Translate

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

HỒ GƯƠM - BÚT THÁP - BÚT THÁP CHÍ

photo
  Bức ảnh này copy từ nhà MANHHAI



   Chưa bước qua Tháp Môn, ta đã thấy  bên trái sừng sững một ngọn tháp bằng đá xây  trên  núi Độc Tôn cũng do đá xếp thành. Núi này có đường kính đáy 12m, cao 4m. Tháp vuông có 5 tầng, cạnh đáy tầng một là 2m, lên đến tầng năm là 1m2. Cả 5 tầng cao khoảng 9m, trên đỉnh tầng 5 là ngọn bút lông cũng bằng đá, cả cán và ngòi cao 0m90, như vậy tổng cộng tháp cao 9m90( có nhiều tác giả lại cho rằng tháp cao 28 m?)    Tháp có bốn mặt, mặt nhìn về hướng Tây có khắc hai chữ Bút Tháp.


IMG_3654.jpg

       Nghe nói cổ nhân  khi xây Bút Tháp và Nghiễn Đài (Đài Nghiên ) đã tính toán để làm sao hằng ngày, đúng giờ Dần (từ 3 đến 5 giờ sáng ), Tết Đoan Ngọ (ngày mùng Năm-tháng Năm)hằng năm, ánh mặt trời từ phương Đông rọi tới sẽ in bóng của ngọn bút trên đỉnh tháp chấm đúng vào lòng chiếc Nghiên được làm bằng đá tuyệt đẹp này.                                                         
       Bên chân tháp tọa lạc một  tòa   Sơn Thần Miếu, hai bên có đôi câu đối viết bằng thể chữ Lệ tuyệt đẹp:

                                                   Cố điện hồ sơn lưu vượng khí
                                                   Tân từ hương hoả tiếp dư linh
       
Nghĩa là:
                                                   Chốn cũ núi hồ lưu khí vượng
                                                   Đền nay hương hoả tiếp dư linh
   
                                


   Tháp Bút có ba chữ Tả Thanh Thiên  nghĩa là Viết lên trời xanh, thủ bút của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Cụ cũng là người xây dựng Bút Tháp, Đài Nghiên...


S 1710.jpg
.

     Hai chữ Bút Tháp ở mặt hướng Tây
     Dưới hai chữ Bút Tháp  là một bài Minh ( một thể văn dùng để nói rõ về việc gì đấy, hoặc ghi chép lời răn )do Nguyễn Văn Siêu soạn, khắc trên thân tháp.

S 1709.jpg
     Phiên âm:
     Độc Tôn sơn lãnh, ngũ tầng Bút Tháp. Tháp dĩ sơn tăng cao. Sơn dĩ tháp nãi truyền. Lê Vĩnh Hựu niên gian, nghịch Phương giả, thiết cứ Thái Nguyên, Phổ Yên, Độc Tôn sơn. Vương sư chí thảo, tiến thứ Ngọc Bội, liên phá chi Ký ban sư, nhân cao địa vi sơn kỷ công, nhi danh dĩ thị danh. Đỉnh cách hậu, tạp ư tùng cức quán bôn, vô phục chi giả. Hoàn Kiếm hồ trung hữu miếu phụng Văn Xương, ư kỳ trùng tu, cố chiêm ngạn đông, kiến sơn, nãi trảm mao, kế thạch kiến Bút Tháp kỳ thượng dữ Nghiễn Đài đối. Ư thị lai giả thuỷ phỏng sơn vi Độc Tôn giả hà tự. Phù, sơn dĩ tượng vũ công, tháp dĩ tượng văn vật. Lưỡng giả tương nhân nhi tương trị dĩ tương truyền. Nhiên nhi năng bất hủ giả kỳ trung tự hữu bất hủ. Tại Phương Đình chí.
    Tự Đức Ất Sửu thu khắc.
    Thọ Tháp cư sĩ tử thư ( Tự Tháp nhưng phải viết là Thọ Tháp vì kỵ huý Tự Đức 1848-1883 )
     Dịch nghĩa:
      "Trên đỉnh núi Độc Tôn có tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp lưu  truyền mãi. Khoảng triều Lê Vĩnh Hựu ( 1735-1740 ) nghịch Phương (tức Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương ) lên chiếm núi Độc Tôn ở  Phổ Yên xứ Thái Nguyên, Vương sư ( Trịnh Doanh) đi đánh dẹp, đóng quân ở núi Ngọc Bội, liên tiếp phá giặc. Ngày khải hoàn nhân gò đất cao, đắp núi để ghi công, đặt tên là núi Độc Tôn. Sau các biến đổi triều đại, núi bị gai góc phủ đầy, không còn nhận ra nữa.  Trong hồ Hoàn Kiếm có miếu Văn Xương. Vào dịp trùng tu miếu, ngó sang bờ Đông, thấy có núi, bèn phát cỏ dọn cây, kè đá, xây  Bút Tháp, đối diện với  Nghiên Đài. Từ ấy Núi là biểu tượng của chiến công mà Tháp là biểu tượng của văn vật. Cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại, lưu truyền. Nhưng sở dĩ trở thành bất hủ là bởi trong bản thân chúng sẵn chứa đựng cái bất hủ.
      Khắc vào mùa Thu, năm Ất Sửu, đời Tự Đức (1865 ).
      Cư sĩ họ Vũ thôn Thọ Tháp viết.
( Trong " Phương Đình văn loại " của Nguyễn Văn Siêu bài Minh này có tên là " Bút Tháp chí ").
     -  Nguyễn Danh Phương: Không rõ năm sinh, mất 1751.Dân gọi là Quận Hẻo.Người xã Tiên Sơn, huyện Tiên Lạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây( Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ). Tham gia cuộc nổi dậy Đồ Tế ở Yên Lạc bị thất bại. Năm 1740 tổ chức khởi nghĩa, lập căn cứ ở Thanh Lanh, Ngọc Bội, vùng Tam Đảo  và Úc Kỳ( Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên ), có lúc  quân lên tới hàng vạn người, hoạt động ở các trấn Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang trong hơn 10 năm. Đầu năm 1751 bị chúa Trịnh Doanh thân chinh cầm quân tiêu diệt
    - Lệ Thư: Lệ thư biến thể từ Triện thư, có hai loại, Tần Lệ là chữ Lệ đời nhà Tần, Hán Lệ là chữ Lệ đời nhà Hán, được dùng chính thức trong văn thư đời nhà Hán. Mông Điềm đời Tần chế ra bút lông, Thái Luân đời nhà Hán chế ra giấy, Hành Di đời nhà Hán chế ra mực. Nhờ vậy nên chữ Lệ có nét lượn cong, đậm nhạt tuỳ ý, uyển chuyển hơn nhiều so với chữ Triện.             
                     
    Phía dưới bên trái là một tấm bia nhỏ đề năm chữ Thái Sơn Thạch Cảm Đương nghĩa là Đá Thái Sơn có sức mạnh vô địch, còn  có nghĩa là hòn đá trấn yểm của Thạch Cảm Đương núi Thái Sơn, theo truyền thuyết Phong thủy Trung Hoa thường dùng để trấn yểm tà ma cho nhà cửa nằm ở vị trí đối diện với Cầu, Cửa khẩu, Đường lớn.v.v...
    Thái Sơn là tên dãy núi ở miền trung tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Xưa gọi là Đông Nhạc, nằm trong Ngũ Nhạc (5 dãy núi cao nhất Trung Quốc ). Đỉnh cao nhất ở phía Bắc huyện Thái An gọi là đỉnh Ngọc Hoàng, nơi vua chúa trước kia thường cử hành đại lễ. Sau này cụm từ Thái sơn dùng để chỉ những gì to lớn.


S 1708.jpg

     Bia Thái Sơn Thạch Cảm Đương.


S 1706.jpg

    Tấm bia đề ba chữ Thái Bình Thôn, chỉ địa giới nằm bên phải bia Thái Sơn...
                                                                                                                  còn tiếp.....

Có thể đọc thêm ở đây:http://www.forum.infohanoi.com/f15/thap-but-dai-nghien-24/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét