Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

NƯỚC - MỘT TỪ ĐẶC VIỆT

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
(Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu)

"Nước" - một từ đặc Việt
Nguyễn Đức Dân

1 Tôi xin tham gia mục "Tiếng nước tôi" bắt đầu bằng từ nước.
Lấy nơi sinh sống đặt tên cho lãnh địa dân tộc mình là lẽ thường tình. Nhiều nước có tên gọi gắn với "đất" (land). Scotland là "đất của những người nói tiếng Gaelic", Phần Lan (Finland) là "đất của những người nói tiếng Finnic", Hà Lan (Holland) là "vùng đất cây cối rậm rạp" và cũng là "những vùng đất thấp" (Netherlands), Ba Lan (Poland) là "đất của dân tộc Poles". Nhưng người Việt dùng từ nước để chỉ lãnh thổ dân tộc: nước Việt Nam. Điều này gắn với huyền sử Việt, số con của bà Âu Cơ nửa lên núi, nửa xuống biển nên non nước, đất nước cũng là nước, là quốc gia.
2 Trong tiếng Việt, từ làng nước để chỉ những người cùng làng. Thú vị là từ làng cũng gắn với "những dải nước lớn", vì người Việt cổ "quần cư quanh những dải nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là lang và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy được gọi là làng" (Nguyễn Kim Thản). Khi xâm lược nước ta, người Hán gọi dải nước rộng lớn, chạy dài suốt từ Yên Lãng, Đông Anh lên Từ Sơn... là Lãng Bạc. Theo mặt chữ, lãng là sóng, bạc là hồ nước lớn xung quanh có núi. Chữ lãng ở đây dùng để phiên âm từ láng mà người Việt Nam dùng để gọi dải nước này. Từ láng, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) có nghĩa là đầm, đìa. Hiện vẫn còn nhiều địa danh láng: làng Láng (ở Hà Nội, dưa La cà Láng), Láng Le, Láng Thé, Láng Cò, Láng Thờ (dưới đền Hùng)...
3 Nơi ở của người Việt gắn chặt với nguồn nước nên tổ tiên ta đã dùng từ nước (water) đặt tên cho đơn vị hành chính lớn nhất của mình, nước quốc gia (state). Theo quy luật lấy con người làm trung tâm và lấy những sự vật gần gũi nhất quanh ta để đặt tên nhiều hiện tượng khác, từ nước được người Việt dùng theo nghĩa bóng rất nhiều, những cách dùng từ ngữ hiếm thấy ở những dân tộc khác.
Bắt đầu một ngày, mặt trời nhô lên khỏi biển được người Việt gọi là "mặt trời mọc" giống như cây mọc từ đất, hoa sen, hoa súng mọc từ nước, trong khi các dân tộc Anh, Nga, Pháp nói là "mặt trời đi lên" (to rise, podnimatsja, se lever). Chuyển từ ngày sang đêm, mặt trời buông xuống rồi biến mất, giống như khi ta lặn xuống nước không ai thấy nữa. Vậy là người Việt nói "mặt trời lặn".
Trong tiếng Việt, từ nước có tính độc lập cao, nó kết hợp được với tính từ, động từ, danh từ theo những trật tự khác nhau. Hãy so sánh với tiếng Anh: tiếng Việt có 117 cụm từ trong đó có yếu tố nước, sông, trong số này có 97 cụm mà tiếng Anh lại diễn đạt bằng những từ khác chứ không phải là nước, sông (water, river), tuy tiếng Anh cũng có 19 cụm từ chứa water, river nhưng ở cách nói tương ứng trong tiếng Việt lại không dùng hai từ sông, nước (theo Nguyễn Thị Thanh Phượng). Chu Lai viết: "Chị hàng nước mang hàm giảng viên đại học... còn có nhã ý bán thêm mặt hàng mía đẫn để phục vụ riêng cho Lãm" (Phố). Hàng nước đâu chỉ có bán nước, còn bán cả kẹo bột, kẹo vừng, mấy gói thuốc lào, dăm bao thuốc lá. Người uống nước có thể mua thêm cút rượu nhắm suông kẹo lạc, kẹo vừng... Từ nước đã thay cho nhiều mặt hàng ăn uống lặt vặt.
4 Các bạn thử xem có thể dùng những cụm từ chứa water để dịch những từ nước in nghiêng dưới đây được không?
Tức nước vỡ bờ, nước biểu trưng cho sức mạnh, cho năng lực. Từ đây có những cách nói: học hành như vậy chưa nước non gì đâu; nó thì nước gì, đến nước ấy là cùng; làm thế cũng chả nước mẹ gì (xin lỗi!)... Thay vì nói "ra tay, trổ tài" người ta cũng nói "ra nước".
Nước thì có bề mặt phản chiếu, nên có thể dùng từ nước để chỉ những gì trên bề mặt có màu sắc: nước da trắng hồng, nước bóng, nước mạ, nước kền, nước sơn, màu chiếc xe đã xuống nước không còn như lúc mới.
Những con nước lên xuống, rồi một sông nước chảy đôi dòng, dẫn tới những tình huống mà con người phải xử trí hằng ngày, hoặc nói năng ngang bằng sổ thẳng hoặc theo nước đôi muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tình huống trong cuộc đời giống như tình thế trong cuộc cờ. Vậy nên nước còn dùng để nói về nước cờ, thế cờ, "Cờ đang dở cuộc không còn nước" (Nguyễn Khuyến). Nhiều lúc dù có xoay xở hết nước vẫn không thoát khỏi nước bí trong cuộc cờ, cũng như trong cuộc đời nếu như không có những lời mách nước. Kẻ được nước, ở vị thế cao thì lấn nước, người kia mất nước, ở vị thế thấp đành chịu nước lép hoặc tính tới nước nói dối. Thậm chí nếu hết đường binh thì chỉ còn nước đầu hàng. Nước đời là vậy.
Dòng nước chảy gợi nên sự chuyển động khiến ta liên tưởng tới cách thức đi đứng, hành xử tìm ra đường đi nước bước trong công việc. Ngựa chạy được ví như nước chảy, có lúc đi nước kiệu, lúc lại phi nước đại. Về gần đích, vận động viên chạy nước rút. Cuối năm, nhà máy, xí nghiệp cũng mở cuộc đua nước rút hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch.
Mời các bạn suy ngẫm và dịch tiếp những từ "nước" dưới đây: nước chấm, nước dùng, nước lèo, nước cốt, nước hàng, nước màu, nước hoa, nước trái cây, sắc tới nước thuốc thứ hai, thêm thứ này vô sẽ mất nước, nước độc, bị sốt rét ngã nước, buôn bán nước bọt....
Ấy là chúng ta chưa nói về nghĩa bóng của từ nước trong thành ngữ, tục ngữ Việt.
NGUYỄN ĐỨC DÂN
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét