Translate

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

MỘT BÀI VIẾT ĐẦY TÂM HUYẾT !

Đi dạo trên mạng  tình cờ gặp được bài viết tuyệt hay này, xin phép tác giả được đưa lên để ngõ hầu phần nào phổ biến với cộng đồng người Việt                                                                                                     

DÂN BÁCH -VIỆT 

NÓI TIẾNG "BÁCH - NGỮ"
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Từ cuối thập niên '70, các nhà xuất bản Việt-Nam ở Mỹ thường hay nhắc đến câu "bảo tồn tiếng Việt", nhưng nay (1992) có cảm tưởng họ "im hơi lặng tiếng", phải chăng vì thấy "bảo tồn" không còn là một vấn đề nữa trước số lượng sách báo in ra hàng năm ở Mỹ ? Nhưng có thực "bảo tồn" không còn là một vấn đề nữa hay không ?
Trước tôi đã nhìều người lên tiếng nhận xét chiều hướng của một số sách báo hải ngoại là ưa xen lẫn ngoại ngữ mà không dịch, cũng không chú giải, khíến cho một người Việt sống ở Anh hay ở Pháp, đọc một bài của người Việt sống ở Ý hay ở Ðức, tuy cùng ở Âu châu, dễ có "giao lưu văn hóa", cũng khó lòng hiểu được huống chi những người Việt ở quê hương xa xôi, không học ngoại ngữ Tây phương. Xen lẫn ngoại ngữ vào một câu tiếng Việt để biểu lộ sắc thái địa phương là một kỹ thuật thông dụng nhưng nếu tác giả không chịu dịch ra cho người đọc hiểu thì được mặt này lại hỏng mặt kia.
Thuở nhỏ, tôi đọc một cuốn truyện trẻ em kể rằng có một người cha muốn gián tiếp khuyên các con nói tiếng Việt cho ra tiếng Việt, trong bữa cơm đã bông đùa hỏi :"Nồi cơm hôm nay thổi bởi ai mà trông có vẻ tốt ăn thế ?" khiến cho u già đang xới cơm phải quay đi tủm tỉm cười. Câu chuyện này đã in sâu vào trí óc tôi, đây là lần đầu tiên tôi ý thức được rằng người ta vẫn có thể nói tiếng Việt cho người Việt hiểu nhưng vẫn khiến cho người nghe "tủm tỉm cười". Từ đó, tôi cố tránh những câu đại loại :"Làng tôi bao bọc bởi một lũy tre xanh" vv. rập theo cấu trúc Tây phương (forme passive). Tuy biết có thể mục đích là muốn "làm giầu tiếng Việt", song tôi vẫn tránh không viết, có lẽ vì khi đi học tiếng Pháp hay tiếng Anh các thầy gíáo, dù là người Pháp hay người Anh, đều căn dặn tôi phải tránh lối cấu trúc này vì nó làm cho câu văn nặng nề, chỉ nên sử dụng khi nào thật cần thiết.
Bây giờ đọc sách báo Việt, ở trong nước cũng như hải ngoại, đều thấy nhan nhản những "bởi" là "bởi", chẳng thấy ai lên tiếng phản đối. Tôi đã đi từ ngạc nhiên đến băn khoăn và cuối cùng kết luận tại tôi đi xa nhà lâu ngày nên cách dùng chữ "bởi" kiểu Tây phương đã được Việt hóa từ lâu mà không biết, không ai thấy nó "nặng nề" nữa. Tóm lại chắc là tôi "lạc hậu", khư khư giữ lấy những quan niệm đã cũ rích, không hợp thời. Tôi đã trở nên "bảo thủ" mà không tự giác, khác nào những người Gia-nã-đại gốc Pháp còn giữ những từ ngữ mà người Pháp sống ở Pháp đã bỏ từ lâu. Còn nhớ người ta kể cho tôi nghe rằng hồi đầu thế kỷ XX, trong các vườn Bách thảo ở Gia-nã-đại thường có những tấm biển đề "Défense d'injurier les arbres" khiến cho những người Pháp chính cống phải ôm bụng cười vì với họ nó có nghĩa là "Cấm không được chửi bới cây cối", trong khi nó chỉ có nghĩa :"Cấm không được phá phách, bẻ cành, chặt cây".
Trở lại chuyện dùng tiếng Việt xen lẫn ngoại ngữ. Ai cũng biết người Việt sống ở ngoại quốc trong những lúc nói chuyện với nhau thường hay xen lẫn ngoại ngữ vào một cách rất tự nhiên. Ðấy là vì hàng ngày phải giao thiệp với dân bản xứ nhiều hơn là tiếp xúc với người đồng hương nên quên dần tiếng Việt, đôi khi nhất thời không tìm ra chữ thích đáng để diễn tả tư tưởng đành phải tạm dùng ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn có những người cố gắng dịch câu nói ra tiếng Việt, song vì quên tiếng mẹ đẻ, hay thiếu kinh nghiệm dịch, nên thường dịch từng chữ một làm người nghe bỡ ngỡ, có khi phải dịch ngược lại mới hiểu. Thí dụ :
"Thằng ấy có tay dài" ("Il a le bras long") phải là người biết tiếng Pháp mới hiểu đúng nghĩa là "thằng ấy có vây cánh", chứ không phải là có dị tướng, hay quý tướng như Lưu Bị "tay dài quá đầu gối", sau này làm thiên tử !
"Hai người đó giờ gẫy rồi" (They 've broken off") không có nghĩa là họ gập tai nạn gì mà chỉ là "Họ đã bỏ nhau rồi".
"Nó đánh mi " ("Il bat les cils") không phải là nó "hành hung" với ai mà chỉ là "nó chớp mắt".
"Chị có tiền lỏng không ?" ("As-tu de l'argent liquide ?") chắc chắn những người không học tiếng Pháp không biết cái thứ "tiền lỏng" là tiền gì, nhưng nếu hỏi họ :"Chị có tiền mặt không ?" thì ai cũng hiểu ngay.
"Những cái lưỡi xấu nó nói rằng..." ("Les mauvaises langues disent...") tuy dễ đoán nghĩa hơn, song cha ông ta lại nói kiểu khác :"Những đứa xấu miệng nói rằng...".
Dù sao đây chỉ là trường hợp Việt kiều. Ðiều làm tôi giật mình là khoảng những năm '60 hay '70 tôi đọc một cuốn sách xuất bản ở Hà-nội "Dậy tiếng Việt ở Ðại học", tôi đã bắt gập chữ lô-gích ngay trong mấy trang đầu mà không đặt trong dấu ngoặc kép, không in nghiêng, cũng không dịch, coi như ai cũng hiểu. Tôi thử đem ra dùng với một bà cụ đã sống ở Pháp từ lâu, am hiểu một số Pháp ngữ thông dụng, nhưng bị cụ chặn lại hỏi ngay "Lô-gích là cái gì ?", tôi nói là "hợp lý" thì cụ thôi không hỏi nữa. Tôi thử đặt mình vào địa vị một người không học ngoại ngữ Tây phương, không hiểu "lô-gích" là gì, tất nhiên phải giở tự vị ra tra. Trong cuốn Từ diển Pháp Việt, do Ủy ban Khoa học xã hội xuất bản năm 1981, tôi thấy dịch "logique" là : 1) logic học, 2) sách logic, 3) lôgic vv. chẳng thấy sáng nghĩa hơn, người ta không hiểu mới tra tự vị, giảng "logique" là "lôgic" thì có khác gì không giảng ? Phải giở tự vị Ðào Duy Anh ra mới được biết "logique" là "hợp lý".
Có người bảo tôi :"Hợp lý" không phải là "lô-gích", chính người Trung quốc đã bảo không nên dùng". Tôi thấy lập luận này không ổn, ngộ mai kia người Trung quốc nghĩ lại, đổi ý bảo nên dùng thì mình cũng lại bắt chước họ hay sao ? Vay mượn những từ ngữ không có trong tiếng Việt là chuyện cần nhưng trong trường hợp ta đã có chữ sẵn mọi người đều hiểu, như "hợp lý", tại sao ta lại vay "lô-gích" chỉ có một số người hiểu ? Nếu thấy chữ "logique" còn có nghiã rộng hơn "hợp lý" thì sao không giữ cả hai : "hợp lý" để cho dễ hiểu, và dành "lô-gích" ở những chỗ không dùng "hợp lý" được, như thế mới đúng là "làm giầu cho tiếng Việt", chứ thay thế "hợp lý" bằng "lô-gích" thì có lợi thêm được chữ nào đâu mà bảo là "làm giầu" ?
Nếu cho rằng "hợp lý" cũng không phải tiếng Việt thuần tuý, chỉ vì dùng lâu ngày nên được Việt hóa ai cũng hiểu, vậy cứ dùng mãi chữ "lô-gích" tất một ngày kia mọi người đều hiểu. Ðành thế, nhưng phải mất bao nhiêu thời gian mới đi đến chỗ "mọi người đều hiểu" ?
Ngày nay ta cũng thường thấy trên sách báo mấy chữ "bị áp lực". Tại sao không dùng những chữ "cưỡng ép" ? Tiếng Việt còn chữ mạnh hơn nữa là "ép buộc". "Bị áp lực" còn có hi vọng lọt ra khỏi vòng chứ đã bị "ép" lại thêm bị "buộc chặt" thì đố chạy đâu cho thoát !
Bây giờ chữ thời thượng là "kiếm sống" chắc dịch từ chữ Pháp "gagner sa vie" hay từ tiếng Anh "to earn one's living", người ta không dùng đến "kiếm ăn" nữa (Kiều : "Vay thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi") phải chăng vì ngày nay đời sống cao hơn, "kiếm ăn" không không đủ phục vụ nhu cầu thường nhật, còn phải có những nhu cầu khác như giải trí chẳng hạn nên phải dùng "kiếm sống" cho đầy đủ ý nghĩa hơn ? Song hiển nhiên ta đang "sống" cần gì phải "kiếm" nó ? Thế là không lô-gích !
Tôi cũng biết đã là sinh ngữ tất không tránh khỏi vay mượn do "văn hóa giao lưu", huống chi vay mượn để "làm giầu" cho tiếng Việt thì còn đắn đo gì nữa ? Nhưng qua số sách báo tôi được đọc thì hình như câu chuyện không hẳn diễn ra như thế. Lấy một thí dụ : Trên sách báo bây giờ người ta hay ví "giống nhau như hai giọt nước" ("Ils se ressemblent comme deux gouttes d'eau") chứ ít thấy ai ví "giống nhau như đúc", "giống nhau như in, như lột" vv. Tại sao ta có ít nhất tới ba câu ví mà còn phải "mượn" thêm một câu ví của người Pháp ? Có phải vì nghe nó lạ tai, đỡ nhàm chán ? Song đây chỉ là một vấn đề tương đối. Có thể với một người Việt sống ở Việt-Nam hay xứ khác ngoài Pháp ra thì nghe là lạ, song với những người sống ở Pháp thì thấy rất chán tai, mà lại nghe "giống như lột, như in, như đúc" thích thú hơn nhiều. Không những thế, những câu "như lột, như in..." bị xếp xó không dùng tới, lâu ngày sẽ bị quên đã đành phận rồi, song những câu "giống như hai giọt nước" dùng mãi tất rồi cũng hóa nhàm, cũng phải theo luật đào thải tự nhiên, liệu khi ấy chúng ta có moi "giống như in, như lột..." ra dùng, hay ta lại thay thế bằng những câu "lạ tai" khác, kiểu "giống nhau như hai hột đậu" ("like two peas") mượn của tiếng Anh hay một câu tuơng tự, mượn của tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Ðức ? Người Việt ngày nay sống ở khắp năm châu, nói thông thạo đủ mọi thứ tiếng, há chỉ vay mượn của Trung quốc, của Pháp, Anh, Mỹ ? Song "vay mượn" là một chuyện mà "làm giầu" cho tiếng Việt lại là một chuyện khác. Ta vay rồi chỉ dùng chữ mới, bò xó những chữ cổ truyền, tức là thêm một chữ lại vứt đi một chữ, vẫn chẳng thấy "giầu" hơn. Không "giầu" hơn mà lại "nghèo" đi thì có. Tiếng nói không giống như tiền bạc hay vật dụng mà sợ càng tiêu, càng sử dụng càng hao mòn, trái lại, những từ ngữ mà ta không dùng nó sẽ biến mất. Những từ ngữ mới vay mượn của ngoại quốc đã không có những nét đặc thù của dân tộc Việt, lại chỉ có một số người hiểu được, như thế thì là "đổi mới" và "làm nghèo" chứ không phải là "làm giầu" cho tiếng Việt.
Vẫn hay đã là sinh ngữ dĩ nhiên phải chịu luật đào thải. Thuở nhỏ tôi thường nghe chung quanh dùng những chữ "ông bô, bà bô" để chỉ cha mẹ đẻ mặc dầu mượn nó từ chữ "beau-père" (bố dượng, bố chồng, bố vợ) hay "beaux parents" (cha mẹ vợ, cha mẹ chồng) của Pháp. Người ta cũng hay dùng những từ "Thối lắm !", "Lọ chửa ?" để chê bai người khác. Những chữ này mất đi tôi không tiếc lắm nhưng thấy những câu "giống như in, như lột..." bị phế thải để thay thế bằng "giống nhau như hai giọt nước" hay "giống nhau như hai hột đậu" thì thấy không đành lòng. "Giống như in, như đúc..." có thua kém gì "hai giọt nước" hay "hai hột đậu" ? "Ép buộc" rõ ràng mạnh hẳn hơn "bị áp lực".
Ngưới Việt thông minh và có nhiều đức tính hay nhưng phải nhìn nhận chúng ta có tật thường đi đến chỗ thái quá, như khi tin đạo Nho thi Nho là nhất, khi ghét thì ghét hết mực, khinh rẻ quá đáng, không đếm xỉa gì đến những khía cạnh tích cực của đạo Nho nữa. Nếu ngày nay ta không cảnh giác, cứ theo đà vay mượn lung tung, "có mới nới cũ", không bảo tồn vốn liếng sẵn có, e rằng sẽ đi đến chỗ "phá sản". Một ngày kia tiếng Việt sẽ chỉ còn"Việt" ở cái vỏ, còn cốt lõi, cái hồn thì do "tinh túy" của cả trăm thứ tiếng hợp lại, cái thứ tiếng Việt mới ấy, tôi tạm gọi là tiếng "Bách-ngữ" bởi nó "Việt mà không phải Việt". Khi ấy một người ngoại quốc học tiếng Việt sẽ nhận xét :"Tiếng Việt là một thứ tiếng rất lạ, không có bản sắc riêng, tất cả những hình ảnh, từ ngữ bóng bẩy đều mượn ở những ngôn ngữ khác !".
Có người sẽ cho là tôi quá lo xa vì "Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu, một trăm năm đô hộ giặc Tây" còn không tiêu diệt nổi tiếng Việt, đủ chứng tỏ ta có khả năng giữ vững bản sắc của dân tộc, vậy thì tội gì không nhân "cơ hội ngàn năm một thuở" người Việt di tản khắp năm châu bốn bể, mà vay mượn tinh túy của ngoại ngữ cho tiếng ta thêm phong phú ? Vả lại "dân Bách Việt" có nói tiếng "Bách-ngữ" thì cũng là "lô-gích" !
Một vấn đề nữa cũng hằng làm tôi băn khoăn là dường như ngày nay Việt kiều có chiều hướng thích "giản dị hóa" tiếng Việt. Gập một chữ cổ ít người dùng thì lập tức đổi sang một chữ thông thường hơn. Thí dụ, Nguyễn Bính viết :
Nhà cửa tôi vay, tôi trả nợ,
Ai ngờ gái hóa việc quân vương !
(Lòng mẹ)
đã được sửa lại thành :
Ai ngờ gái góa việc quân vương !
Ðành rằng "gái hóa" hay "gái góa" nghĩa cũng như nhau, nhưng còn đâu cái phong vị cổ kính của câu thơ, của nếp sống ngày xưa khi mà người con gái đảm đang, trước khi về nhà chồng còn lo ngại không ai thay mình gánh vác chuyện gia đình ? Ðặt chữ "gái góa" vào miệng một bà cụ già thời cổ nghe rất "vô duyên".
Lại có người sửa "tháng giêng" thành "tháng một", có lẽ vì sợ con em chúng ta sống ở ngoại quốc lâu năm không hiểu "tháng giêng" là gì. Tôi cho là lẩn thẩn. Học ngoại ngữ khó gấp mấy mà con em ta còn đoạt giải nọ, giải kia phăng phăng, sá gì hai chữ "tháng giêng" mà lo chúng không hiểu ! Ấy là chưa kể sửa như thế chỉ gây rắc rối thêm nếu chúng đọc đến bài ca dao :
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè
(...)
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn thành.
Nếu sửa "tháng giêng" thành "tháng một" thì "tháng một" vừa là "tháng ăn chơi" lại vừa "nên công hoàn thành", không làm gì mà thành công, hẳn tại chúng ta là "con rồng cháu tiên" có phép lạ !
Những thành phố cổ, nhà cửa so le, đường xá quanh co, khuất khúc, nhưng nó có cái đẹp riêng, ta có nên nhân danh hai chữ "tiện lợi" san bằng tất cả để xây dựng những thành phố mới rộng rãi, thênh thang, đường ngang, lối dọc, thẳng tắp nhưng... "giống nhau như hai giọt nước" ? Hay là ít nhất ta cũng chừa lại một vài khu vực cổ kính để lưu niệm ? Ngôn ngữ phản ánh con người, con người không "lô-gích" thì ngôn ngữ cũng không "lô-gích". Tôi nghĩ chẳng có một thứ ngôn ngữ nào trên thế giới lại hoàn toàn "lô-gích" cả.
Vậy thì thế nào là "bảo tồn", thế nào là "làm giầu" cho tiếng Việt, thế nào là "bảo thủ", thế nào là theo kịp "trào lưu mới" ? Ðâu là ranh giới ?
Từ xưa ta đã có truyền thống thích xen ngoại ngữ vào tiếng Việt như :"Tôi xin minh tâm khắc cốt", hay "Thấy con mải nghịch sợ để lãn canh, bắt đem sách ra học" vv.
Tôi cũng biết rằng một sinh ngữ không thể "bất di bất dịch", nó "tự hóa, tự diệt", không ai cấm cản nổi. Biết vậy mà vẫn cứ lo, sợ rằng một ngày kia vì vay mượn quá nhiều, tiếng Việt sẽ biến thành tiếng "Bách-ngữ", mất hết bản sắc, trừ phi nhìn nhận "vay mượn" chính là bản sắc của tiếng Việt mới.
Sách báo là phương tiện truyền thông phổ biến nhanh chóng, một nhà văn " viết ẩu" không sao, hai, ba nhà văn viết ẩu cũng không đáng kể nhưng nếu cả trăm người cùng viết như nhau thì người đọc dễ "nhập tâm" bắt chước, cho nên thiết nghĩ người cầm bút viết ẩu cũng phải phần nào chịu trách nhiệm.
Có lẽ các nhà ngôn ngữ học sẽ cười tôi là "lo con bò trắng răng", thời buổi này ai cũng để răng trắng, đào đâu ra thuốc nhuộm răng, việc gì phải lo "lấy ai là người mua thuốc nhuộm răng cho bò ?". Nhưng quả thực vấn đề này đã làm tôi băn khoăn không ít và cứ phân vân không quyết định nổi có phải tôi "bảo thủ" thật không ? Xưa nay tôi vẫn nghĩ là mình dù không "cấp tiến" cũng không phải là người cố chấp, song tự mình xét mình thì có khi chủ quan. Hay là ta làm một cuộc "thăm dò dân ý" bởi vì "Một cây làm chẳng nên non...", nhưng có lẽ tôi nên sửa lại là "Một con én không làm nổi mùa xuân" ("Une hirondelle ne fait pas le printemps") ?
Châtenay-Malabry, tháng 8, 1992 Sửa lại tháng 12, 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét