần có nhiều vơ (nói đúng hơn là thần thể hiện ra năng lực chuyển động dưới dạng nữ tính - shakti), trong đó phải kể đến Parvati hay Uma: thổ mẫu; và Durga hay Kali: thần chiến đấu. Theo cách thờ phượng của người Chàm thì họ cò lẻ theo phái Sakta của Ấn độ giáo đã nâng thần Parvati lên cao cả hơn hết, trong khi phái chính thống thì chỉ cho là thứ yếu.
Vào thế kỷ thứ 8 và 10 (từ 758- 915), ảnh hưởng của Phật giáo lại thịnh hành, nhất là trong thời Hoàn Vương. Một tấm bia tại Đồng Dương (xưa chính là kinh đô Indrapura, thuộc huyện Thăng biønh, tỉnh Quảng nam ngày nay) được vua Chiêm Indravarman II dựng lên vào năm 875 đã ghi: "do lòng tin vào Phật, vua đã cho dựng lên một tu viện Phật giáo và đền thờ Laksmindra Lôkesvara Svabhayada". Cũng ở Đồng dương, vào năm 1901người Pháp đã đào được nhiều cổ vật mà đặc sắc nhất là một tượng Phật bằng đồng cao hơn 1 thước, mang nhiều nét vẻ của tượng Phật Amaravati ở Ấn độ. Một bia đá khác gọi là Ròn hay bia Bắc Hạ gần đèo Ngang ghi năm 889, vua Indravarman II xây dựng một tu viện Phật giáo thờ Bồ tát Avalokitesvara. Do đó có thể nói Phật giáo Đại thừa đã một thời rất hưng thịnh tại Indrapura (thành của thần Indra), đến nổi các vua Chiêm đặt tên cho lãnh thổ này là Amaravati. Sau khi người Chàm thiên đô về Đồ Bàn, cũng cùng lúc đế quốc Sri-Vijaya bắt đầu suy vi nhường chỗ cho các thế lực Hồi giáo phát triển, mạnh nhất là khoảng thế kỷ thứ 15 trở về sau, vì thời ấy nước Chiêm Thành giao thương nhiều với các vương quốc vùng Indonesia và Mã Lai, là những nước bắt đầu chuyển theo Hồi giáo từ thế kỷ 13. Đế quốc Hồi giáo Malacca sau rốt sụp đổ vào cuối thế kỷ 16, do sự xuất hiện của người Tây phương, nhất là người Bồ Đào Nha và người Hòa Lan. Theo thống kê trước năm 1975 thì hai phần ba người Chàm theo Ấn Độ giáo ở miền Trung, còn một phần ba theo Hồi giáo thì ở Nam phần.
                                                                   Còn tiếp ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét