Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THÁP BÀ NHA TRANG VÀ LƯỢC SỬ CHIÊM THÀNH - VI

Vì cứ can qua chiến tranh liên tục nên Chiêm thành trở nên suy yếu. Khi vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt (Qubilai) sai tướng Toa Đô (Sogatu) cầm thủy quân xuống đánh Chiêm Thành năm 1282, quân Chiêm chống cự không nỗi nên quân Nguyên vào Thị Nại, tàn phá kinh đô Đồ Bàn và chiếm đóng nước Chiêm trong vòng 5 năm, Chiêm vương Indravarman V, cùng thái tử Bổ Đích (Harijit) thoát lên vùng cao nguyên và cầu cứu Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông gởi hai vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp. Đến khi quân Việt đánh bại được quân Mông năm 1287, cũng giải phóng luôn nước Chiêm, nên năm 1307 tân vương Simhavarman III (Chế Mân) tặng vua Trần anh Tôn 2 châu Ô và Lý để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Vua Chế Mân cũng xây dựng thêm nhiều ngôi tháp thờ phượng thần linh ở vùng Mỹ Sơn. Ba năm sau khi Chế Mân mất, vua Chế bồng Nga (Pô Bin Swơr) từng nuôi chí phục thù nên năm 1370 đã kéo quân thủy bộ đánh phá vào tận kinh đô Thăng Long, nhưng đến năm 1382 lại bị tử trận. Tuy vậy các vua Chiêm kế tiếp vẫn luôn gây chiến với nước Việt.
Vào thời kỳ này, lãnh thổ Chiêm thành khá rộng. Lảnh thổ Chiêm Thành trải dài từ các bình nguyên duyên hải nhỏ hẹp cho đến vùng rừng núi Trường Sơn cũng như các cao nguyên nam Trung phần ngày nay. Người Chiêm Thành không chỉ là người Chàm ở duyên hải là đa số mà còn gồm những nhóm dân thiểu số khác như giống Jarai, Rhade, Churu, Raglai, Stieng hiện vẫn còn sinh sống ở vùng Tây nguyên mà những câu tục ngữ vẫn còn lưu truyền như "Chăm anh, Raglai em" (Cam saai, Raglai adei), hoặc "Chăm với Raglai như hai anh em ruột" (Cam saung Raglai yơu adei ai sa tiam). Ngoài ra lịch sử Chàm còn cho thấy đầu thế kỷ 14, quốc vương Jaya Simhavarman III (Chế Mân) xây đền Yang Prong ở lưu vực sông Se San. Đền Yang Mun (gần Cheo Reo) ở lưu vực sông Ba và đền Phú Thọ gần Pleiku được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Vua Po Romê (mà bia ở tháp thờ tại Ninh thuận ghi là Pa Rrame) là người sắc tộc Churu, trị vì Chiêm Thành từ 1627 đến 1651, mở đầu một triều đại gồm 14 quốc vương kéo dài cho đến 1786.
Năm 1402, Hồ Quý Ly xâm lăng Chiêm thành ép vua Campadhiraya (Ba Đích Lại) nhường đất Indrapura - Chiêm động hay Đồng dương (Phủ Thăng biønh, Quảng Nam) và đất Amaravati - Cổ lụy (Quảng Nghĩa), rồi cải thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa, đặt quan An phủ sứ cai trị và di dân vào khai khẩn. Khi quân Minh xâm lăng nước ta năm 1407, Chiêm Vương liền đánh chiếm lại vùng đất đã nhường năm năm trước.
Đến thời Hậu Lê: Dưới đời Nhân tông viø vua Chiêm là Ma Ha Bí Cái (Maha Vijaya) gây hấn đánh Hóa châu năm 1444, nên hai năm sau các tướng Lê Thụ và Lê Khả cầm quân đánh phá Đồ Bàn, bắt Bí Cái, đưa người khác lên thay, rồi rút quân về. Đến đời Thánh tông, vua mới của Chiêm Thành là Trà Toàn lại xua quân hai lần xâm lấn Hóa châu vào những năm 1468 và 1469, vua Thánh tông phải thân chinh kéo quân đánh dẹp và chiếm Đồ Bàn năm 1471 bắt giải Trà Toàn về giam ở Thăng Long. Vua Lê lấy vùng Amaravâti (Quảng Nam, Quảng Ngãi) và Vijaya (Bình Định) đặt thành "Quảng Nam thừa tuyên đạo" lấy đèo Cù Mông làm ranh giới, và chia phần đất Chiêm Thành còn lại làm ba nước nhỏ là Hóa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa), Chiêm Thành, chỉ còn lại từ Phú yên đến mũi Kê gà (Phan Rang - Bình thuận), và Nam Phan (Gia Lai, Kontum, Darlac). Theo những tài liệu Mã Lai, khi Chiêm Thành bị Lê Thánh Tông tấn công năm 1471, một số quan chức triều điønh Chiêm Thành bị bắt, một số bỏ trốn qua Chân Lạp, Mã Lai tỵ nạn.
Vào thế kỷ thứ 16, người Chiêm Thành thường buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Macao (Trung Hoa). Người Bồ Đào Nha hay ghé đến vùng Panduranga (Cam Ranh và Phan Rang ngày nay) và tài liệu của người Bồ Đào Nha đã ghi nhận sự hiện diện của thương thuyền Chiêm thành ở cửa khẩu sông Maenam (Menam), là cửa khẩu chính của nền ngoại thương Xiêm La.
Qua thế kỷ thứ 17, thời chúa Nguyễn: Năm 1611, nhân các bộ tộc người Chàm liên kết lại cùng đánh phá vùng biên giới phía nam, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân vượt đèo Cù Mông tiến chiếm vùng Phú Yên ngày nay, giữa Vijaya và Kauthara, đổi thành hai huyện Đồng xuân và Tuyên hóa. Sau đó không lâu vì thấy thuyền bè các nước Tây phương như Bồ Đào Nha và Hòa Lan đang lân la đến các hải cảng của Chiêm Thành. Sãi Vương Nguyễn Phúc Chu rất lo ngại, nên năm 1631 đã gả người con gái thứ ba là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô-Rômê để tạo sự hòa hiếu với Chiêm Thành. Sau năm 1639 thì cuộc giao thương giữa Chiêm Thành và người Bồ Đào Nha hầu như chấm dứt và người Chàm quay sang buôn bán với người Hòa Lan sau khi người Hòa Lan làm chủ Malacca vào năm 1641 và làm chủ con đường buôn bán hồ tiêu qua eo biển Malacca. Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm, vốn là hậu duệ của hoàng gia Chân lạp, đem quân đánh phá Phú Yên nên chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai cai cơ Hùng Lộc vượt đèo Cả sang trừng trị. Bà Thấm thất trận dâng thư xin hàng. Chúa Hiền lấy hẳn vùng Kauthara, lập thành phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh, trong đó có thánh tích Chiêm là Po Nagar (Tháp Bà, Nha Trang ngày nay). Chiêm Thành chỉ còn lại vùng Panduranga, phía nam sông Phan Rang. Khi rút về vùng Panduranga, người Chàm tiếp tục lập thờ Thánh Mẫu Po Nagar ở một ngôi đền nhỏ ở làng Hữu Đức, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh thuận ngày nay.
Khoảng thời gian từ 1675 đến 1685, theo sử liệu của Thái lan đã cho biết một người anh em của quốc vương Chiêm Thành đến viếng triều điønh Xiêm La, có lẽ để cầu viện; và năm 1680 vua Chiêm còn gởi hai phái bộ đến Batavia (tức Jakarta, Indonesia ngày nay) để liên lạc ngoại giao.
Năm 1692, vua mới là Bà Tranh tự bỏ lệ triều cống. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính) kéo quân xuống hỏi tội và đánh bắt được Bà Tranh và giải về Phú Xuân. Chúa Nguyễn lấy đất Chiêm Thành còn lại đặt ra Thuận phủ, năm sau lại đổi ra Thuận thành trấn. Đến năm 1697 chúa Nguyễn đặt ra Phủ Biønh thuận, lấy đất Phan lang, Phan lý làm huyện Yên phúc và huyện Hòa đa. Từ đó nước Chiêm thành mất hẳn, tuy vậy chúa Nguyễn vẫn cho người Chiêm còn lại được tự trị một vùng đất ở Bình Thuận cho mãi đến năm 1832, khi vua Minh Mạng ra lệnh bãi bỏ vùng tự trị. Người Chàm nổi dậy chống đối nhưng hai cuộc khởi nghĩa do Katip Sumat lãnh đạo từ 1833 đến 1834 và Ja Thak Va cầm đầu từ 1834 đến 1835 đều bị quan quân dẹp yên nhanh chóng. Trước kia những người Chàm theo Hồi giáo di tản sang định cư ở Ayudhya (bắc Bangkok, Xiêm La) đã tham gia vào một âm mưu lật đổ quốc vương Xiêm La và thay thế bằng người em của ông ta, vì thế triều đình Xiêm La cho phép những người Chàm tị nạn về sau, đến định cư ở vùng Bangkok. Con cháu những người nầy hiện vẫn sống tại đó.
Tuy nước Chiêm thành đã bị xóa nhưng cuộc nam tiến của dân Việt vẫn tiếp tục cho mãi đến năm 1714 sau khi thôn tính luôn vùng Thủy Chân lạp.
Lời Kết


Tóm lại, tháp Bà Nhatrang là chứng tích lịch sử tương đối còn nguyên vẹn nằm cạnh sông Eatran thuộc vùng Kauthara của nước Chiêm thành xưa. Dân tộc Chàm lập quốc rất sớm và kéo dài hơn 15 thế kỷ, từ năm 192 TL. cho đến lúc vong quốc vào năm 1697, với nhiều quốc hiệu từ Lâm Ấp, đến Hoàn Vương và sau cùng là Chiêm thành. Người Chàm đã có một nền văn hóa khá rực rỡ nhưng vì cứ mãi lâm vào vòng chinh chiến nên kiệt quệ dần. Riêng vùng Kauthara đã bị Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần xáp nhập vào đất Việt vào năm 1653. Với ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn độ, khu tháp Bà ban đầu được người Chàm xây dựng để thờ các vị thần Brama, Vishnu và Shiva của Ấn Độ giáo; nhưng họ lại đặc biệt tôn thờ các thần Parvati hay Uma là những biến tướng nữ của thần Shiva, được xưng tụng là Po Nagar (Thánh Mẫu) để cầu mong Bà che chở cho dân tộc Chàm. Đến khi người Việt làm chủ vùng này thì Bà được Việt hóa thành Thiên Y Ana. Ngẫm cũng bồi hồi cho thế sự, thần linh cao cả rốt lại cũng không bảo vệ được cho một dân tộc luôn tôn thờ cầu khẩn khỏi bị diệt vong. Rồi một khi nước mất nhà tan, tín đồ phát tán để thần linh ở lại bơ vơ với kẻ lạ, cả tên cũng bị đổi. Thương thay!
 
B.S. Trần Văn Ký Seattle, Mùa thu 2000 - bổ sung 2004.
Tái Liệu Tham Khảo
1) Việt Nam Sử Lược, Q. 1, Trần Trọng Kim, Bộ Giáo Dục, TTHL, SG 1971, Đại Nam CA tái bản.
2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Dịch theo bản năm Chính hòa thứ 18, VKHXHVN, Hà Nội. 1998.
3) Tháp cổ Chămpa: Sự thật và Huyền thoại, Ngô Văn Doanh, NXBVHTT-Hà Nội, 1994.
4) Bí ẩn về những chiếc gương cổ được tiøm thấy trong các di chí Champa ở miền trung Việt
nam. Hồ Xuân Em, NXB Đà Nẵng, 1999.
5) The Encyclopedia of Eastern Philosophy & Religion, Shambhala, Boston 1994
6) The Encyclopedia of the World's Religions, R.C. Zaehner, Barnes & Noble Books, New York,
1997.
7) Chiêm Thành Vì Đâu Suy Thoái, TK 21, Trần Gia Phụng.
8) Khmer, The Lost Empire of Cambodia, Thierry Zéphir, Discoveries - Harry N. Abrams, Inc.
Publishers, N.Y. 1998.
9) The Land and People of Cambodia, David P. Chandler, 1991, Harper Collins Publishers, N.Y.
10) Angkor, Đế Thiên Đế Thích, Lê Hương, Xuân Thu CA tái bản
11) Discovery-The world of science, Mar 1996 - Empire of Uniformity, Jared Diamond
12) Microsoft Encarta 97.
13) Britannica.com
14) Nhiều tài liệu trên Internet.
                                                                                       Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét