Bút Tháp, Nghiễn Đài nhìn từ phía trong Đền ra. Bức ảnh này do Pierre-Marie Alexis Dieulefils ( 1862 - 1937 ) trong bộ ảnh gồm 5000 bức về Đông Dương chụp năm 1885 - 1909. Năm 1910, ông được huy chương vàng trong triển lãm ảnh ở Bỉ.
Đài Nghiên đặt trên nóc lớp cổng thứ ba. Đây là một cái nghiên được tạc từ cả tảng đá xanh, hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc khoét lõm lòng chảo, chiều dài quả đào 0,97m; bề ngang 0,8m; cao 0,3m; chu vi chừng 2 mét, cũng được làm từ năm 1865. Có ba con Thiềm Thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng.
Trên thân Nghiên có khắc một bài Minh mà tác giả cũng là Nguyễn Văn Siêu:
Phiên âm:
Cổ hữu, huyệt địa trực nghiễn, chú Đạo Đức Kinh, chước đại phương nghiễn, trước Hán Xuân Thu. Thạch tư nghiễn dã, phỉ tượng hà hình, bất phương bất viên, diệu tồn chủ dụng, bất cao bất hạ, vị hồ quyết trung, phủ Hoàn Kiếm thuỷ, ngưỡng thạch bút phong, ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật, hàm nguyên khí nhi ma hư không.
Đinh Sửu trùng tu. Phương Đình tử minh. Thọ Tháp thư.
Dịch nghĩa:
Xưa có:dùng thẳng hốc đất làm nghiên, chú giải Đạo đức kinh, đẽo nghiên lớn hình vuông, chép sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, không hình chẳng dáng, không vuông không tròn, ẩn chứa nhiều công dụng kỳ diệu. Không cao không thấp, ngôi ở chính giữa. Cúi soi nước Hồ Gươm, ngửa trông ngọn bút đá , ứng vào saoThượng Thai mà nhả lời hay. Ngậm nguyên khí mà mài vòm trời rộng. Đinh Sửu trùng tu(1937),Phương Đình làm bài Minh, người thôn Tự Tháp viết."
Khác với hai lớp cổng ngoài, hoặc là bốn hàng cột trụ hoặc là cửa trống, lớp cổng này có tường cao, có mái, có cửa cuốn, cánh cửa gỗ sơn son.Hai bên cũng có hai cửa nhỏ cũng bằng gỗ sơn son. Mặt trước cổng trên cùng là hai chữ Nghiễn Đài màu đỏ, dưới hai chữ này trên vòm cửa là Cuốn Thư đắp nổi. Trong bức ảnh chụp năm 1884 chưa có bức Cuốn Thư này, mới thêm vào năm Đinh Sửu khi trùng tu. Theo chuyên gia Hán Nôm Lâm Giang, trước kia có cửa lên nóc Đài Nghiên, sau năm 1937 trùng tu rồi bít lại không hiểu để làm gì, do đó mới đắp thêm Cuốn thư để mọi người cũng vẫn có thể xem được nội dung bài Minh khắc trên Nghiên. Cuốn Thư chép lại bài Minh trên thân nghiên đá theo lối Thảo Thư. Dưới Cuốn Thư là hình cách điệu một con Dơi to, hai bên Cuốn Thư có hai con Dơi nhỏ ngậm dây treo đôi câu đối (Dơi theo tín ngưỡng dân gian Trung Hoa là biểu tượng của điều Phúc do trong tiếng Hán hai từ này đồng âm ).
Đôi câu đối ở hai bên Cuốn Thư:
Bát đảo mặc ngân hồ thuỷ mãn
Kình thiên bút thế thạch phong cao
Nghĩa là:
Dấu mực vẩy lên đảo nước hồ thêm đầy
Thế bút vươn lưng trời núi đá càng cao
Đi qua cửa lớn, hai tường có mái che, trên mỗi bức tường có một bức đại tự màu đỏ.
Một bên là chữ Thiện, bên kia là chữ Ác, viết đậm nhất, to nhất,đối diện nhau, mỗi chữ trên một bức tường có mái che, trên nóc là Đài Nghiên. Đây là một cặp phạm trù triết học, Mạnh Tử cho rằng người ta tính bản Thiện, Tuân Tử cho là tính bản Ác, Tống Nho thì cho rằng tâm ý người ta có Thiện có Ác. Phải chăng đây là lời nhắn nhủ của Cụ Nguyễn Văn Siêu gửi tới hậu thế.
Chữ Thiện
Chữ Ác
Bước qua ba lớp cổng để vào đền Ngọc Sơn, tuy trước mặt là Thê Húc Kiều nhưng phía sau ta, mặt sau của lớp cổng thứ ba, cổng Đài Nghiên lại là một hệ thống Hoành phi câu đối như để chuẩn bị đưa ta vào hành trình khám phá kỳ thú những ẩn ý của Tiền nhân lưu lại cho Hậu thế.
Ba chữ Ngọc Sơn Từ sơn đỏ tươi nghĩa là Đền Ngọc Sơn, tên Ngọc Sơn do đời nhà Trần gọi tắt từ Ngọc Tượng Sơn do Lý Thái Tổ năm 1010 đổi tên từ Tượng Nhĩ Sơn ở Tây Bắc hồ Tả Vọng mà ra.
Bốn chữ ở Hoành Phi trên cùng là Ảnh Động Long Xà nghĩa là Rồng chầu rắn cuộn.
Sơn Cao nghĩa là Tầm cao của núi
Thuỷ Thanh nghĩa là Sự trong sáng của nước
Phía dưới cặp chữ này là đôi câu đối do hai con Dơi ngậm.
Dưới chữ Thuỷ Thanh là câu:
Vi văn bất tác khinh bạc ngữ đồ tự sính thư hoàng
Dưới chữ Sơn Cao là câu:
Luận sự thường tồn trung hậu tâm vật đại phân hắc bạch
Nghĩa là:
Luận việc hãy giữ lòng trung hậu đừng phân tách trắng đen
Làm văn chớ dùng lời khinh bạc kẻo tự chuốc chê bai
Mặt trong của cột có hai đôi câu đối, đôi câu đối quay mặt vào nhau như sau:
Tử khí quang hồi thiên chỉ xích
Hồng trần vọng cách thủy đông nam
Nghĩa là:
Khí tốt rọi về trời gang tấc
Bụi hồng cách nẻo nước đông nam
Đôi câu đối hướng vào Đền:
Dạ nguyệt hoặc quá tiên thị hạc
Hào lương tín lạc tử phi ngư
Tất cả các câu đối trong lớp cổng này đều hàm ẩn tư tưởng triết học của cả ba nhà Nho, Phật, Lão, chính vì vậy vô cùng khó dịch cho lọn nghĩa vì điển cố sự tích trập trùng, tầng lớp ngữ nghĩa bao la, thật kinh ngạc trước sự lao tâm vì hậu thế của Phương Đình tiên sinh khi thiết kế, bài trí đền Ngọc Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét