Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THÁP BÀ NHA TRANG VÀ LƯỢC SỬ CHIÊM THÀNH - II

Từ Yang Po Inư Nagar đến Thiên Y A-Na:


Trên các bia ký lưu lại ở tháp, nếu ghi bằng chữ Phạn cổ thì tên của Bà là Bhagavati Kautharesvati, và ghi bằng chữ Chàm thì gọi đầy đủ là Yang Po Inư Nagar, theo đó thiø "Yang" là Thần; "Pô" là tôn kính, là ngài; Inư là mẩu, là mẹ; và Nagar: xứ sở, đất nước. Người thượng tây nguyên vẫn còn duy trì những lễ cúng "Yang" (mà ta hay gọi là cúng Ông Giàng: có nghĩa là Thần đất, thần rừng) rất công phu tốn kém hằng năm. Nói gọn lại là Đức Thần Mẹ Đất Nước. Như thế Bà được tôn thờ vừa là Thổ mẫu, vừa là Nông thần vì đã dạy dân biết cách trồng trọt và làm ruộng. Tượng thờ của thần Po Nagar thực ra cứ bị quân xâm lăng tàn phá hoặc đánh cắp mãi. Bia đá ở tháp Bà còn ghi năm 918 vua Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng; pho tượng này về sau bị người Chân Lạp (Khmer) xâm lăng cướp đi vào năm 950, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá. Năm 1203 tháp Po Nagar lại bị quân Chân Lạp chiếm đóng tàn phá lần nữa, và 7 năm sau vua Paramesvaravarman II mới giải phóng được Chiêm thành cho trùng tu lại. Nhưng rồi loạn lạc vẫn tiếp diễn liên miên, cho đến gần đây pho tượng Bà vốn được tạc từ gỗ trầm hương, lại bị người Pháp cướp đi vào năm 1946, về sau được dân địa phương thay thế bằng một tượng khác mang màu sắc Việt, còn được gọi là Thánh mẫu Thiên Y A Na.
Những Tháp Thờ Khác
Bên cạnh tháp chính về phía nam khoảng 20 thước là một ngôi tháp khác bé và ít trang trí điêu khắc hơn, cao chừng 12 thước, có lẻ là tháp thờ thần Shiva. Cách ngôi này cũng về hướng nam là một tháp còn nhỏ hơn.ngôi thứ hai. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con của Shiva. Nhiều tác giả cho rằng linga là linh tượng có hình thù dương vật tượng trưng cho Shiva, dựa theo sự diễn dịch của Tây phương hơi thiên về tình dục. Điều này là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra linga tiêu biểu là một trụ đá thấp có ba phần khác nhau tượng trưng cho ba linh thể: phần dưới là hình vuông tượng trưng cho Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho Vishnu, và phần trên cùng hình tròn tượng trưng cho Rudra (hay còn gọi là Shiva). Vì thế ta nên gọi là "linh thạch trụ" thì thích hợp hơn.
Ở dãy tháp phía sau có một ngôi tháp tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu mái này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn - Vijaya (Bình định ngày nay) sau khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ thứ 11. Ở tường lại có những hình điêu khắc như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, xà thần Naga. Chính dưới nền của tháp này trong khi tu sửa đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã khám phá và cuổm mất một kho tàng được cất dấu gồm những vật cúng dường bằng vàng và bạc.
Huyền Thoại Việt Về Po Nagar



Có khá nhiều huyền thoại về nữ thần Po Nagar tùy theo ảnh hưởng cương thịnh từng thời. Khi tháp Bà rơi vào tay người Việt và biến thành Thiên Y Thánh Mẫu thì vào năm 1856 Phan Thanh Giản cho khắc một truyền thuyết đầy màu sắc Việt lên bia đá được dựng ở tháp, và toàn văn bài bia Tháp cổ Thiên Y đã được chép lại vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí. Theo đó xin được tóm tắt đại khái như sau: Xưa trong vùng Đại Điền có hai vợ chồng già trồng dưa hấu sinh sống. Khi dưa chín thì về đêm cứ bị phá trộm. Ông lão rình và thấy một cô gái mới lớn dùng dưa để đùa giởn dưới trăng. Ông lão vặn hỏi thì biết là trẻ mồ côi bèn đem về làm con nuôi, và hai vợ chồng rất thương yêu cô gái. Một ngày mưa lụt lớn, nhớ chốn cũ ở Tam thần Sơn, cô nhập vào một khúc gổ kỳ nam đang trôi về phương bắc. Dân phương bắc thấy gổ thơm trôi giạt đua nhau gắng sức kéo về nhưng không nổi. Thái tử đang ở tuổi 20, con của vua cai trị nghe tin liền tìm đến bải biển và lạ thay một mình khuân được gổ về cung. Từ đấy thường vổ về cây kỳ nam và bồi hồi ngẩn ngơ. Bỗng một đêm thấy có bóng một cô gái diễm kiều hiện ra, thái tử vội nắm tay giử lại gặn hỏi và biết được sự tích. Thái tử tâu rõ mọi chuyện với vua cha và được vua cho kết hôn. Hai vợ chồng sinh được hai đứa con, trai tên là Trí và gái là Quý. Một thời gian sau lại nhớ chốn cũ ở phương nam, vợ thái tử dắt hai con nhập vào gổ kỳ nam trôi về cửa Cù Huân, rồi lần về núi Đại Điền nhưng ông bà lão trồng dưa đã qua đời. Bà liền lập đền thờ. Từ đó bà dạy dân trong vùng biết cách trồng lúa. Về sau Bà còn cho đục đá ở núi Cù Lao tạc tượng bà, rồi giửa ban ngày bà thăng thiên biến mất.


Thái tử mãi sau cho người kéo thuyền đi tìm vợ, nhưng bọn người này khi đến cửa Cù Huân lại hiếp đáp dân lành và khinh miệt linh tượng, nên chợt có một trận cuồng phong nổi lên đánh úp thuyền biến thành một tảng đá to. Từ đó dân làng thấy Bà hiển linh thường cỡi voi trắng đi dạo trên đỉnh núi với tiếng sấm vang động. Có khi bà cỡi tấm lụa bay giữa không trung hay cỡi cá sấu trong vùng dảo Yến, núi Cù. Dân trong vùng bèn xây tháp thờ trên núi Cù Lao, cầu khấn việc gì cũng linh ứng. Tháp giửa thờ Chúa Tiên (tức Thần Thiên Y), tháp bên trái thờ vợ chồng lão trồng dưa, bên phải thờ thái tử. Phía sau lập đền nhỏ thờ hai ngừơi con. Người Chàm tôn Bà là Ana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi. Triều Nguyễn phong tặng Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đằng Thần và cử ba người dân làng Cù Lao làm Từ phu.
Câu chuyện trên của cụ Phan cốt để giải thích một cách thi vị các nhân vật được thờ ở tháp Bà, và nó cũng tương tự như truyền thuyết nàng Mưjưk của người Chàm hiện đang được truyền tụng ở vùng Ninh thuận và Bình thuận. Khi ảnh hưởng Hồi giáo phát triển vào các thế kỷ 14 và 15 thì các huyền thoại về Thánh Mẫu lại biến đổi theo màu sắc Muslim với tên là Đại nữ thần Mơ-mai-sahai-cadông.
                                                                           Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét