Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THÁP BÀ NHA TRANG VÀ LƯỢC SỬ CHIÊM THÀNH - I

B.S. Trần Văn Ký
Nói đến Nhatrang, "phố biển hiền hòa", "miền thùy dương cát trắng", nằm cách Huế khoảng 624 cây số về phía nam và cách Sàigòn khoảng 442 cây số về phía bắc; không ai lại quên nhắc đến một thắng cảnh độc đáo và cũng là một thánh tích quan trọng, đó là Tháp Bà Nhatrang hay Tháp Po Nagar.
Tháp Po Nagar


Tháp Bà hiển nhiên là một kiến trúc tôn giáo đặc thù của người Chàm (hay Chăm, hay Champa) được họ gọi là Klmer. Người Chàm là cư dân bản địa xa xưa đã bị lịch xử oan khiên xóa nhòa trước đà Nam tiến của giống Việt càng ngày càng phát triển. Âu cũng là nạn nhân của luật đào thải, mạnh được yếu thua, thế nhưng thói thường thì kẻ xâm chiếm lại quay ra tôn sùng những thần linh, và tiếp thu dễ dãi văn hóa và tín ngưỡng của dân bị diệt vong. Nhiều nét của văn hóa Chàm từ ngôn ngữ, trang phục, ca dao, truyện cổ, âm nhạc, ca vũ, vv... đã thấm nhập êm ả vào đời sống của dân tộc Việt.
Tháp Bà nằm ở phía bắc thành phố Nhatrang khoảng 4, 5 cây số, trên một ngọn đồi cao cách mặt bể độ chừng 50 thước, được gọi là núi Cù Lao cạnh cửa sông lớn đổ ra biển Đông. Con sông này vốn mang khá nhiều tên theo thời gian là sông Cái, sông Ngọc Hội và cuối cùng là sông Nhatrang. Nhatrang mà thành phố biển này mang tên có nguồn gốc từ tiếng Chàm Eatran hay Yatran mà ra. "Ea" hay "Yja" hay "Ya": có nghĩa là nước là sông; còn "tran": là lau sậy, vì hai bên bờ sông toàn là lau sậy. (Có lẻ dân ta về sau biến chữ "tran" thành "trảng" như trảng bom, trảng bàng vv... chăng?) Như thế Eatran hay Nhatrang có nghĩa là "con sông sậy", thuộc vùng Kauthara của Chiêm thành mà tổ tiên ta tiếp thu vào năm 1653. Một điều đáng ghi nhận là hiện nay đồng bào thượng Rhadé hay Êđê vùng Ban Mê Thuột vẫn dùng nhiều từ ngữ gốc Chàm và vẫn gọi nước hay sông là Ea. Như thế cho thấy sự liên hệ của họ với người Chàm xưa cũng gần gũi lắm.
Dưới chân núi Cù Lao về phía đông, cạnh quốc lộ số 1 vốn là bến xe ngựa ở thời Pháp thuộc cho đến thời đệ Nhất Cộng hòa, về sau theo sự tăng tiến kỹ thuật trong đời sống, xe ngựa được thay thế bằng xe lam rồi xe buýt Renault. Bên kia quốc lộ là Xóm Bóng hay Xóm Chài, vì xóm này nguyên được lập nên bởi những người chuyên làm nghề đồng bóng ở tháp Bà (tiếng Chàm gọi là patjao), và về sau ngư phủ người Việt tập trung sinh sống quanh đấy càng ngày càng đông. Vào thời cao điểm của cuộc chiến vào khoảng năm 1969, công binh quân đội Đại hàn làm một xa lộ mang tên là "Cải lộ tuyến" hay "xa lộ Đại hàn" đi tắt từ phía bắc đèo Rù Rì đến Thành, và từ đó các chuyến vận tải xuyên Việt không còn phải chạy cạnh chân Tháp Bà, qua cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra để vào thành phố như trước.
Trong những năm cuối của thời Pháp thuộc, vùng phía bắc của Tháp Bà như Đồng Đế, Ba Làng vv.. vẫn còn hoang vu lắm. Việc đi thăm hay cắm trại ở Hòn chồng, bãi Dương là những dịp hãn hữu; còn việc lễ bái ở tháp thì chỉ náo nhiệt nhất là vào dịp tết âm lịch. Lý do dễ hiểu là thời ấy thành phố Nhatrang còn bé và việc đi lại còn lắm khó khăn, và chẳng ai có nhu cầu gì để phải đi xa như thế. Có lẻ nguồn giải trí lành mạnh của dân Nha thành vừa tiện lợi và ít tốn kém vẫn là bãi biển cát trắng và nước biển trong xanh bên cạnh.


oàn bộ Tháp Bà được xây dựng khoảng từ đầu thế kỷ thứ 8, thời mà dân Việt vẫn còn bị Tàu đô hộ (dựa vào niên đại những bia ký dựng ở tháp) và tiếp tục được phát triển và trùng tu cho đến thế kỷ thứ 13. Thế kỷ thứ 8, cũng là thời kỳ vua Chàm ở phía bắc là Vikrantavarman II thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu vương Chàm ở phía nam, nhưng vẫn chưa tiến chiếm hết vùng Panduranga (Ninh và Bình thuận).
Mặt tiền của các tháp đều hướng ra biển Đông. Tổng thể kiến trúc gồm ba tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa, nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 thước và cao hơn 3 thước. Ở hai bên các dãy cột lớn có 14 cột nhỏ và thấp hơn, và tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 thước. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng, cũng là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề được xử dụng. Bậc thang bằng đá ong mà ta thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 60 do nhu cầu du lịch gia tăng.
Ở tầng trên, có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà thôi. Dãy tháp phía trước chỉ có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn một. Tháp thờ chính khá lớn và cao khoảng 23 thước, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính là tháp thờ thần Parvati, vợ của Shiva (hay Xiva). Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi thần ngưu Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi vv. Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, kẻ chèo thuyền, kẻ xay gạo hay kẻ đi săn với cung và tên. Cửa chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hiønh thuẩn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giửa hai nhạc công. Bên trong tháp thì âm u và mát lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.

                                                                Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét