Bàn đến nguyên do sinh ra Vạn Tướng thì nhà Phật dùng đến thuyết Nhân Duyên Quả Báo ,thường gọi tắt là Nhân Quả.
Kinh dạy rằng :"Nhất thiết Pháp, nhân duyên sinh "nghĩa là tất cả các pháp ( vạn sự vạn vật ) đều do nhân duyên mà sinh ra .Lại cũng nói :"Ly nhân duyên biệt vô ngã " ,rời bỏ nhân duyên ra ,không còn gì gọi là "Ngã " (Ta) nữa cả ,nghĩa là tất cả sự vật không sự nào vật nào có Tự Tính ( Bản tính của riêng mình -Nature propre ) ,mà chỉ có nhờ Nhân Duyên hội lại mới thấy như là Có .
Nhân ( nguyên nghĩa là Hạt Giống ) -tức là những sự vật có cái năng lực sinh sản ra Quả .
Duyên là những sự vật bổ trợ cho Nhân ,giúp cho Nhân sinh ra Quả .Tỉ như ,hạt thóc có cái sức phát sinh ra cây lúa thì hạt lúa là Nhân , cây lúa là Quả, mà tất cả những điều kiện thuận tiện như đất ,nước ,...v.v.giúp cho hạt lúa sinh ra cây lúa , đều gọi là Duyên .
Nhân Duyên hòa hợp với nhau mới sinh ra vạn pháp .Nếu có Nhân mà không có Duyên thì cái Nhân dù có sức năng sinh ra cũng không làm sao ra Quả được .Nếu chỉ có Duyên mà chẳng có Nhân thì cũng không thể nào sinh ra Quả được .Thế nên có Nhân và có Duyên mới có thể sinh ra vạn pháp .
Nhân và Duyên kể ra thì vô cùng .Thường thì cái Quả không bao giờ do một Nhân duy nhất mà thành ,mà do nhiều Nhân hợp với nhau mới có được một cái Quả hiện ra .Nhân có nhiều thứ mà Duyên cũng có nhiều loại ,thường lẫn lộn với nhau nên mới nói không vật nào sinh ra vật nào .
Phật nói về Nhân ,có hai thuyết : thuyết sáu Nhân và thuyết mười Nhân .thuyết sáu Nhân ở trong Cu Xá Luận .còn thuyết mười Nhân là ở trong Du Già luận .Thuyết mười Nhân thực sự là đem phạm vi của Nhân mà mở rộng thêm , bao gồm cả Duyên trong đó.
Mười Nhân là :
1. Tùy thuyết Nhân
2. Quản đãi Nhân
3. Khiên dẫn Nhân
4 Nhiếp thọ Nhân
5. Sinh khởi Nhân
6. Dẫn phát Nhân
7. Định dị Nhân
8. Đồng sự Nhân
9.Tương vĩ Nhân
10. Bất tương vi Nhân
Sự chia Nhân ra làm mười loại kể ra cũng tinh tế thật ,tuy chia làm mười nhưng kỳ thực sự vật nào hiện ra đều đã gồm đủ cả mười Nhân ấy ,mặc dù mỗi nhân đều có phận sự riêng khác nhau.
1-Tùy thuyết nghĩa
là tùy lời nói ...Bởi có nói ra ,có danh từ gọi tên ....mới có sự ấy
,vật ấy .Tỉ như thiên hạ cùng gọi trái cam nên mới thành trái cam .Nếu
không ai gọi nó là trái cam cũng không định tính chất nó là tính chất
trái cam thì chắc không thể nào biết nó là trái cam.Tùy theo lời nói
cũng có thể tạo thành các pháp nên mới gọi là Tùy thuyết Nhân .
2-Quán đãi ,là
xem xét về chỗ đợi trông ,cũng như có xem xét rõ được cái công dụng của
trái cam đối với thân thể sức khỏe của ta thì ta mới trồng nó và nhân
đó nó mới có.
3-Khiên dẫn ,là
dìu dắt hay dẫn dắt ,như có hạt cam mới có cây cam và có cây cam mới
có trái cam khác...Trái này sinh trái kia cho nên gọi là Khiên dẫn Nhân.
4-Nhiếp thọ ,là
nhận lãnh ,tiếp nhận các thứ,như hạt cam tiếp nhận đất ,nước ,phân
,nắng .v.v.thì mới có thể sinh ra cây cam được ,có tiếp nhận mới có thể
phát sinh.
5-Sinh khởi ,là bắt đầu sinh ra ,như hạt cam có gặp đất ,nước ....mới bắt đầu nảy mầm thành cây ,sự làm cho bắt đầu sinh ra gọi là Sinh khởi Nhân .
6-Dẫn phát ,là
dẫn dắt dần dần hạt giống từ khi phát sinh đến khi kết trái ,như mầm
cây cam ,lớn thành cây cam ,rồi dần dần trổ hoa ,kết trái ....đến khi
trái chín .
7-Định dị ,là
quyết chắc không khác biệt ,cũng như hạt cam giống sẽ sinh ra cây cam
chứ không sinh ra thứ cây khác .Trồng dưa được dưa,trồng đậu được đậu .
8-Đồng sự ,là
đồng làm một việc ,các nhân trước đây cùng đồng hợp với nhau cùng làm
một việc nên mới có được kết quả .Chung nhau cùng tạo thành một việc
nên gọi là Đồng sự Nhân.
9-Tương vi ,là
trái nghịch nhau ,cũng như hạt cam giống gặp đất khô ,thiếu nước ...thì
kết quả sẽ không được tốt đẹp ,hoặc ít trái ,hoặc chua .v.v.,đó gọi là Tương vi Nhân .
10-Bất tương vi ,là
không gặp cảnh trái nghịch nhau ,khi ăn quả cam ngọt là biết vì không
có sự gì trở ngại cho sự phát triển tự nhiên của nó .Cái không có trở
ngại đó tạo thành các pháp nên gọi là Bất tương vi Nhân .
Ta thấy rằng trên đây tuy gọi là Nhân mà thực sự cũng là Duyên ... Là vì không có một cái Nhân nào là Nhân đầu tiên cả ,mà trước cái Nhân còn bao nhiêu nhân khác mà mình chưa truy tìm ra cũng như không có cái Quả nào là cái Quả sau cùng .Nhân và Quả vì vậy mới gọi là vô cùng vô tận .
Theo Trường A Hàm Kinh ,Duyên chia làm bốn loại sau:
1.Nhân Duyên
2.Đẳng vô giản Duyên
3.Sở duyên Duyên
4.Tăng thượng Duyên
1-Nhân Duyên :
Nhân ,là nguyên do ,là chỗ phát sinh .Duyên ,là đối đãi ,nương nhau .Nhân Duyên tức là cái Duyên của các Nhân ,tức là sự nương nhau của các Nhân hội hiệp lại .
Đó là lấy Vật mà giảng ,còn đem Tâm hoặc đem Tâm và Vật hợp nhau mà giảng thì phàm những hành động nào của Thân ,Khẩu ,Ý mà gây ra nghiệp ...đều gọi là Nhân cả .Nếu Thân mình ,Miệng lưỡi mình,Ý tưởng mình đều là thiện thì sẽ gặp quả thiện .Ý mà ác (ác ý )thì miệng lưỡi nói ra điều ác ( ác khẩu ) và làm
ra điều ác (hành ác ) .Theo nhà Phật thì cái ý niệm mà gian ác ,tà bậy
...đủ gây ý nghiệp ác rồi ,chưa cần là đã nói ra hay đã làm điều ác .
2-Đẳng vô gián Duyên :
Vô gián ,là không kẽ hở ,gián đoạn ;Đẳng vô gián là một mạch tiếp nối nhau không hở chỗ nào .Đẳng vô gián Duyên là nói về Tâm thức sinh diệt vô thường rất mau lẹ trong khoảng sát na nghĩa là một niệm trước vừa diệt là đã mở đường cho một niệm sau sinh ra ...và cứ thế tiếp nối nhau không gián đoạn .Duyên này chỉ có những pháp thuộc về Tâm thức mới có .
3-Sở duyên Duyên :
Sở duyên Duyên là duyên của các thứ đối lập ,tỉ như Hữu hình đối với Vô hình ,cũng
như cái nghe ,cái nhìn của mình nó chia mình ra đối với ngoại cảnh ,rồi
ngoại cảnh lại chia mình ra đối với cái thấy ,cái nghe của mình
...thành ra nội ngoại thấy như là khác nhau ..và nhân đó mới có sinh ra
lòng thương ,ghét .v.v.suy nghĩ ra cái này cái kia.
Nói cách khác ,cái Tâm chủ quan của mình ( tâm năng ) phân biệt với cái Tướng ( khách quan ) của ngoại vật ( tướng sở ) làm cho hai đằng thành đối đãi nhau .Cái trước ( tâm năng ) lấy cái sau làm sở duyên (duyên ở ngoài mình ).Cái tướng của sở duyên này chính là cái trợ duyên để sinh ra Tâm năng ( chủ quan ) nên gọi là Sở duyên Duyên .
4-Tăng thượng Duyên :
Tăng thượng là tăng thêm ,những Duyên giúp thêm các Nhân Duyên đã nói trên đây .
Bốn Duyên đã kể trên bất cứ sự vật nào cũng đều phải nhờ nó mới thấy như là Có chứ không phải thực Có (huyễn hóa ),trừ bốn Duyên kia ra ,thật không thể chỉ ra được một sự vật gì là chắc Có được .
Trong Lăng Nghiêm Kinh có nói :"Nhân duyên hòa hợp ,hư vọng hữu sinh ;nhân duyên biệt ly ,hư vọng danh biệt ".Nghĩa là :Nhân duyên hội hợp cùng nhau ,thì mới có sinh ra hư vọng giả tướng ;nhân duyên mà chia lìa ,thì hư vọng giả tướng sẽ tan đi.Cho nên Sinh cũng chẳng thật Sinh ,mà Diệt cũng chẳng phải thật Diệt, chỉ vì Nhân duyên hội hợp hay tan rã thôi .Cho nên Có cũng do Nhân duyên ,mà Không cũng bởi Nhân duyên .
Sưu tầm vốn cổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét