Translate

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

HỒ GƯƠM - THÁP MÔN - NGUYỄN VĂN SIÊU









   Bức ảnh này có dán tem bưu ảnh năm 1915 ghi chú bằng tiếng Pháp ( Pagoda des Supplices - Hanoi ) nhầm lẫn là chùa khổ hình, nằm trong bộ ảnh của Pierre Dieulefils về Đông Dương được ra mắt lần đầu tiên tại cuộc triển lãm ở Hà Nội năm 1902.







   
   
   Tháp Môn là lớp cổng đầu tiên  của Đền, có bốn cột trụ, lối vào ở giữa, mỗi bên hai cột. Trên hai cột trung tâm có hai đôi câu đối tương truyền là thủ bút của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nên hằng năm vẫn được tô lại theo đúng nét bút của Cụ:

                                    Lâm thuỷ đăng sơn nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
                                   Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang
   
Nghĩa là:
                                    Ngắm nước trèo non một lối dẫn vào cảnh đẹp
                                   Tìm nguồn thăm cội trong này sáng rộng thênh thang
   
Ở mặt trong hai trụ giữa cũng có đôi câu đối:

                         Khánh Thuỵ nhất phong cao Ngọc Bội trúc Kình truyền thắng tích
                         Điếu Đài song miếu trĩ linh kim diệu Đẩu hộ thần quang
    
Nghĩa là:
     Một cung Khánh Thuỵ vươn cao xây Ngọc Bội đánh cá Kình dấu danh thắng truyền lại
     Hai miếu Điếu Đài đối diện sáng gươm thiêng ngời sao Đẩu ánh thần diệu chở che
     Chú giải:
     Khánh Thuỵ: Cung Khánh Thuỵ thuộc làng Hữu Khánh. Thuỵ hoặc Tả Khánh Thuỵ vào giữa thế kỷ XIX hợp nhất với làng Báo Thiên Tự thành làng Báo Khánh (nay ở ngõ Hàng Hành còn đình Khánh Thuỵ ). Cung Khánh Thuỵ được xây dựng vào đời Vĩnh Hựu. Đến khoảng năm 1786, cung này bị Lê Chiêu Thống phá.
     Ngọc Bội: Tên quả núi nhỏ do chúa Trịnh Giang cho đắp để ghi chiến công đàn áp cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo Nguyễn Danh Phương. Núi này nằm ở bờ phía tây cạnh cung Khánh Thuỵ đồng thời với cung.
     Trúc Kình: Đánh cá Kình, ở đây hiểu là đánh Nguyễn Danh Phương.
     Điếu Đài: Xây dựng đời Lý Trần. Ở tả vọng hồ Hoàn Kiếm có một gò đảo, trên đó Lê Thánh Tông đã cho một toà nhà dùng để câu cá gọi là Điếu Ngư Đài. Ngoài ra hai quả núi Đài Tai và Ngọc Bội cũng gọi là Điếu Đài.
   
       Đôi câu đối hai trụ ngoài:
                                    
                                     Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính
                                     Độ thế tân lương giác thế quan
     
Nghĩa là:    
                                     Giúp người cái chính là mở đường cho người ta đi
                                     Cứu đời đường lối là làm tỏ lẽ đời cho người ta hiểu
      Câu đối ở đây đều đọc từ phải sang trái, từ trên xuống dưới nên trong thực tế câu đối bên phải ứng với vế trên trong bài viết này.



     Giữa hai trụ là một bức tường được chia làm hai phần trên dưới. Tường bên trái là chữ Lộc. Bên phải là chữ Phúc cả hai chữ đều viết đại tự.Nhưng  hầu hết mọi người, kể cả ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cũng hiểu nhầm mà cho rằng đây là thủ bút của Nguyễn Văn Siêu nhưng trong một số bức ảnh về Hà Nội cũ do Pierre Dieulefils người Pháp chụp đền Ngọc Sơn trong thời gian từ năm 1885-1887 còn lưu lại cho thấy nó được thêm vào sau khi Cụ sửa Đền. Ngay cả hai bức Hoành Phi phía trên hai chữ Đại Tự cũng vậy. Trên chữ Lộc  là ba chữ Sơn Ngưỡng Chỉ  nghĩa là Ngẩng trông núi, câu này rút ra từ Kinh Thi, Tiểu Nhã, Xa Hạt, chương V, nguyên văn là:
                                                 Cao sơn ngưỡng chỉ
                                                 Cảnh hành hành chỉ
      
Nghĩa là:
                                                 Núi cao khiến người ta ngưỡng mộ
                                                 Đường lớn có thể đi được
     
Chu Hy chú giải hai câu trên là:
     Núi cao để người ta ngưỡng trông, bậc có đức hạnh to lớn được người ta xem như khuôn mẫu để noi theo.                                           
      Hai câu trên còn xuất hiện trong Hoài nam tử , thuyết sơn huấn-Lưu An Đẳng đời nhà Hán.
                                                  Cao sơn ngưỡng chỉ
                                                  Cảnh hành hành chỉ
                                                  Hương giả kỳ nhân
    
Nghĩa hai câu trên là:
                                                  Ngước nhìn lên núi cao
                                                 Tiến theo con đường lớn

    
Nhưng với nghĩa bóng thì lại được hiểu là:

                                                 Ngưỡng mộ đạo đức cao thượng

    
Bức đại tự trên cổng đền Hùng có bốn chữ Cao sơn cảnh hành chính là dạng cô đọng của  mấy câu trên ( về bốn chữ này đã có rất nhiều bản phiên âm khác nhau do chữ Hành có tới ba âm khác nhau dùng cho từng hoàn cảnh cụ thể( Hành , Hạnh , Hàng ). Cuốn " Đền Hùng di tích và cảnh quan " của Phạm Bá Khiêm phiên là Hành. Theo " Trung quốc thành ngữ đại từ điển ",  thành ngữ  "Cao sơn cảnh hành " được chú giải như sau :

                                                     Cao sơn ý nói đạo đức cao thượng
                                                    Cảnh hành ý nói hành vi quang minh lỗi lạc
 
      Trong bức Hoành Phi trên chữ Phúc là ba chữ Ngọc Ư Tư  nghĩa là Ngọc ở đây, câu này trích từ Luận Ngữ của Khổng Tử, chương IV, Tử Hãn, tiết 12:

       Tử Cống viết : " Hữu mỹ ngọc ư tư , uẩn độc nhi tàng  chư, cầu thiện giá nhi cô chư?"
       Tử viết : " Cô chi tai. Cô chi tai. Ngã đãi giá giả dã."
     Nghĩa là : Tử Cống hỏi :" Có ngọc tốt ở đây, nên cất trong hộp hay đợi được giá thì bán đi?"
                     Khổng Tử đáp :" Bán đi, ta đang đợi giá đây."

     Chu Hy giải nghĩa là : Câu này ý nói người hiền tài mong được trọng dụng để muốn được giúp dân giúp nước nhưng không vì thế mà bán rẻ danh dự.

  


   Bức tranh này do một người Trung Quốc vẽ nhân dịp Cụ thọ 70 (năm 1868). Ảnh do ông Nguyễn Minh Tuý, cháu ngoại đời thứ 5 của Cụ  Nguyễn Văn Siêu ở 20 phố nguyễn  Siêu, Hà Nội cung cấp.
    Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) người làng Kim Lũ nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 26 tuổi đỗ Á Nguyên, hơn 10 năm sau đậu Phó Bảng. Làm quan lúc đầu giữ chức Kiểm thảo  Hàn Lâm Viện, sau thăng Chủ sự bộ Lễ... Năm 1849, được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc. Năm 1851, được bổ làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Án sát Hưng Yên. Năm 1854, ông dâng sớ từ quan về nhà. Từ đó, chuyên việc dạy học và viết sách. Nguyễn Văn Siêu không những là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà còn là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Những tác phẩm của ông có Phương Đình dư địa chí, Chư kinh khảo ước, Chư sử khảo thích, Tứ thư bị giảng... Về sáng tác, tác phẩm của Nguyễn Văn Siêu tập hợp trong các bộ Phương Đình thi loại, Phương Đình văn loại... Sáng tác của Nguyễn Văn Siêu thể hiện đậm nét lòng tự hào của nhà thơ về đất nước, về dân tộc mình. Ông ca ngợi chiến công hiển hách đời Trần và qua đó khẳng định vai trò của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Trong thơ Nguyễn Văn Siêu cũng có nhiều bài miêu tả thiên nhiên hữu tình, nhất là cảnh Hà Nội, Hồ Gươm, Hồ Tây, sông Nhị, sông Tô, gò Đống Đa.v.v...

                                                                                    còn tiếp.........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét