Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THÁP BÀ NHA TRANG VÀ LƯỢC SỬ CHIÊM THÀNH - V

Vào giửa thế kỷ thứ 6, nước Phù nam lại bị người Khmer thôn tính, trở thành Thủy Chân lạp. Vị vua cuối của Phù Nam được sử Tàu nhắc đến là khoảng năm 550. Nước Chân lạp (Chen-la hay Zhenla) được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 5, mà truyền thuyết thần thoại theo văn minh Ấn kể rằng thần Shiva kết hợp đạo sĩ Kambu Svayambhuva ở xứ Kambujadesha (nên mới có chữ Kampuchea hay Cambodia bây giờ) với tiên nữ của Đại hồ tên là Mera, từ đó có giống Khmer (do hai chữ Kambu và Mera ghép lại).
Năm 539- 577, dưới triều vua Rudravarman khu Mỹ sơn lại bị đốt phá, và đã được vua Sambhuvarman (mất năm 629) trùng tu lại. Đến đời nhà Tùy, năm 602 vua sai tướng Lưu Phương kéo quân sang Giao Châu dẹp cuộc nổi dậy của Lý Phật Tử, sau khi bình định xong Lưu Phương tiến xuống đánh Lâm Ấp để cướp của, vua Lâm Ấp là Phạm Phạm-Chí (Cambhuvarman) thất trận chạy thoát. Sau khi Lưu Phương vào kinh đô Trà Kiệu gom góp được vô số của cải, đã lấy đi 18 tấm miếu chủ đúc bằng vàng. Lâm Ấp từ đấy lại xin triều cống như cũ.
Đến đời nhà Đường có ba sự kiện đáng ghi là:
1) Vào đời Thái tông, nước Lâm Ấp đổi quốc hiệu là Hoàn Vương (?). Cụ Trần trọng Kim chép trong Việt nam sử lược trang 60: "Đến quãng năm Trinh-quan đời vua Thái tông nhà Đường, (tức khoảng từ năm 627 đến 630) vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê mất, con là Phạm Trấn Long cũng bị người giết, người trong nước lập một người con của bà cô Phạm Đầu Lê, tên là Chư Cát Địa (? Vikrantavarman I) lên làm vua. Chư cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn Vương quốc." Họ Chư lại kéo quân sang đánh Giao châu và chiếm giữ châu Hoan và châu Ái.
Nhưng có tác giả lại viết là từ năm 758, sử Trung Hoa không còn gọi nước nầy là Lâm Ấp mà đổi tên gọi là nước Hoàn Vương (Huan Wang). Dựa vào các bia đá ở Mỹ Sơn thì năm 758 là triều vua Vikrântavarman II kế vị. Vikrântavarman II là thái tử Prakasadharma, con của một hoàng thân Chàm tên là Jagadharma đã sang Chân Lạp cưới công chúa Carvâni (con của vua Icanavarman). Về sau chính vua Chàm ở phía bắc Vikrantavarman II này (của bộ tộc Dừa - Narikelavamsa) đã thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu vương Chàm ở phía nam (của bộ tộc Cau - Kramukavamsa). Như thế thì chưa rõ thuyết nào đúng về niên đại của sự đổi tên Hoàn Vương Quốc.
2) Năm 679 vua Đường Cao tông (Phụ chú: là ông vua yếu đuối đa tiønh đã tằng tịu với Võ Tắc Thiên, cung tần của vua cha và đã đưa bà lên ngôi Hoàng hậu. Vào năm này Cao tông đã ngã bệnh liệt giường, có lẽ bởi tai biến mạch máu não do chấn động sau cái chết đột ngột của Thái tử Lý Hoằng. Mọi việc triều chính đều do Võ hậu quyết định cả, và người ta nghi chính Võ hậu đã đầu độc con trai trưởng của miønh bởi vì sợ vai trò của bà bị đe dọa), ra lệnh chia đất Giao chỉ bộ ra làm 12 châu và đặt chức An nam đô hộ phủ, và từ đó có tên An nam.
3) Nạn giặc biển từ Java và Sumatra mà Sử chép là "Năm 767 có quân Côn lôn và quân Đồ bà từ hải đảo kéo vào cướp phá đất Giao châu. Quan kinh lược sứ Trương Bá Nghi (Tchang-po Yi) cho đắp La-thành để chống giữ." Thành Đại la về sau trở nên thành Thăng Long. Thực ra quân hải đảo là lực lượng hải thuyền của một vương quốc hùng mạnh Sri-Vijaya ở Sumatra lúc bấy giờ (đã từng khống chế đường hàng hải huyết mạch ở vùng Đông Nam Á trong suốt 700 năm (từ thế kỷ thứ 7 đến 13). Quân này không những đánh phá riêng Giao châu mà liên tục tàn hại dân Chàm ở ven biển như Eatran (Nhatrang ngày nay) năm 774 và Panra (Phan Rang ngày nay), vào năm 787. Một bia ký ở tháp Bà còn ghi lại nổi kinh hoàng này của năm 774. Nếu giả thử quân của đế quốc Sri-Vijaya chiếm đóng thành công vùng duyên hải Đông dương thì lịch sử khu vực này đã chắc không như bây giờ.
Vào đầu thế kỷ thứ 9, năm 802 vua Hoàn Vương là Harivarman I lại đem thủy quân lên đánh phá một số tỉnh Trung Hoa, và liên tiếp các năm 803 và 806, còn kéo quân xâm lấn Giao Châu. Để trừng phạt, năm 808 quan đô hộ Giao Châu là Trương Chu đem binh thuyền vào tàn sát dân quân Chàm làm cho vua Hoàn Vương phải dới kinh đô xuống vùng Bằng An ngày nay, còn gọi là Vệ thành (thuộc xã Thăng Bình, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, mà vết tích thành cũ nay không còn nữa - theo Sách Đại Nam Nhất Thống Chí). Để tránh áp lực từ phương bắc, các vua Chàm Saktivarman và Bhadravarman II bành trướng lãnh thổ dần về phía nam và phía tây, thâu gồm Panduranga (Ninh và Bình thuận) và vùng tây nguyên thành một vương quốc mới được gọi là Chiêm thành (Champapura - Champa: hoa sứ; pura: thành, hay quốc gia).
Trong thời kỳ này việc bang giao giữa Hoàn Vương và Chân Lạp trở nên căng thẳng và đưa đến cuộc tương tranh tàn phá lẫn nhau trong khoảng hai thế kỷ. Khởi đầu vào năm 810, không rõ vì lý do gì tướng Chiêm Senapati Par đem quân tấn công Chân Lạp, mà bia ký ở tháp Bà Po Nagar còn ghi chiến tích.
Năm 877 dưới đời vua Indravarman II Chiêm thành lại xin triều cống Trung quốc như xưa. Những bia đá ở đền Kok Klor trong thung lũng Bla trên miền cao nguyên gần Kontum đề năm 914 ghi việc một tộc trưởng là Mahindravarman xây dựng tháp thờ Bồ tát Mahindra-Lokesvara. Thời kỳ này sự giao hảo giữa Chiêm Thành và đế quốc Sri-Vijaya rất là mật thiết. Một bia đá ở Nhan Biểu (thuộc tỉnh Quảng trị) ghi chuyện một vị hoàng thân tên là Rajadvara đã dựng hai ngôi tháp vào các năm 908 và 911, và đã hai lần đi hành hương thánh tích Phật ở Yavadvirapura (tức Java ngày nay).
Năm 950, Chân Lạp dưới quyền vua Rajendravarman sang đánh phá vùng Kauthara (Khánh hòa) của Chiêm Thành vào thời vua Indravarman III, và đã cướp đi tượng Bà bằng vàng do nhà vua dựng lên ở Po Nagar vào năm 918. Nhưng bia ký của Chân Lạp tại Pre Rup lại ghi rõ hơn là thành Kauthara bị phá hủy san bằng, vua Chiêm bị bắt và sau khi bị hành hạ đã bị tế sống cho thần Harisvayambhu trên bờ sông Visnupadi.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế đổi tên nước ta là Đại Cồ Việt, sau khi An nam dành dược độc lập với Ngô Quyền xưng vương tại Giao Châu năm 939. Năm 979, Lê Hoàn kế vị xưng là Đại Hành Hoàng Đế, sai Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ sang Chiêm Thành giao hảo. Vua Chiêm là Paramesvaravarman I, vốn liên kết với một trong 12 sứ quân thời hậu Ngô Quyền nhưng bất thành, đang đóng đô tại Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) gần thánh địa Mỹ Sơn, bắt giam sứ giả. Năm 982 sau khi đuổi quân Tống, Lê Đại Hành bèn thân chinh đem quân đánh trừng phạt Chiêm, vua Chiêm bị giết ngay trong trận, vua Lê tiến vào kinh đô, đốt phá đền đài và lấy được rất nhiều của cải rồi rút về. Từ năm 983 kẻ kế vị ngôi Chiêm là (?) Lưu Kỳ Tông xin triều cống vua Lê và chịu làm chư hầu.
Để tránh áp lực ngày càng lớn của nước Đại Cồ Việt mới tự cường, nên năm 1000 vua Chiêm Thành Sriharivamadeva một năm sau khi lên ngôi đã dời đô từ Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) xuống Vijaya (có nghĩa là chiến thắng, mà ta âm là Đồ Bàn hay Chà Bàn) ở vùng Bình Định ngày nay. Từ đó các bia ký ở Mỹ sơn gọi các vua mới là vua của Vijaya (hay Vijaya Sri), và vua Sriharivamadeva sau khi qua đời đã được thần hóa là Yang Pu Ku.
Năm 1068, vua Chiêm là Rudravarman III (Chế Củ), kế vị vua Harivarman II, đem quân xâm lấn đất Việt ở phía bắc. Bấy giờ vua Lý Thánh Tông, người đã dời đô về thành Đại la, cải danh là Thăng Long thành và đổi quốc hiệu ra Đại Việt khi mới lên ngôi, đã quyết định thân chinh xuống đánh Đồ Bàn năm 1069, bắt và giải Chế Củ về Thăng Long. Để đổi lấy tự do, Chế Củ xin dâng đất ba châu phía bắc Chiêm Thành là Bố Chánh (Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình), Địa Lý (trung và nam Quảng Bình), và Ma Linh (bắc Quảng Trị).
Đến năm 1074, hoàng thân Than lên ngôi xưng là Harivarman IV (1074- 1080), nước Chiêm Thành hưng thịnh trở lại và vua Harivarman IV cho trùng tu khu thánh địa Mỹ sơn. Sau khi hòa hoãn với Đại Việt, vua Harivarman IV xua quân đánh Lục Chân Lạp, chiếm Sambor (bắc Phnom Penh và đông hồ Tonle Sap), giết vua Harshavarman III, tàn phá kinh thành Somesvara (Angkor), bắt nhiều người Chân Lạp làm tù binh. Năm 1145, vua Suryavarman II của Chân Lạp phục thù, đánh Chiêm Thành chiếm Đồ Bàn, tàn phá khu thánh địa Mỹ sơn. Mãi đến năm 1149 vua Chiêm mới đuổi được quân xâm lược. Khi tu bổ Mỹ sơn vua Harivarman IV cho dựng bia đá ghi lại cuộc tàn phá thánh địa này.
Năm 1166, vua Indravarman IV, một vị vua Chiêm Thành rất anh dũng lại xua đại quân xâm lăng Chân Lạp cướp được nhiều của cải. Sử Miên còn ghi "Jaya (vua) Indravarman IV, vua Chàm, có tính tự phụ như Râvana, đã vận chuyển quân trên những chiến xa, tiến đánh xứ 'Kam Bu". Mười năm sau, năm 1177, Indravarman IV lại gởi thuỷ quân xuống phía nam, vào cửa sông Cửu Long, tiến ngược dòng lên đánh thành Angkor, tàn phá kinh đô, giết vua Tribhuvanadityavarman và chiếm đóng Chân Lạp. Sau trận này vua Chiêm cũng thu đoạt được vô số châu báu, viø thế vua Indravarman IV đã dâng cúng nhiều vàng bạc cho các ngôi tháp ở Mỹ sơn. Mãi đến năm 1181, Hoàng thái tử Chân Lạp mới đẩy lui được quân Chiêm Thành, và lên ngôi vua là Jayavarman VII nuôi chí phục thù.
Năm 1190 vua Chân Lạp Jayavarman VII sai các tướng đem một hoàng thân Chiêm lưu vong tên là Vidyanandana về đánh Chiêm thành, chiếm đóng Đồ Bàn và cướp hết các linh tượng, bắt và giải vua Indravarman về Chân Lạp, chia nước Chiêm Thành làm hai chư hầu: tiểu quốc Vijaya (Đồ Bàn) do người em vợ của vua Chân Lạp cai trị với vương hiệu là Suryavarmadeva, và tiểu quốc Pandaranga (Phan Rang), do một hoàng thân Chiêm Vidyanandana cai trị, nhưng tùy thuộc vào Chân Lạp. Không lâu sau, một hoàng thân Chiêm tên là Rasupati nổi lên đánh đuổi quân Chân Lạp, lên ngôi là Indravarmadeva ở Vijaya nhưng lại không tồn tại lâu, và bị quân Chân Lạp quay lại bắt giết vào năm 1192. Vua Suryavarmadeva được tái lập nhưng lại quay ra không phục tùng Chân Lạp, mà bang giao với Đại Việt và Trung quốc. Vua Chân Lạp Jayavarman VII liền tấn công Chiêm Thành trong các năm 1192 và 1193 nhưng đều thất bại. Mãi đến năm 1203, vua Chân Lạp mới chiếm được Vijaya, và biến Chiêm Thành thành một lãnh địa của Chân Lạp. Nhưng sau khi Jayavarman VII chết quân Chân Lạp phải rút quân, và Chiêm Thành mới giành lại được độc lập năm 1220 dưới thời vua Paramesvaravarman II, khi Chân Lạp bận rộn đối phó với những cuộc xâm lăng của Xiêm La. Từ đó chấm dứt cuộc tương tranh giữa Chiêm Thành và Chân Lạp đã kéo dài 32 năm.
                                                             Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét