Thôi Hiệu ( ? -754 ) người Biện Châu ,nay là thành phố Khai Phong , tinh Hà Nam .Năm Khai Nguyên thứ 11 ( 723) ông thi đỗ tiến sĩ .Trong Truyện các tài tử đời Đường ( quyển 1) của Tân Văn Phòng đời Nguyên có viết : "Thôi Hiệu đi chơi Vũ Xương ,lên lầu Hoàng Hạc tức cảnh đề thơ .Sau đó Lý Bạch tới và nói :Trước mắt có cảnh đẹp mà không nói được vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu rồi .Bèn gác bút mà đi ".
Lý Bạch từng phỏng theo bài này để viết Anh Vũ châu và Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài .
Đây là bài thơ thể thất ngôn luật thi ,bài thơ này bày tỏ nỗi nhớ người xưa mà tìm chẳng gặp ,rồi chuyển sang nỗi buồn nhớ quê hương từ cảnh vật hiện ra trước mắt ,chủ đề chuyển đổi thật là tự nhiên .
Phiên âm :
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu .
Dịch nghĩa :
Ông tiên thời xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc trống vắng
Hạc vàng đã bay rồi thì không bao giờ trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn còn lững lờ trôi
Hàng cây phía Hán Dương (bên kia sông )lúc trời quang
trông rõ mồn một (như ngay trước mắt )
Trên bãi Anh Vũ (nơi xa).thấy toàn cỏ thơm rậm rạp
Hoàng hôn mặt trời lặn,quê ta ở nơi nào
Cảnh sóng nước mịt mù khiến lòng người ưu tư
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu nếu dịch nghĩa là : Nơi đây chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc ,hoặc dịch thơ :Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ (Tản Đà) ,Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi (Khương Hữu Dụng ) thì chưa lột tả hết ý tứ của chữ :Không .Không ở đây đã phác họa cảnh trống trải hoang vắng ,rõ ràng đã biểu lộ việc tác giả đang chìm trong mạch suy tư ,nuối tiếc .
Mở đầu bài thơ , tác giả đã gợi lên cảnh lầu Hoàng Hạc , di tích chon von trên núi đá để rồi ngoái nhìn xưa và nay mà đi đến nỗi buồn trống trải .Từ cảnh trời chiều của :
Hán Dương sông tạnh ,cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non mà trào dâng nỗi niềm nhớ quê man mác ,kết cấu bài thơ nhẹ nhàng ,chuyển đổi tự nhiên ,linh hoạt. Ba câu đầu có 3 lần nhắc tới Hoàng Hạc là bắt nguồn từ cách thức chuyển đổi của dân ca Lục Triều ,không thuộc cách thức của luật thi .Ở liên thứ ba có các từ láy lịch lịch (rõ[mồn một] )chỉ về hàng cây phía Hán Dương bên kia sông và thê thê (rậm rạp )chỉ về cỏ thơm trên bãi Anh Vũ tạo thành cặp đối rất hay (Nguyễn Quốc Siêu bình )
Nghiêm Vũ đời nhà Tống trong tập Thương lăng thi thoại có lời bình như sau :"Đường nhân thất ngôn luật thi ,đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc lâu đệ nhất "nghĩa là :Luật thất ngôn người đời Đường thì Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là nhất .
Dịch thơ :
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Tản Đà dịch
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi
Hạc vàng một đã đi đi biệt
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời
Hoàng hôn về đó quê đâu tá
Khói sóng trên sông não dạ người
Khương Hữu Dụng dịch
Người đi theo hạc khuất chân trời
Lầu vắng hoàng hôn lặng lẽ trôi
Muôn thuở phượng hoàng bay viễn xứ
Nghìn năm mây trắng giạt ngàn khơi
Hán Dương lộng bóng rừng cây thắm
Anh Vũ mượt mà thảm cỏ tươi
Chiều xuống, sầu thương về cố quận
Sương đêm khói sóng lệ đầy vơi...
Tiểu Vũ Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét