Mỗi lần về quê Nội ở Quảng An là tôi lại đi qua Phủ Tây Hồ ,một trong
những nơi linh thiêng bậc nhất Hà Thành. Sánh ngang cùng Chùa Trấn
Quốc ,Quán Thánh ,Đền Ngọc Sơn , Phủ Tây Hồ được dựng ở đầu doi đất của
bán đảo lớn ở Hồ Tây -làng Tây Hồ , Quảng An ,Tây Hồ ,Hà Nội .
Truyền thuyết cho rằng đây là nơi trạng Bùng Phùng Khắc Khoan( 1523-1613
) sau khi gặp Liễu Hạnh công chúa ở đây đã huy động dân quanh vùng lập
Phủ để kỷ niệm cuộc hội ngộ kỳ thú này .Trải bao năm tháng cùng với
những biến động lịch sử khiến Phủ nhiều lần phải duy tu , tôn tạo .Năm
1947 giặc Pháp đốt làng Tây Hồ trong đó có cả Phủ và miếu Kim Ngưu ,sau
đó dân làng phải dựng lại ;năm 1952 sửa chữa gác chuông trên tòa Tiền Tế
;năm 1989 tôn tạo lại toàn bộ Hậu Cung ,nhà khách được xây thêm năm
1990 ;Cổng Phủ xây năm 1991 ,đến năm 1992 xây mới hoàn toàn Động Sơn
Trang ,sửa chữa Miếu Cô ,Miếu Cậu .
Từ ngoài đi vào Phủ đầu tiên
ta thấy là Cổng Phủ được xây dựng theo kiểu Tam quan bốn cột trụ
,nhưng hai bên của xây bịt kín trang trí bằng Long Hổ đắp nổi .
Trên vòm cổng có hoành phi chạm bốn chữ PHONG ĐÀI NGUYỆT CÁC .
Hai đầu cột trụ trong ô chìm đắp nổi hình Long ,Mã ,trên cùng là mái
cổng được lợp ngói cuốn. bốn góc mái có đuôi guột ,trên bờ nóc ở giữa có
hình Mặt Trời .Khoảng cách giữa hai cột trụ chính được trang trí bằng
hàng chữ Triện cách điệu uốn theo vòm cửa .Mặt sau của cổng ở đỉnh cột
trụ chính có đắp hình nổi Cúc ,Trúc ,Mai ,Tùng ...Ở trên vòm cửa cũng
đắp hình Long Vân Hải Hội ,phía dưới là dòng chữ Triện cách điệu ,dưới
cùng là hàng chữ Tân Mùi Niên Trọng Đông ( 11/1991).
Mặt tiền của Phủ chính quay ra Hồ Tây ,bên kia là làng Võng Thị .
Trên cửa Tam Quan hai tầng tám mái đắp nổi bốn chữ TÂY HỒ HIỂN TÍCH
,phía dưới chạm hình Long ,Ly,Quy, Phượng và Ngũ Phúc Hàm Tiền .
Cánh cửa chính của tòa Tiền Tế chạm hình Tứ Linh ,Tứ Qúy .Các cây cột
đều được khắc câu đối .Đôi câu đối bằng chữ Hán ở hai cột ngoài là :
Long hổ phùng nghênh tứ diện hoa hoàn thủy nhiễu
Quy xà hình thế ức niên nhân kiệt địa linh
Câu đối ở hai cột trong bằng chữ Nôm :
Thi họa Tây hồ Thần Nữ vang lừng ba bẩy cõi
Danh truyền Nam sử dấu tiên rực rỡ mấy nghìn thu
Tòa Tiền Tế nửa ngoài làm trần lửng ,nửa trong dùng hệ thống xà cột
kiểu nhà chồng diêm tạo không gian nội thất vươn lên .Cung Đồng ở đây
thờ Tam Phủ Công Đồng ,Tứ Phủ vạn linh ,Hội đồng các quan .Tượng HOÀNG BẨY áo xanh cùng HOÀNG MƯỜI áo vàng được đặt hai bên .Các cột ở ban Công Đồng cũng có câu đối ,trên hai cột ngoài :
Tối linh nhi linh Thiên Bản bội hoàn chân cảnh tĩnh
Chúa mẫu chi mẫu Tây Hồ hương hỏa biệt tử tôn Trên hai cột trong :
Xuyên dục hà trung chính thông minh nhi nhất
Ngư trầm lạc nhạn yêu kiều uyển diễm vô song Tòa Trung Tế liền không gian với tòa Tiền Tế ,kết cấu theo kiểu vì chồng rường con nhị ,cột gạch giả gỗ .
Chính giữa gian ,kế cận Cung Đồng là cung Vua Cha Ngọc Hoàng ,tượng Nam Tào ,Bắc Đẩu đặt hai bên .
Trong Cung Vua Cha có một bức chạm bốn câu thơ kiểu chữ Triện :
Vân tác y thường phong tác xa
Triêu du Đâu Suất mộ yên hà
Nhân gian dục thức ngô danh tính
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa Hai bên Cung còn có đôi câu đối :
Vân sơn đô thị lạc phương danh thánh tích bắc nam thiên
Long hổ tối kỳ quan thắng cảnh tiên tung sùng cát địa
Cung Tam Tòa Thanh Mẫu đặt sau nhưng chỉ có ngai mà không có tượng .Trước Cung có bức Hoành Phi đề bốn chữ TÂY HỒ PHONG NGUYỆT , hai bên là đôi câu đối ca ngợi Mẫu Liễu Hạnh :
Thượng giới thần nhi tiên linh khí địa liên sùng cát ngoạn
Đại danh sinh bất tử phi vi sử tại triệu vi gian
Vị trí cao nhất chính giữa trong tòa Hậu Cung là tượng Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ ,thấp hơn ở hai bên là tượng Chầu Quỳnh mặc áo xanh bên phải ,Chầu Quế mặc áo trắng bên trái ( do vậy người ta còn gọi hai người hầu dâng hai bên của Thanh Đồng trong buổi Hầu là tay Quỳnh tay Quế )
Ở Cung Mẫu có bức đại tự đề THIÊN TIÊN TRẮC GIÁNG ,một bức hoành phi đề MẪU NGHI THIÊN HẠ.
Hai bên Hậu Cung là đôi câu đối :
Hiện thế Thần Tiên Đông thổ thỏa hoa giai xích tử
Vị gia Thánh Mẫu Nam châu hương tỏa thị hiền tôn
Động Sơn Trang mới được xây bằng bê tông giả gỗ kiểu nhà chồng diêm hai tầng mái trông bề thế và duyên dáng .Nội thất Động chia làm hai tầng ,tầng dưới thờ Mẫu đệ Nhị và 24 cô Sơn Trang ( phải trái mỗi bên 12 cô) ,hai bên có Nhị vị Vương Bà .Tầng trên thờ Chính Pháp Minh Vương Quan Thế Âm Bồ Tát ,thấp hơn một chút về phía dưới thờ Mẫu Sòng ,hai bên tả hữu thờ Tứ Phủ Chầu Bà .
Hai trục chính giữa hai tầng của Động Sơn Trang khắc đôi câu đối :
Bạch bảo quang trung quan tự tại
Thiên hoa đài thượng thiện như lai
Hai bên tường trong Động có thêm đôi câu đối nữa:
Phấn đại bách niên lưu nữ sử
Anh linh thiên cổ nhạn thần hưu
Gần
đây dân làng Tây Hồ đã hồi phục lại đội tế và định thời gian lễ tế hằng
năm sau một thời gian dài gián đoạn không làm lễ ( từ 1945 đến tháng Ba năm Ất Mùi 1955 mới tổ chức lại hội rước' Mã ' Thánh Mẫu Liễu Hạnh lần cuối .Ngày nay tuy không còn hội rước Mã nhưng cứ hai năm một lần theo truyền thống ,vào hai ngày mồng Sáu mồng Bẩy tháng Ba Âm lịch ,ở Phủ Tây Hồ lại tổ chức thi hát Văn ,nhờ đó mà Bách gia trăm họ có cơ hội được thưởng thức bài hát Văn dài 198 câu của cụ Phạm Bá Khiêm (soạn giả ,đề chữ đôi câu đối ở cổng Phủ ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét